Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Sức hấp dẫn của văn xuôi phi hư cấu





Trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa, văn xuôi phi hư cấu (Non-fiction) ngày càng có vai trò to lớn và có tác động quan trọng tới độc giả không chỉ trong lĩnh vực báo chí mà cả trong lĩnh vực văn học. Có thể nói lịch sử văn học giao thoa với lịch sử báo chí là ở thể loại này.





Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt tác phẩm hồi ký của các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà; hồi ký của các nhà hoạt động chính trị như B. Clinton, B. Obama; nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc được xuất bản với số lượng lớn.

Trong văn bản phi hư cấu, người trần thuật luôn là người chứng kiến câu chuyện được kể lại. Đó không phải là câu chuyện được tưởng tượng mà là những sự kiện, biến cố có thật, có thể được kiểm chứng một cách khách quan.

Những sự việc và con người ở đây đều phải được xác định rõ ràng về địa chỉ. Sức hấp dẫn mà văn xuôi phi hư cấu đem lại chính là sức hấp dẫn của sự thật. Vì vậy mà người viết văn phi hư cấu thường có tư chất của người nghiên cứu đi tìm sự thật.

Điều chính yếu làm nên giá trị, phẩm chất và ưu thế của văn phi hư cấu là tính chính xác và trung thực của nó. Sự kiện đã xảy ra khi nào? Ở nơi chốn nào? Ai đã tham gia vào sự kiện đó? Trong tất cả những trường hợp này, người đọc đòi hỏi câu trả lời cặn kẽ và rõ nghĩa, dù đó là con số, ngày tháng, lời khẳng định hay phủ định.

Văn bản phi hư cấu giống như những mảnh tranh ghép, được xây dựng từ những bức chân dung nhân vật, những bức tranh miêu tả cảnh quan đời người và sân khấu chính trị – xã hội, những suy niệm và trầm tư thế sự…

Mở một văn bản phi hư cấu ra, độc giả có niềm tin rằng đây là cuộc đời tự nó lên tiếng và người trần thuật không can thiệp làm méo mó bản chất của sự kiện.

Nhưng đồng thời, độc giả cũng chờ đợi cuộc gặp gỡ với một người trần thuật sâu sắc và tinh tường, có năng lực phán xét thông minh và nhạy bén. Nếu không, bức tranh sự kiện có thể trở nên xanh xao, thiếu máu và tác giả có thể bị trách cứ là ngây thơ, ngờ nghệch, thụ động trước đời sống.

Những thể loại phi hư cấu được phổ biến rộng rãi trên báo chí trước khi in thành sách là ký sự, phóng sự, hồi ký, bút ký, nhật ký, tạp bút… Nhiệm vụ của ký sự là trình bày và giải thích những sự kiện mới và đặc biệt quan trọng nhưng lúc đầu chưa được công chúng chú ý thích đáng.

Ký sự luôn ở vùng giáp ranh giữa báo chí và văn học, cho phép văn học nhanh chóng hưởng ứng những đề tài và vấn đề thời sự của xã hội và con người.

Ký sự đa dạng về nội dung, nó liên quan đến những vấn đề chính trị, kinh tế, khoa học và văn hóa, miêu tả những hiện tượng trong đời sống xã hội, thiên nhiên và môi trường, những câu chuyện ở chiến trường và pháp đình, những điển hình tiêu biểu cho các nhóm lợi ích và nghề nghiệp khác nhau…

Phóng sự có đặc điểm là tính kịp thời, sự dồn nén thông tin và văn phong năng động. Là một thể loại phi hư cấu, phóng sự còn mang yếu tố chính luận: câu chuyện kể về các sự kiện được xen kẽ với những suy nghĩ và bình luận ngoại đề của tác giả.

Đối tượng của phóng sự thường là những tình huống cực đoan: tai nạn, thảm họa, những sự kiện ở các điểm nóng, chẳng hạn ở vùng chiến sự, thiên tai…

Hồi ký là một dạng văn phi hư cấu, một dạng văn học tư liệu, đồng thời cũng là hình thức văn xuôi tự thuật. Đó là sự trần thuật về những sự kiện và hiện tượng trong đời sống xã hội, chính trị, văn hóa, nghệ thuật mà tác giả là người chứng kiến hay tác nhân của lịch sử, với những nhân vật mà người ấy tiếp xúc.

Ở Việt Nam, hồi ký của các nhà văn được chú ý: Cát bụi chân ai và Chiều chiều của Tô Hoài, Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, Những nhân vật ấy đã sống với tôi của Nguyên Hồng, Từ bến sông Thương của Anh Thơ, Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký song đôi của Huy Cận… Ngoài ra còn có hồi ký của một số nhà hoạt động nghệ thuật như Phạm Duy, Trần Văn Khê…

Trong văn học Việt Nam cũng như thế giới đã từng xuất hiện không ít trường hợp những tác phẩm phi hư cấu là đề tài tranh luận của giới sáng tác và phê bình, khi nó viết về những con người và sự kiện có thật nhưng đưa ra những nhận xét chủ quan và tùy tiện làm tổn thương không chỉ nhân vật mà cả niềm tin của độc giả.

Điều này đặt ra một trong những vấn đề cốt lõi của thể loại phi hư cấu, đó là sự ràng buộc đạo đức của người viết và giới hạn can thiệp của người này vào cuộc đời riêng tư của người khác.

Theo DOANH NHÂN SÀI GÒN

Văn chương mạng và những dấu hỏi...Văn học





Từ sự xuất hiện một số tác phẩm văn chương trên internet và sự ra đời của khái niệm "văn học mạng", gần đây có một số ý kiến dự đoán rằng, "văn học mạng" sẽ là xu thế tất yếu của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, từ diễn biến của các hiện tượng "văn học mạng" có thể thấy, cơ sở bảo đảm cho dự đoán ấy vẫn còn rất xa vời.





Ở Việt Nam, thành quả đầu tiên của "văn học mạng" mới chỉ dừng lại ở phạm vi lý luận, phê bình văn học. Internet đã góp phần kết nối môi trường học thuật trên thế giới với Việt Nam, và giúp các nhà phê bình, lý luận văn học có thể tiếp cận, tiếp nhận, trực tiếp đánh giá các trường phái, lý thuyết, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đang thịnh hành trên thế giới. Ðã qua thời kỳ các nhà phê bình, lý luận văn học Việt Nam phải trăn trở vì chỉ được tiếp nhận các lý thuyết nghiên cứu, phê bình một cách muộn mằn. Hiện tại, giới lý luận, phê bình đã có thể so sánh, có cái nhìn toàn diện hơn về lý luận, phê bình văn học của các nước khác, cũng như nhận định các khuynh hướng có thể ra đời của văn học nước nhà và thế giới ở tương lai gần. Khi chưa có điều kiện xuất bản, đã có một số công trình dịch thuật lý luận văn học được một số nhà nghiên cứu, phê bình đăng tải trên internet và giúp người yêu văn học tiếp xúc với tư liệu. Cũng từ đó, dường như không ít nhà phê bình văn học đã tìm được "công cụ" còn thiếu cho công việc của họ, đó là internet. Với một số người, internet là nơi họ đối thoại về phê bình văn học cũng như kiểm định suy nghĩ của mình với "người đọc lý tưởng" khác và "lý luận, phê bình văn học mạng" dường như đã bắt đầu định hình hướng đi? Tuy nhiên, không phải nhà phê bình nào cũng giữ được sự tỉnh táo và luôn ước muốn truy cầu các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì có nhà phê bình viết tiểu luận như chỉ để khoe kiến thức, áp đặt những giá trị không thể có cho tác phẩm mà họ tiếp cận. Thậm chí để chứng minh cho lý thuyết, quan điểm mà mình theo đuổi, có người sẵn sàng xuyên tạc tác phẩm theo chiều hướng có lợi cho bài viết. Rồi tác giả khác lại sử dụng phê bình để tán dương tác phẩm phi giá trị nghệ thuật, phi giá trị đạo đức, thay vì lẽ ra cần giúp nghệ sĩ nào đó có xu hướng tinh thần mông lung, hoặc bị tha hóa, tìm đến với con đường đúng. Bằng cách mớm đặt suy nghĩ phù phiếm dưới cái vỏ hoa mỹ, cao đạo, hình như các "anh hùng bàn phím" này đang ngấm ngầm khiêu khích, kích động một số nhà văn, nhà thơ vốn chứa sẵn "cái tôi" ảo tưởng về tài năng của mình thành người quá khích, và gây nguy hiểm cho xã hội.

Có một điều là trong khi lý luận, phê bình văn học đã đặt được một số dấu ấn trên internet, thì sáng tác văn chương trên mạng vẫn cần thêm thời gian để khẳng định. Thực tế của sự tồn tại các tác phẩm được coi là văn chương trên mạng cho thấy dường như chỉ có "văn chương thị dân" (định nghĩa do một số nhà phê bình định danh cho sáng tác trên mạng) phục vụ nhu cầu giải trí và sự tò mò của một nhóm độc giả nhất định là vẫn "sống khỏe". Dù vậy, nhìn chung các tác phẩm này vẫn chưa có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với một số tác phẩm ngoại nhập. Như với truyện Ngôn tình chẳng hạn, một số trường hợp có vẻ là hấp dẫn người đọc thì vẫn không giấu được tình trạng rập khuôn, "mì ăn liền", chưa thấy tác giả có khả năng sáng tạo dồi dào. Trào lưu viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết như một tập "nhật ký mạng" lúc đầu được một số độc giả đón đợi, giờ đây như trở thành một "món ăn" khá nhàm chán. Ðáng tiếc là tác phẩm kiểu này vẫn ra đời, và càng ngày càng cho thấy tác giả viết như không cần sáng tạo, thiếu ngôn từ độc đáo, thiếu dụng công, và nổi lên là tình trạng "đạo văn" dưới các hình thức tinh vi.

Dẫu sao thì internet vẫn chưa phải là mảnh đất lành cho các sáng tác có đầu tư về mặt tư tưởng - nghệ thuật, nếu không nói nó còn tạo ra sự lười nhác, bất cẩn khi tác giả viết rồi trực tiếp đưa lên mạng mà không tự biên tập (chí ít về câu chữ), hay nhờ đồng nghiệp đọc giúp. Rất ít người viết lựa chọn internet như một phương tiện đưa sáng tác đến với độc giả; cho dù có tác giả quyết định sáng tác tiểu thuyết trên internet, và lựa chọn "ngôn ngữ mạng" là một trong các ngôn ngữ chính trong tiểu thuyết của mình. Trên một số website được cho là ủng hộ "văn học ngoại biên, văn chương xuyên biên giới" tình hình có vẻ sôi động hơn về số tác phẩm, tác giả gửi bài. Nhưng giá trị đích thực của các tác phẩm này vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ðã có không ít sáng tác thơ ca được người ta tán tụng là "ngoại biên" thực chất chỉ là một văn bản liên tục cách dòng với ý tứ thô thiển, lời lẽ tục tĩu nhằm xuyên tạc, bôi nhọ văn hóa và xã hội, tạo nên những hình tượng méo mó. Với định danh "ngoại biên", mục đích của họ như chỉ để lao vào một thế giới hư danh, với các lợi ích phù phiếm hoặc tư lợi chính trị, yêu sách cá nhân chứ không phải do nhu cầu vì sự sống của văn chương, như họ hô hào.

Vài năm gần đây, một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình như đang nhầm tưởng vì ngỡ internet là "thế giới lý tưởng" cho sáng tác. Về "văn chương mạng thuần túy", một nhà thơ định nghĩa đó là văn chương của "tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của internet, xử lý thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hy vọng hay thất vọng cũng trên mạng...". Ðịnh nghĩa này, suy cho cùng chỉ là một định nghĩa không tưởng, xét trên một số phương diện. Dẫu sinh động hoặc hấp dẫn đến thế nào thì internet vẫn không thể tách khỏi đời sống, không phải là một thế giới khác mà chúng ta quen gọi là "thế giới ảo", như trong các phim khoa học viễn tưởng, để phân biệt với cuộc sống thực. Trước sau với văn chương, internet vẫn chỉ là một phương tiện truyền thông hiện đại, một công cụ giao tiếp thông tin linh hoạt, nhanh nhạy giữa nhà văn và bạn đọc. Còn việc lựa chọn bảo vệ hoặc công khai danh tính có lẽ lại là một vấn đề khác chứ không chỉ là đặc trưng riêng của "văn học mạng".

Một nhầm lẫn khác mà một số người sáng tác văn chương trên mạng đang lầm tưởng là quá trình "đồng sáng tác" giữa người viết và bạn đọc, coi đó là sự triệt tiêu dần "cái tôi" của nhà văn để đem một tác phẩm văn chương mẫu mực đến với số đông. Người đưa ra định nghĩa này cho rằng, văn chương mạng khác văn chương chính thống ở chỗ nó luôn trong quá trình vận động dang dở. Hiểu như vậy, cũng là sản phẩm của cái nhìn có phần phiến diện. Không chỉ đến khi có internet, nhà văn mới có quá trình giao lưu với bạn đọc để "đi tìm nhân vật" cũng như "con đường" cho "đứa con tinh thần" của mình. Trên thực tế, quá trình giao lưu giữa nhà văn với độc giả đâu chỉ diễn ra khi có internet. Ian Fleming, cha đẻ bộ truyện trinh thám nổi tiếng về điệp viên James Bond từng thừa nhận: Ông đã có nhiều ý tưởng mới cho anh chàng có bí danh 007 này sau khi nhận được góp ý thư từ của những bạn đọc. Trước Fleming rất lâu, Tolstoy cũng đã từng đăng Anna Karenina thành truyện dài kỳ trên báo trước khi ấn bản tác phẩm nhưng kiên quyết không thay đổi số phận của nữ nhân vật chính bất chấp thư yêu cầu độc giả để dẫn đến kết cục bi thảm trong tiểu thuyết như chúng ta đã biết. Như vậy, trước sau dù độc giả có thể can thiệp một phần nào đó vào tác phẩm, tác giả vẫn là người duy nhất có quyền định đoạt số phận "đứa con tinh thần" của mình ra sao, bất chấp lời đăng đàn xin lỗi của họ đối với độc giả, trường hợp gần đây nhất là J.K.Rowling với bộ truyện Harry Potter nổi đình đám. Còn ý kiến khác cho rằng, nhà văn hòa mình vào với bạn đọc là tạo ra một hình thức văn học dân gian mới, thì hoàn toàn là nhận định phi thực tế, đi ngược với sự vận động của văn học. Thử hỏi ở Việt Nam, chúng ta đã thu được bao nhiêu giá trị đích thực từ sáng tác văn học dân gian sau vài nghìn năm so với số tác phẩm văn chương thành văn của thế kỷ 20, 21 cộng lại? Nhân nhắc tới văn học dân gian, bài học của các nhà văn thích sáng tác như vậy làm liên tưởng tới trường hợp người "đẽo cày giữa đường"!

INTERNET đã tạo thêm cơ hội để tác phẩm đến với người đọc một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian, mở rộng không gian trao đổi của nhà văn đối với xã hội. Nhưng điều quyết định vẫn là tài năng, là đạo đức nghề nghiệp, và yêu cầu sáng tác vẫn phải là: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào và sau cùng vẫn phải hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Dù trên internet, thì tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm văn chương khi đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về tư tưởng - nghệ thuật. Internet không thể biến bộ óc bất tài trở thành nhà văn, nhà lý luận, phê bình, hay biến các sản phẩm "phản văn chương" thành nghệ thuật. Có chăng là với internet, trong một số trường hợp, chỉ là liều thuốc an thần an ủi người hư danh, thích sống trong ảo vọng được cưng chiều, ca ngợi, bợ đỡ của những cá nhân có xu hướng tinh thần tương tự. Vì vậy trước khi nghĩ tới việc các trang web, diễn đàn có thể "nuôi sống" "nhà văn mạng" khiến họ yên tâm sáng tác, tạo ra một kênh sách điện tử, truyện điện tử cạnh tranh với thị trường sách in (xa hơn là viễn cảnh một mạng văn học thay thế hoàn toàn văn học chính thống!), các nhà phê bình, lý luận cũng như nhà văn, nhà thơ hãy cố gắng rèn luyện tài năng, đạo đức của mình và tạo ra mọi cơ hội có thể để nghệ thuật đích thực đến được với người đọc.

Theo NHÂN DÂN ONLINE

Vì sao Phật giáo gần như biến mất khỏi Ấn Độ?





Vào khoảng năm 525 trước Jésus, Đức Phật đã tiên đoán rằng 2.500 năm trăm năm sau, tuy Phật giáo có khoảng 700 triệu tín đồ trên toàn thế giới, nhưng lại biến mất trên đất nước Ấn Độ, nơi mà trước đó Phật giáo từng là một trào lưu tình thần chính yếu, suốt cho đến thế kỷ thứ X.




Tại sao lại như thế? Ông Philippe Cornu đã đưa ra một lời giải đáp cho câu hỏi này.


Philippe Cornu là đương kim Chủ tịch Đại Học Phật Giáo Âu châu, Giảng sư tại Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Inalco) của Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật giáo, dịch nhiều kinh sách từ các tiếng Tây tạng, Trung hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng dạy về Phật giáo. Một trong những công trình đáng kể của ông là quyển Tự điển bách khoa Phật giáo.

Sau đây là báo phỏng vấn Philippe Cornu do nữ ký giả Cathérine Golliau thực hiện, đăng trên tạp chí Le Point của nước Pháp.

- Chúng ta phải định nghĩa Phật giáo như thế nào?

- Đó là con đường tâm linh nhắm mục đích tự giải thoát khỏi vô minh và lầm lẫn, nguồn gốc đưa đến khổ đau, và giúp đạt được Giác ngộ, tức một thể dạng lột trần được mọi ảo giác, và từ thể dạng đó sự thực tối thượng sẽ hiển hiện.Người ta thường xem Phật giáo là một tôn giáo, trong chiều hướng Phật giáo chủ trương một con đường đạo đức, một luận thuyết triết học, đề nghị những nghi lễ và cách thức tu tập tinh thần trong mục đích giải phóng con người : vì thế cần phải đặt lòng tin nơi Đức Phật để bước vào con đường ấy. Tuy nhiên Đức Phật không phải là một vị thần, và Đạo Phật, còn gọi là Bouddha-darma (Đạo Pháp của Đức Phật) không phải là một tôn giáo thờ trời, theo ý nghĩa một vị thần sáng tạo.

- Có phải đấy là một phản ứng chống lại Đạo Bà-la-môn hay không?

- Đức Phật xuất hiện vào một thời điểm mà các bản kinh Vệ-đà của Đạo Bà-la-môn bị chỉ trích là chỉ biết chú trọng đến nghi lễ, một số người không chấp nhận khía cạnh ấy của Đạo Bà-la-môn đứng ra soạn thảo các kinh điển mới gọi là Upanisad, các kinh này quan tâm nhiều hơn đến sự giải thoát cá nhân. Con đường của Đức Phật nằm trong bối cảnh diễn tiến đó của kinh điển Upanisad, tuy nhiên tính cách đặc thù trong luận lý và kinh nghiệm của Đức Phật khác hẳn các hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn qua các kinh điển Upanisad như vừa kể.

- Đâu là những khác biệt chính yếu cho thấy những điểm trái ngược giữa hai trào lưu đó?

- Trọng tâm trong những lời giáo huấn của Đức Phật là tính cách vô thường của tất cả mọi sự vật, sự kiện không hề có một “cái ngã” trường tồn, và những gì mà thông thường người ta gọi là sự tương liên hay là sự tương tạo dựa vào nhiều điều kiện, nguyên tắc ấy cho thấy mọi hiện tượng chỉ có thể hiện hữu bằng cách liên đới với nhau, những hiện tựng này làm điều kiện giúp cho những hiện tượng khác hiện hữu.

Tham vọng muốn kiểm soát mọi vật thể và lòng ước mong chận đứng, bằng bất cứ giá nào, những chuyển động của vô thường, sẽ làm phát sinh những hiểu biết sai lầm về thế giới này và do đó chỉ đem đến khổ đau mà thôi.

Tại sao lại như thế?

Bởi vì tất cả những hành vi của chúng ta đều nhắm vào ý đồ kiểm soát thế giới này và mọi sự hiện hữu, và sự căng thẳng đó nhất thiết sẽ tạo ra một hố sâu khổng lồ ngắn cách một bên là những gì chúng ta mong muốn được nhìn thấy và tin rằng những thứ ấy là hiện thực, và bên kia là bản thể đích thực của hiện thực.

- Tuy thế Phật giáo và Ấn độ giáo đôi khi lại sử dụng một số ngôn từ giống nhau...

- Đúng thế, nhưng ý nghĩa thì lại khác nhau. Hãy lấy thí dụ chữ “karma” (nghiệp) (1). Trong Đạo Bà-la-môn thuộc hệ thống kinh điển Vệ-đà, karma tượng trưng cho một hành vi mang tính cách nghi lễ giúp hội nhập với thế giới thiêng liêng. Đối với Đạo Bà-la-môn cải tiến trong hệ thống kinh điển Upanisad, thì chữ karma lại mang ý nghĩa về luân lý : tùy theo hành vi mang phẩm tính thiện hay ác, sẽ tạo ra một loại khả năng tiềm tàng, và chính khả năng ấy sẽ chín muồi khi tái sinh trong một kiếp sống thuận lợi hay bất thuận lợi về sau.

Ngoài ra, Ấn độ giáo lại chủ trương một hình thức định mệnh : chẳng hạn khi rơi vào một giai cấp nào thì phải tùy thuộc vào giai cấp ấy và không thể nào thoát ra được, bởi vì karma đã quyết định như thế.

Trong khi đó đối với Phật giáo, karma là một hành vi, và trước hết là một ý đồ trong tâm thức. Phật giáo phân biệt rõ rệt karma nguyên thủy làm nguồn gốc và hậu quả phát sinh sau đó từ karma, đấy là hai thứ khác nhau không thể lầm lẫn được. Sự phát sinh của hậu quả không thể tránh khỏi, nếu ta không làm gì cả để hoá giải nó, và hơn thế nữa ta còn có thể tinh khiết hoá cả karma trước khi nó chín muồi.

Mặt khác, karma không ép buộc con người phải sống một cách thụ động trong một cấu trúc xã hội đã quy định sẳn : mỗi cá nhân phải tự nắm lấy vận mệnh của mình để tự giải thoát cho chính mình ra khỏi karma, vì đó là một thứ động cơ thúc đẩy gây ra khổ đau, cần phải được khắc phục. Người ta cũng có thể tìm hiểu theo phương cách tương tợ đối với chữ “samsara” (luân hồi). Chữ samsara mang một ý nghĩa giống nhau trong cả hai nền triết học Bà-la-môn và Phật giáo, tức có nghĩa là sự hiện hữu dựa vào nhiều điều kiện.

Nhưng đối với Ấn độ giáo, con người chỉ có thể thoát ra khỏi samsara khi nào linh hồn hay “cái ngã” (atman) được giải thoát để hội nhập với thể dạng Nhất Nguyên Vĩ Đại.

Trong khi đó đối với Phật giáo, samsara trước hết là một sự quán nhận, phát sinh từ nhiều điều kiện, về một sự hiện hữu do karma và dục vọng của chính mình tạo tác, vì thế mỗi cá nhân phải tự giải thoát chính mình ra khỏi cảnh giới luân hồi.Vì vậy, cần phải định nghĩa trở lại các ngôn từ trong từng trường hợp một.

- Phật giáo có thu nạp các vị thần của Ấn giáo hay không ?

- Có. Toàn bộ hậu cảnh huyền thoại của Ấn giáo đã được thu nạp vào Phật giáo. Nhưng ở đây cũng phải nhắc lại thêm một lần nữa, tuy Phật giáo đã thu nạp nhưng thu nạp với ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.

Thật vậy, theo Phật giáo các vị thần đều được xem là thuộc vào cảnh giới samsara (luân hồi). Vi chính các vị thần vẫn còn vướng mắc trong sự lầm lẫn ! Dù cho họ có một đời sống lâu dài đi nữa, nhưng khi karma đã cạn, họ sẽ rơi vào một cảnh giới khác của samsara. Họ không thể thoát khỏi bản chất có tính cách toàn diện của khổ đau.

- Nhưng tại sao nền triết học ấy chủ trương tìm kiếm sự giải thoát, lại còn cần đến các vị thần?

- Đức Phật không hề tìm cách bài bác bất cứ một thứ gì. Ngài chỉ đơn giản đặt mọi sự vật vào đúng vị trí của chúng. Các vị thần không phải là mục đích cũng không phải là những nhu cầu của Ngài, và đương nhiên không hề là một đối tượng cho sự nương tựa.

Trong Phật giáo người ta nương tựa vào nguyên tắc của Giác ngộ, vào những lời giáo huấn đưa đến Giác ngộ, và vào tập thể những người đã chọn những lời giáo huấn ấy. Đấy là những gì mà người ta gọi là Tam Bảo : Đức Phật, Dharma (Đạo Pháp) và Sangha (Tăng đoàn).

Đức Phật là nguyên tắc của Giác ngộ, vì thế Ngài là một vị hướng dẫn ; Dharma là những lời giáo huấn và cách thức tu tập mà Đức Phật đã khuyên bảo để giúp đưa đến Giác ngộ ; Sangha là tập thể Tăng đoàn, nhất thiết họ là những tu sĩ, những vị hiền nhân.

Các vị thần được xem như những gì mang tính cách truyền thống lâu đời : người ta kính trọng các vị ấy như những người láng giềng và xem họ là những biểu hiện mang tính cách dân gian, những vị ấy rồi sẽ tự xoá mờ, dần dần từng chút một, trước một mục đích cao rộng hơn. Chính sự bao dung đó đã giải thích sự thành công của Phật giáo. Đó là một nền triết học thật mềm dẽo đủ sức để thích ứng với tất cả mọi nền văn hoá.

- Phật giáo không chấp nhận giai cấp trong xã hội. Vậy có phải Phật giáo chống lại trật tự xã hội của Đạo Bà-la-môn hay chăng ?

- Từ nguyên thủy, chủ đích của Đức Phật không phải là thay đổi trật tự xã hội. Nhưng chỉ để thiết lập một dòng tu sĩ, nhưng vì vị thế tự đứng ra bên ngoài thế giới này, nên dòng tu sĩ ấy đã mở cửa đón nhận tất cả mọi cá nhân, thuộc tất cả mọi nguồn gốc và giai cấp, đúng hơn phải nói là Đức Phật đã tạo ra một sự dứt bỏ.

- Phật giáo sau đó đã phát triển thật mạnh mẽ trong đế quốc của vua A-Dục. Tại sao Phật giáo đã chủ trương niềm tin về “vô ngã” lại có thể phù hợp được với sức mạnh của uy quyền ?

- Nền triết học đó không hề tìm cách thay đổi một xã hội, nhưng chỉ chủ trương sự biến cải cá nhân trong lòng của mỗi cá nhân : nhưng nếu vì thế mà xã hội có thay đổi đi nữa, thì đó chính là nhờ từng cá nhân đã tu tập để tự biến cải tận đáy lòng của chính họ.

A-Dục là một vị đế vương xuất thân từ dòng dõi võ bị ; triều đại khởi sự bằng chém giết : và chính vào thời điểm đó ông ta đã ý thức được khổ đau là gì và đã quy y.

Nhưng chúng ta cũng không nên lầm lẫn : quả thật có một huyền thoại mạ vàng về sự kiện vua A-Dục quy y làm một Phật tử, và đã đem đến thanh bình và hạnh phúc cho toàn cõi đế quốc của ông. Trong đó có một phần sự thật, vì thực tế không hoàn toàn chỉ có màu hồng, dù sao đi nữa vua A-Dục cũng là một vị vua độc đoán...

- Làm thế nào để giải thích Phật giáo đã chinh phục được cả Á châu lại biến mất ở Ấn độ, trong khi Ấn giáo gần như không bành trướng ra khỏi Ấn độ nhưng vẫn tiếp tục sinh động trên bán lục địa này ?

- Phật giáo đối đầu với Ấn giáo, giống như là một hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn khi Phật giáo tiếp xúc với Đạo này, Phật giáo ăn sâu vào các cấu trúc xã hội và được chính quyền nâng đỡ. Nhưng về sau đã bị các đạo quân Hồi giáo tiêu diệt khi xâm chiếm lãnh thổ Ấn độ.

Phật giáo chủ trương thiết lập những Đại học to lớn, chẳng hạn như Na-lan-đà, gồm hàng ngàn tu sĩ, đấy là nhưng nơi tập trung đông đảo về nhân sự nên dễ bị tiêu diệt. Ấn giáo dựa vào cấu trúc gia đình vì thế khó bị hủy diệt hơn (3).

Cũng nên thẳng thắn mà nói : chính những đạo quân Hồi giáo đã làm cho Phật giáo biến mất ở Ấn độ giữa buổi bình minh của thế kỷ XIII.

------------------------------------------

Chú thích của người dịch:

1- Karma : tức là nghiệp. Kinh sách Tây phương không dịch mà thường dùng thẳng một số ngôn từ có tính cách đặc thù của Phật giáo dưới hình thức chữ Phạn. Chẳng hạn như các chữ Dharma, samsara, nirvana, atman v.v… Kinh sách tiếng Việt quen dùng các từ dịch từ tiếng Hán, và người đọc cũng đã quen với ý nghĩa của các từ ấy. Tuy nhiên người dịch xin giữ lại các từ tiếng Phạn đúng như trong nguyên bản của bài viết này, chỉ thêm từ tương đương gốc tiếng Hán giữa hai dấu ngoặc.

2- Các vị thần ở đây có nghĩa là các thánh nhân, thiên nhân, thần linh, các đấng thiêng liêng, v.v… được tôn thờ trong Đại thừa Phật giáo. Một số có nguồn gốc Ấn giáo, một số phát xuất từ các nên văn hoá địa phương tùy theo quốc gia nơi Phật giáo phát triển.

3- Thật ra Phật giáo đã bắt đầu suy thoái trước đó. Người Hung nô hết sức thù nghịch với Phật giáo, và vào thế kỷ thứ V, các đạo quân của họ xâm chiếm Tây bắc Ấn độ, đã tàn phá tất cả các trung tâm Phật giáo trong vùng này. Chính quyền trung ương Ấn độ cũng bị tan rã, Hoàng triều Gupta xụp đổ. Phật giáo di chuyển dần về các vùng trung tâm trên lãnh thổ Ấn. Các vương quốc phía Nam tuy không thù nghịch hẳn với Phật giáo, nhưng cũng không hổ trợ Phật giáo như các vua chúa của vùng Bắc Ấn.

Sau người Hung nô, các đạo quân Hồi giáo phát xuất từ Afghanistan lại xâm chiếm nước Ấn, họ tàn phá trung tâm Đại học Na-lan-đà vào năm 1199, thiêu hủy thư viện khổng lồ của Na-lan-đà và giết hết các tu sĩ.

Biến cố đó đánh dấu sự chấm dứt cuối cùng của một trang lịch sử vô cùng rực rỡ của Phật giáo kéo dài mười bảy thế kỷ trên đất Ấn.

Theo NGUYENHOAIVAN



Share

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

THỜI VẮNG TÌNH THƯƠNG


 DR. NIKONIAN 


Một

Mẹ con nhà Watson là một gia đình gốc Boston và cực kỳ vui tính. Chẳng biết vì lý do nào, họ định cư ở Sài Gòn và bà cụ nhà Watson là bệnh nhân của tôi trong nhiều năm. Với một lô bệnh tật kinh niên, bà Watson tuy hom hem nhưng khi nào cũng cười. Mỗi lần gặp họ dù trong bệnh viện, nhìn mẹ con họ cười đùa, trêu chọc nhau, rất hóm hỉnh và đầy âu yếm, không thể không mỉm cười và dừng tay quan sát. Nhất là chiều nay, gã Watson dềnh dàng kia tự tay bới tóc cho mẹ già đang lập cập ngồi xe lăn, vừa bông lơn về lọn tóc loăn xoăn của bà cụ. Thấy gia đình người hạnh phúc mà cứ thầm lo cho tuổi già của mình, liệu có được những niềm vui như thế?

Nhà ông V. thì khác! Người Huế, cựu kiểm lâm thời Pháp thuộc, vợ chồng con cái cư xử với nhau cực kỳ nghiêm cẩn. Người con trai tóc đã hoa râm của ông V., đưa cha già đi khám bệnh đầy cung kính, một hai “con mời ba lên giường nằm để bác sĩ khám”. Nghe qua có phần khách sáo, nhưng khi thấy anh ta nhoẻn cười sung sướng khi biết cha mình vẫn khoẻ, mới thực tin đó là lòng hiếu thảo với cha già mẹ yếu.

Nhưng không phải mình tôi, mà rất nhiều nhân viên y tế khác, đã phải chứng kiến không ít những cảnh đau lòng trong bệnh viện. Khi những bậc cha mẹ già cả cao niên, bệnh tật thoi thóp, bị con cháu bỏ rơi, lở loét, hôi hám, và chết dần mòn trên giường bệnh. Mà bệnh viện thì cũng chỉ là tấm gương soi của xã hội ngoài kia, khi những tin tức con cái giết cha, đánh mẹ, kiện nhau ra toà… cũng đang nhan nhản trên báo chí mỗi ngày.

Hai


“Người đời nhà Hán, thờ mẹ chí hiếu, nhân khi cửa nhà sa sút, thường bữa ông thấy mẹ không dám ăn no, cứ bớt phần cơm để đưa cho con của ông mới vừa lên 3 tuổi ăn. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc: Mẹ già không đủ ăn, mà vợ chồng ta còn sinh đẻ được, nếu để con mình chia xẻ ngọt bùi của mẹ là không phải đạo. Thế rồi hai vợ chồng định đào hố chôn con đi.”…

Đừng nghĩ rằng việc đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão như các nước phương Tây là đại bất hiếu. Ở đấy, các cụ được tự do, thoải mái, được kết bạn với những người cùng thế hệ, được chăm sóc chu đáo bởi những người chuyên nghiệp. Về nhiều mặt, nó tốt hơn nhiều so với một chế độ tam đại đồng đường kiểu Á Đông, khi nhiều thế hệ phải chung chạ, chịu đựng lẫn nhau trong một không gian nhỏ hẹp và thiếu tiện nghi. Và không phải khi nào cũng có sự hiểu biết, cảm thông giữa các thế hệ.

Là người Mỹ, ắt gã Watson kia không thể nào hiểu được câu “nước mắt chảy xuống” rất thâm thuý của người Việt. Chỉ trong 4 chữ, nó diễn tả được sự nhưng không, vô điều kiện và không đòi đền đáp của tình thương cha mẹ dành cho con cái. Nó không giống như quan điểm của nho gia phong kiến xem con cái là nguồn lực lao động, là sự bảo hiểm hay nơi nương tựa cho tuổi già. Trên quan điểm đó, việc báo hiếu, hay TRẢ hiếu là một sự báo đáp, đền bồi lại công sinh thành dưỡng dục. Từ góc độ xã hội, nó mang lại cho người già những sự chăm sóc tối thiểu và có tính vay-trả, rất mực công bằng và hợp lý.

Cha mẹ nuôi ta khôn lớn, và ta có bổn phận chăm sóc lại cha mẹ ta lúc các người già yếu, không còn khả năng làm việc. Đó là một khế ước xã hội được nâng lên hàng đạo lý. Qui ước xã hội ấy, đặc biệt cần cho những người già neo đơn, bệnh tật. Và đặc biệt cần thiết trong một xã hội nhân mãn và nghèo túng, khi những phúc lợi an sinh cho người già gần như không có.

Ba

Điều đáng ngạc nhiên là trong những xã hội duy tình và xem nhẹ phần lý trí, bổn phận của con cái với cha mẹ lại được nâng lên thành những qui chuẩn khắt khe về lý tính. Luật Đạo hiếu rất chi tiết mới được thông qua ở Trung Quốc là một ví dụ. Đạo luật này, qui định những bổn phận rất cụ thể của con cái như thăm nom, chu cấp cho cha mẹ. Nó cũng xác lập những điều mà phận làm con không được làm với đấng sinh thành như cản trở kết hôn, ngược đãi hay bạo hành… Và như mọi luật pháp khác, cha mẹ có thể khởi kiện con cái nếu chúng vi phạm, hay không chấp hành luật này.

Lượng hoá tình thương yêu cha mẹ và minh hoạ một cách cường điệu, cũng là thông điệp mà Nhị thập tứ hiếu diễn ca muốn để lại cho hậu thế về đạo hiếu, vốn rất giản dị. Đạo hiếu ấy, nhiều khi được khoa trương, phóng đại lên một cách dị hợm. Từ những đám ma linh đình, phô phang đủ loại cờ đèn kèn trống. Từ hủ tục khóc mướn, thuê người kể lể lòng tiếc thương cha mẹ. Cho đến câu chuyện bi thảm của Quách Cự trong Nhị thập tứ hiếu bớt phần cơm của con, thậm chí chôn sống con để nuôi mẹ già. Lòng hiếu đến mức cực đoan như vậy, liệu có đáng để nêu gương cho hậu thế? Nếu không gọi là biến thái của ngu trung ngu hiếu?

Bốn


…“Đến lượt mình, Phúc bước ra, mở đầu bằng câu hỏi:

- Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không?

Ông bố đã trả lời thế này:

- Dạ thưa tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông!” …

Trích đoạn kinh khủng trên từ Mảnh đất lắm người nhiều ma[1] của Nguyễn Khắc Trường không phải là chuyện hư cấu. Chuyện con cái đấu tố cha mẹ, bất hiếu đại nghịch như thế… đã từng xảy ra ở nông thôn miền Bắc. Cũng như đã là một phần đầy máu lệ của những trang sử thời Cách mạng văn hoá ở Trung quốc.

Mỉa mai thay, đấu cha tố mẹ lại là sản phẩm của một xã hội rất mực sùng kính Nhị thập tứ hiếu. Đã có thời, đấu tố cha mẹ mình được xem là hợp pháp, tiến bộ và là biểu hiện “ngời sáng” của đạo đức. Và như một qui luật, cùng tắc biến, biến tắc thông, xã hội đã từng rất mực vô đạo ấy lại đẻ ra những qui định rất cụ thể về đạo, về hiếu để răn dạy các công dân của mình.
Vô đạo nên cần có đạo để dẫn đường, âu đó cũng là lẽ tự nhiên. Dù rằng đạo hiếu mà qui thành luật, không ai phản bác nhưng nghe cứ “ngậm đắng nuốt cay thế nào”

Năm

Sự tận tuỵ của người con trai cụ V. là kết quả của một nền giáo dục nghiêm cẩn, một gia phong tốt đẹp qua nhiều thế hệ. Nó là một cung cách sống, một hành xử đương nhiên và đứng trên, hay đứng ngoài mọi qui định pháp luật. Ắt hẳn, những thành viên của gia đình cụ V. khi nào cũng sẽ đối xử với nhau như thế, bất kể mọi thời thế đảo điên.

Nhưng tôi thích cái cách mà nhà Watson bày tỏ tình yêu với nhau. Nó giản dị, dễ dàng, tự nhiên và vượt qua mọi rào cản lễ nghĩa nặng nề. Tôi chắc rằng, gia đình Watson không hề được giáo dục về những tấm gương cụ thể như “Nhị thập tứ hiếu”. Truyền thống Thanh giáo của gia đình họ chỉ được căn dặn qua một giới răn ngắn ngủi: “Thảo kính cha mẹ!”. Căn bản đạo đức, cộng với tình yêu làm nên chữ hiếu của gã Watson mà không cần bất cứ qui định cụ thể nào. Bà cụ Watson an hưởng tuổi già và tình yêu của con cháu mà không hả hê mãn nguyện với sự báo đáp mang tính trả ơn.

Cái tình yêu của nhà Watson, không phải áp đặt, hay vì tuân thủ luật pháp mà có. Vì mọi tình yêu đích thực thì không màng đến các qui định. Và vì qui định được đặt ra nhằm giới hạn những điều không được làm, chứ không phải để xác lập những điều xuất phát từ trái tim. Hiểu theo cách đó, luật Đạo hiếu mới ban hành ở Trung quốc là đúng đắn, nếu như nó ngăn cấm con cái ngược đãi, bỏ rơi cha mẹ. Hay nói cách khác, nó cấm cản những điều mà phận làm con không được đối đãi với đấng sinh thành. Trong những xã hội mà nền an sinh cho người già gần như là số không, thì những qui định này là cần thiết và là bảo chứng (trên giấy) cho một dân số già nua và theo đuổi chính sách một con.

Nhưng nói cho cùng, khi cái lòng thương yêu cha mẹ mà phải được (bị) luật hoá, thì xã hội ấy đã vô cùng thiếu vắng tình thương và căn bản đạo đức đến tận cùng. Hiểu theo chiều kích ấy, 24 tấm gương đại hiếu theo kiểu Trung hoa đã là sự khoa trương, cường điệu để răn đe, hơn là gieo hạt giống tình thương giữa cha mẹ, con cái. Luật Đạo hiếu cũng vậy. Nó chỉ cần cho những đứa con vô đạo, cho một xã hội vô đạo. Với một gia đình như nhà Watson, nó là vô nghĩa, thậm chí hài hước.

Chúng ta muốn con cái yêu thương, chỉ vì thuộc tính căn bản của mọi tình yêu là chia sẻ tình yêu và được yêu, chứ không phải đền bù theo kiểu “vay thì phải trả”. Dù con cái là hiếu tử hay đại nghịch, chúng ta vẫn luôn yêu thương chúng. Chỉ vì chúng là con cái của ta. Ta yêu thương chúng, nhìn chúng lớn lên, khi ta mỗi ngày một già nua và đi dần về cõi chết. Ta ao ước đời chúng hạnh phúc hơn ta, và mong mỏi chúng không phải vấp ngã như ta đã từng. Và vì “nước mắt chảy xuống” theo cách giản dị, vô điều kiện mà không cần “chảy lên” một cách gượng ép. Muôn đời vẫn thế!

Dùng luật pháp để làm nước mắt chảy ngược, chỉ có những xã hội vô đạo và đang mất đi nền tảng tối thiểu của tình yêu thương mới cần điều đó. Nhưng chắc các con cháu của anh cán bộ Phúc năm xưa thật sự cần luật pháp ấy. Để ngăn trở họ tái diễn những điều đại ác, như anh Phúc đã làm với chính cha mình.

Khi được gieo trồng và nuôi dưỡng, tình thương sẽ đơm hoa kết trái. Và sự vô đạo cũng vậy!



Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau


Trịnh Y Thư



Tranh Joan Miro

Nicht sind die Leiden erkannt,
nicht ist die Liebe gelernt,
und was im Tod uns entfernt,
ist nicht entschleiert.

Không hiểu những nỗi khổ đau
cũng chẳng học được bài học tình yêu
và vẫn mù lòa không nhận ra điều
cách li chúng ta trong cõi chết.
 –Rainer Maria Rilke

*

Phủ quanh bóng tối của tình yêu
vết lắng ngẩn ngơ cơn mê
hơn một lần run sợ tiếng gõ của
định mệnh trên nỗi hoang vu ngập đắm.

Hồn lạnh không nhớ đâu bờ bến
tôi đốt cháy tháng ngày còn lại
những bước ngập ngừng bóng chiều xập xoạng
ngoảnh nhìn vết tích bao phế hưng hôn ám
trôi dần về bóng thẳm xa xăm.

Trong nỗi hoài nghi tôi yêu người
mãi mãi đấy là điều bí ẩn
giấu trong cơn mê say đắm đuối
nỗi hoang mang của kẻ tội đồ.

Sự thinh lặng của cõi không ùa về
tôi đứng nhìn biển xanh
lòng u hoặc trăm điều không tỏ
chiều u uẩn biển u hoài bưng kín
sóng vỗ dưới chân rầm rì
như tiếng vọng nghìn năm.

Dầm mình trong khói sương thần thoại
bóng tối che ngang
phía bên kia chân trời nào còn lại
mỗi lúc mỗi xa quá lối về.

Bơ vơ tháng ngày mưa nhanh
thu vén những mảnh đời vụn vỡ
ta còn gì cho nhau
ngoài ánh mắt khoan dung
như lần chia tay trên đồi cát.

Hoàng hôn rồi cũng xuống
trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau
chợt một hôm hóa thân cát bụi
gió tê xao xác cõi ngoài.

Ghi chú nhỏ về chống tham nhũng



Để chống tham nhũng và tham ô, phải chăng nên bắt đầu từ văn hóa? Một đứa bé xem việc ăn trộm trứng gà là xấu xa, đê tiện; thì khi lớn lên có khả năng rất cao là nó sẽ tránh xa việc ăn cắp cả con gà, hoặc nguyên đàn gà.


Nếu chống tham nhũng không bắt đầu từ văn hóa và giáo dục cơ sở, thì dù có tử hình kẻ tham nhũng này, xã hội sẽ lại xuất hiện kẻ tham những khác – Ảnh: TTXVN


Trước tiên xin bạn đọc thưởng thức ba câu chuyện độc lập:

1. Gối đẹp: Cách đây không lâu tôi được quá giang một chiếc siêu xe của bạn một người bạn. Chiếc xe đến từ trời Âu hoàn hảo từng li từng tí, gây chú ý nhất là mấy chiếc gối nhỏ nền nã để kê lưng hoặc gác tay. Tôi hỏi chủ xe gối này mua ở đâu hay là đồ theo xe. Anh ta cười rất tươi và không giấu vẻ tự hào bảo rằng mấy cái gối này anh ta “chôm” trên máy bay của một hãng hàng không quốc tế nổi tiếng về khoản sang trọng. Việc “chôm chĩa” khá công phu, phải bay đủ mấy chuyến mới có được trọn bộ!

2. Thiên đường: Một thủy thủ Việt Nam bỏ trốn để làm việc chui tại Nhật kể với tôi rằng nước Nhật đã xây dựng xong Chủ nghĩa Cộng sản. Bằng chứng là nơi đó hàng hóa ê hề, tràn ra cả vỉa hè. Chẳng có cửa hàng nào cất hàng và khóa cửa khi đêm về. Cho nên anh ta sướng lắm. Tối nào thèm uống bia, anh lại nhảy lên chiếc xe hơi bãi rác mang biển số giả của mình ra phố. Anh ta chỉ tốn năm mười giây dừng lại để kéo một hai thùng bia “chùa” vào xe và thưởng thức một đêm “ngất ngây con gà tây”!

3. Trí khôn Việt thua tinh thần cảnh giác Nhật: Trên báo Tuổi Trẻ Cười số 86 tháng 3/1991, dưới bút danh Hoàng Minh, giáo sư Cao Xuân Hạo viết:

“Nhiều người kể lại rằng trong một chuyến đi tham quan một thửa ruộng thí nghiệm ở Nhật Bản, GS. Lương Định Của “lỡ chân” bước hụt xuống bùn. Vết bùn này có thể cho biết những bí quyết mới về phân bón. Lập tức có một cô nhân viên Nhật Bản chạy đến xin lỗi rối rít vị khách quý, đưa một đôi giày sạch cho ngài thay và chỉ năm phút sau đem trả cho ngài đôi giày bị lấm bùn đã giặt sạch và đã sấy khô, không còn lấy một phân tử bùn nào. Cho hay đến như một người đã học được cái nghề gián điệp công nghệ ngay ở Nhật mà cũng không thoát được cặp mắt phản gián tinh tường của họ.”

***

Thật lạ lùng, chúng ta không hề thấy trong ba câu chuyện ở trên một chút ngượng ngùng hay xấu hổ, khi hành vi ăn cắp được thực hiện thành công trót lọt nhiều lần, hoặc bị chặn đứng vì sự cảnh giác của nạn nhân. Trái lại, ăn cắp thậm chí được xem như một chiến công “hiển hách”.

Phải chăng đạo đức xã hội đã bị khuyết thủng đâu đó? Hoặc ít nhất cũng có thể kết luận văn hóa Việt Nam có cái nhìn không khắt khe lắm với tật xấu này. Khi một nền văn hóa không dự trữ kháng thể mạnh để chống virus ăn cắp hoành hành, tất yếu xã hội ấy sẽ xuất hiện tham nhũng, tham ô. Bởi vì bản chất tham nhũng và tham ô cũng là ăn cắp.

Như vậy để chống tham nhũng và tham ô, phải chăng nên bắt đầu từ văn hóa? Một đứa bé xem việc ăn trộm trứng gà là xấu xa, đê tiện; thì khi lớn lên có khả năng rất cao là nó sẽ tránh xa việc ăn cắp cả con gà, hoặc nguyên đàn gà.

Nếu chống tham nhũng không bắt đầu từ văn hóa và giáo dục cơ sở, thì dù có tử hình kẻ tham nhũng này, xã hội sẽ lại xuất hiện kẻ tham những khác, mà cấp độ càng ngày càng tăng, chứ không thể giảm đi.

Trong báo cáo của nhà ngoại giao và Hán học Phillarstre gửi Thống đốc Nam Kỳ năm 1878, có đoạn rất đáng chú ý: “Đất nước này hết sức nghèo nàn, chính phủ bị ràng buộc trong tất cả mọi hoài bão có thể có và trong tất cả mọi ý muốn cải cách, bởi những sợi dây không thể cắt đứt mà không làm đổ vỡ hết đồng loạt. Triều đình còn bị kìm hãm bởi những điều mê tín của một xã hội đã được cấu tạo rất chặt chẽ; đối với kẻ cầm đầu, mê tín đó là những cái cớ viện dẫn để bảo vệ những quyền lợi đã có, đối với tất cả mọi người thì đó là khí giới phòng thủ chống lại mọi thay đổi. Mỗi người đều biết mình có lợi gì khi thay đổi, nhưng lại chú ý nhiều nhất tới những gì sẽ mất và đều không muốn bắt đầu từ đấy”.

Chúng ta thấy rằng nhận xét cách đây 135 năm của Phillarstre vẫn còn rất đúng với đề tài chống tham nhũng của bài viết này. Tất cả mọi người đều hưởng lợi nếu toàn xã hội không còn ăn cắp và tham nhũng, nhưng mọi thứ dường như cứ mãi quanh quẩn ở điểm xuất phát, nếu không kể nút thắt là những phiên tòa có án tử, thỉnh thoảng lại diễn ra.

Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng nêu rõ: “Tham nhũng không còn là vấn đề của địa phương mà là một hiện tượng có tính xuyên quốc gia ảnh hưởng tới tất cả các xã hội và các nền kinh tế, do vậy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng là điều vô cùng cần thiết”. Với trường hợp Việt Nam, nên xem xét bao quát cả yếu tố lịch sử và văn hóa trong nạn tham nhũng và hối lộ.

Người Việt Nam, hết đời này đến đời kia, vẫn lặp đi lặp lại câu ca dao nghẹn đắng: “Con ơi nhớ lấy câu này. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Song nếu ông quan ấy ở trong dòng tộc mình, thì lập tức nó chuyển tông thành niềm kiêu hãnh: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Án tử của Dương Chí Dũng vừa qua là chế tài cao nhất của nền pháp trị với tham nhũng. Điều đó là cần thiết, nhưng thật sự chưa đủ. Một cơ thể xã hội khỏe mạnh phải hài hòa giữa dương (pháp trị) và âm (văn trị).

Hãy tưởng tượng một câu chuyện mà tôi tin sẽ xảy ra ở tương lai: Đứa trẻ tiểu học về hỏi cha nó là quan tham: “Cha ơi bài học trong trường nói tham nhũng là xấu xa, là ăn cắp, sẽ tàn phá tan tành đất nước, phải không cha?”. Không ít thì nhiều, câu hỏi đó sẽ điều chỉnh hành vi của người cha tích cực hơn.

Trương Thái Du (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà văn tự do sống và làm việc trái nghề tại TP.HCM

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Đồng loại



Trần Quang Quý



Trong mắt rắn, dĩ nhiên rồi ta cũng loài rắn
ngôn ngữ của trườn bò
bóng tối phục binh trong bình minh nọc độc
quen lẩn khuất rập rình và tiến thân lươn lẹo
những già cỗi cũ mèm rồi có thể lột da
chỉ tính rắn không lột được cùng lốt rắn

Trong mắt bầy khuyển kia, làm sao khác ta cũng thành đồng loại
những cơn tru hoang (tiếng người hóa dại)
ngày thấp thỏm quạ kêu, đêm chập chờn cú rúc
những con mắt gài quanh bờ giậu
lách nhách cắn bóng đêm hay tự sủa phận mình
có cái chết trong bầm dập vết răng đồng loại
có bước chân côi cút lẻ bầy

Trong mắt chim ta cũng loài chim
cũng giống chim đi trên hai chân, nhưng khác chim người lại biết bò
và (nói nhỏ) thua chim không thể bay lên
suốt đời níu nhau mặt đất

Ta là ai? Câu hỏi đã xưa rồi
và điều đó chỉ riêng ta biết
ta là cả muôn loài, duy một điều khác biệt
ta vẫn phải suốt đời mang gương mặt là ta!

THỢ ĐÀO ĐÁ TRUYỀN KIẾP





Truyện ngắn của Ngô Tự Lập


Hố nhỏ đã thành hố lớn, rồi thành ao cạn, còn xung quanh đất cao dần lên mãi, chất ngất lưng chừng trời.

Nhưng dù có cao nữa, tới tận đỉnh trời, thì lão cũng phải đào cho kì cùng, phải làm rõ thực hư – bấy lâu nay lão nằm mơ hay tỉnh?

Nếu tỉnh thì mọi chuyện xảy ra lâu lắm rồi, từ khi lão mới ngoài ba mươi, nhà lão chưa bị bão cuốn đi, còn chỗ này là cây ổi dại, cao ngang đầu người, quả sần sùi như bị mụn cơm, thỉnh thoảng lão buồn tay hái về chấm muối, ăn chát xít.

Đàn ông ngoài ba mươi tuổi chưa có vợ coi như dở hơi. Lão không có tiền cưới vợ, nhưng đào đá ong khoẻ nhất vùng. Lão tưởng chiếc thó(1) có thể làm được tất cả, vì thế vẫn thường tơ tưởng đến cái lúm đồng tiền sâu như tổ cùng cùng(2) trên má cô Bống, con gái ông Cả Lễ.

Trong làng người ta hay đem lão ra làm trò cười. Nhưng lão chẳng thấy có gì đáng cười. ừ thì lão quanh năm sù sụ đôi giày lính (bấy giờ còn chưa há mõm). Nhưng đâu phải cứ đi giầy là nóng. Cha lão cũng suốt đời đi đôi giày ấy – ông cướp được của Tây hồi theo nghĩa quân Đề Thám. Đôi giày khiến lão lúc nào cũng nhớ đến cha. Rồi cả chuyện lão ở trần cũng vậy. Nghề đào đá ong có khác gì đánh vật, suốt ngày mồ hôi mồ kê như tắm, quần áo dài chỉ tổ vướng. Vả lại, tiền công mỗi ngày mỗi hạ, đến hai bữa cơm độn sắn khô với mắm tép còn chưa đủ, nói gì đến áo với chả quần.

Ngôi nhà lá một gian hai chái, nằm tách biệt bên kia sườn đồi. Lão nấu cơm trong nhà, uống nước mưa bằng gáo dừa, lót ổ rơm thay chõng. Không biết ngày trước do làm nghề đào đá nên cha lão dựng nhà ở đây hay do tình cờ ở gần vỉa đá mà làm nghề ấy. Năm lên mười, mẹ mất, lão cũng bắt đầu cầm cán thó.

Lão không có bạn, nhưng trong làng cũng không ai ghét lão. Thỉnh thoảng lại có người ra tìm, nhờ làm giúp những công việc nặng, tỉ như đầm nền nhà, sửa chuồng lợn… Lão ngắc ngắc cái đầu. Như thế nghĩa là đồng ý, và vui lắm. Công xá khỏi phải lo, một bữa cơm rượu là xong. Dân làng cũng nghèo, thường chỉ có rượu với lạc rang. Lão không thuộc hạng bợm rượu, bất quá vài chén con. Nhưng lão thích cảnh khề khà trên chiếu, chân xếp bằng tròn, nghĩa là giống những người đàn ông khác. Không nói với ai, nhưng nếu lâu lâu không thấy người ra lão lại bồn chồn, có ý chờ.

Hôm sửa chuồng bò cho nhà Cả Lễ, lão gặp may. Con gà mái mơ tưởng mất trộm (bà Cả Lễ đã chống nạnh đứng chửi độc suốt một buổi chiều) hoá ra bị rù chết ngoài bờ tre, kiến bâu đầy, chuột khoét cả hai mắt. Cả đời lão mới được ăn thịt gà một lần, hồi cha mất. Thịt lợn cũng chỉ ngày Tết mới dám mua nửa cân bạc nhạc gọi là. Con mái mơ đã già, dai ngoách, nhưng uống rượu hoá lại hợp. Chỉ có thằng Túc lăn ra sân, khóc vào vạo đến sưng cả mắt. Cô Bống từ dưới bếp te tái chạy lên dỗ em, cho nó cái chân lỗ chỗ những tổ mò. Đó chính là lần đầu tiên lão trông thấy cái lúm đồng tiền trên má cô Bống.

Vỉa đá lộ thiên, cách bờ suối không xa. Lão xếp đá thành kiêu, cạnh đoạn hào do cha để lại. Con đường mòn men theo bờ suối. Về phía hạ lưu, xuống dốc Cổn, nghe nói rồi còn đi xa nữa, ra tận biển. Bấy giờ còn Phượng Sò. Lão già chột mắt, giọng the thé, quanh năm bẳn gắt như mắm tôm. Cứ hai ngày một lần, lão lộc cộc đánh xe bò lên – chiếc xe cũng rệu rã và sặc mùi rượu như chính lão – chở đá đi bán cho phu mỏ.

Một hôm lão nghe tiếng thằng Túc. Vẫn tiếng khóc hôm con gà mái mơ của nó bị vặt lông. Hoá ra nó đi tìm bê lạc. Lão vừa trông thấy con bê ấy lởn vởn đâu đây. Con bê tuyệt đẹp, mũi hếch, xoáy trên mông mượt như một khóm vậy nà.(3)

Lão bất giác nhớ đến vị ngọt của thịt gà. Lão bảo:

- Túc, mày có thích ăn bánh đa khoai không?

- Bánh đa khoai như của bà Song bán ngoài gốc đa ấy à?

- ừ, dưng mà to hơn, có nhiều vừng nữa. Mày thích thì xuống suối mà lấy, chỗ hòn đá trắng kia kìa.

Mắt thằng Túc vụt ráo hoảnh. Nó quên bẵng con bê lạc, chạy biến xuống chân đồi.

Dĩ nhiên làm gì có bánh đa khoai dưới đó.

Con bê đang nép mình dưới gốc ổi dại. Khi lão túm lấy tai nó, nó tỏ vẻ mừng rỡ, cọ cọ khóm vậy nà vào đầu gối lão. Nó vẫn chưa biết sợ. Lão vung chiếc thó lên. Thậm chí không nghe cả tiếng xương sọ vỡ. Con bê ngã vật xuống đất, bốn chân từ từ duỗi ra. Cặp mắt ốc nhồi đau đáu nhìn lão như kinh ngạc.

- Chú Tảo, sao giết bê của cháu!

Tiếng kêu thảng thốt của thằng Túc khiến lão giật mình. Hai tay giật bắn, lão từ từ đứng dậy. Không biết mặt lão lúc đó ra sao, nhưng thằng Túc vụt nín bặt rồi bất ngờ vùng chạy. Lão như bừng tỉnh. “Nó là em cô Bống” – Lão chỉ kịp nghĩ vậy. Lão chộp lấy chiếc thó, đuổi theo. Thằng Túc không chạy nổi. Nó bò, tay chân cào cấu như bị bóng đè. Cái gáy nó bé tẹo, loe toe những sợi tóc vàng cháy vì phơi nắng.

Trời ơi! Con quỷ nào đã khiến lão trở nên độc ác và khát máu? Đến tận bây giờ lão vẫn không sao quên được hình ảnh thằng Túc nằm sóng soài trên mặt đất, chân tay doãi ra, chẳng khác nào một con chim non bị ném từ cành cao xuống. Máu rỉ ra hai bên mang tai. Chỉ một nhát cán thó đã là quá thừa với nó.

Lão bế thằng Túc lên tay. Người nó mềm và ấm, có cảm tưởng đang ôm một con chó cún. Bây giờ thì chính lão bị bóng đè. Bập bỗng như đi trên mây, lão leo ngược sườn đồi, bới đất, chôn thằng Túc dưới gốc ổi.

Lão không quên xoá sạch dấu vết trước khi xuống suối. Nước lạnh làm người ta bình tĩnh lại. Cỏ và cành khô không thiếu. Lão nhóm lửa ngay cạnh cây ổi. Con bê vẫn đau đáu nhìn. Hai nhát thó sùn sụt vào mông nó, giữa khóm vậy nà, lóc ra tảng thịt còn nóng hổi, đỏ lòm, ròng ròng máu. Lão róc một cành ổi làm xiên.

Khói bốc lên nghi ngút. Dĩ nhiên lão không biết rằng đó vẫn là thứ khói lửa mà tổ tiên đã nhóm hàng nghìn năm về trước, khi rừng nguyên sinh còn trải ra bạt ngàn hai bên bờ dòng Nhị Hà đỏ ngầu như máu.

Trong sương mù, không gian dần dần ngả sang màu lam xám. A ha, nước miếng tứa ra đầy miệng. Lần đầu tiên lão được nếm thịt bò. Lão vẫn nhớ đó là một tảng thịt. Hai hàm răng to khoẻ đầy bựa cắm ngập vào lớp cơ nhùn nhũn vừa kịp ám khói.

Ngay lập tức lão nôn ộc ra như người say rượu. Mùi gì gây rợn xông lên không sao chịu nổi. Lão ngồi phịch xuống đất. Xung quanh lênh láng mật xanh mật vàng. Lão cảm thấy người lạnh toát, nhơm nhớp, ruột gan lộn tùng phèo. Bên kia đồi trời hoàn toàn lặng gió. Chẳng hiểu sương hay một cột khói im lìm?

Đột nhiên lão rùng mình, lão sực nghĩ đến mùi thịt người. Trong làng người ta thường lưu truyền câu chuyện rùng rợn về ai đó chuyên bắt trẻ con về nấu cháo. Những ý nghĩ khủng khiếp nối nhau. Lão khạc nhổ, oẹ khan, cảm thấy vị mặn của máu tứa ra trong cổ họng. Chính lão cũng không nhớ mình đã kéo xác con bê xuống suối như thế nào. Điều chắc chắn là lão đã quên không cởi giầy. Nước suối lầy nhầy, đen thẫm. Lão dìm con bê xuống giữa tảng đá phủ đầy rêu trơn nhẫy.

Đêm ập xuống rất nhanh cùng với một trận mưa dữ dội. Đúng là trời còn thương lão.

Nửa đêm, trong tiếng mưa rơi, lão nghe tiếng người ồn ào đi tìm thằng Túc. Rõ cả tiếng khóc thút thít của cô Bống con nhà Cả Lễ. Nhà lão không có cửa, đám người cầm đuốc kéo vào nhà, nước rỏ tong tong xuống nền đất.

- Tôi chẳng nhìn thấy thằng Túc, cũng chẳng thấy con bê nào sất! – Lão giả đò ngái ngủ.

May mà không ai để ý đến chân lão đang run bần bật. Không một ai nghi ngờ. Tiếng chân người lép nhép xa dần – họ đi về phía dốc Cổn. Phải hai ngày sau lão Phượng Sò đánh xe lên lấy đá ong mới trông thấy xác con bê trôi mãi xuống hạ lưu, gần tới Thiệu Bàn.

Nhưng lão vẫn không thể yên tâm. Lúc nào đám người cũng có thể bất thần quay lại. Mùi gây thì vẫn không hề giảm bớt, mặc dù sườn đồi đã được mưa gột sạch. Nhiều khi bất giác, lão hoảng hốt quay lại đằng sau. Lão run lên mỗi lần nhìn thấy từ đằng xa thấp thoáng bóng người.

Cuối cùng, lão hiểu rằng mùi gây bốc lên từ gốc ổi. Đúng là mùi thịt người. Dưới đó thằng Túc đang thối rữa. Lão không còn dám vặt ổi về chấm muối nữa. Lão lấy đất đồi đắp lên. Công việc thoạt đầu giống như người ta vun gốc, nhưng rồi ụ đất cao dần, lút cả ngọn cây.

Đến nước ấy thì dân làng đều phải nghĩ rằng lão hoá điên. Người ta bắt đầu đem lão ra làm ngoáo ộp doạ trẻ con. Không ai nhờ lão sửa chuồng bò nữa, chỉ còn Phượng Sò chột mắt là dám đến gần lão mà thôi. Lão quên hẳn lối vào làng. Ban ngày đào đá ong, ban đêm lão lại hì hục vác đất đắp gò. Công việc giống như món cháo lú giúp lão quên đi tất cả. (Cũng có thể chính thời gian mới là món cháo lú, nhưng đồng thời lại tạo dựng thói quen?)

Không biết tự bao giờ tóc lão đã kịp bạc trắng. Đôi giày rách hẳn, lão đặt lên bàn thờ. (Giá như ngày trước dân làng lại tha hồ đàm tiếu). Tay bắt đầu run, nhưng lão vẫn không thể rời cán thó. Mỗi bữa lão vẫn cố ăn hết ba lưng cơm độn sắn. Phượng Sò chết lâu rồi. Thằng Bản thay cha hai tuần một lần đánh xe lên lấy đá.

Đất đồi cằn cỗi nhưng bát ngát. Lão trồng thêm sắn quanh lều, tự thái lát, phơi trên bãi cỏ. Chiều, lão xuống suối bắt cá. Cá suối nhiều vô kể, bơi từng đàn lấp lánh. Lão lần vào các hốc đá ven bờ. Thỉnh thoảng lão may mắn vớ được một con cá ba gai đã mù cả hai mắt vì già yếu, da trắng nhợt như ngâm nước vôi, đang thoi thóp những ngày tháng cuối cùng.

Lão vẫn không ngừng việc đắp gò. Và lão vẫn nhớ cái tổ cùng cùng trên má cô Bống nhà Cả Lẽ. Một hôm lão quanh co hỏi qua thằng Bản. Nó ngẩn người rồi phá lên cười:

- Cô Bống ấy à? Sắp xuống lỗ rồi. Kia kìa, cháu nội cô ấy đấy!

Lão ngẩng lên và đánh rơi chiếc thó. Trước mắt lão là thằng Túc. Nó đang vào vạo khóc. Vẫn mái tóc loe hoe cháy nắng. Hóa ra nó đi tìm bê lạc.

Lão định nói rằng chẳng nhìn thấy con bê nào sất, nhưng bỗng nhìn thấy máu phun ra lênh láng dưới chân. Một ngón chân cái bị lưỡi thó chặt đứt, chỉ còn lại mẩu da lủng lẳng. Lão vội vàng lê vào rệ cỏ, bứt lá rịt vào vết thương. Bấy giờ lão mới lại nhớ đến thằng Túc. Nhưng nó đã không còn ở đó.

Lần đầu tiên trong đời lão ốm. Trong người gai gai ớn lạnh, lão về nhà sớm, nấu cháo, nhưng miệng đắng ngắt, không sao nuốt nổi. Bên tai không ngừng văng vẳng tiếng khóc của thằng Túc. Mà có phải thằng Túc thật không? Chẳng lẽ nó từ dưới đất chui lên?

Lão ngồi phắt dậy. Hay tất cả chỉ là một giấc mơ, còn thằng Túc bây giờ đang ngồi gặm chân gà? Thế thì may cho lão quá! Ngày mai lão lại có thể vào làng, có thể nhìn thấy cái lúm đồng tiền trên má cô Bống. Biết đâu, sẽ có người nhờ đắp nền nhà. Lão lại được ngồi xếp bằng trên chiếu, khề khà uống rượu với cánh đàn ông.

Ý nghĩ ấy khiến lão khoẻ ra. Lão nằm xuống định bụng chờ đến sáng sẽ ra đào gò đất. Cầu trời, đừng có thằng Túc nào dưới đó. Nếu quả thật, tất cả chỉ là một giấc mơ thì lão lại sống y như cũ.

Nhưng lão không thể chờ đến sáng. Chưa bao giờ lão cảm thấy đêm dài như vậy. ổ rơm hình như có rệp. Lão ngồi dậy tìm thó, lần mò ra gò đất.

Mặt trời lên cao lão mới dừng tay. Bụng cồn cào vì đói. Lão quay về lều, ăn qua loa mấy củ khoai sống. Buổi trưa, lão nảy ra một sáng kiến. Lão đem cả thúng khoai và vại nước xuống hố, ăn uống tại chỗ rồi lại bắt tay ngay vào việc.

Hố nhỏ đã thành hố lớn, rồi thành ao cạn, còn xung quanh – đất cao chất ngất lưng chừng trời.

Chiều ngày thứ năm, lão tìm thấy một bộ rễ cây đã mục. Đất bên dưới xôm xốp, lấm tấm trắng như rắc muối. Chẳng có thằng Túc, chẳng có gì ở đó. “Vậy là thằng Túc còn sống!” – Lão mừng rỡ khóc rống lên như trẻ nhỏ.

Đột nhiên lão sực nhớ đến một điều hệ trọng. Lão chặt một mẩu rễ cây, đưa lên mũi ngửi. Rễ cây đã mục, không thể biết có phải là rễ ổi hay không. Vẻ hân hoan trên mặt lão vụt tắt. Lão thẫn thờ một hồi lâu. Rồi lão lại vồ lấy thó. Chiếc thó chưa bao giờ phản bội. Nó sẽ giúp lão đào đến tận cùng. Lão phải làm rõ thực hư, bấy lâu lão nằm mê hay tỉnh?


(1) Thó: dụng cụ đào đá ong.

(2) Cùng cùng: một loài côn trùng làm tổ dưới đất.

(3) Vậy nà: một loại rong nước ngọt.

Định mệnh vô hình







Ta từ cỏ hoa của cánh đồng hoang dại
Hút nhụy hương nồng nàn và nuôi ngàn ảo giác
Xem những giấc mơ như huyền bí diệu kỳ
Không muốn hiểu điều gì rồi sẽ đến.



Một buổi mai bình minh hiển hiện
Ta gặp mặt trời xé toạc mảnh hồn im
ánh sáng ngày thường rọi vào lòng u thẳm
Nhịp trần gian nhích đi chầm chậm
Cỏ hoa úa tàn
Xưa cũ hoá thành không...



Nhưng con đường cuộc đời tàn khốc long đong
Ta khổ hạnh lê thân mình qua muôn mùa nghiệt ngã
Những tiếng khóc xoáy tròn theo hình năm tháng vỡ
Màu pha lê lả tả dưới chân buồn...



Cả vũ trụ ngập tràn
Thác lũ réo từng cơn
Ta ngỡ chết
Chẳng thể nào sống nữa



Nhưng một định mệnh vô hình trong trái tim dồn chứa
Bỗng bật lên thành những tiếng âm trầm



Sức mạnh lạ kỳ bỗng xốc ta lên
Vực thẳm lùi dần đêm đen mờ khuất
Và ta sống
Chẳng thể nào khác được...



Sự trường cửu hiện hình trên những cánh đồng vui
Dù đau khổ vẫn điệp dồn đau khổ
Màu đen của buồn
hoà theo màu sáng của ngày vui


Thiên Sơn

MÃ ĐỀ DƯƠNG CƯỚC Anh Hùng Tận THÂN DẬU NIÊN LAI Kiến Thái Bình.



Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Trực đáo Dương đầu, Mã vĩ…

-Sấm ký Trạng Trình-


-”Con số 9 (Cửu) là con số đầy bí ẩn mà khắp thế giới, Đông cũng như Tây đều nhắc đến…Con số 9 trong Kinh Thánh của người Do Thái từ mấy ngàn năm trước là sự huyền nhiệm” (Xuân Đại Việt 2014)…
-Đối chiếu…chúng ta thấy năm 1945 (4+5=9) nhà Nguyễn mất ngôi, kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II, Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nôi…Năm 1954 đất nước chia hai: miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo (chế độ CS) miền Nam do Ngô Đình Diệm lãnh đạo (chế độ Cộng Hòa)…Năm 1963 Tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát…Năm 1972 quân Bắc Việt chiếm một nửa tỉnh Quảng Trị, chiến tranh tàn phá…
Nhưng nếu cộng lại cả bốn số thì không phải là con số 9.

-Vì thế người ta chờ đợi con số 9 hoàn hảo nghĩa là bốn số cộng lại có con số 9 mới được.
Năm Ngọ, năm Mùi phải gần với số 9 hoàn hảo thì mới đúng với lời sấm Trạng Trình.
Năm Ngọ, năm Mùi sắp tới là năm sẽ có nhiều biến cố . Năm Thân 2016, năm Dậu 2017 sẽ có thái bình cho Việt Nam và thế giới…
-Người ta tin rằng năm Ngọ (2014) Năm Mùi (2015) là năm sẽ có nhiều biến cố lớn cho Việt Nam và sẽ kết thúc vào năm Thân (2016)…

Tình hình hiện nay biến chuyển rất nhanh, chưa biết ngày nào xảy ra các biến động mà Sấm của Trạng Trình đã nói đến 500 năm về trước. Chúng ta chờ xem và hy vọng”…
( st)