Đây là chuyện riêng của hai người, lúc đầu tôi
không có ý định viết lên giấy nhưng rồi cân nhắc kỹ nhiều mặt, cuối
cùng, bắt chước nhà văn Pháp Angđrê Môroa trong truyện Cuộc trở về của
người tù, tôi viết và cho đăng báo chuyện này, với hy vọng mong manh
rằng nếu ngẫu nhiên đọc nó, biết đâu ông Nam sẽ nghĩ lại…
Các bạn thử hình dung một chuyện thế này:
Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì
chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm
lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi. Mà nào chờ đợi một hai năm! Không,
đúng mười năm. Và trong suốt mười năm dài ấy, cô gái không hề nhận được
tin tức nào về chồng. Vì sao thì khó ai biết được. Thế rồi chiến tranh
kết thúc, chàng trai trở về, sung sướng cảm động khi thấy vợ vẫn chung
thủy. Nhưng khi hai người lên giường nằm, đặt một tay lên bụng vợ, chàng
trai bỗng ngồi bật dậy:
- Em có chửa?
- Vâng.
Im lặng.
- Với ai?
- Với anh, tất nhiên, - cô gái bình thản đáp - Em còn có chửa với ai được nữa, ngoài anh?
Chàng trai không nói gì, lẳng lặng chui ra khỏi màn, mặc quần áo rồi
đến ngồi hút thuốc bên bàn - một giờ, hai giờ, cũng có thể lâu hơn. Sau
đó, vì cả nhà chỉ có một giường, anh lục ba lô lấy tấm vải nhựa trải
xuống sàn.
Mọi chuyện bắt đầu từ đêm ấy, cái đêm chấm dứt mười năm chờ đợi, nhớ
thương của một cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, và cũng là đêm mở đầu
những thử thách mới, nơi con người lần nữa phải mặt đối mặt với chiến
tranh, loại chiến tranh không súng đạn sau cuộc chiến tranh súng đạn mà
họ vừa vượt qua một cách thắng lợi.
Liệu lần này họ lại đứng vững hay sẽ bị đánh gục? Trả lời câu hỏi này
thật khó, vì những thử thách mới thời bình đòi hỏi không phải sức chịu
đựng ghê gớm về hy sinh và thiếu thốn, mà là cái gì đấy còn lớn hơn,
phức tạp, tế nhị hơn: đó là sự tỉnh táo, tình thương và lòng vị tha.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Bạn đọc thân mến, bức tranh tôi miêu tả trên không phải lấy từ cuốn sách
nào đó, cũng không do tôi nghĩ ra mà là chuyện có thật ở làng tôi.
Đôi trai gái ấy là Nam và Xuyến. Suốt đêm đó không ai nói thêm một
lời nào, dù cả hai không hề chợp mắt. Sáng hôm sau, Nam đi một vòng
quanh làng thăm hỏi mọi người, thực ra là để dò hỏi tin tức vợ những năm
anh đi vắng. Anh ngạc nhiên, bối rối khi nghe mọi người nhận xét rất
tốt về Xuyến, rằng cô cần cù, nết na và đặc biệt nghiêm túc trong quan
hệ.
"Chắc cô ta khéo giấu nên mọi người không biết”.
Về nhà, không kìm được, anh lại hỏi vợ, vẫn câu hỏi cũ:
- Cô chửa với ai?
- Với anh - vẫn cái giọng nhỏ nhẹ, bình tĩnh ấy.
- Với tôi? Sao lại có thể với tôi? Cô coi thường tôi quá! - Nam giận dữ quát to - Cô thử giải thích tôi nghe đi.
Xuyến ngước lên nhìn chồng, hai mắt rơm rớm như muốn khóc, khuôn mặt cô ửng đỏ vì ngượng ngùng.
- Nào, cô nói đi, nói đi!
- Anh Nam - Xuyến nói - Anh đừng mắng em như thế. Oan em... Em yêu
anh, bao giờ cũng yêu anh và bao giờ cũng chung thủy với anh. Giá anh
biết, dù chỉ một phần thôi, rằng em đã phải vất vả, đau khổ và lo sợ thế
nào trong suốt mười năm chờ anh vừa qua. Còn việc vì sao em có chửa thì
đơn giản thôi. Vì trong suốt chừng ấy năm, tối nào đi ngủ em cũng kê
sẵn một chiếc gối cho anh cạnh gối em. Nhiều hôm sáng dậy, em thầm xấu
hổ khi nhớ lại chuyện anh và em tối trước. Cách đây không lâu, anh cũng
về với em như thế. Lần này hình như em cảm thấy anh gần hơn, cụ thể hơn.
Khi tỉnh dậy, em vẫn một mình như bao lần khác, nhưng em biết chắc là
anh vừa ở bên em, thậm chí hơi ấm của anh còn bám vào da thịt em, thậm
chí chăn còn nhàu nát...
- Cô phịa ra chuyện ấy để bắt tôi tin và rồi dần dần chính cô cũng tin cái điều nhảm nhí ấy chứ gì?
- Xin anh đừng nói thế, oan em. Em không hề...
Nhưng Nam đã bỏ ra ngoài.
Những lời Xuyến vừa nói, thực ra không phải không làm anh suy nghĩ.
Anh hiểu và thông cảm với Xuyến, vì bản thân anh trước đây cũng nhiều
đêm nằm mơ có vợ bên cạnh. Nhưng không lẽ vì thế mà vợ anh có chửa?
"Không! Không thể như thế được!" - anh nghĩ, tuy rất muốn tin vào điều
vợ nói. Anh tìm mọi cách bào chữa cho cô, thậm chí viện cả cái thuyết
đồng giao cách cảm mà gần đây người ta hay nhắc tới, nhưng cuối cùng anh
vẫn phải đau khổ mà thừa nhận rằng Xuyến đã không chung thủy với anh,
đã ăn nằm với một người đàn ông khác. Mà điều ấy thì quá sức anh chịu
đựng, một trở ngại quá lớn anh không vượt qua nổi, thậm chí cả khi anh
rất yêu thương vợ, trước kia cũng như bây giờ. Biết làm thế nào được,
con người anh là thế, anh không thể lại ôm một người đàn bà khi người ấy
đã từng trong vòng tay một người đàn ông khác.
Họ, hai vợ chồng và thằng bé mới sinh, vẫn ở chung trong cùng căn nhà
chật hẹp. Không ai nghe họ to tiếng với nhau lần nào. Chồng - anh Nam -
là người đàn ông khỏe mạnh chí thú. Anh chí thú ruộng vườn, không những
đủ ăn mà còn thừa thóc bán cho nhà nước. Trong một thời gian ngắn anh
sắm đủ thứ cần thiết cho gia đình. Tính anh hiền, ít nói. Cả với vợ, anh
cũng chỉ nói khi thật cần thiết. Ban ngày anh làm luôn tay, làm hùng
hục mọi việc. Hết việc, anh ngồi im, thường nhìn trân trân một điểm nào
đó trước mặt. Và rất buồn. Tối đến anh vẫn ngủ riêng, tất nhiên không
phải giữa sàn nhà, mà trên chiếc giường nhỏ mới mua, đặt sát cửa sổ. Chị
vợ sau sinh đẻ, vốn nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn, bao giờ cũng lặng lẽ
như cái bóng. Với ý thức của người có lỗi, chị rất muốn chiều chuộng
chồng, muốn san sẻ bớt những ý nghĩ nặng nề anh đang chịu đựng, nhưng
mọi cố gắng của chị đều vô ích trước vẻ lãnh đạm tàn nhẫn của anh, nên
chị cố tránh gặp mặt và thường ngồi im ở một góc nào đấy.
Còn thằng bé thì thật lạ, càng lớn càng giống Nam như đúc. Một sự
ngẫu nhiên? Hay lần nữa buộc phải suy nghĩ về lời giải thích vô lý của
Xuyến? Điều này quả có làm Nam băn khoăn không ít. Đứa bé thật kháu. Nam
không chút ác cảm nào với nó, dù chính nó là trở ngại ngăn cách hai vợ
chồng anh, là nguyên nhân mọi bất hạnh trong gia đình. Ngược lại anh
thương nó như thương Xuyến, vợ anh, và anh cảm thấy thực sự khổ sở khi
phải cố giấu không bộc lộ tình cảm đó. Nhiều lúc cao hứng, hoặc vì vợ
bận, anh còn bế con và giặt tã giúp vợ. Tuy nhiên, sau những lần đấu
tranh, dằn vặt như vẫn thường xảy ra, cuối cùng cái con người định kiến,
cố chấp trong anh vẫn thắng. Anh cương quyết không chịu cho thằng bé
mang họ anh, vẫn bắt chữa lại thành "bác" mỗi khi nó quen miệng gọi
"bố". Nhiều đêm nghe vợ ôm con khóc ở giường bên, anh những muốn lại gần
vợ vuốt ve, an ủi cô, muốn làm điều gì đó thật tốt đẹp cho cô, thế mà
anh vẫn nằm yên, trân trân nhìn lên trần nhà hoặc bỏ ra sân hút thuốc
cho tới sáng. Những lúc ấy anh rất cáu giận. Anh giận Xuyến, giận đứa bé
và nhất là giận bản thân anh. Con người anh, cái tính anh là thế, biết
làm thế nào được?
Một hôm, Nam sang nhà tôi chơi.
- Được mấy ngày về thăm quê mà cứ ngồi lì ở nhà mãi thế à? - Vào tới ngõ, anh nói to thay cho lời chào - Lại viết lách?
- Ừ, nghề mà - tôi đáp - Mời anh ngồi chơi.
Lúc này đứa bé đã lớn, biết chạy lon ton khắp làng, nhưng gia đình
anh thì vẫn như cũ. Nghe nói bà con, chính quyền nhiều lần khuyên anh
làm lành với vợ nhưng anh không chịu. Thế đấy, người dân làng tôi, tôi
biết - rất chân thành và cả tin, nhưng một khi có ý nghĩ nào đó chui vào
đầu thì không dễ mà giũ ra nổi.
- Thế nào, anh Nam, vẫn "chiến tranh" à? - tôi ướm hỏi.
Nam không đáp, nhưng nét mặt buồn hẳn xuống. Mãi lúc sau anh mới nói:
- Anh xem đấy, tôi còn biết làm thế nào khác được?
- Sao lại không? - tôi cao giọng - Thì "hòa bình" đi! Anh không thấy anh đang làm khổ chị ấy à?
- Thế anh tưởng tôi sung sướng lắm chắc?
- Chính vì vậy mà cần bỏ qua cho nhau và càng sớm càng tốt.
Nam ngồi im, bất chợt nghiêm mặt hỏi tôi:
- Có điều này, tôi hỏi thật anh nhé?
- Vâng, anh cứ hỏi.
- Anh có tin cô Xuyến không? Tin chuyện cô ấy có chửa ấy?
- Tin, tôi tin - tôi đáp.
- Vì sao?
- Vì sao thì không biết, nhưng tôi tin.
- Còn tôi thì không! - anh bật đứng dậy nói to một cách giận dữ - Không! Không bao giờ!
- Suy cho cùng điều ấy không quan trọng - tôi cũng nổi nóng. - Quan
trọng là cô ấy đã chờ anh chừng ấy năm. Quan trọng là cô ấy vẫn yêu anh.
Quan trọng là anh không thể và không có quyền đối xử với cô ấy như thế.
- Anh nói dễ lắm, anh nhà văn ạ - Nam nhếch mép cười với vẻ mỉa mai không che giấu - Với các anh, mọi chuyện thật đơn giản.
Rồi không nói thêm một lời nào, anh bỏ đi.
Đấy, các bạn xem: một con người đã mười năm lăn lộn khói lửa chiến
trường, có thể đã lập nhiều chiến công phi thường, đã vượt qua trăm
nghìn thử thách ghê gớm, thế mà bây giờ con người từng trải được tôi
luyện ấy không vượt qua nổi cái trở ngại tưởng như rất bé kia, để chấm
dứt đau khổ cho chính bản thân và cho người mình yêu quý nhất. Thật bất
công và cũng thật chua xót. Nhưng cả tôi, cả các bạn thử thuyết phục anh
ta đi.
Tháng hai năm 1979, khi xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc, Nam
tình nguyện gia nhập lại quân đội. Vợ anh không giữ, chỉ nói:
- Anh đi, em sẽ chờ. Bao lâu em cũng chờ...
- Và cô sẽ tiếp tục đêm đêm mơ tôi về thăm. Có thể cô sẽ lại có chửa? - anh châm chọc.
- Vâng - vợ anh đáp như không nhận thấy sự châm chọc ấy - Nhưng anh
hãy tin bao giờ em cũng yêu anh, và nếu có chửa thì cũng chỉ với anh,
một mình anh...
Nam không đáp, chỉ lặng lẽ lên đường. Và không bao giờ trở về nữa.
***
Từ ấy nhiều năm đã trôi qua. Cô Xuyến nay đã là bà Xuyến. Bà già và
yếu hẳn đi một cách nhanh chóng. Bà vẫn mòn mỏi chờ chồng như năm nào.
Vẫn như năm nào, bà không hề nhận được một bức thư nhỏ nào của chồng,
xưa là anh, bây giờ là ông Nam.
Đây là chuyện riêng của hai người, lúc đầu tôi không có ý định viết
lên giấy nhưng rồi cân nhắc kỹ nhiều mặt, cuối cùng, bắt chước nhà văn
Pháp Angđrê Môroa trong truyện Cuộc trở về của người tù, tôi viết và cho
đăng báo chuyện này, với hy vọng mong manh rằng nếu ngẫu nhiên đọc nó,
biết đâu ông Nam sẽ nghĩ lại. Tôi, ông Nam và bà Xuyến dẫu sao cũng là
người cùng làng với nhau. Mà đã là người cùng làng thì, tôi nghĩ, không
ai có quyền thờ ơ với số phận người khác.
Thái Bá Tân
|