Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Chuyện về chiếc “áo dài” Việt Nam



Trong toàn nước Việt Nam từ Bắc chí Nam và cả trên thế giới, chiếc áo dài được nhiều người xem là một trang phục truyền thống dành cho nam nữ nước Việt mặc vào các dịp lễ hội trang trọng, dùng làm đồng phục trong các công sở, doanh nghiệp … đặc biệt là đồng phục cho nữ sinh các trường Trung học.

Danh từ “áo dài” trong văn hóa trang phục và một số danh từ khác như “phở”, “nem” trong văn hóa ẩm thực, “đàn tài tử” trong âm nhạc (từ sau này nhờ Ea Sola phổ biến) được báo chí trên thế giới dùng mà không cần phải dịch sang tiếng bản xứ.

Chưa ai biết rõ áo dài xuất hiện trong nước Việt Nam từ bao giờ. Một số nhà khảo cổ để ý rằng trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ (hiện được lưu trữ tại Bảo tàng viện Lịch sử Hà Nội) có chạm hình ảnh những người phụ nữ Việt mặc áo hai vạt, nhưng chưa phải là áo dài ngày nay và cho rằng có lẽ chiếc áo đó là tiền thân của áo dài.



Áo dài Việt Nam đầu thế kỷ XX

Trong quyển “Sử ký Văn hóa Việt Nam”, Đào Duy Anh có nói tới một loại áo gài nút bên trái mà người Việt đã thường hay mặc, khác với áo của người Trung Quốc gài nút bên mặt. Chúng ta cũng được biết một loại áo gọi là “áo giao lãnh”, hình dáng như áo tứ thân, nhưng không buộc hai vạt vào nhau ở phía trước. Người nông dân trong công việc đồng áng thường buộc hai vạt trước lên cao để tiện cho công việc. Áo tứ thân được mặc rất thông dụng tại miền Bắc và phần thân dưới các phụ nữ còn mặc váy.

Chánh sử không ghi lại cách vận trang phục của người dân nước Việt, chúng ta chỉ biết qua cách vận trang phục trong triều đình và trong hàng thượng lưu.



Gia đình vua Bảo Đại mặc áo dài Việt Nam đầu thế kỷ XX

Trong dân chúng có lẽ trang phục của Trung Quốc được người dân bắt chước nên sử có ghi lại năm 1744, một chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Khoát) có cho ra một sắc dụ khuyên dân không nên mặc áo Tàu, mà nam nữ đều phải may áo theo mẫu quy định. Về thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hẹp tùy tiện, hai bên nách áo trở xuống phải khâu kín không được xẻ mở (Đại Nam Thực Lục tiền biên). Lê Quý Đôn, trong quyển “Phủ biên Tạp lục” có viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu tiên cho chiếc áo dài như vậy”.

Căn cứ vào hai tư liệu trên, chúng ta có thể nghĩ rằng danh từ “áo dài” xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII.



Chiếc áo dài phụ nữ đầu thế kỷ XIX



Dưới triều Nguyễn, thời Minh Mạng, có chiếu nhà vua không cho mặc váy mà phải mặc quần hai ống. Vì vậy nên trong dân gian có câu ca dao :

Chiếu vua Minh Mạng ban ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Khoảng đầu thế kỷ XIX, người phụ nữ miền Bắc trên mặc áo tứ thân, dưới mặc quần hai ống. Từ miền Trung đi tới miền Nam phụ nữ không mặc áo tứ thân, mà chỉ mặc một loại áo hai vạt mang tên là áo dài, mọi người đều mặc một kiểu, áo may rộng không sát vào thân, luôn luôn có tay dài. Áo dài thường được mặc trong nhà hay ra ngoài đường. Trong miền Nam, vào giữa thế kỷ XIX, xuất hiện chiếc áo bà ba (nếu có dịp tôi sẽ bàn đến).



Qua thế kỷ XX, từ năm 1920 đến 1930, tại miền Bắc có một nhóm họa sĩ nghĩ ra một chiếc áo dài hai vạt, không chỉ may bằng vải mà may bằng lụa, màu sắc đẹp, nhã như màu trắng, đen, xanh, tím. Nhóm Tự lực văn đoàn rất ủng hộ ý kiến này và trong nhóm có 2 họa sĩ (Nguyễn Cát Tường & Lê Phổ) tạo ra một chiếc áo dài may ráp vai. Thuở ấy, áo mới ra đời mang tên là “áo dài Le Mur” (Mur là tiếng Pháp, chỉ một bức tường, mà tường là tên của một họa sĩ). Chiếc áo đó được phụ nữ hoan nghênh và năm 1935 có một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hậu mặc áo dài Le Mur chụp ảnh, mọi người phụ nữ Việt Nam đều thích xem và một số đông bắt chước may theo áo Le Mur. Họa sĩ Lê Phổ để nghị may áo dài sát vào người hơn là để rộng, có một số phụ nữ rất hoan nghinh chiếc áo mới này.



Vài năm sau, trong miền Nam có một thợ may tên Dung, ở tại Đakao, hiệu may mang tên “Dung Tailor” chế ra một áo dài ráp vai theo phương Tây, gọi là “áo dài Raglan”, người Việt thường gọi “áo dài giác lăng” hay “áo dài ráp lăng”, cổ ráp xéo, quần ráp xéo, ống rộng. Đó là thời trang mới.



Áo dài Raglan

Nhưng ở cả ba miền áo dài “cổ điển” vẫn được đa số người lớn tuổi thích may. Chỉ có các phụ nữ trẻ tuổi thích theo thời trang nên mặc những áo dài chạy theo thời trang. Các nữ sinh lại thích mặc áo dài mini Raglan, áo chỉ dài tới đầu gối.

Năm 1958, trong cuộc triển lãm nữ công tại Cô Nhi Viện, phu nhân của ông cố vấn Ngô Đình Nhu xuất hiện với một áo dài mới do bà thiết kế, áo hở cổ, không bâu, tay ngắn và mang găng tay, tóc bới cao. Lúc đó, các thợ may gọi loại áo đó là “áo dài bà Nhu”. Thời trang đó ít được người theo, sau vài năm không ai nhắc tới nữa.



Cựu Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân trong chiếc áo dài bà Nhu



Năm 1968, giới phụ nữ trẻ thích mặc một lối áo mới, phần nhiều chỉ dài tới đầu gối, phía trên sát vào thân, dùng nhiều loại hàng ngoại màu sắc rực rỡ, các cô gọi là “áo dài hippy”, thời trang đó cũng không được nhiều người hưởng ứng, đa số chỉ chấp nhận việc dùng hàng mới có in bông hoa để may áo dùng trong những trường hợp đặc biệt (tiệc cưới, dạ hội …).



Áo dài hippy

Năm 1970, tại Hội nghị Quốc tế Osaka Nhựt Bổn, các thành viên nữ trong phái đoàn Việt Nam mặc áo dài được báo chí Nhựt Bổn khen tặng.

Năm 1973, tại Hội nghị Hòa Bình Bốn Bên, bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho chánh phủ Cách mạng lâm thời (GPMN) mặc áo dài dự Hội nghị, được các báo thế giới chụp ảnh và khen rằng chiếc áo dài Việt Nam nghiêm trang mà rất đẹp.



Bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Hữu Thọ tại Hội nghị Paris 1973

Nhưng khi nước nhà thống nhứt thì chiếc áo dài không còn được phổ biến như ngày xưa, vì lúc đó những phụ nữ từ vùng kháng chiến về thành đều mặc áo bà ba đen, cổ cuốn khăn rằn. Hình ảnh của những người phụ nữ xả thân vì nước trong con mắt của dân chúng thời ấy có cái gì đáng tôn trọng. Những người có áo dài ngần ngại không dám mặc áo dài dự hội, mà ai cũng cắt áo dài thành áo bà ba. Huống chi đất nước nghèo nàn, thiếu ăn, thiếu mặc, hàng vải may 2 áo dài có thể dùng may 3 chiếc áo bà ba. Do đó, áo bà ba thịnh hành và áo dài vắng bóng. Nhưng trong những cuộc lễ lớn của chánh quyền cách mạng, nhân viên nữ các ban tiếp tân được mặc áo dài để tiếp khách quốc tế.



Dầu cho chiếc áo dài không còn được phổ biến như xưa, nhưng trong nhiều gia đình cũng còn giữ chiếc áo dài để mặc trong các dịp trọng đại.

Khi nền kinh tế trong nước được phát triển, nữ sinh cấp III các trường phổ thông bắt đầu được mặc lại áo dài trắng. Tại các cơ quan, doanh nghiệp, áo dài các màu được mặc thành đồng phục. Hàng ngoại được nhập nên những nhà thiết kế bắt đầu tạo ra những kiểu áo dài mới, dùng hàng lụa mới.



Năm 1989, trong nước Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “áo dài” để chọn hoa hậu áo dài, theo báo chí ghi lại thì trong nước có tới 16 ngàn người tham dự.



Năm 1995, tại Tokyo Nhựt Bổn có tổ chức một cuộc thi quốc tế để dành giải thưởng cho một loại áo của phụ nữ trong các nước châu Á, mang tên “Miss International Pageant”, năm đó các loại áo đều có mặt, từ sari Ấn Độ, kimono Nhựt Bổn, hanbok Triều Tiên, … nhưng áo dài Việt Nam đã được tôn vinh là trang phục phụ nữ đẹp nhứt châu Á.

Qua thế kỷ XXI, trong những cuộc thi hoa hậu thế giới, ứng cử viên Việt Nam luôn được chú ý nhờ chiếc áo dài, đã được các nhà thiết kế thời trang tạo mẫu thành những chiếc áo dài dạ hội, áo dài cưới… với hình dáng và màu sắc đa dạng, phong phú. Các báo trên thế giới đua nhau chụp ảnh áo dài Việt Nam.



Đến năm 2000, Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu thế giới, có một buổi thi “người đẹp áo dài”, cùng với trang phục dạ hội, áo tắm. Năm đó, bắt đầu những cuộc thi hoa hậu thế giới và hoa hậu hoàn vũ đều có những buổi thi đặc biệt về “áo dài”.



Các thí sinh nước ngoài trong trang phục áo dài Việt Nam

Năm 2007, nhà thiết kế Việt Nam David Minh Đức đã thiết kế 30 chiếc áo dài, đặt tên là “Long hoa tụ hội”, nhiều hoa hậu trên thế giới sau khi mặc áo dài rất thích và muốn giữ làm kỷ niệm.



NTK Minh Đức đang chỉnh sửa trang phục cho một người mẫu

Năm 2008, trong cuộc thi hoa hậu hoàn vũ, đêm chung kết được tổ chức tại Nha Trang, ban tổ chức nhờ nhà thiết kế Võ Việt Chung may 85 bộ áo dài cho cuộc thi, mang tên là “Big Collection Hoa hậu hoàn vũ”. Nhà thiết kế lấy chủ đề là “Bốn mùa”, lựa những chất liệu ren, lụa, tơ cao cấp, một số lớn loại vải du nhập từ nước ngoài. Nhà thiết kế muốn cho các hoa hậu lúc mặc áo dài vẫn thấy thoải mái và gần gũi với văn hóa của họ, nên chọn lựa hướng đi “đông tây kết hợp”. Do đó, chiếc áo dài tuy vẫn còn kín đáo, e ấp nhưng cũng có nét gợi cảm, hiện đại. Nhà thiết kế này rất cầu toàn nên trong khi thực hiện 85 chiếc áo dài, nhiều lúc không ngại bỏ tiền túi ra để sửa lại những chiếc áo dài chưa thỏa mãn.



NTK Võ Việt Chung và một mẫu áo dài

Năm 2009, trong kỳ thi hoa hậu thế giới, tổ chức tại Mỹ, hoa hậu là một người Mỹ gốc Việt, tên Đỗ Linh Phượng (Lynn Phuong Frazier) đoạt giải trong chiếc áo dài lộng lẫy.



Năm 2010, trong cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt vừa rồi, ban tổ chức đã qui định sẽ có 4 cuộc thi quan trọng: trang phục dạ hội, áo tắm, áo dài và thi ứng xử.



Phần thi trang phục áo dài trong cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010

Nói tới áo dài, cũng không thể không nhắc tới hai nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam là NTK Sỹ Hoàng và Minh Hạnh. Họ là những chuyên gia thời trang đã từng có mặt trong các kỳ thi Hoa Hậu trong nước, chương trình Duyên Dáng Việt Nam tại nước ngoài, các cuộc thi thiết kế thời trang… và được chánh thức mời giới thiệu áo dài tại các nước Châu Á, Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Bỉ là những trung tâm văn hóa nghệ thuật nổi tiếng thế giới.



NTK Sỹ Hoàng trong một chương trình giới thiệu tà áo dài tại Singapore



Tà áo dài xuất hiện thướt tha trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam”

Cả hai nhà thiết kế đều tạo lập cho mình phong cách riêng trong từng bộ sưu tập áo dài và khơi gợi được vô số sự quan tâm trong các giới thời trang, nghệ thuật, báo chí… đối với văn hóa Việt Nam.

Minh Hạnh là nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên, sau khi đoạt giải thưởng New Designer Award tại cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhựt (tháng 9/1997), đã từng có vinh hạnh giới thiệu 100 mẫu thời trang trong bộ sưu tập áo dài “Truyền thống và tương lai” tại đền Kiyomizu – Dera (Nhựt Bổn), nơi chưa có ai được trình diễn tại đây, ngay cả với giới thiết kế Nhựt Bổn. Cô dành hết thời gian trong sự nghiệp của mình để tôn vinh chiếc áo dài quê hương trong mắt đồng bào và bạn bè quốc tế.



NTK Minh Hạnh và một vài mẫu thiết kế của mình







Theo Minh Hạnh, vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của chiếc áo dài Việt Nam là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”, những đường nét kín đáo mà gợi cảm, những tà áo thêu bao đường chỉ thăng trầm của thời gian đã nói lên tất cả. Điểm sơ qua vài bộ sưu tập của Minh Hạnh như “Rồng và Bướm”, “Trở lại thiên đường”, áo dài thụng xưa, áo dài thổ cẩm… cũng đủ thấy tình yêu chiếc áo dài dân tộc luôn cháy bỏng trong tâm hồn Minh Hạnh.

Còn Sỹ Hoàng, ngoài những bộ sưu tập áo dài thiết kế cho người lớn như “Hương xưa”, “Thanh xuân”, “Áo dài cưới cung đình Huế”, “Áo dài cưới vương triều”, “Màu thời gian”, “Bốn mùa”… nhà thiết kế tài hoa này còn có óc sáng tạo phong phú khi thực hiện những bộ áo dài dành riêng cho trẻ em, đặc biệt là từ những bức tranh mà các em thiếu nhi tham gia trong cuộc thi Nét Vẽ Xanh của thành phố. Táo bạo hơn nữa, Sỹ Hoàng cũng đang bắt tay thực hiện dự án về việc xây dựng một “nhà hát áo dài” nhằm tôn vinh trang phục áo dài dân tộc lên thành một tác phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, Sỹ Hoàng còn là một nhà tổ chức nhiều sáng kiến khi đã tổ chức cuộc thi vẽ áo dài trẻ em “Tài năng thiết kế nhí” trong năm 2008, tổ chức cuộc thi vẽ áo dài trẻ em trong hội thi “Nét Vẽ Xanh” 2009, và mới đây nhứt cũng là cuộc thi vẽ áo dài trẻ em trong “Nét Vẽ Xanh” lần 13 năm 2010. Tất cả những mẫu áo dài thiếu nhi của Sỹ Hoàng đều biểu hiện tính cách hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu của tuổi thơ, với gam màu tươi tắn, ý tưởng ngộ nghĩnh tràn đầy mơ ước của các em thể hiện từ nguyên gốc bức tranh đoạt giải.



Trong “Lễ hội Áo Dài 2010″ tại Festival Huế, có sự góp mặt của 17 nhà thiết kế, kể cả hai nhà thiết kế hàng đầu: Sỹ Hoàng cùng bộ sưu tập “Chị và Em”, Minh Hạnh với bộ sưu tập “Mẹ và Con” được khán giả rất quan tâm. Các nhà thiết kế áo dài chẳng những tạo những mẫu áo phù hợp với người phụ nữ Việt Nam mà còn nghĩ tới những người phụ nữ trên thế giới, đặc biệt là các phụ nữ Tây Âu, nên các kiểu áo dài này cũng được thiết kế sao cho phù hợp với vóc người phương Tây để khi diện chiếc áo dài Việt Nam lên người, họ có thể cảm thấy mình trở nên dịu dàng, đằm thắm.



Bộ sưu tập “Chị và em” của NTK Sỹ Hoàng


Qua bao nhiêu thăng trầm, áo dài phụ nữ Việt Nam hiện nay được mọi người trong và ngoài nước quí trọng như một chiếc áo truyền thống đặc biệt của dân tộc Việt. Các nhà thiết kế dầu cho có dùng chất liệu mới, vẽ hình dáng cách tân … cũng không thể nào làm mất nét đặc biệt của chiếc áo hai vạt mà nhà thơ Văn Tiến Lê đã từng ca ngợi:

Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
Thân sau vạt trước nên lời nước non.

GS. Trần văn Khê

10 ngộ nhận văn hoá Việt Nam hiện nay



Trần Đình Sử



Hoàng Ngọc Hiến là nhà giáo, nhà phê bình văn học, nhà triết luận văn hoá, nhà dịch thuật. Người ta đã biết nhiều về ông với tư cách nhà phê bình văn học mà ít biết về ông như nhà triết luận văn hoá. Về mặt này ông thể hiện một niềm trăn trở khôn nguôi đối với các vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại. Ông vừa từ biệt chúng ta để ra đi vĩnh viễn, nhưng những trăn trở của ông về văn hoá Việt Nam hiện tại đã đặt ra hàng loạt vấn đề hết sức quan trọng và thiết thực mà những ai đang băn khoăn về văn hoá Việt Nam hiện thời không thể bỏ qua. Những trăn trở của ông sẽ còn mãi với văn hoá Việt Nam hôm nay và mai sau.

Hoàng Ngọc Hiến đã viết hàng chục bài báo về văn hoá nói chung cũng như về văn hoá Việt Nam, đặc biệt là bài Sức mạnh văn hoá và sự phát triển của văn minh (trường hợp Việt Nam) (Trong Tác phẩm chọn lọc, nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2008), thể hiện nỗi niềm trăn trở của ông với tư cách là một nhà trí thức có trách nhiệm đối với các vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại. Tôi đã đọc hàng chục, thậm chí hàng trăm công trình lớn nhỏ về văn hoá Việt Nam mà các công trình về văn hoá của Hoàng Ngọc Hiến vẫn có nét rất khác biệt không so sánh được, bởi vì chúng vừa có tính lí thuyết vừa có giá trị thiết thực.

Chúng ta đang bước vào thời kì xây dựng lại nền văn hoá dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế và tri thức với nhiệm vụ hiện đại hoá đất nước toàn diện, tiếp nhận và cải tạo, đổi mới nhiều giá trị văn hoá phương Tây và cả của chúng ta. Sau cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài nhiều chục năm với sự đối lập gay gắt về ý thức hệ đã để lại rất nhiều ngộ nhận làm trở ngại cho công cuộc xây dựng văn hoá ấy. Niềm trăn trở thiết tha của tác giả là làm sao nâng cao nhận thức, hoá giải các ngộ nhận để phát triển văn hoá dân tộc bền vững lâu dài. Vấn đề lớn nhất thời đại ngày nay là xử lí mối quan hệ văn hóa Đông Tây. Văn hóa phương Đông cố nhiên là độc đáo, cần được bảo tồn, phát huy. Song văn hóa phương Tây là động lực của tiến bộ. Các nước Đông Á, Đông Nam Á, nước nào biết tiếp nhận văn hóa phương Tây đều tiến bộ, còn ai từ chối phương Tây đều lạc hậu thảm hại. Vấn đề lớn thứ hai là văn hóa dân tộc, văn hóa nhân văn. Ở đây Hoàng Ngọc Hiến tổng kết thành 10 ngộ nhận lớn của thời đại, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Ngộ nhận thứ nhất là tuyệt đối hoá sự khác biệt giữa các ý thức hệ, giữa phương Đông và phương Tây, giữa các tôn giáo, khẳng định “hòa nhi bất đồng”…mà không thấy sự “đồng nguyên” của chúng ở “luồng nhân bản gốc”, bởi dù khác nhau bao nhiêu giữa chúng vẫn có niềm “quan tâm an sinh và phát triển bền vững” của con người. Cái “luồng nhân bản gốc” ấy là cơ sở để từ xa xưa dân tộc ta đã biết đến thái độ “khoan hoà”(không đơn giản là khoan dung, bởi khoan dung là thuật ngữ của lí thuyết đa nguyên) của các “giáo” (học thuyết). Ngày nay trong bối cảnh hội nhập không chỉ có “tam giáo”, mà có thể là “lục giáo” “thập giáo” hay nhiều hơn nữa, thì khoan hoà là rất cần thiết. Bởi khoan dung là chấp nhận cái khác mình, còn khoan hòa là có sự hấp thu cái hợp lí trong những cái khác. Ngày nay một số kẻ giáo điều hiện đại mượn lời Khổng Tử nói “người quân tử hòa nhi bất đồng” để bày tỏ thái độ đối với hội nhập, thực chất là một kiểu cố thủ trịch thượng giả dối. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay trước văn hóa phương Tây mà “làm ra bộ nạn nhân của phương Tây, và phủ định phương Tây” là lỗi thời.

Ngộ nhận thứ hai là chỉ thấy xung đột văn hoá, xâm lăng văn hoá mà không thấy cộng sinh văn hoá, cơ sở giao lưu các giá trị để các tài năng đột xuất sáng tạo nên các giá trị văn hoá mới của dân tộc như tiếng Việt hiện đại, Thơ Mới, tiểu thuyết 30 – 45…

Ngộ nhận thứ ba là chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến độc lập, tự do dân tộc mà chưa quan tâm đầy đủ đến tự do cá nhân, tự do cá tính, tự do phát triển nhân cách nó là cội nguồn của mọi hoạt động sáng tạo.

Ngộ nhận thứ tư là nhiều khi đồng nhất chủ nghĩa cá nhân “đạo đức” (chủ nghĩa vị kỉ mà thời nào cũng đáng ghét) với chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”, tức là tinh thần độc lập nội tại của cá nhân, niềm tin vào lẽ phải của mình, ý kiến của mình, giá trị của mình có tác dụng nâng đỡ con người trong mọi hoạt động sáng tạo như là một chủ thể. Sự ngộ nhận ấy là cội nguồn bi kịch trong số phận của không ít nhà văn hoá Việt Nam thời gian tước đây.

Ngộ nhận thứ năm là thiếu một hình thức sở hữu thích đáng làm nền tảng cho tự do cá nhân, điều mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác đã khẳng định. Trong điều kiện đó chỉ có mốt thiểu số người nắm độc quyền phát triển, còn đa số bị tước đoạt quyền phát triển, vì chỉ mãi chạy lo cơm áo hằng ngày, hao phí không biết bao tài trí vào chuyện sinh hoạt vật chất.

Ngộ nhận thứ sáu là nặng về coi trọng lập lại pháp luật kỉ cương, những việc ngắn hạn, mà nhẹ quan tâm xây dựng văn hoá lâu dài, mà nhẽ ra cần lấy ngắn nuôi dài thì mới có bền vững.

Ngộ nhận thứ bảy là trong phát triển văn hoá chúng ta chú trọng phát triển văn hoá phong trào, văn hoá cộng đồng ở mặt vĩ mô, mà ít quan tâm văn hoá vi mô ở gia đình, cơ quan, xóm mạc, trong đó đề cao các “phẩm giá cá nhân”, sự tu thân, tạo nên sự tiếp nối bền vững của đời sống cá nhân, gia đình.

Ngộ nhận thứ tám là thường hiểu giao lưu văn hoá Đông Tây một cách hời hợt, hoặc là Âu hoá hoặc là bảo vệ bản sắc dân tộc, mà không thấy sự bổ sung nhau, soi sáng nhau, tạo ra giá trị văn hoá mới. Tác giả nói đến khác biệt cá nhân phương Đông và phương Tây, đến “tình nghĩa” trong ý thức phương Đông, Việt Nam với “nhân quyền” phương Tây, nêu yêu cầu cần “Dân tộc hoá khái niệm nhân quyền”.

Ngộ nhận thứ chín là đối lập hiện đại hoá với dân tộc hoá một cách không lôgích, mà không thấy sự thống nhất của hai mặt đó, trong đó hiện đại hoá chủ yếu là hợp lí hoá và chủ thể hoá, bao gồm chủ thể hoá cá nhân và dân tộc; tính dân tộc do đó chỉ là một mặt cục bộ của tính hiện đại. Có thể nói rằng bản sắc văn hoá dân tộc là do chính những người nghệ sĩ dân tộc tạo ra, Sự bảo đảm quyền tự do sáng tác cho các nghệ sĩ và trường phái nghệ thuật là điều kiện tiên quyết không thể thiéu cho sự phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc.

Ngộ nhận thứ mười là trong quan niệm về chủ nghĩa nhân đạo mới ta thường chỉ chú trọng đến nội dung giải phóng con người mà chưa chú trọng tới mặt phát triển tự do cho mỗi người và mọi người. Tác giả phân biệt văn hoá với văn mình, chủ trương mọi hình thức văn minh rồi sẽ bị vượt qua, chỉ có văn hoá –các cách thức tạo ra cuộc sống có ý nghĩa và có giá trị thì mới có sức sống và sức mạnh lâu dài. Các ngộ nhận trên nằm đây đó khá phổ biến trong diễn ngôn xã hội hôm nay.

Niềm trăn trở của Hoàng Ngọc Hiến không chỉ có mấy điểm ấy. Không phải mọi đề xuất, lí giải của tác giả đều đã thấu đáo, không có gì bàn cãi nữa, thậm chí có những chỗ bản thân tác giả cũng có ngộ nhận rõ ràng. Nhưng đây không phải lúc thảo luận. Đây là lúc ghi nhận một bầu tâm huyết, những trăn trở khôn nguôi trước nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của văn hoá dân tộc. Qua những trăn trở này ta thấy Hoàng Ngọc Hiến là một con người đầy thiện chí xây dựng, một người trong cuộc phản tỉnh những gì đã từng trải và đề xuất thẳng thắn các suy nghĩ của mình để mọi người có trách nhiệm cùng suy nghĩ và hành động. Có thể coi đó là những vấn đề cuối cùng ông gửi lại cho chúng ta trước lúc đi xa về phương diện văn hoá dân tộc.

Hà Nội, 27 – 01 – 2011