Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Nhàm chán

     

Điều kiện môi trường

Do di truyền khác nhau và điều kiện lớn lên khác nhau nên mỗi cá thể sở hữu một bản năng khác nhau. Nói đúng hơn là có những bản năng đã được thuần phục cho thuận với nguyên tắc điều hợp của vũ trụ và sự tiến hóa của xã hội, nhưng cũng có những bản năng còn rất hoang sơ chỉ biết đi tìm những gì đem tới cảm xúc thỏa mãn cho chính bản thân mà không suy xét đến những cái giá rất đắc phải trả. Cho nên chân – thiện – mỹ là mục tiêu phấn đấu cao cả của con người, ai không tiếp xúc được ba chất liệu đó thì vẫn chưa thể hiện được chức năng thiêng liêng mà trời đất đã hiến tặng và vẫn chưa đạt được giá trị hạnh phúc và bình an thật sự trong đời sống. Kẻ ấy vẫn chưa có phương hướng sống.

Khi một đứa bé không còn ưa thích món đồ chơi mới mua ngày hôm qua mà chính nó đã nài nỉ đòi có cho bằng được, thì ta biết đứa bé này có khuynh hướng mau chóng nhàm chán. Nhàm chán là thuộc tính của tất cả những ai đang sở hữu bản năng cảm xúc quá mạnh. Bản năng này sẽ thúc đẩy ta tìm kiếm những đối tượng có thể đem tới sự dễ chịu thoải mái cho các giác quan như “bắt mắt”, “êm tai”, “hợp khẩu vị”… mà lý trí không đủ sức can thiệp rằng ta chưa đủ khả năng để nắm bắt đối tượng đó, hoặc nếu ta nắm bắt được thì nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ta và những người sống chung quanh ta ra sao. Chỉ khi nào cơn cảm xúc tàn rụi thì ta mới biết sự chọn lựa ấy là sai lầm đáng tiếc.

Đây là một tâm lý rất xấu đã hình thành ngay từ thuở nhỏ mà chúng ta ít được người lớn chỉ vẽ và lưu ý tới. Nếu ta sinh ra trong một gia đình nghéo khó, hoặc lớn lên trong bối cảnh xã hội có nền kinh tế lạc hậu, thì sự chọn lựa những thứ mà ta yêu thích sẽ bị giới hạn. Bản năng ấy có thể bị cô lập hóa đến mức xói mòn nếu điệu kiện không thể chọn lựa duy trì trong khoảng thời gian khá dài, đủ để bản năng hình thành một thói quen hay bản tính mới. Cái này cũng tùy, nhưng phần lớn những đứa bé không có điều kiện hưởng thụ từ nhỏ thì bản tính nhàm chán không có cơ hội phát triển. Ta hãy quan sát một đứa bé sở hữu hàng chục món đồ chơi đắt tiền, nhưng nó vẫn cứ đòi mua những món đồ chơi khác mà nó đã thấy của bạn bè hay quảng cáo trên ti vi. Gặp cha mẹ quá bận rộn, thay vì giải thích cho con hiểu đó là thói quen không tốt hay tìm cho con những sinh hoạt khác lành mạnh hơn, thì cha mẹ lại nuông chìu để cho con vui và cho mình khỏe.

Lớn lên nếu ta trở thành một thiếu nữ xinh đẹp hay một chàng thanh niên đa tài thì ta nghiễm nhiên được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích, ta lại có điều kiện được chọn lựa và mau chóng nhàm chán. Hễ dễ dàng chọn lựa là mau chóng đưa tới sự nhàm chán, đó là cấu trúc rất tự nhiên của tâm lý. Rồi khi ta kiếm được nhiều tiền, ta có quyền mua sắm mọi thứ trang phục, xe cộ, nhà cửa… theo ý mình, song chắng mấy chốc ta lại muốn thay đổi kiểu dáng khác. Ta chỉ đơn giản phát biểu rằng ta không thích kiểu đó nữa, kiểu đó xưa rồi, kiểu đó không hợp với “gu” (gout) mới của những giới sành điệu, nhưng ta không hề biết rằng mình đang bị cảm xúc điều khiển, đang nuôi dưỡng thói quen nhàm chán mà nó là tiền đề cho những cuộc tình sớm vội tàn phai hay đổ vỡ trong tương lai.

Từ nhàm chán đến phản bội

Khi ta nói nhàm chán nhau tức là ta cho rằng đối tượng kia đã có sự xuống cấp, không còn khả năng hấp dẫn hay tạo nên sự mến mộ trong ta nữa. Sự xuống cấp ấy có thể là hình thức bên ngoài hoặc là phẩm chất đạo đức bên trong. Nếu vì sự xuống cấp hình thức bên ngoài mà khiến ta trở nên nhàm chán tức là trước kia ta đến với nhau bằng cảm xúc thỏa mãn hơn là tình yêu đích thực. Khi ấy mỗi bên cố gắng đem tới sự mới lạ về hình thức để đáp ứng nhu cầu yêu thích của đối phương, dù có khi phải vắt kiệt năng lượng mới có thể tạo dựng được một hình ảnh ấn tượng, mục đích không gì hơn là khiến cho bên kia hệ lụy vào mình hơn, biến họ thành đối tượng sở hữu vững chắc của mình hơn.

Nhưng làm sao người kia đủ sức để tạo dựng những hình ảnh gợi cảm mới lạ mãi được. Tại vì họ còn bao nhiêu chuyện cần phải làm chứ đâu phải lúc nào cũng giành hết năng lực cho ta, vả lại, nhu cầu hưởng thụ của ta cứ tăng tốc mà năng lực trong người kia cứ suy giảm theo thời gian. Và khi người kia không còn đủ sức để cung cấp thức ăn cảm xúc cho ta nữa, ta sẽ lâm vào tình trạng đói khát và sự phản bội sẽ dễ dàng xảy ra. Ta trách người kia cũng đúng vì chính họ đã nuông chìu ta, đã tập cho ta thói quen yêu bằng cảm xúc thay vì đánh thức ta thăng hoa những giá trị tâm hồn. Nhưng lỗi ở nơi ta nhiều hơn, ta biết “mới chuộng cũ vong” là bản tính nằm trong máu thịt của mình, đáng lẽ ta phải tìm cách chế phục nó trước khi quyết định sống chung với người khác, thì ta lại biến đối tượng thương yêu trở thành kẻ phục tùng cho bản năng hưởng thụ quá lớn của mình.

Nếu vì sự xuống cấp về phẩm chất bên trong của người kia mà khiến ta trở nên nhàm chán thì chứng tỏ tình yêu của ta giành cho họ chưa đủ lớn. Lẽ dĩ nhiên là khi người kia không còn giữ được những cái hay cái đẹp trong tâm hồn mà ta đã từng ngưỡng mộ, trái lại họ còn tập tành theo những thói quen mới rất kỳ cục khiến ta vô cùng khó chịu và mệt mỏi, thì sự đổ vỡ hình ảnh đẹp là điều có thể xảy ra. Nhưng ta sẽ không dễ dàng nhàm chán và đi tới sự ruồng rẫy nếu lý trí trong ta đủ mạnh, kịp thời soi sáng cho ta giải quyết vấn đề theo chiều hướng khác. Bởi khi sự hiểu biết được thắp sáng, ta sẽ nhận ra sự xuống cấp của người kia chỉ là một hiện tượng nhất thời chứ không phải là toàn bộ con người của họ, hoặc có thể họ đang bị kẹt vào một nhận thức sai lầm nào đó nên khiến họ không muốn giữ gìn phong độ của mình nữa, hoặc do chính ta là thủ phạm đã khiến họ không còn niềm tin vào bản thân để có cảm hứng duy trì và phát huy những điểm sáng.

Ta đừng quên nguyên tắc của thương yêu là phải có sự hiến tặng và chia sớt. Ta phải có những năng lượng tích cực để hiến tặng cho người ta thương để họ được hay thêm và đẹp thêm khi gắn bó cuộc đời với ta. Mỗi khi người kia rơi vào tình cảnh khó khăn bế tắc, bị gục ngã giữa muôn trùng cám dỗ của cuộc đời thì ta phải có khả năng đánh thức và đưa cánh tay tình thương đến để nâng đỡ hay chở che. Chứ mình nói mình thương người ta mà khi người ta bị xuống cấp, cần sự giúp đỡ của mình, thì mình lại than van là nhàm chán và muốn bỏ chạy. Cái đó chỉ là một sự đổi chác sòng phẳng chứ đâu phải là tình thương. Ta phải có trách nhiệm với bất cứ những gì ta đã gây ra. Ta đã đi vào cuộc đời của người ấy và đã góp phần đẩy tâm thức họ tới mức yếu kém như vậy thì ta không thể đổ thừa hay than trách gì cả. Thái độ đúng đắn nhất là mở lòng ra chấp nhận và giúp đỡ.

Nhưng có khi bên kia chẳng hề có một thay đổi nào, họ vẫn hay vẫn đẹp như họ trước đây, nhưng ta lại không hạnh phúc khi nhìn thấy họ nữa, ta nói ta nhàm chán mà không lý giải được tại sao. Có thể tâm thức ta đang bị khủng hoảng bởi những biến động của hoàn cảnh, hay do ta bị vướng kẹt vào thành kiến từ một việc làm sai trái gần đây của người kia mà ta không còn nhìn thấy họ như chính họ đang là, ta nhìn họ bằng một tâm thức khác mà ta cứ ngỡ là họ đang thay đổi. Cũng có thể do nhu yếu hưởng thụ trong ta đang tăng tốc, ta tiếp xúc thế giới bên ngoài và ngưỡng mộ những nhân vật mà ta cho là chuẩn mực rồi ta muốn người thương của mình phải được như vậy, nếu người thương của ta không làm được thì ta cho rằng ta đang tiến bộ còn họ thì đang bị tụt lùi. Cũng có thể ta vẫn còn thấy cái hay cái đẹp của người ấy, nhưng họ lại không phục tùng ta, trái lại họ có vẻ khinh thường ta nên cuối cùng ta cũng trở nên nhàm chán họ.

Mới chuộng cũ vong
Thái độ nhàm chán thường xuất phát từ sự ích kỷ của ta, ta chỉ muốn người kia phải như thế này hoặc như thế nọ để phục vụ cho cảm xúc thỏa mãn của ta thôi, chứ ta không nghĩ gì đến cuộc đời của họ. Chính vì vậy mà người có bản tính mau chóng nhàm chán thì rất sợ gánh phần trách nhiệm, họ luôn bận tâm để tìm tòi khám phá cái mới chứ không sẵn sàng chi tiêu năng lượng để đền bù cho những thứ mà họ muốn từ bỏ. Nhưng đạo đức không cho phép họ làm như vậy. Làm người mà chỉ biết rút tỉa năng lượng của kẻ khác thì còn kém xa loài ong lấy mật hoa mà không hề làm cho hoa tổn thương. Họ không xứng đáng tiếp tục nhận lãnh năng lượng tình thương và che chở của đất trời. Họ chắc chắn sẽ không có những tháng ngày bình yên và sẽ bị đào thải dù sớm hay muộn.

Ý thức được mình đang sở hữu một bản năng bình thường hóa cảm xúc rất lớn, ta hãy quyết tâm quay về chăm sóc lại tâm hồn mình, dừng bớt cuộc rong ruỗi đi tìm những đối tượng hấp dẫn ở bên ngoài. Ta hãy thường xuyên tập ngồi xuống thật yên cho tâm tư lắng đọng mà không tiếp tục dùng nó để thăng hoa những cảm xúc không cần thiết. Từ khi thức dậy cho đến khi lên giường ngủ, lúc nào nhận biết tâm mình đang lang thang đi tìm những cảm giác mới lạ thì ta hãy nhìn vào tình trạng tâm thức lúc ấy bằng một thái độ không thành kiến và nở một nụ cười thật tươi để xác nhận là ta và cảm xúc vừa có cuộc chạm trán. Khả năng phát hiện này sẽ giúp cho ta nhạy bén hơn khi nhìn ra tâm của mình trong những lần sau và góp phần làm cho cảm xúc bị suy yếu.

Nếu khi “mới chuộng” mà ta không đủ sức để ngăn chặn thì ta hãy quan sát lại tâm mình khi “cũ vong”. “Mới chuộng” và “cũ vong” là hai tâm thức khác nhau. Một cái quá hưng phấn muốn có cho bằng được, còn một cái quá nhàm chán muốn bỏ cho bằng được. Ta thấy có nhiều người để cho cảm xúc này tràn lắp ra lời nói và hành động, khiến ta có cảm tưởng như họ đang bơi đuối sức trong một dòng nước đang chảy xiết. Cảm xúc cũng giống như dòng nước, mức độ mãnh liệt của nó có thể khiến người ta vượt núi băng đèo để tìm đến nhau, nhưng cũng sẵn sàng dùng tới những thủ đoạn kinh rợn nhất để tiêu diệt nhau. Cho nên thiết lập được thói quen quan sát và buông bỏ bớt thái độ nhàm chán sẽ giúp ta không dễ trở thành kẻ bội bạc, dù có khi ta không vượt thắng nó nhưng ít ra ta cũng có cơ hội hiểu rõ hơn guồng máy hoạt động của cơ chế cảm xúc trong ta.

Ta có thể tháo gỡ cơ chế ấy ra từng mảnh vụn từ những cảm xúc yêu thích và chống đối nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra trong đời sống. Mỗi khi ta muốn thay đổi cách ăn mặc, giọng nói, thể hình, xe cộ, chỗ ở, sở thích đến cả quan hệ bạn bè, thì ta nên tự hỏi có phải mình đang muốn tạo dựng thêm cảm giác mới lạ cho chính mình và những đối tượng kia không, có phải vì ta không đủ niềm tin phẩm chất bên trong có giá trị đích thực nên ta chú trọng tới hình thức bên ngoài không? Điều đó chẳng tội vạ gì nhưng đó là lý do mà ta trở thành nạn nhân của kẻ không giữ được lập trường, hay dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Lẽ dĩ nhiên đời sống là phải luôn khám phá sáng tạo, nhưng nó phải được thực hiện trên một tâm thức vững vàng, một lý trí kiên định và một tinh thần trách nhiệm thì ta mới đủ bản lĩnh đi về phía mặt trời sáng tỏ mà không bị tan chảy như những giọt sương.

Cảm xúc cũng vô thường
Nắng bừng vỡ giọt sương
Mời lên tâm tỉnh thức
Càng nhìn lại càng thương.

Minh Niệm

Làm báo kiểu mới


Trái ngược với nhiều tiên đoán bi quan về tương lai của báo chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy báo chí đang phát triển mạnh! Thoạt nghe rất trái tai nhưng cũng rất dễ đồng tình với nhận xét này nếu chúng ta không đánh đồng “báo chí” với “báo in”.


Ngày xưa, có lẽ thói quen của nhiều người là sáng ra, cầm tờ báo đọc một mạch các tin bài quan trọng rồi thôi. Có ai sáng đã đọc rồi, trưa vẫn tìm báo đọc, chiều tìm tin mới và tối loay hoay lùng sục các sạp báo coi còn sót tờ nào nữa không! Hiếm lắm.



Nhưng đó chính là hình ảnh cách đọc báo của nhiều người hiện nay. Họ đọc sáng, đọc chiều, đọc tối; họ đọc trên máy tính, quay sang đọc trên máy điện thoại di động, tối về nằm đọc trên máy tính bảng. Họ đọc tờ này, nhảy sang tờ khác, tin trên mạng này, qua tin trên mạng khác. Họ đọc bất kỳ khi nào có bạn bè giới thiệu.



Như vậy đã có thể kết luận được chăng, rằng nhu cầu tin tức vẫn tăng mạnh, chỉ có điều cái phương tiện chuyển tải thông tin không còn là tờ báo in nữa mà thôi.



Vậy cái nghịch lý nhu cầu đọc tin tăng, nhu cầu đọc báo in giảm, sẽ dẫn chúng ta đi đâu, sẽ đưa tương lai báo chí về chỗ nào?



Trong một bài viết gần đây, giảng viên trường Harvard Kennedy School Nicco Mele tiên đoán tương lai của báo chí là mô hình báo nhỏ. Dù Mele không nói mô hình báo nhỏ là như thế nào, có thể hình dung theo kịch bản dưới đây. Đã từng có người giả định trong tương lai một nhạc sĩ chỉ cần có 1.000 người hâm mộ thật sự, sẵn sàng trả 100 đô-la mỗi người trong một năm cho nhạc sĩ này yên tâm sáng tác, không còn phải lo lắng giữa “nhạc thị trường” hay “nhạc nghệ thuật”. Mô hình này có thể tồn tại là nhờ tính kết nối thông qua Internet.



Nay giả thử một một nhà báo, có chừng 5.000 người theo đọc (trên blog cá nhân hay trên Facebook), mỗi người sẵn lòng bỏ ra chừng 100.000 đồng/năm trả cho nhà báo này để được đọc tin bài do anh sản xuất, vị chi anh ấy sẽ có thu nhập chừng 500 triệu đồng/năm! Nghe như chuyện giả tưởng nhưng cứ nghĩ lại, mỗi tháng, bấm 10.000 đồng (bằng giá hai tờ báo ngày hiện nay) chuyển cho anh nhà báo qua điện thoại di động để được đọc tin bài mà mình thích, e cũng không đến nỗi quá viễn vông. Vấn đề là bản quyền bởi nếu tin bài nào đăng lên đều bị nơi khác lấy lại vô tội vạ thì mô hình này sẽ đổ vỡ ngay.



Và nghĩ xa hơn một chút, người đọc làm “fan” một hai nhà báo kiểu đó thì được còn bắt họ đọc gì cũng phải trả tiền kiểu đó, chắc chắn cũng không khả thi. Nói cách khác, mô hình nhà báo đơn độc như trên ắt chỉ thành công với một số người đếm được trên đầu ngón tay và như thế cũng không giải quyết được gì cho mô hình báo chí và nghề báo trong tương lai.



Từ đó mới thấy những mô hình làm báo mới xuất hiện có lý của nó và có thể thành công. Đó là một mô hình dựa vào mô hình xuất bản của Amazon, loại bỏ nhà xuất bản trung gian, chỉ còn người đọc và nơi phát hành sách. Áp dụng vào báo chí, đó là sự loại bỏ cơ quan báo chí, chỉ còn lại người viết và nơi chuyển tải nội dung đến tận tay người đọc.



Trở lại giả định nói trên, thay vì 5.000 người, anh nhà báo có đến 50.000 người đọc, đương nhiên “phí nuôi sống” anh sẽ tụt xuống còn 10.000 đồng/năm chứ không còn phải đến 100.000 đồng/năm như trước nữa. Hay nói cách khác có chỗ nào đó bán sỉ, tập hợp được 10 anh nhà báo như thế thì người đọc vẫn trả tiền như cũ nhưng đọc được bài viết của 10 người thay vì chỉ 1 người. Đó là bộ khung của mô hình báo quy mô nhỏ của tương lai.



Sẽ có người lo ngại, như thế những ai viết chuyện giật gân, câu khách sẽ sống khỏe và dần dần sẽ chỉ còn những bài viết rẻ tiền, dung tục? Rất có thể như vậy nhưng cũng rất có thể nhu cầu thông tin của con người không xoay quanh chuyện xì-căng-đan của các sao giải trí; họ thật sự cần những kiến giải giúp hoạch định cuộc sống.



Lấy ví dụ, các doanh nhân đang lo chuyện phải cạnh tranh khi thuế nhập khẩu giảm ắt rất muốn biết một phân tích sâu tình hình, kèm theo là những khuyến nghị hữu ích. Lúc đó chắc họ sẵn sàng trả tiền để đọc bài đang cần tìm và không chịu bỏ xu nào cho loại bài nhảm nhí.



Như vậy, tương lai của tổ chức báo chí gồm đầu ra nhỏ, phục vụ cho một số đối tượng chứ không phải đại trà, thu tiền người đọc chứ không phải sống nhờ quảng cáo. Đã có những tổ chức báo chí kiểu mới như thế đang sống được, sống khỏe ở các nước.



Cách viết tin bài cũng thay đổi để làm sao người làm tin bài như một nhà tư vấn, một người bạn tâm tình, vừa cung cấp chuyện mới, vừa giải thích nó là gì, nó tác động đến cuộc sống ra sao, cần phải có thái độ như thế nào. Cách đưa tin cũng phải thay đổi, ưu tiên cho sự tương tác với người đọc. Người đọc phải có tiếng nói, như thể tạo dựng một cuộc trò chuyện thì tin bài mới có sức lan tỏa. Người đọc sẽ giúp lọc tin sai, tin viết ẩu, họ sẽ làm giám khảo nghiêm khắc cho mỗi bài viết. Bốn cột trụ làm nên nghề báo vẫn còn đó mà người bình thường không thay được: xác minh, giải thích, chứng kiến và điều tra.



Vấn đề còn lại là tính tổ chức của tòa soạn bởi để một bài báo có chất lượng ra đời, đâu phải chỉ là công sức của người viết, nó còn là sự kiểm chứng thông tin của nhiều người khác, là công sức biên tập, là sự hỗ trợ thông tin nền, là sự động não tập thể về đề tài và hướng triển khai, là uy tín của một tổ chức giúp người viết tiếp cận được nguồn tin. Nhìn ở góc độ này, cuộc tìm kiếm mô hình báo chí cho tương lai vẫn tiếp diễn.

NVP

Xiếc chữ*



Bất bình tắc minh
Hàn Dũ



Khỉ bất tử + computơ có bộ nhớ vô hạn + [0,1] = Thượng Ðế, một ý niệm tiệm cận ở vô tận trục thời gian của con Người hữu hạn. Sợi dây chăng từ hiện tại đến tiệm cận đó là văn hóa, vắt chông chênh giữa hai bờ vực, một bên là tâm, bên kia là trí : giữ thăng bằng tránh hụt chân rơi vào thăm thẳm là công việc nhà văn.


1. Khỉ, [0 , 1], và…

Cho một con khỉ một cái máy chữ. Khỉ bất tử, máy chữ cũng vậy, tức không có thời gian. Khỉ gõ máy, gõ ‘‘vô tư ’’ , theo tính ngẫu nhiên, vừa gõ vừa ăn chuối.Thế mà cuối cùng (của cái gì nhỉ, trong vũ trụ phi thời gian ?) sẽ có đủ thứ, đủ mặt. Phương Pháp Luận của Descartes, định luật quả táo (bà Eve có nếm qua) của Newton, Nguyên Lý Ngẫu Ðịnh của Heisenberg, thuyết Tương Ðối hẹp, rồi tổng quát của Einstein, hằng số Planck…Về văn chương, có Ly Tao của Khuất Nguyên, Nam Hoa kinh của Trang Tử, rồi nào là Trung Dung, Luận Ngữ, Tứ Thư, Ngũ Kinh cho đến Nền Cộng Hòa của Platon, Luận Lý của Aristote. Rồi Cervantes của Don Quichotte (hay ngược laiï), Công Ước của Rousseau, Ulysse của J Joyce, Hữu Thể và Hư Vô của Sartre. Lục kỹ, ơ này có Chùa Ðàn của Nguyễn Tuân, Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Lạ chưa, vừa rồi có cả Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc Hậu Hiện Ðại của Trần Vũ. Hay chưa, xem này, có cả « Vấn đề đoạn tuyệt với quá khứ để lên đường»[1]của Thụy Khuê.

Có thật là lạ không? Bây giờ khỉ bỏ máy chữ kiểu cổ, gõ computơ, không cần màn hình vì gõ ‘‘vô tư’’, nhưng cần một bộ nhớ vô hạn. Và chỉ phân biệt hai nút, trắng là 0 và đen là 1, là đủ. Tập hợp nhị phân (0,1) có khả năng biểu diễn mọi thứ ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh. Phi thời gian, trong hằng hà vô số ký bản có cả Bản Giao Hưởng số 5 của Beethoven, tranh Guernica của Picasso, nằm đâu đó cạnh nào là Barthes, Derrida, Foucault, Nabokov, Steiner… những tên tuổi á thánh thường được nhắc trong lý luận văn học đương đại viết bằng ngữ Việt. Xin nhắc, khỉ vừa gõ vừa ăn chuối ( lượng chuối vô hạn) trong vũ trụ phi thời gian, với một cái computơ có bộ nhớ cũng vô hạn, là nhân loại có mọi tác phẩm, mọi kiến thức, cả khoa học, triết học và nghệ thuật. Sau hệ (0,1), ta có hết rồi, làm thế nào phân biệt được cũ-mới đây.

2. Chặt, và đứt.

Làm thế nào ? Mình là người, nó là khỉ. Không, luận cứ này gẫy ngay. Thủy tổ mình là nó, lại ở đâu bên Phi Châu, theo hai con đường, đường lên Bắc Á, rồi phân tán, di cư, di tản xuống phía Nam mãi đâu dăm chục nghìn năm trước, đích thị là ta. Ta từ hang đá chui ra, vươn vai một cái rồi ta lại vào ? Cũng không ! Ta không lại vào như thế. Ta đoạn tuyệt với «quá khứ» chứ ! Bằng chứng trong văn chương ta, có Tự Lực Văn Ðoàn ‘’chặt đứt’’quá khứ thế hệ Tản Ðà, nhà nho buổi Tây học, gầy nên văn thơ tiền chiến. Chưa chiến, Trần Dần và nhóm Tượng Trưng đã «chôn tiền chiến» với tuyên ngôn hạ huyệt phong trào lãng mạn nhóm Tự Lực nhập từ nước Ðại Pháp. Chiến rồi xuôi Nam, mấy năm sau thì nhóm Sáng Tạo tiếp tục cuộc chôn cất Tự Lực, không ai khóc, tang lễ vui tươi, dứt khóat đoạn tuyệt với quá khứ, và, xin trích Thụy Khuê « sự đả kích tiền chiến và Tự Lực Văn Ðoàn của Sáng Tạo cũng ‘’hời hợt’’,’’ấu trĩ’’ như Tự Lực Văn Ðoàn đã từng đả kích hời hợt và ấu trĩ thế hệ Tản Ðà.» Ðọc những nhận định của Thanh Tâm Tuyền ( tr 16, bài Thụy Khuê #1), ‘’hời hợt’’,’’ấu trĩ’’ thế nào ? Còn về phần Tự Lực Văn Ðoàn ‘’hời hợt’’,’’ấu trĩ’’ ra sao thì cũng không có dẫn chứng gì. Nhưng thôi, cứ tin cũng chẳng sao, vì ngay câu sau, Thụy Khuê tự mâu thuẫn : «…thật sự là Sáng Tạo đã có những thảo luận đứng đắn về những quan điểm sáng tác ». Thế là thế nào ? Ai lại có thể cùng một lúc hời hợt ấu trĩ mà rồi vẫn có «những thảo luận đứng đắn» và «…họ đã thành công trong việc đổi mới văn học Việt Nam …» ? [2] Vâng, bà đánh giá là cả Tự Lực Văn Ðoàn và Sáng Tạo « thành công trong việc đổi mới văn học» và đặt vấn đề : «tìm hiểu tại sao họ lại thành công trong việc ‘’chặt đứt’’ quá khứ của họ. Trong khi văn học hải ngoại, từ 20 năm nay, cũng muốn ‘’chặt đứt’’ quá khứ, nhưng chưa có những thành tựu đáng kể»(#1,tr 17).

Tìm hiểu, Thụy Khuê đưa ra hai nhận xét. Thứ nhất, Tự Lực và Sáng Tạo hô hào đánh đổ cái cũ vì biết là họ có thể dựa vào một điểm tựa mới. Tự Lực dựa vào văn thơ Pháp đánh đổ thế hệ Tản Ðà, còn Sáng Tạo đánh đổ Tự Lực «…vì họ biết chắc là họ đang nắm thực chất của ‘’văn hóa hiện sinh’’, của ‘’văn minh siêu thực’’, những dòng tư tưởng chính của thế kỷ XX…»(#1, tr 17).

Nhưng cái gì là hai cái cụm từ ghê gớm trên thì Thụy Khuê không nói và vì thế tôi, người đọc, chẳng biết hiện sinh kiểu gì ( vô thần, hữu thần, Nietzsche hay Kierkergaard hay Marcel hay Ponty hay …vân vân). Rồi ai nắm gì, ai không ? Ðến phần sau, bà mới hé cho biết là Thanh Tâm Tuyền nắm Nietzsche, xử dụng siêu thực Breton về mặt tạo hình, nhưng rồi với tập Dọc Ðường, ông lại hiện thực với cả Balzac, Freud ( dấu ? của tôi, vì tôi chẳng biết Freud hiện sinh chỗ nào), Dostoievsky. Còn Mai Thảo, theo bà cũng thành công, thì «không phải là một nhà văn hiện sinh » (#1, tr 19). Số thành tựu còn lại, đủ mặt bá quan (Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Doãn Quốc Sĩ, Nhật Tiến…), chẳng hiện sinh hiện xiếc gì, và thậm chí có tí ti siêu thực cũng lại vẫn TT Tuyền với ảnh hưởng của kỹ thuật Breton như nói trên. Thứ nhì, Thụy Khuê huỵch toẹt, Sáng Tạo nói vậy mà không phải vậy,(#1,tr 17), và các vị còn lại được bà gán những là «tiền chiến», là «nhà nho xuống đường», là «giao lưu kim cổ». Thế thì Sáng Tạo «…biết chắc là họ đang nắm thực chất của ‘’văn hóa hiện sinh’’, của ‘’văn minh siêu thực’’» hiểu làm sao được đây ? Hay là vì tôi, người đọc, chậm hiểu. Ừ, để yên lòng cứ cho là thế vậy!

Vậy, nhưng có điều buồn hơn vậy : nhà văn Việt Nam cứ phải dựa vào văn học và tư tưởng mấy vị ở trời Tây mới có chỗ dựa để đánh đổ thế hệ trước ( tức là lấy Tây đánh Ta, nói kiểu tiếu lâm Bắc Hà)? Nếu có thế, quả là bị «thực dân trị» vào máu vào óc, tự ti đến độ giải thích vận động của bản thân văn hóa mình qua văn hóa người ta ( tức Tây!).

Không phải vậy, vì cuối cùng thì chính Thụy Khuê lại tự phản biện : trừ TT Tuyền (theo chủ quan của bà), mấy nhà văn nhóm Sáng Tạo có dựa vào cái gọi là ‘’văn hóa hiện sinh’’ và ‘’văn minh siêu thực’’( sic!)[3] gì đâu. Tôi nhớ có đọc một cuộc phỏng vấn Mai Thảo, trong đó ông nói, Sáng Tạo chẳng có tổ chức, giáo điều, quan niệm, lý thuyết gì cả, hợp thì đi lại, chơi bời, nhẩy đầm, rượu chè với nhau. Thế mới hay : hiện sinh ở ngay trong đời sống, dám là mình ( chữ Thụy Khuê lập lại nhiều lần ) ở cái nghĩa đó, và từ xuất phát điểm sống mà viết, giản dị thế thôi !

2. Lại mới – cũ

Giản dị, mà lại chẳng giản dị, vì Sáng Tạo đã «…thành công trong việc đổi mới văn học Việt Nam …». Vấn đề mới-cũ vẫn đấy! Những con khỉ không có máy computơ với bộ nhớ vô hạn và chịu luật sinh tử như những con người thì không thể khẳng định là không có gì mới, không có gì cũ. Trong văn học, thời gian không phải là thước đo cũ-mới. Hồ xuân Hương , sống khoảng trên 2 thế kỷ trước, vẫn mới, và mới chẳng kém gì Linda mặt ngang, tuy tình tự thì có khác. Cervantes, sống gần 6 trăm năm trước, so với nhiều tác giả hiện đại thì vẫn rất hiện đại, thậm chí có những đoạn văn rất hậu hiện đại. Cũ, là cái nhàm. Nghe (đọc) nhiều lần, tất biết rồi khổ lắm nói (viết) mãi, và chẳng ai bảo là mới, là không nhàm, nhất là người phải nghe (đọc). Và, lô gích nhị nguyên sơ đẳng, không nhàm không cũ là mới.

Nhưng mới ở đâu ? Cấu trúc, ngữ nghĩa ? Hình ảnh, âm thanh, thuộc diện ngoại vật ? Tâm tình, tâm lý, thân phận là phần nội tại ? Ở đâu cũng được. Ở mọi phạm trù, cả nội dung lẫn hình thức, càng hay. Mới-cũ nằm ở cách nhìn. Trong khoa học, rất nhiều thí dụ khá cụ thể. Mời bạn nhìn quả táo Newton rơi khi bạn ngồi một chuyến xe lửa tốc hành rồi tưởng tượng nó đi với tốc độ ánh sáng để ngẫm thuyết tương đối hẹp, chẳng hạn. Trong văn chương, xin bạn hoá thân thành Khuất Nguyên vật vờ bên dòng Mịch La, nghe lão lái đò bảo nước sạch thì giặt giải mũ, nước đục thì rửa chân. Bạn cũng nghe rồi cảm Khuất Nguyên vì bạn đã, hoặc đang, sống cái nỗi đau trong Ly Tao. Nỗi đau không mới, nhưng có đấy, nên lúc nào cũng mới như sự hiện tồn của chính bạn. Mới làm sao hơn thế được nhỉ ? Vì vậy, tính mới-cũ một tác phẩm nằm ngay ở sự cảm nhận của người đọc. Cái mới có thể nằm trong hình thức cái cũ, nhưng mới phải có khả năng truyền đạt để tồn tại, tức là, phải tất yếu. Cái mới tồn tại được là cái mới mở ra chứ không khép lại, có khả năng phóng chiếu vào những chân trời cảm thức và ý thức mới, không sáo mòn, nhàm cũ, cliché, khẩu hiệu.

Ðổi mới với Tự Lực, rồi Sáng Tạo, là tất yếu. Cũng như lời vẫy gọi nhau lên đường của những nhà văn nhà thơ trong Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, từ quen miệng nhưng rất đáng ghét. Ðã viết bằng tiếng Việt, thì là văn học Việt Nam , hải ngoại và trong nước là hai tính từ có tính địa lý và chẳng dính dấp gì đến văn học cả.

3. Chặt, không đứt !

Lên đường, nghe mới thôi thúc làm sao! Lên đường đổi mới văn chương, chao ôi, chông gai thế nào ! Thời Tự Lực, những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam đã làm tiếng Việt trong sáng, thanh tao, hiện đại. Thứ là, họ mang vào văn chương ý thức một xã hội vận chuyển từ cái khung truyền thống đậm đà tính phong kiến đang quá độ lên mức tiểu tư sản thành thị. Thời Sáng Tạo, có khác. Cuộc nội chiến tương tàn đưa con người vào những băn khoăn siêu hình, những khắc khoải thực tế sống nay chết mai, sinh Nam tử Bắc (hay ngược lại)[4]. Họ khó mà lãng mạn kiểu tiền chiến trước thực tại bi thương, đặc biệt, nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã để lại một số tác phẩm làm chứng tích một thời kỳ lịch sử đen tối.

Nhưng lên đường thế nào ? Có bắt buộc lên đường là ‘’chặt đứt’’, là đoạn tuyệt với quá khứ không ? Và nếu có, thì quá khứ nào ? Quá khứ văn chương thế giới ? hay quá khứ văn chương Việt Nam ( và chỉ miền Nam thôi sao ?). Ở điểm này, Thụy Khuê rành rọt hơn, kể Nhất Linh khâm phục Tolstoi, Thanh Tâm Tuyền khâm phục Dostoievsky, hai vị này là hai ngôi sao ở hai thái cực trong văn chương nội địa, Nhất Linh viết về những con người bình thường, TTTuyền viết về những con người bất thường, thác loạn (#1, tr 36). Bà kết luận « Tóm lại là không thể có sự chặt đứt với quá khứ, và có muốn chặt đứt cũng không được . Bằng chứng là TT Tuyền muốn chặt đứt với quá khứ tiền chiến, những ông lại phải dựa vào quá khứ thế kỷ XIX, của Nietzsche (1844-1900), của Dostoievsky (1821-1881), của Freud (1856-1933)…để tạo nên con đường tư tưởng của mình »

Thế là hai nhà văn (theo bà là) quan trọng đều có người «bảo lãnh», toàn là những vị tai to mặt lớn trong văn học thế giới. Vậy là không chặt đứt với quá khứ văn chương thế giới ! Và, lại xem, bà viết « Khái Hưng, Nhất Linh,và Thạch Lam vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà văn Việt Nam trong hậu bán thế kỷ XX : từ Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến đến Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Nhật Tiến, Võ Hồng, Duyên Anh…bằng kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết, kỹ thuật mô tả, cách phân tích tâm lý, lối nhìn sự vật qua tâm cảm người viết vv…» (#1, tr35). Vậy, tức là không chặt đứt với quá khứ văn chương Việt Nam ! Hai anh lớn ( tức Nhất Linh, TT Tuyền) dựa vào mấy ông lớn mắt xanh mũi lõ, đàn em (tức những nhà văn vừa kể) thì dựa vào hai anh. Tóm lại, nền văn chương của Việt Nam ta là sự dựa dẫm, và những nhà văn nói trên đứng một mình đều không được, lao chao theo cách đi đứng của các vị đàn anh, hoặc đang sống, hoặc đã chết. Chao ôi, đến là đáng thương, viết văn làm gì cho khổ !

Kể đến đoạn này, Thụy Khuê nhắn nhủ « kinh nghiệm này có thể rất hữu ích cho những người viết trẻ hiện nay muốn đổi mới văn học. Trước hết phải tìm cái nền làm điểm tựa ( ngoại trừ những trường phái như hậu hiện đại, phá cấu trúc mà chúng tôi muốn sẽ nói đến ở phần sau) »(#1,tr 36). Bà viết tiếp « …hiển nhiên là đã có một sự chặt đứt với quá khứ rồi …Có hai lý do chính :

- Vì không có phưong tiện tiếp xúc với văn học miền Nam,như trên đã nói, trong nước : sự thiêu hủy sách vở sau 75 chưa khôi phục lại, ngoài nước : vì không muốn tìm đọc….

- Vì thiếu một hệ thống phê bình đứng đắn nên người đọc không biết hướng về đâu để tìm đọc những tác phẩm có giá trị »

4. Ðiểm tựa mới và biện chứng cái bàn.

Sau khi khuyên nhủ những nhà văn trẻ như trên, dĩ nhiên Thụy Khuê đào sâu chuyện «đi tìm một điểm tựa mới» (#1, tr 38). Bà chỉnh lý cho những nhà văn nhà thơ đang Tân Hình Thức hay Hậu Hiện Ðại sáng tác của họ. Về Tân Hình Thức, nhà thơ Khế Iêm đang ở đầu sóng đỉnh gió, với những bài tham luận nghiêm chỉnh trong tạp chí Thơ và trên mạng Talawas. Về Hậu Hiện Ðại, hai vị Nguyễn Hưng Quốc[5] và Hoàng Ngọc Tuấn đứng mũi chịu sào từ nhiều năm qua, trên tờ Việt, một tờ báo lấp được đôi phần « chốn vắng tư duy », chữ Trần Vũ bịa, trong Trang Tôn Kinh đã dẫn. Về phần Hoàng Ngọc Tuấn, biên khảo Văn Học Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết [6] rất đồ sộ, công phu, và mang lại rất nhiều kiến thức cho những người sáng tác. Riêng HN Tuấn, ông còn sáng tác[7], chứng tỏ phê bình và lý luận văn học không chỉ suông, mà có thực tiễn. Những vị Khế Iêm, HN Tuấn, N H Quốc này có thẩm quyền để thảo luận với Thụy Khuê, vì thế tôi xin được miễn dịch.

Nhưng ngoài Tân Hình Thức và Hậu Hiện Ðại, Thụy Khuê bàn thêm về hiện tượng «sinh dục hóa thơ văn » đề cập trong Trang tôn kinh của Trần Vũ. Dù không ai khác hơn là nhà thơ Ðỗ Kh đẻ ra cô Linda mặt ngang có thể vui miệng tranh cãi (nếu đáng), ở khuôn khổ bài viết ngắn này cho đôi hàng đề cập đến « biện chứng của cái bàn và cái lá đa» trong cặp đối kháng thanh-tục của ngôn ngữ.

Thụy Khuê hỏi và trả lời[8] :

«Những tiếng nôm na để chỉ bộ phận sinh dục có phải là những tiếng «thật» nhất không ? Trong đời sống hàng ngày, trong đời sống sinh lý, trong đời sống nội tâm…bạn có dùng những tiếng ấy để nói chuyện với mình, với đối tác (partenariat)[9] hay không ? Chắc là không….Tại sao ?

1-Câu trả lời đầu tiên : bởi vì nó «tục» quá…( bà dài dòng kể cửa mình là l…, chim là c…, hai loại sau chỉ dùng trong lời chửi, văng tục…)

2-Nhưng nhìn sâu hơn và một cách toàn diện hơn : những tiếng tục hay không tục cũng chỉ là những tên gọi. Nói chung, với tất cả các loại tên gọi, tiếng nôm âm hưởng bình dân, tiếng Hán Việt âm hưởng lịch sự có học, nhưng cả hai đều là ký hiệu của ngôn ngữ, nó không có giá trị gì đối với thực chất đối tượng mà nó chỉ định[10] : Khi bạn nhìn hoặc nghĩ đến cái bàn, bạn không ‘’gọi’’ nó là cái bàn hay án thư nữa mà bạn nhìn và nghĩ về nó như một thực thể; dùng để ăn cơm, dùng để đánh bài, để ngồi viết…, hoặc là một mặt phẳng bằng gỗ, có bốn chân…, hoặc nó làm bằng gỗ lim, gỗ giổi vv…, tùy theo cái ‘’ý’’ của bạn, muốn ‘’lợi dụng’’ nó vào việc gì, hoặc muốn mua , bán nó. Y hệt như vậy, khi bạn nghĩ đến bộ phận sinh dục của bạn, hoặc của người partenaire (đối tác)[11], bạn cũng không ‘’gọi’’ nó là cái này, cái kia, mà bạn chỉ nghĩ đến thực chất của nó, sẽ đem lại những cảm giác, lạc thú …gì cho bạn. Vấn đề tên gọi các bộ phận sinh dục bằng tiếng nôm hay tiếng Hán Việt trong những hoàn cảnh intime[12] nhất, cũng không đặt ra, bởi chúng chỉ là những tên gọi…»

3-…

4-…

Thưa vâng, cái lúc hoàn cảnh intime ấy… thì quả chẳng ai đặt vấn đề gì , nôm hay Hán Việt thế nào cũng «thích» cả ! Ðến đây, nếu bạn đọc chưa đủ mệt, xin thư giãn bằng cách hoán đổi cái bàn bằng cái l…, cái c…, và từ nghiêm trang án thư bằng từ Hán Việt âm hưởng lịch sự có học ( chữ Thụy Khuê) là âm hộ, dương vật. Rồi tùy hứng, bạn thay thế dùng để…này nọ vân vân … thế nào cho hợp nghĩa và thật vui là bạn có thể có một trận cười vô tư miễn phí. Quả thật ứng dụng Ngôn Ngữ lý thuyết vào Chủ Nghĩa Thực Dụng cái bàn để ngồi, cái l…để…là một bước nhẩy vọt của trí tuệ.

Thế cái lá đa trong quá trình biện chứng nói trên là chi ? À, cái lá đa và Hang Cắc Cớ của bà Hồ Xuân Hương là một. Hãy hỏi người yêu, em ơi, vào hang nhé. Người yêu hiểu ngay, dẫu chưa được đọc lý luận văn học, nhỏ nhẻ …vươn vai một cái rồi ta lại vào, nhé anh nhé ! Thích thật, sự đời như cái lá đa mà, có ai nói nó là cái gì khác đâu, nó là nó, nó chỉ định nó, có sao mà rầy rà nhau quá chừng vậy !

4. Con đường nào để sáng tạo ?



Nhưng bỏ qua tiểu tiết, vẫy gọi nhau vào đoạn V, mà Con đường nào để sáng tạo? là tiêu đề. Thụy Khuê đặt vấn đề : « …người sáng tác choáng váng trước quá nhiều tên các lý thuyết được trình làng, bị bắt buộc phải đổi mới. Họ không còn cái tự nhiên, muốn viết gì thì viết nữa, sa vào mặc cảm sợ bị chê, phải viết cái mới,nhưng chưa biết cái mớí là cái gì. Làm thế nào để thành mới ? »(#1, tr 44).


Làm thế nào để thành mới ? Câu hỏi cốt tử này, Thụy Khuê sẽ chỉ cho chúng ta con đường ra khỏi tháp Babylon, trong cái hội chứng Trần Vũ đặt tên, và nhiếc[13], trong lẫn ngoài nước, nhà văn Việt Nam thường đứng bến ăn vịt lộn uống bia Trung Quốc, bia Heinenken, ngắm nghía trầm trồ từ bãi giữ xe. Kẻ vào tháp, đi thang máy cho đỡ nhọc, chọn tầng tháp hợp tạng, nhưng ngấp nghé ở hành lang, chụp hình, mua cạc-pốt-tan rồi về kể cho nhau, thì « chúng nó » có hơn gì ta đâu !

Thụy Khuê kêu : « Trước những hoang mang đó, nhiều người viết văn trẻ (ở trong nước nước và Ðông Âu) quay lại với những thần tượng…Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài…Ở Phạm Thị Hoài, (họ) chỉ bắt được giọng ’’đanh đá’’( xin lỗi Hoài), ở Nguyễn Huy Thiệp là sự ‘’cộc lốc ‘’, nhưng ít ai….». Ðúng , đừng bắt chước. Ðiều này đúng quá. Nhưng tôi lại chạnh nghĩ đến những Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Phan Huyền Thư, Bùi Hoằng Vị…trong nước. Rồi tôi nghĩ đến Phạm Hải Anh, Trần Hoài Văn, Lê Minh Hà…ở Ðông Âu. Tôi có thấy họ đi bắt chước ai đâu ?

Nhưng thôi, xét trường hợp sau là Nguyễn Bình Phương, tác giả Trí Nhớ Suy Tàn, và Trần Vũ. Cả hai bị mang cái án trường phái Châu Mỹ La Tinh, với «…thần tượng Marquez, hiện thực huyền ảo, nhà văn của những nước nhược tiểu nói chung, của châu Mỹ La Tinh nói riêng ». Marquez được ai phong là nhà văn của những nước nhược tiểu ? Còn châu Mỹ La Tinh, chẳng nhẽ họ chỉ nhớ Marquez mà quên Borges, Neruda, Fuente, Cortazar và … vân vân cũng thêm được 1, 2 cái giải Nobel khác. Không, Thụy Khuê chắc có ý vạch rõ NB Phương thuộc một quốc gia nhược tiểu, còn Trần Vũ thì gốc là một quốc gia nhược tiểu. Ðiều đó cũng đúng, họ đều viết văn bằng tiếng Việt, và không Thụy Khuê nói thì ai cũng biết. Thế thì bà dùng từ nhược tiểu có lẽ ngầm bảo chót sinh ra ở đấy thì mặc cảm tự ti dẫn đến bắt chước là lẽ tất nhiên ?

Ðiều sau mới…là một phát hiện văn học. Thụy Khuê tiếp « Nhưng ít người thành công trong điïa hạt này, bởi những nước Châu Mỹ LaTinh có một lịch sử khác với nước Việt : cái khốc liệt của họ không giống cái khốc liệt của Việt Nam ». Thế có nghĩa gì ? Có phải cứ mỗi một nền lịch sử là chỉ có một nền văn học tương ứng ? Văn học và lịch sử khốc liệt là một ? Bởi lẽ những con người trong mỗi cái lịch sử khốc liệt đó biến tính đến độ hoàn toàn dị biệt không có cái mẫu số chung nhân tính ? Người Nga hẳn có một lịch sử khác với người Việt mà sao Nhất Linh bị ảnh hưởng của Tolstoi, TT Tuyền của Dostoievsky (và sau thêm Balzac với Freud, kẻ Pháp, người Ðức), thì Thụy Khuê đánh giá là thành công ? Cả Nguyễn Bình Phương lẫn Trần Vũ theo trường phái gì đó bắt chước thần tượng Marquez, hóa ra cũng lại là những nhà văn « dựa dẫm », cứ như Nhất Linh và TT Tuyền khi xưa, nhưng ở điạ hạt ít người thành công là sao ? Và vì sao ? Tôi đọc Trí Nhớ Suy Tàn mà tôi chẳng thấy Mạckét Mạckếch gì cả, lại lờ mờ âm ba kiểu Tân Tiểu Thuyết. Tôi đọc Cái Chết sau Quá Khứ, thì văn Trần Vũ có tí chút hơi hướm ông Mạc két, nhưng lại có pha cả các ông khác, kể cả ông NH Thiệp, ông Nguyễn Tuân, và…rồi nhúng lẩu hóa ra văn Trần Vũ, khó gắn cho một cái nhãn hiệu trình toà này nọ.

5. Tác giả và văn bản

Mượn lời Nietzsche (và Thạch Lam ?), Thụy Khuê nhắn nhủ những nhà văn trẻ, mình hãy «dám là mình». Nietzsche gào lên như vậy để báo Thượng Ðế đã chết trong triết học và kêu gọi sự ra đời con người chủ thể.

Mình «dám là mình»? Có phải Thụy Khuê muốn bắt nhịp cầu nối những nhà văn trẻ với thế hệ Sáng Tạo của nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa miền Nam khi xưa mà bà kể thành tựu ( từ trang 17 đến 33, tức 16 trang trong bài viết 34 trang của bà) ? Dám là mình không có nghĩa là ‘’chặt đứt’’ ’’đoạn tuyệt’’ gì với quá khứ. Vì đã xử dụng chung một ngôn ngữ và có chung một văn hóa, có muốn thì ‘’chặt đứt’’ ’’đoạn tuyệt’’ cũng chả được. Nhưng không ‘’chặt đứt’’ ’’đoạn tuyệt’’ không đồng nghĩa là quay về với quá khứ . Ðặt một vấn đề cốt tử trong sáng tác với những người viết trẻ đương đại sau khi tuyên dương 8 nhà văn thành công nổi tiếng, ai cũng có thể có cảm tưởng là Thụy Khuê chẳng cổ vũ gì cái chuyện «lên đường» hay «đổi mới» trong văn học, mà ngược lại, chỉ ra một hướng «về nguồn». Quay về quá khứ thời Sáng Tạo như mẫu mực, tha hồ chúng ta sẽ có những phó bản của TT Tuyền, Mai Thảo, rồi cả Bình Nguyên Lộc, Nhật Tiến…Tương lai văn học Việt Nam chẳng lẽ là một sự nhai lại có ‘’ý thức’’ à ? Tôi hy vọng là không bao giờ Thụy Khuê lại nghĩ như vậy ! Thụy Khuê thừa kiến thức và bản lãnh để chia sẻ những ưu tư sáng tạo, tính phiêu lưu của sáng tác, và sự cần thiết có một nền văn chương mở và hội nhập với thế giới. Ðóng một hệ thống, dù là vật lý, sinh thái, hay thông tin (tức văn hóa), sẽ không bao giờ thoát được qui luật Nhiệt Ðộng Học, entropy tăng, đưa hệ thống đến ù lì, chai cứng và cuối cùng là sự chết. Thụy Khuê vạch cho ta thấy Tự Lực từng đổi mới, Sáng Tạo từng đổi mới, và thành công đưa văn học lên đường. Khi bà kể kinh nghiệm tiếp cận của Nhất Linh và Thanh Tâm Tuyền với văn chương Nga, Pháp, chẳng phải bà đã nghiêm túc nhắc những người viết là muốn đổi mới thì ắt cần tiếp cận, giao thoa và cộng hưởng với thế giới văn hoá bên ngoài sao !

Thượng Ðế chết, rồi Con Người ( chủ thể) chết, sau này Tác giả cũng chết nốt. Quả thế kỷ vừa qua có nhiều tang ma (chưa kể hai trận Thế Chiến có những cái chết sinh vật của nhiều con người). Cho đếùn đoạn này là đoạn kết, tôi đã hành xử kiểu hiện đại lạnh : tác giả chết - chỉ còn văn bản. Tôi chỉ tập trung vào văn bảnnhư đối tượng phân tích, và đặt những câu hỏi tôi chưa hiểu, hoặc tôi chưa thấy có câu trả lời thỏa đáng, và quên hẳn tác giả. Ðó là trí, là lý, tức chỉ là một quan năng. Còn tâm ? Tác giả văn bản vẫn đó, và là một người có uy tín, có đóng góp vào văn học hải ngoại qua những bài nhận định, phân loại, và phê bình được đánh giá. Lòng quí mến bà không cho phép tôi ngoa ngôn, vì tôi tin rằng chúng ta có thể ngộ nhận nếu chỉ ngừng ở mức văn bản mà quên đi đằng sau còn tác giả. Và nếu hiểu văn bản, không chỉ qua văn bản, mà qua tiếp cận con người tác giả, tôi đoan chắc rằng Thụy Khuê sẽ cùng thế hệ «lên đường» góp tay vào một nền văn học đang cần chuyển dạ để sinh sôi những mầm mới, rất bức thiết, bởi nó chính là sự sống còn.

Nhà văn đang tồn tại, còn viết, thì dám là mình là dám thế nào ? Dựa dẫm, tìm á thánh, phong Thành hoàng, rồi xì xụp một đời vong thân tha hóa? Không ! Bắt chước, và «giả cách hàn lâm» không tạo ra nhà văn, nhưng có khả năng biến người mọc đuôi thành khỉ. Con khỉ đó không phải là con khỉ bất tử, có computơ với bộ nhớ vô hạn, và một lượng chuối ăn đến ngày tận thế cũng chưa hết, nên cũng như chúng ta, không thể ‘‘vô tư ’’ gõ phím máy chờ cho ngẫu nhiên sinh ra tác phẩm. ý thức cái hữu hạn của đời sống, tôi khiêm tốn cố tìm cho mình những lối ít lầy vết chân, trong sự nỗ lực lên đường đi tìm cái mới, như một tất yếu của cuộc tồn sinh nói chung, của văn chương ngữ nghĩa nói riêng.

Dám là mình, là dám gõ phím máy, không có Thành hoàng để van vái cầu xin «bảo lãnh» và «thế chấp» văn chương. Và chỉ có trí tuệ và cảm thức trong nỗi cô đơn người viết nào cũng thông cảm. Tác phẩm, nếu có, cũng như một ánh sao rơi, mong manh thật, nhưng sẽ để chút dấu vết. Vì không có gì thực sự sinh ra, không có gì thực sự mất đi, như qui luật bất biến ràng buộc vật chất.

Sáng tạo là đi dây chăng giữa hai đầu, đầu-vào : mồ hôi lao động viết, đầu-ra : ẩn số chênh vênh. Xin đừng vừa ăn chuối vừa đi dây, khỉ cũng như người làm xiếc chữ, nhà văn cũng như nhà phê bình. Bởi hụt chân, dưới kia là vực sâu thăm thẳm.

NAM DAO

*
Bình thường trong thảo luận có tự do, bài viết này lẽ ra phải đi trên Hợp Lưu, nên với biên khảo #1 dưới đây, số trang là số của nguyên bản Hợp Lưu 68, có thể gây chút khó khăn cho bạn đọc trên diễn đàn Talawas, mong bạn lượng thứ vậy.
[1] #1, Hợp Lưu 68, tháng 12-2002, tr 14-48.
[2] Ðây mới là mâu thuẫn 1 trong lý luận.
[3] Phải nói, cụm từ này « đắt» thật, nhưng có ý nghĩa gì thì xin chịu. Hiểm nguy «nói chữ» là có thật chứ không siêu thực !
[4]
Không thể không nhắc đến đoạn Thụy Khuê so hận thù châu Mỹ LaTinh với hận thù Việt Nam. Bà viết «…sự hận thù của người Việt chỉ ở «ngoài da», Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm là anh em cột chèo (Ngọc Bảo, chị Nguyễn Hoàng, là vợ Trịnh Kiểm), như anh em Nhật Tiến-Nhật Tuấn, kẻ Nam người Bắc. Do đó, sự thù hận của dân tộc Việt Nam , là thù hận trong tình ruột thịt (sic!), có thù hận mà có nương tay »(#1,tr 45). Vâng , nương nhẹ lắm, cuộc chiến kết thúc năm 75 tổng kết là có gần 4 triệu tử vong, 6 triệu thương vong, không kể số người chết trên biển cả trong những cuộc vượt biên, ước lượng khoảng 3-4 trăm nghìn người. Thôi, cứ cho là 4 triệu, và thế là có 8 triệu những cánh tay khẳng khiu quờ quạng níu Thụy Khuê kêu, may thật, hận thù «ngoài da» nương tay nên thế, chứ hận thù «trong ruột» xuống tay (như bọn Mỹ Latinh ?) thì chắc chí ít là họ phải chết bao nhiêu lần rồi…Dài dòng ở đây, tôi chỉ mong sao những ai đó sống và viết lách cho có trách nhiệm và có tình người với những kẻ đã nằm xuống trong cái cuộc hận thù khó lòng mà đánh giá là «ngoài da» ấy.

[5]
Xin tham khảo Việt, #7, 2001, về chủ đề Chủ Nghĩa Hậu Hiện Ðại và Văn Học Việt Nam .
[6] Nhà XB Văn Nghệ, 2002, California, Hoa Kỳ
[7] Bên Kia Khung Kính, Việt, #5, 2000.
[8] (#1,tr 42-43)
[9] Ðối tác (partenariat) : tiếng Việt Nam đang Hán hóa, lại được hiệu đính bằng tiếng Pháp, cho rõ nghĩa ! Tôi hiểu là người tình, người yêu, hay nếu không có tình yêu thì tôi gọi đối tác là…ô tục quá, thôi !
[10] Chắc Thụy Khuê đang dùng khái niệm signifiant - signifié trong Ngôn Ngữ học đây ! Không, đoạn này có vẻ là một đoạn của Sartre được ứng dụng tinh tế với ngôn ngữ Việt chăng ? Tôi chịu !
[11] Xem phụ chú 9.
[12] Từ tiếng ngoại này có nghĩa là thân gần, thân mật, theo từ điển bỏ túi Pháp Việt của Ðào Ðăng Vĩ ?
[13] Chỗ này, tôi hư cấu theo trí nhớ đây, vì ngại phải trích dẫn kiểu hàn lâm tỉ mủn.

Những Ðiều Giản Dị

Có những dòng thư viết cho một người
ở rất xa
ngoài tôi
ngoài nỗi buồn
bên cạnh đêm

Có những cái nhìn sững chiếc lá rơi
không một tiếng rên khi chạm vào mặt đường
lá chỉ là lá
ngoài tôi

Có những con sẻ loanh quanh đùa chơi
kiễng chân trống mái
dùi dụi cánh lông
ngoài tôi

Có những ánh mắt vương theo sợi khói
mái nhà người mái nhà ai
lửa ấm
ngoài tôi

Có những đóa hoa nở trong bóng tối
mặc mùa đông
mặt trời chết ba giờ chiều
rưng cánh mở
nỗi sống mời
ngoài tôi

Có một ngọn đèn bên thềm hiên
đổ bóng người
đón ai về đó
câu bình an nơi ngưỡng cửa
ngoài tôi

Có những khi tôi hỏi
làm sao vào sự sống
làm sao ra khỏi tôi
ra khỏi buổi chiều sớm mai đêm tối
ra khỏi sự bạc trắng và sẫm đen
bất tín và biệt tích

Có một câu trả lời
hãy chăm chú dõi theo một điều gì trước mắt
dù chỉ là
chiếc lá rơi xuống mặt đường
con chim nhảy trên vuông gạch
làn khói cuộn từ nóc nhà
cánh hoa bay theo ngọn gió
ánh đèn sáng bên thềm cửa

Những điều thật giản dị
ở ngoài nỗi đau
ngoài tôi
để một phút một giờ một ngày
tập sống


Mai Ninh

TÁCH BÓNG




Gió luồn qua khe cửa, tát hơi lạnh vào mặt Trương Sinh. Nhưng y vẫn gà gật ngủ trên ghế, chỉ có thằng cu Ðản là mắt còn mở thao láo trong căn nhà vắng tanh. Nằm trên chõng tre, nó nhìn chằm chặp như bị thôi miên bởi những hình thù chập chờn trên vách, mặt mày hớn hở chẳng chút sợ hãi. Nó không khóc mà đưa cả hai tay bập bẹ vòi vĩnh.

Tiếng đứa bé làm người cha khẽ cựa mình. Sinh có vẻ mệt mỏi, đăm chiêu suốt buổi chiều, sau khi từ bờ Hoàng Giang trở về. Lúc đứng trên ghềnh nhìn xuống chỗ nước xoáy của con sông, y đã tự nhủ phải ngại sống hơn cả sợ chết mới có thể nhảy xuống đấy. Mà đã gieo mình xuống khúc sông này thì chỉ có Trời mới tìm được xác.

Cơm nước xong, y hoài công dỗ con ngủ. Quen ngủ ngày, thức khuya, thằng bé tỉnh táo chờ, trong khi kẻ gác con lịm dần vào một cơn ác mộng đầy gươm giáo.

- B...ôố !

Trương Sinh dụi mắt, bật dậy. Người cha định bước đến chõng bế con lên. Nhưng y bỗng giật bắn người dừng lại. Một bóng đen lồ lộ trên vách. Không phải bóng Sinh. Y đã đứng dậy, cái bóng vẫn ngồi yên. Ngọn đèn dầu không đặt sau lưng mà giữa Sinh với tấm vách, đâu thể hắt bóng y lên tường ? Sinh dáo dác nhìn quanh căn nhà trống. Chẳng có ai, trừ một hình thù trăng trắng đang cúi xuống như mải mê ngắm thằng bé.

Hai chân Sinh dán chặt xuống nền đất. Ðứa bé vẫn chỉ chỏ vào vách, cười đòi. Ðây là đầu, đây là vú ? Một người đàn bà ? Hai cái bóng ? Cái bóng đen của một người đàn bà mặc áo trắng ? Hoang mang, Sinh tự hỏi và ngờ vực cả mắt mình.

- B...ôố, bố về !

Sinh đã hiểu hết mọi chuyện từ đêm qua, khi thấy thằng cu Ðản chỉ bóng mình trên vách gọi là bố. Cái lắc đầu nguây nguẩy ban sáng của đứa con thơ khi y âu yếm bảo nó gọi mình là cha, cùng với câu bập bẹ định mệnh « không phải, bố tối mới về » bấy giờ mới rõ nghĩa ! Ðể dỗ con ngủ, người vợ chung thủy của Sinh vẫn chỉ bóng mình trên vách, nói dối con đấy là cha. Nhưng đã quá muộn. Sinh đã điên cuồng chửi rủa, đánh đập vợ trước mặt bao nhiêu người ở rải rác ven rừng đến mừng y chinh chiến trở về toàn vẹn, bất chấp mọi can ngăn.

Vợ Sinh bỏ đi đâu mất từ lúc ấy, trong bộ áo tang trắng ngày tiễn mẹ chồng. Sinh linh cảm thấy một cái gì bất thường, nhất là từ khi dân làng kháo nhau có người trông thấy ai như vợ Trương Sinh nhảy xuống ghềnh. Ðến chiều thì y biết chắc là vợ mình đã tự vẫn. Sinh tự nhủ mình đã giết oan một người. Và lần đầu tiên trong đời, y bỗng cảm thấy một sự xốn xang kỳ lạ, khác hẳn với mỗi khi vung gươm chém xuống quân địch.

Bây giờ kẻ bất hạnh trở về. Có lẽ để đòi Sinh đền mạng, như trong bao chuyện oan khuất vẫn được dân gian truyền tụng chăng ? Làm gì bây giờ cái bóng này đâu phải là vợ ta nữa mà có khi còn là một địch thủ nguy hiểm với những động tác không dễ đoán biết... Ý nghĩ này làm cả con người đã từng xông xáo sát phạt như y cũng cảm thấy cái gì lành lạnh chạy suốt sống lưng. Không có đến một tấc sắt trong tay tốt hơn ta nên tránh đụng độ ...

Bản năng sinh tồn bảo Sinh phải cử động thật nhẹ nhàng. Y khe khẽ đẩy lùi chiếc ghế. Tiếng động, dù thật nhỏ, cũng đủ làm cái bóng trắng quay đầu lại. Sinh nghe toàn thân rờn rợn với cảm tưởng rằng cái nhìn chằm chặp không mắt kia chính là than đen sắp bốc lửa. Y quýnh quáng mở cửa, rồi chạy lao về phía ngôi chùa làng trên đồi.

*

Trương Sinh thấp thỏm nhìn trời. Khi nghe y kể hết sự tình, nhà sư mù quả quyết rằng cái bóng kia sẽ còn hiện lên vách nếu có ánh đèn. Nhưng cũng khoảng giờ Tý hay trễ hơn ? Theo lời khuyên của ông, đêm nay Sinh trải chiếu ngồi khuất trong một góc ngay cạnh cửa sổ để ngỏ, và thử không thắp đèn xem sao. Dưới gối là cây gươm trận mà y đã bỏ công mài đi mài lại suốt buổi chiều. Có nó dưới tay, Sinh thấy an tâm hơn. Bất giác, y vừa tự nhủ thật là may đã không nằm ngủ với con trên chõng đêm qua, vừa hổ thẹn đã chạy trốn như kẻ chưa từng trận mạc.

Sinh ngồi chờ lâu lắm. Dù đã quen với những đêm mai phục đợi giặc, y vẫn thấy buồn ngủ khi chỉ có một mình, thỉnh thoảng phải vả vào mặt cho tỉnh. Lúc đầu, Sinh chăm chú rình từng cử động của thằng Ðản, chắc chắn rằng nếu có chi lạ, nó sẽ là người cảm thấy trước tiên. Chẳng ngờ cái ý nghĩ ấy lại có tác dụng trấn an. Ðôi mi y càng lúc càng nặng trĩu, rồi hai mắt từ từ khép lại lúc nào không hay.

- Bố, ... bôố về !

Sinh mở choàng mắt với tiếng báo động chờ đợi của con. Cái bóng hiện mờ mờ trên vách, tuy không chút ánh đèn. Thôi hỏng rồi quên bẵng là rằm... Vầng trăng tròn bên ngoài dường như lúc nào cũng đồng lõa với người cõi kia. Từ từ rút gươm dưới gối, Sinh lặng lẽ đứng lên.

- Con ơi con ngủ cho ngoan...

Bà mẹ khoan thai ru con, không màng đến sự có mặt của người cha. Vừa định cất bước, Sinh bỗng dừng ngay lại. Bóng ma chẳng có vẻ chi đe doạ mà ta đã làm người vô tội chết oan một lần rồi chẳng lẽ bây giờ lại đi gây hấn nữa rủi thằng Ðản bị thương trong trường hợp xô xát thì khổ ...

- ... Cho an lòng mẹ, cho tan nỗi niềm ...

Ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của chính mình, người lính chiến nghĩ cách hủy hoại cái bóng. Triết lý nhà chùa có khi đúng cũng nên nếu có nhân mà thiếu duyên thì bóng ma kia chắc đâu hiện lên được ?

- ...Cha đi bình định giặc Chiêm...

Sinh thò tay đóng cửa sổ. Ánh trăng đã hoàn toàn bị đuổi ra. Nhưng cái bóng không ra chơi với trăng. Chỉ có mắt y là đột nhiên biến thành mắt nhà sư.

- ...Ngày nơi biên hiểm, nửa đêm mới về !

Tiếng ru con rõ mồn một. Tay cầm gươm, Sinh vẫn đứng nguyên trong thế phòng ngự mọi bất trắc. Mắt trừng trừng cố tìm trong cõi đen một hình thù. Chịu ! Tai gắng định hướng thật chính xác cái tiếng ru trêu ngươi. Chịu ! Bất lực, Sinh ngồi bệt xuống, tay từ từ buông lỏng cán gươm. Lời nhà sư mù hôm qua lại lảng vảng bên tai. « Người mẹ chỉ về vì đứa bé thôi, chẳng thiết chi đến chuyện báo oán đòi mạng đâu, nếu không chắc gì tráng sĩ còn lành lặn mà ngồi đấy ! »

Trong căn nhà không đèn, không trăng, một gia đình đoàn tụ. Ðầy đủ cả, cha, mẹ, với đứa con thơ. Và lời ru tình nghĩa. Nhưng có cái gì u uẩn trong trái tim con người khiến người cha tự bảo rằng đấy là lần cuối. Kẻ thác oan thường báo oán độc địa trên đời sau phải ngăn chận ngay từ bây giờ mẹ thằng Ðản bắt nó theo hay o ám nó thành đứa dở sống dở chết ...

*

Trương Sinh đã mang con lên gửi chùa từ xế chiều. Bàn ghế bây giờ dồn cả vào bốn góc, mỗi góc một ngọn đèn. Tất cả mọi cửa đều mở toang, mời mọc trăng mười sáu. Nếu phải tác chiến, mọi cử động của bóng ma phải in thật rõ trên tường. Mắt đăm đăm nhìn lưỡi gươm, Sinh tập trung lẩm bẩm nhắc lại từng việc phải làm. Và để chống lại cơn buồn ngủ, người lính trận không ngại ra giữa trời vung gươm lên múa mỗi bận sang canh. Ánh gươm loang loáng dưới trăng làm y tự tin thêm phần nào trước loại địch thủ chưa từng đối phó.

Khi Sinh trở vào, trên vách đã lồ lộ một bóng đen. Người mẹ đang ngẩn ngơ nhìn chiếc chõng trống. Tiếng chân làm bà ngoảnh lại. Khuôn mặt tái xanh dưới những lọn tóc than rối tung, ẩm ướt, toàn thân trắng như mây.

Như dự tính, Sinh chậm rãi gập người xuống, song mắt vẫn đăm đăm nhìn lên thây ma, bàn tay phải nắm chặt cán gươm.

- Ta thật nặng lỗi với hiền thê. Có gì thì cứ trừng trị kẻ phạm tội, nhưng ...

Người đàn bà vẫn dáo dác tìm con như thể không nghe.

- ... xin chớ đụng đến con ta...

Vẻ ngơ ngác tuyệt vọng của người mẹ bỗng làm Sinh chạnh lòng. Y buột miệng :

- Ta đã gửi con trên chùa. Dầu sao nó cũng không thể sống giữa hai cõi âm dương !

Hai mắt của thây ma rực lên một màu máu sau những lọn tóc đen. Cặp mắt thú dữ ngày nào khi bắt quả tang Sinh cùng một người bạn đang bỏ cọp con vào rọ nứa chợt loé lên trong trí nhớ. Sinh rùng mình : lần ấy chỉ có y chạy thoát !

Người cha đứng chắn trước mặt, lưỡi gươm chĩa thẳng vào thây ma vừa nhón bước định ra cửa. Người đàn bà vẫn lừ lừ tiến tới. Sinh vung gươm bổ xuống, vụt ngang, chém dọc. Trong chớp mắt, cái thân trắng bị chẻ thành từng mảnh mây mỗi lúc một nhỏ. Ðể lại hội tụ nhanh chóng sau lưng y. Sinh quay vòng chém xối xả, đuổi đánh kẻ địch khắp bốn góc. Nhưng không có những thân người gục ngã, không có máu me bê bết chung quanh. Chỉ có một màu trắng bao bọc y, một khối đen không thể phân biệt loang loáng trên vách, và những mảnh bàn ghế đứt văng tứ tung. Càng lúc Sinh càng cảm thấy tuyệt vọng trước kết quả không lối thoát của cuộc đọ sức. Nghĩ đến con, y đổi cách đánh, cứ xông lên chém xối xả xong lại lui về trấn ở cửa, chờ bóng ma tiến tới. Trận chiến cầm chừng cứ thế kéo dài vô tận. Như đêm trăng và nỗi khiếp đảm trong ánh mắt của kẻ chờ chết.

Khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên thì người cha đã hết đứng vững. Y loạng choạng như kẻ trúng tên. Ðầu choáng váng, hình ảnh đứa con thơ chao đảo trong cặp mắt đỏ lờ đờ, tim đau quặn một cách kỳ lạ. Tay chân Sinh run bần bật, lưỡi kiếm trĩu xuống nền đất trong thế hàng phục. Kẻ chiến thắng lặng lẽ đứng nhìn, bất động và vô cảm. Khuôn mặt tái xanh đội những lọn tóc than rối tung, ẩm ướt, trên tấm thân mây.

Cùng với tiếng thây người ngã kéo bàn ghế đổ theo ồn ào, bóng ma thoăn thoắt ra cửa. Sau một thoáng ngần ngừ, người đàn bà theo những giọt sao mờ đi ngược về phía cuối sông. Bỏ lại sau đôi mắt kẻ hấp hối còn trừng trừng nhìn lên đồi, như lời kêu cứu tuyệt vọng cuối cùng cho đứa con thơ chỉ mới bập bẹ.

*

Trong ngôi chùa nhỏ hình chữ đinh, nhà sư mù điềm nhiên ngồi thiền, lưng quay ra cửa. Như chẳng hay biết rằng người khách mà ông chờ đợi từ đầu canh ba vừa bước vào. Chánh điện giờ này vắng lạnh, nghe được cả tiếng muỗi vo ve. Hàng nến đặt trước các pho tượng Phật, lớn bằng người nhưng đẽo gọt vụng về, toả ra chút ánh sáng yếu ớt, lung linh hắt lên tường một cái bóng mờ di động bên cạnh những khối đen của các pho tượng. Người đàn bà đã vượt qua chỗ ông ngồi chừng dăm sải tay.

- Mô Phật ! Tín nữ đến cúng dường đấy ư ? Quý hoá quá.

Người khách dừng lại như thể do dự.

- Ngồi đây uống trà, đàm đạo với bần tăng.

Người mẹ bước tới ngưỡng cửa dẫn vào bái đường, nơi đặt các pho tượng Hộ Pháp cũng đẽo bằng gỗ. Trên chiếc chiếu manh, thằng Ðản đang say sưa ngủ chứ không thức vòi vĩnh như mọi khi. Bên cạnh, một người đàn bà phe phẩy quạt.

- Cháu bé ngoan lắm. O Nhơn đã ru nó ngủ thay mẹ rồi. An tâm.

Ðược nhắc khéo, cô gái già nuốt nước bọt, thót bụng ghìm nỗi kinh sợ :

- Công... cha... như... núi ... Thái ... Sơn

- Ngồi đây đàm đạo với bần tăng.

O Nhơn vẫn cúi mặt ru. Phải nghĩ đến chuyện chi khác không thì chết khiếp mất mà chuyện gì bây giờ thì chuyện nhà sư mù cũng là dân lưu lạc như mình chẳng ai biết từ đâu đến người ta hỏi Thầy pháp danh là chi chỉ gãi đầu cười ngô nghê có người nói Thầy cũng chả mù thật đâu chỉ khép mắt không thiết nhìn chuyện thế gian thôi...

- ...Nghĩa mẹ ... như... nước trong... nguồn... chảy ra...

O Nhơn cảm thấy hai chân xếp bằng tròn ươn ướt, nong nóng. Lão lý trưởng nói tôi biết Thầy này tu cao thâm lắm rồi sai tráng đinh đẽo tượng xây chùa mời Thầy ở lại Nam Xương lão này khôn thật từ ngày Thầy về lão ít việc hẳn đi ai cũng lên chùa xin Thầy hướng dẫn chẳng hạn như ban sáng Thầy bảo đừng chôn mà thả xác Trương Sinh trôi sông cho vợ chồng người ta đoàn tụ mà giải kết oan khúc với nhau thế là lão gật gù ngay...

- ...Một lòng... thờ... mẹ... kính cha...

O Nhơn vẫn dán chặt mắt dưới đất, dù lời ru có vẻ mạch lạc hơn. Khổ nỗi Thầy lại bảo mình lên chùa giả làm mẹ nuôi ru thằng nhỏ trong khi Thầy trò chuyện với ma mẹ đừng cho nó ngủ ngày rủi thằng bé tối lại thức khuya vòi vĩnh như mọi khi thì hỏng cả ...

Nhưng kế hoạch của nhà sư có vẻ thành công. Người mẹ vẫn đứng ở ngưỡng cửa, trên khuôn mặt tái xanh lóng lánh cái gì như hai dòng lệ.

- ...Cho tròn... chữ hiếu.. . mới ... là... đạo con ...

- Xả ! Thương yêu cũng trói buộc như thù hận. Tín nữ phải xả mới đi được.

Giọng trầm ấm của nhà sư rót mồn một vào tai o Nhơn, làm kẻ tâm phúc của ngôi chùa làng bỗng nhiên thấy điềm tĩnh hơn. O ngân nga lặp lại lời ru, mắt liếc vội về phía cửa.

- Không mang thằng nhỏ theo được thì quyến luyến làm chi. Ðể nó ở đây làm con nuôi o Nhơn. Tín nữ biết o mà.

Có cái gì nghe như tiếng nấc trong tai người mù.

- Bần tăng sẽ thu nhận cháu làm đệ tử và lo cho nó nên người. Cứ an tâm mà đi.

Một khoảnh khắc vô tận trong mắt o Nhơn. Rồi cái bóng trắng từ từ bước ra. Người mẹ còn đứng tần ngần một thiên thu nữa trên thềm chùa như lại muốn quay vào. Nhưng không ! Nhà sư mù nghe một hơi thở hắt thật dài rồi tắt ngúm - lối thở của kẻ vĩnh viễn lìa trần. Cái bóng trắng đã theo tiếng mõ với lời cầu siêu của nhà sư về cõi trăng sao... Từ đấy, không ai còn gặp lại bà Vũ Thị Thiết, người thiếu phụ Nam Xương nữa.

*

Như mọi ngày, chú tiểu rời khỏi miếu mẹ ở đầu ghềnh rồi lững thững đi về phía ngôi nhà cũ. Chú còn nhớ rất rõ. Sáng hôm ấy, đột nhiên Thầy dắt chú lên viếng miếu này. Cái miếu thờ mà lý trưởng đã bảo dân làng xây « để làm gương cho mai hậu », rồi sau còn được cả nhà vua đến viếng, đề thơ và cấp tiền bảo quản. Rồi Thầy dẫn cậu bé về đây, kể cho chú nghe một câu chuyện, trước khi kết luận :

- Ðấy, chuyện đời con là như thế. Và đây là nhà con mười năm trước.

Ngôi nhà bây giờ trống trơn. Các cửa lúc nào cũng mở toang, rộng đón nắng, mưa, trăng, sao. Trước tấm vách nhìn ra cửa đặt một bát hương, đó là một thứ miếu rất khác mà Thầy đã làm cho bố mẹ chú tiểu, không phải để thờ. Từ năm lên mười, mỗi lần kinh kệ xong, Thầy bảo chú xuống đây định tâm. Chú ngồi trước tấm vách hàng giờ, ánh mặt trời đằng sau hắt bóng chú lên tường. Thầy bảo chú tìm cho nó một cái tên. Chú không hiểu tại sao Thầy lại bảo mình đặt tên cho tấm vách, mà Thầy lại không đặt cả pháp danh cho mình.

- Ðấy là công án (1) của con, khi nào tìm được là chứng ngộ.

- Chứng ngộ là gì, Thầy ?

- Là cuộc đời này như thế nào thì nhìn thấy nó như thế ấy, nên hết đau khổ.

- Thầy ơi, làm sao thấy được như vậy ?

- Con phải trút bỏ hết những trói buộc, mê muội...

- Làm sao chỉ nhìn bóng trên tường, đặt tên vách mà vất bỏ được ?

- Ðược. Vì đấy chỉ là những ngón tay để con nương theo mà nhìn thấy mặt trăng.

- Chừng nào con mới cắt bỏ được hết trói buộc, mê muội ?

- Con sẽ tự biết khi tìm ra giải đáp cho công án.

- Rồi con sẽ nói với Thầy, ... chỉ có Thầy mới biết là đúng hay sai .

- Con sẽ tự biết. Có khi lúc ấy Thầy chẳng còn nữa.

- Thầy không còn nữa, thì ai cho con làm tỳ kheo ?

- Chẳng ai cho cả. Con sẽ thành tỳ kheo hay không bởi cách hành xử của con.

Nhà sư già viên tịch vài năm sau thật. O Nhơn, bà mẹ nuôi thương yêu cũng không còn. Nhưng chú tiểu vẫn ngày ngày kinh kệ, đèn sách, thiền định. Chú còn ngồi xếp bằng tròn để ánh mắt trời hắt bóng mình lên vách, suy tưởng về công án trong nhiều năm liền. Cho đến một hôm, chú không còn thấy cần thiết trở lại ngôi nhà cũ nữa. Người ta nói chú đã tìm ra giải đáp, nhưng cũng chẳng ai biết chú đặt tên vách là gì. Chỉ nghe rằng hôm ấy, khi chú đứng lên, cái bóng vẫn ngồi lại.

Phạm Trọng Luật

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TRÍ THỨC?

 

Tác giả: Paul Alexandre Baran
Người dịch: Phạm Trọng Luật

____________


Paul A. Baran là một nhà kinh tế học người Mỹ theo chủ nghĩa Marx. Tiểu luận «The Commitment of the Intellectual» ra đời trên Monthly Rewiewtháng 5 năm 1961. Bản dịch tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Partisanstháng 10 năm 1965 dưới tựa đề «Qu’Est-ce qu’un Intellectuel», đã được Trần Sóc Sơn sử dụng để chuyển sang Việt ngữ trên Gió Nội lần đầu vào khoảng cuối thập niên 1960. Trong lần dịch lại này, chúng tôi sử dụng bản gốc tuy nhiều chỗ vẫn dựa trên bản cũ, đồng thời giữ lại tựa đề của bản Pháp văn và đặt thêm một số tiểu tựa cho dễ đọc.

Ở đây, khi lập đường phân thủy giữa «trí thức» với «lao động trí thức», Baran đã đưa ra một sự phân biệt hợp lý và cần thiết. Và mặc dù được khai sinh trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, thật ra nó đã vượt thoát khuôn khổ của môi trường này. Phê phán của ông đối với một thành phần xã hội nào đó ở Hoa Kỳ vẫn còn nguyên giá trị, nếu đường ranh trên được áp dụng trong một khung cảnh khác, quốc gia chậm tiến hay chủ nghĩa xã hội đương tồn.
Phạm Trọng Luật.

_____________



Thế nào là người trí thức? Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động dùng trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức». Những thành ngữ như «dài lưng tốn vải» và «trí thức trùm chăn»
[1] cho phép ta nghĩ rằng có một khái niệm khác hẳn trong công luận để chỉ hạng người nào đó như một tầng lớp nhỏ hơn bên trong loại người «lao động bằng trí óc».

PHÂN CÔNG XÃ HỘI

Đây không phải là sự tinh tế gò bó và vô bổ về từ ngữ. Thật ra, sự tồn tại của hai khái niệm khác nhau đó phản ánh một điều kiện xã hội hiện thực: hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ đánh giá trung thực hơn vị trí và chức năng của người trí thức trong xã hội. Tuy rộng, định nghĩa đầu áp dụng chính xác cho một nhóm người khá đông, hợp thành một thành phần quan trọng của xã hội: họ làm việc với óc não nhiều hơn là bắp thịt, và sinh sống bằng trí tuệ hơn là bàn tay. Hãy gọi họ là người lao động trí thức. Đó là những nhà kinh doanh, y sĩ, quản đốc xí nghiệp, người phổ biến «văn hoá», nhân viên chứng khoán và giáo sư đại học… Tập hợp này, cũng như tập hợp «tất cả người Mỹ» hay «tất cả những người hút ống điếu» không có gì là xúc phạm. Sự sinh sôi nẩy nở đều đặn của nhóm lao động trí thức này là một trong những nét nổi bật nhất của tiến hoá lịch sử cho đến nay. Nó phản ánh một khía cạnh chủ yếu của việc phân công xã hội, đã bắt đầu với sự kết tinh của một tập đoàn tu sĩ chuyên nghiệp và đạt đến tột đỉnh với chủ nghĩa tư bản phát triển: sự tách rời hoạt động trí óc khỏi hoạt động tay chân, «dân thầy» khỏi «dân thợ».

Cả nguyên nhân lẫn hậu quả của sự phân cách này đều rất phức tạp, và lý do sâu xa cũng như tác động của nó đều nhiều như nhau. Vừa nhờ ở sự bành trướng liên tục của năng xuất mà có, lại vừa đóng góp mạnh mẽ vào sự bành trướng ấy, cách biệt này cùng lúc trở thành một trong những nét chính của hiện tượng phân tán tiệm tiến nơi mỗi cá nhân, của cái mà Marx gọi là «sự tha hoá của con người đối với chính hắn». Sự tha hoá ấy không chỉ biểu lộ qua sự tê liệt và méo mó mà phân cách này tạo ra cho sự trưởng thành và phát triển của mỗi cá nhân (việc người lao động trí thức «vận động» chút đỉnh trong khi người lao động chân tay thỉnh thoảng tham gia vào hoạt động «văn hoá» chỉ có tác dụng làm cho hiện tượng này trầm trọng hơn, chứ không thuyên giảm), mà còn biểu lộ qua sự phân cực triệt để xã hội thành hai phe xung khắc và không còn chút liên hệ nào với nhau. Sự phân cực này, thẳng góc với những mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp xã hội, còn gây ra một lớp sương ý thức hệ dày đặc, che lấp những thách thức đích thực mà xã hội phải đối phó, đồng thời tạo ra những vấn đề giả, những đổ vỡ cũng khốc hại chẳng kém gì trường hợp các thành kiến về chủng tộc hoặc mê tín tôn giáo. Rõ ràng là tất cả người lao động trí thức đều có một quyền lợi chung: tránh bị dồn đến chỗ phải làm những công việc tay chân cực nhọc nhưng lương kém hơn, và - bởi vì chính họ lập ra tiêu chuẩn về sự khả kính – ít được trọng vọng. Do quyền lợi này dẫn dắt, họ có khuynh hướng tuyệt đối hoá vị trí xã hội của mình, phóng đại mức khó khăn của công việc và độ phức tạp của loại khả năng cần thiết, thổi phồng sự quan trọng của cái học hình thức, của bằng cấp đại học, v. v… Rồi, tìm cách bảo vệ ưu thế của mình, họ chống lại những người lao động tay chân, tự đồng hoá với nhóm lao động trí thức thuộc giai cấp lãnh đạo, và đứng về phe ủng hộ cái trật tự xã hội đã tạo ra và che chở địa vị cùng những đặc quyền, đặc lợi của họ.
NGƯỜI LAO ĐỘNG TRÍ THỨC

Vì thế, trong chế độ tư bản, người lao động trí thức là hình ảnh điển hình của tên đầy tớ trung thành, nhân viên thừa hành, công chức và phát ngôn nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Anh ta xem cái trật tự hiện hữu xung quanh là tự nhiên, và chỉ chất vấn hiện tình, hiện trạng xã hội trong khuôn khổ giới hạn của những bận tâm trước mắt, nghĩa là chỉ liên quan đến công việc trong tầm tay. Nếu không hài lòng về phí tổn sản xuất của nhà máy mà anh là sở hữu chủ, giám đốc hay người làm công, anh ta sẽ tìm cách làm nó giảm bớt. Nếu được giao trách nhiệm «bán» một thứ xà bông hoặc một ứng cử viên chính trị mới cho dư luận, anh sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách chu đáo và khoa học. Nếu không thỏa mãn với những kiến thức hiện có về cấu trúc nguyên tử, anh sẽ dành hết nghị lực và tài năng siêu phàm để tìm ra phương thức làm tăng thêm hiểu biết về cấu trúc ấy. Người ta có thể nghĩ rằng đó là một kỹ thuật gia. Nhưng điều này dễ gây ngộ nhận. Với tư cách là chủ tịch xí nghiệp, anh có thể lấy nhiều quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, đến công ăn việc làm và đời sống của hàng triệu người. Với tư cách là công chức cao cấp trong chính phủ, anh có thể ảnh hưởng lên cả những biến chuyển của tình hình thế giới. Là giám đốc một viện hay một cơ quan khoa học quan trọng, anh có thể quy hoạch chiều hướng và phương pháp nghiên cứu cho một số lớn các nhà khoa học trong nhiều năm liền. Tất cả những điều trên dĩ nhiên là không phù hợp chút nào với nội dung của từ «kỹ thuật gia». Danh từ này thường được dùng để chỉ loại cá nhân mà công việc là áp dụng chủ trương chứ không phải là soạn thảo chính sách, là chọn lựa những phương tiện thích nghi chứ không phải là quyết định các mục tiêu nhắm đến, là theo dõi việc thực hiện chương trình trong chi tiết chứ không phải là quy hoạch những dự án lớn. Tuy nhiên, danh từ «kỹ thuật gia» nói lên bản chất của tập hợp gọi là «người lao động trí thức» còn trung thực hơn cả nghĩa thông thường của từ này.

Tôi lặp lại: đối tượng công tác và suy tư của người lao động trí thức là những việc làm trong tầm tay. Ðó là sự hợp lý hoá, chế ngự và vận dụng cái phần thực tại mà anh phải chăm lo trước mắt. Trong nghĩa này, anh ta không khác bao nhiêu hoặc không khác chút nào với người lao động tay chân chuyên cán mỏng những tấm kim khí, ráp máy hay xây tường. Nói bằng thể phủ định, người lao động trí thức, trong tư cách này, không quan tâm tới ý nghĩa, tính chất, vị trí của công việc mình làm trong toàn bộ sinh hoạt xã hội. Nói cách khác nữa, anh ta không nghĩ gì tới mối tương quan giữa phần nhân lực trong đó có hoạt động của mình với những phần nhân lực khác, và với toàn bộ quá trình lịch sử. Phương châm «tự nhiên» của anh ta là hãy lo chuyện của mình, và nếu cần mẫn và có tham vọng, cố sao trở thành người hữu hiệu nhất, thành công nhất trong lãnh vực này. Còn về phần những người khác, cũng vậy, họ hãy lo công việc của họ, bất cứ đó là việc gì. Quen suy nghĩ với những danh từ như huấn luyện, kinh nghiệm, khả năng, người lao động trí thức cho rằng lo nghĩ đến những vấn đề có tính cách toàn thể như thế cũng là một công việc chuyên môn như bao việc khác. Ðối với anh ta, đó là «lãnh vực» của các triết gia, chức sắc tôn giáo, nhà chính trị, cũng như «văn hoá» hay «giá trị» là địa hạt của các nhà thơ, nghệ sĩ và bậc hiền minh.

Từng cá nhân, người lao động trí thức có thể không phát biểu quan điểm trên một cách rõ ràng; cũng có thể là anh ta không ý thức được nó nữa. Nhưng mỗi người, gần như tự bản năng, nếu có thể nói như thế, đều ưa thích loại lý thuyết đã thu nhập và hợp lý hoá được quan điểm này. Một trong những lý thuyết ấy là quan niệm nổi tiếng lâu đời của Adam Smith về một thế giới trong đó mỗi người làm vườn, bằng cách chăm lo mảnh vườn riêng của mình, sẽ góp phần tốt nhất vào sự thịnh vượng chung của tất cả các mảnh vườn khác của mọi người. Dưới ánh sáng của triết lý này, sự quan tâm về cái toàn thể bị đặt ngoài trung tâm của những lo nghĩ cá nhân, và chỉ còn tác động trên anh ta một cáchhời hợt bên lề, nếu chưa hoàn toàn mất hết hiệu lực, nghĩa là chỉ ảnh hưởng tới anh ta trong tư cách công dân. Sức mạnh và ảnh hưởng của thứ lý thuyết đó xuất phát từ một chân lý quan trọng mà nó hàm chứa: trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, cá nhân phải đương đầu vớicái toàn thể như một quá trình đã được khách quan hoá, toàn năng, chuyển động một cách phi lý bởi những lực tăm tối mà anh ta không thể hiểu được, do đó, lại càng không thể ảnh hưởng tới được.

Một lý thuyết khác cũng phản ánh điều kiện của người lao động trí thức và thỏa mãn những đòi hỏi của anh ta, đó là quan niệm về sự cách ly giữa phương tiện với cứu cánh, sự ly dị giữa một bên là khoa học và kỹ thuật học, một bên là sự xác định mục tiêu và giá trị. Thái độ này, đến từ một giòng tư tưởng cũng cao quý không kém gì giòng tư tưởng của Adam Smith, đã được Charles Percy Snow [2] xem rất đúng là «một phương thức thoái thác trách nhiệm». Theo ông: «Những người muốn trốn tránh trách nhiệm thường nói:chúng tôi sản xuất ra dụng cụ. Chúng tôi ngừng ở đó. Bây giờ đến lượt các ông, những người còn lại, những người làm chính trị, nói rõ cách dùng các món đồ đó. Có thể là chúng sẽ được dùng vào những mục đích mà phần lớn chúng ta cho là xấu xa. Nếu thế, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, việc đó không thuộc thẩm quyền chúng tôi». Và những gì áp dụng cho nhà khoa học, cũng áp dụng cho tất cả những người lao động trí thức khác, với một áp lực tương đương.

Dĩ nhiên, «thoái thác trách nhiệm», trên thực tế, dẫn đến cùng một thái độ với «lo lấy phần việc của mình»; đó chỉ là cách nói mới. Và thái độ này vẫn không thay đổi, dù hiện nay một khuynh hướng khá phổ biến đặt tín nhiệm ở chính phủ nhiều hơn ở nguyên tắc phó mặc buông trôi, thay thế bàn tay vô hình của Thượng Đế bằng bàn tay lộ liễu hơn, nếu không nhất thiết phải là hữu ích hơn, của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Kết quả vẫn thế: quan tâm tới cái toàn thể không phải là việc của cá nhân; và bỏ mặc mối lo đó cho kẻ khác, cá nhân chấp nhận, qua chính sự bỏ mặc ấy, cấu trúc hiện hữu của cái toàn thể như một dữ kiện, đồng thời tán đồng các tiêu chuẩn về lý tính, những giá trị đang giữ phần ưu thắng trong xã hội, cũng như loại thước đo về hiệu năng, sự thực hiện và sự thành đạt hiện hành.
THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TRÍ THỨC?

Tôi đề nghị chúng ta tìm đường phân thủy giữa người lao động trí thức và trí thức [3] qua thái độ của họ đối với những vấn đề đặt ra bởi toàn bộ quá trình lịch sử. Bởi vì một đặc tính của người trí thức giúp ta phân biệt anh ta với người lao động trí thức, và với tất cả những người khác, là sự kiện này: sự quan tâm của anh ta đối với toàn bộ quá trình lịch sử không phải là một thái độ hời hợt ngoài mặt, nó ăn sâu vào tâm trí anh, và chi phối công việc anh ta làm. Tự nhiên, điều đó không có nghĩa là trong sinh hoạt thường nhật, người trí thức lăn xả vào việc nghiên cứu tất cả quá trình phát triển lịch sử. Chuyện ấy hiển nhiên là không thể xảy ra. Nó chỉ thật sự có nghĩa là người trí thức luôn luôn tìm cách gắn liền bất kỳ phạm vi lao động riêng biệt nào của mình với những mặt khác của cuộc sống. Chính sự cố tâm nối liền các sự việc với nhau – những sự việc mà, trong trường hợp người lao động trí thức sinh hoạt trong khuôn khổ các định chế tư bản chủ nghĩa và thấm nhuần cả ý thức hệ lẫn văn hoá tư sản, nhất định sẽ bị nhốt cứng trong các ngăn kiến thức hoặc lao động xã hội rời rạc -, chính cố tâm nối kết đó xác lập một trong những đặc điểm nổi bật của người trí thức. Và cũng chính nó xác nhận một trong những chức năng chính của người trí thức trong xã hội: nhắc nhở và biểu trưng cho một sự kiện hết sức cơ bản trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, là những mẩu nhỏ của cuộc sống xã hội, tuy bề ngoài có vẻ độc lập, hỗn tạp và rời rạc – văn học, nghệ thuật, chính trị, trật tự kinh tế, khoa học, điều kiện văn hoá và tâm lý cá nhân - đều có thể được hiểu rõ (và bị chi phối) khi nào chúng được nhận diện rõ rệt như các bộ phận của toàn bộ quá trình lịch sử.

Nguyên tắc «chân lý là cái toàn thể» này – nói theo ngôn ngữ của Hegel -, ngược lại, bao hàm điều tất yếu không thể tránh: từ chối chấp nhận bất cứ một bộ phận nào của cái toàn thể chỉ như dữ kiện, hoặc xem nó như không thể nào tìm hiểu, phân tích được. Dù là nghiên cứu về nạn thất nghiệp trong một nước hay sự lạc hậu và đói rách ở một nước khác, về tình trạng giáo dục hiện nay hay sự phát triển của khoa học trong giai đoạn trước, không một toàn bộ những điều kiện chi phối bất cứ xã hội nào có thể được chấp nhận như tự nhiên vốn như thế, hoặc nằm «ngoài lãnh vực». Hoàn toàn không thể nào chấp nhận được sự trốn tránh phơi bày mối liên hệ phức tạp giữa bất kỳ hiện tượng gì ta đang khảo sát với vấn đề trung tâm quá hiển nhiên của sự phát triển lịch sử: tính năng động và sự tiến hoá của ngay chính trật tự xã hội.

Quan trọng hơn nữa, cần phải ý thức rõ hậu quả của thói quen xem những cái gọi là «giá trị» được mọi người tôn trọng như hoàn toàn nằm ngoài phạm vi nghiên cứu khoa học; đây là một lối hành xử đã được hệ tư tưởng tư sản chủ tâm bồi dưỡng. Bởi vì các «giá trị» và những «phán đoán đạo đức» này, mà người lao động trí thức thường xem như loại dữ kiện bất khả xâm phạm, không hề từ trên trời rơi xuống. Bản thân chúng cũng chính là những khía cạnh và kết quả quan trọng của sự phát triển lịch sử; ở đây, không những chúng cần phải được nhận diện dứt khoát như thế, mà nguồn gốc và vai trò lịch sử của chúng còn cần phải được khảo sát kỹ lưỡng. Thật ra, sự phi thiêng hoá các «giá trị», «phán đoán đạo đức» và những thứ tương tự, sự nhận diện các nguyên nhân xã hội, kinh tế và tâm lý đã khiến chúng xuất hiện, tiến hoá và biến mất, cũng như sự lột trần loại quyền lợi đặc thù mà chúng phục vụ ở từng thời kỳ lịch sử nhất định… chính là đóng góp riêng lớn nhất mà người trí thức có thể mang đến cho sự tiến bộ của loài người.

«TRUNG LẬP ĐẠO ĐỨC?»

Ðiều này nêu lên một vấn đề mới. Khi nhận định rằng chức năng của mình chỉ là áp dụng những phương tiện tốt nhất để đạt đến các mục tiêu cho sẵn, người lao động trí thức đã lấy thái độ bất khả tri đối với ngay chính các mục tiêu đó. Trong khả năng như chuyên viên, giám đốc hay kỹ thuật gia, họ tin rằng họ không có thẩm quyền chi hết trong việc quyết định những mục tiêu phải theo đuổi, cũng như trong việc phát biểu sự ưa chuộng một mục tiêu nào đó hơn một mục tiêu khác. Như đã nói, họ chấp nhận là họ có thể, trong tư cách công dân, có một vài sở thích, với hệ số không hơn cũng chẳng kém gì sở thích của người khác. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, chuyên gia, nhà thông thái,… họ khước từ lên tiếng tán đồng «phán đoán giá trị» này hoặc phán đoán khác. Một sự thoái vị như thế, trên thực tế, chỉ có nghĩa là tán đồng mãi mãi hiện trạng, là đưa tay cứu giúp những kẻ đang tìm đủ cách để ngăn cản mọi nỗ lực thay đổi trật tự xã hội hiện hữu bằng một trật tự mới tốt đẹp hơn. Chính sự «trung lập đạo đức» này đã khiến hơn một nhà kinh tế, xã hội, nhân chủng học... tuyên bố rằng, vì là nhà khoa học, họ không thể phát biểu một ý kiến nào hết về việc các nước kém mở mang có nên bước vào con đường tăng trưởng kinh tế hay không; cũng chính nhân danh cùng một thứ «trung lập đạo đức» này mà nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã cống hiến không ít năng lực và thiên tài của mình vào việc phát minh và hoàn chỉnh loại vũ khí vi khuẩn.

Đến điểm này, người ta có thể bắt bẻ rằng tôi đang lập luận luẩn quẩn, tiên quyết cho là đúng chính cái điều cần phải chứng minh, rằng nếu có vấn đề ở đây chính là vì không ai có thể suy diễn, chỉ bằng sự hiển nhiên và lý luận không thôi, tính chất tốt hay xấu, lợi hoặc hại của một sự việc nào đó đối với hạnh phúc của nhân loại. Dù mạnh đến đâu, luận cứ trên nằm ngoài vấn đề đang bàn cãi. Ai cũng có thể đồng ý rằng, về những gì tốt hay xấu cho sự tiến bộ của nhân loại, người ta không thể nào đạt đến một phán đoán có giá trị tuyệt đối cho mọi nơi và mọi thời. Nhưng có thể nói một phán đoán tuyệt đối và phổ quát như thế chỉ là vấn đề giả, và nhấn mạnh trên tính thiết yếu của nó chính là một khía cạnh của hệ tư tưởng phản động. Sự thật hiển nhiên là cái gì có thể thúc đẩy sự tiến bộ, có cơ may cải thiện kiếp người, những gì thuận lợi cho số phận con người hoặc ngược lại, khác nhau tùy từng thời kỳ lịch sử và từng địa điểm trên trái đất. nhưng những vấn đề mời gọi phát biểu ý kiến không hề thuộc loại trừu tượng, tư biện về «thiện», «ác» chung chung, mà luôn luôn là các vấn đề cụ thể, đặt ra trên lịch trình xã hội bởi những căng thẳng và đối kháng, bởi các tập hợp chóng đổi thay của lịch sử. Cổ kim chưa thời nào, nơi nào có khả năng, mà cũng không hề có sự bắt buộc, đạt đến những giải pháp có giá trị tuyệt đối; tuy ở mọi nơi, mọi thời đều có thách đố sử dụng sự khôn ngoan, kiến thức và kinh nghiệm đã tích tụ được của nhân loại để tiến đến càng sát càng tốt, một giải pháp ước chừng như tốt đẹp nhất trong những điều kiện hiện hữu.

Nếu chúng ta theo gương kẻ «thoái thác trách nhiệm», những người chủ trương «trung lập đạo đức» chỉ quan tâm đến phần việc riêng của mình, thì chính chúng ta sẽ ngăn cản tầng lớp này của xã hội - lớp người có (hay đáng lẽ phải có) những kiến thức và học thức phong phú đầy đủ nhất, nhiều khả năng khám phá và hấp thụ kinh nghiệm lịch sử nhất - trong việc cung cấp cho xã hội một phương hướng nhân bản cùng sự lãnh đạo sáng suốt có thể thu góp ở mỗi ngã tư của cuộc hành trình lịch sử. Nếu «tất cả mọi ý kiến có thể phát biểu đều có giá trị không hơn không kém gì ý kiến của tôi», như gần đây một nhà kinh tế học lỗi lạc đã lưu ý, thì đâu là sự đóng góp mà các nhà khoa học và người lao động trí thức đủ loại có ý muốn và có khả năng mang lại cho hạnh phúc xã hội? Trả lời rằng đấy là sự «biết làm như thế nào» cần thiết để thực hiện mọi mục tiêu mà xã hội có thể chọn lựa không phải là giải đáp thỏa đáng. Phải thấy rõ rằng «sự chọn lựa» của xã hội không phát sinh từ phép lạ: dù ở thời điểm nào, xã hội cũng bị đưa đẩy đến một vài chọn lựa bởi những quyền lợi có năng lực cám dỗ, dọa dẫm hoặc bắt buộc. Khi người lao động trí thức từ bỏ việc tìm cách ảnh hưởng lên quyền quyết định những chọn lựa đó, sự đào nhiệm này không hề để lại khoảng trống nào trong lãnh vực tạo tác giá trị. Nó chỉ đơn thuần buông thả công việc cực kỳ quan trọng ấy vào tay bọn lang băm, bịp bợm và bè lũ, mà dụng tâm có thể là mọi thứ trừ lòng nhân.

KHÁT KHAO CHÂN LÝ?

Cần nêu ra đây một luận cứ khác của những người chủ trương «trung lập đạo đức» mạch lạc nhất. Họ nhận thấy, đôi khi với chút do dự và hổ thẹn nào đó, rằng nói cho cùng, chưa ai chứng minh được bằng sự hiển nhiên và lý luận rằng sống nhân đạo có đôi chút giá trị đạo đức nào. Tại sao một số người lại không cam tâm chịu đói khổ, nếu sự đói khổ của họ giúp kẻ khác được hưởng thụ giàu sang, tự do và hạnh phúc? Tại sao lại phải tìm cách cải thiện điều kiện sinh sống của đại chúng thay vì chăm lo quyền lợi riêng tư? Tại sao lại phải bận tâm chở «sữa nuôi mọi» [4], khi sự bận tâm này là đầu mối của mọi lo lắng, khó chịu? Thái độ nhân đạo phải chăng tự nó chỉ là một «phán đoán giá trị» thiếu nền tảng luận lý? Cách đây khoảng 30 năm, một lãnh tụ sinh viên quốc xã đã đặt cho tôi loại câu hỏi trên trong một buổi họp công cộng (về sau, anh ta trở thành sĩ quan SS nổi tiếng của Gestapo), và câu trả lời hay nhất mà tôi tìm ra lúc ấy vẫn còn là câu hay nhất đối với tôi ngày nay: thảo luận về các sự việc liên quan đến con người chỉ có nghĩa giữa những kẻ có nhân tính; nói chuyện về con người với súc vật chỉ tổ mất thì giờ.

Đây là điểm trên đó người trí thức không có quyền thoả hiệp. Bất đồng, tranh luận, và ngay cả xung đột trầm trọng là điều không thể tránh, và trên thực tế, không thể không có để xác định nội dung cũng như phương tiện thực hiện những điều kiện cần thiết cho sức khỏe, sự phát triển và hạnh phúc của con người. Nhưng sáp nhập vào chủ nghĩa nhân bản, và tôn trọng nguyên tắc theo đó việc tìm kiếm sự tiến bộ của loài người tự nó không cần tới bất kỳ một biện minh nào của khoa học hay luận lý phải là thứ nền tảng có giá trị định đề cho mọi nỗ lực trí thức xứng đáng; và cá nhân nào không chấp nhận nền tảng đó đều không thể tự xem hoặc được xem như người trí thức.

Dựa trên những bài viết của ông, chắc chắn là Charles Percy Snow đã chấp nhận không chút đắn đo khởi điểm đó; tuy nhiên, dường như ông tin rằng sự dấn thân của người trí thức có thể tóm thu vào bổn phận nói lên sự thật (ở đây, xin ghi thêm rằng cũng không có cơ sở hiển nhiên hay lý lẽ nào khiến sự thật phải được yêu chuộng hơn sự gian trá!). Thật ra, lý do chính khiến ông khâm phục các nhà khoa học là sự tận tụy với chân lý của họ. Ông viết: «Họ muốn tìm ra những gì có đó. Không có ham muốn này, không có khoa học. Đấy là động lực của toàn bộ sinh hoạt này. Nó bắt buộc nhà khoa học phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, từ đầu đến cuối cuộc nghiên cứu. Nếu anh muốn tìm ra cái gì đang có đó, anh không được lừa gạt mình hoặc gạt gẫm bất cứ ai khác. Không được tự dối trá. Ở mức độ sơ đẳng nhất, anh không được giả mạo trong các cuộc thí nghiệm». Tuy nhiên, nếu mệnh lệnh trên góp phần biểu hiện thể thức dấn thân căn bản của người trí thức, nó không thể bao gồm toàn bộ vấn đề. Thật thế, vấn đề không phải chỉ là nói lên sự thật hay không, mà còn là cái gì là sự thật trong mỗi trường hợp nhất định, là nói lên sự thật về cái gì, và không nói lên về cái gì. Ngay trong lãnh vực khoa học tự nhiên, đây là những vấn đề quan trọng, và rất nhiều thế lực hiện đang cố gắng vận chuyển nghị lực và tài năng của các nhà khoa học theo một vài chiều hướng nào đó, hoặc đang tìm cách ngăn chận và phá hoại những kết quả họ đã thu hoạch được ở các phương hướng khác. Vấn đề còn mang một ý nghĩa then chốt khi đề tài nghiên cứu gắn liền với cấu trúc và tính năng động của xã hội. Sự thật về một sự kiện xã hội có thể (và chắc chắn sẽ) biến thành điều láo khoét, nếu sự kiện đó bị tách rời khỏi toàn bộ xã hội, hay biệt lập với quá trình lịch sử mà nó là thành phần cấu tạo. Như thế, trong lãnh vực này, cái gọi là sự thật thường được truy tầm và nói lên (một cách an toàn) về những việc chẳng quan trọng chút nào; sự đeo đuổi và phát biểu thứ sự thật đó dần dần trở thành một vũ khí tư tưởng mạnh mẽ cho những kẻ bảo vệ hiện trạng. Ngược lại, nói lên sự thật về những gì quan trọng, tìm kiếm sự thật về vấn đề toàn bộ, phát hiện ra những nguyên nhân xã hội, lịch sử, cùng sự thâm nhập vào nhau của các thành phần khác biệt bên trong cái toàn thể, là một thái độ dễ bị kết án là phản khoa học và có tính chất tư biện; thái độ đó sẽ bị trừng phạt bằng sự kỳ thị nghề nghiệp, cô lập hoá hoặc doạ nạt công khai.
TRÍ THỨC, NGƯỜI PHÊ PHÁN XÃ HỘI

Khao khát nói lên sự thật, vì vậy, chỉ là một điều kiện để làm người trí thức. Điều kiện khác nữa là phải can đảm, phải dám suy nghĩ đến cùng, «dám phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu, không xót thương ở chỗ sự phê phán đó không lùi bước trước chính những kết luận của nó, hay trước mọi đụng chạm dù với bất cứ thứ quyền hành nào» (K. Marx). Như vậy, người trí thức tự bản chất là kẻ phê phán xã hội, người mà ưu tư là nhận diện, phân tích sự vật, và bằng cách đó, góp phần vượt qua mọi trở ngại ngăn cản sự vươn tới một trật tự xã hội tốt đẹp, nhân đạo và hợp lý hơn. Do đó, anh ta trở thành lương tri của xã hội và là phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ mà trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào xã hội cũng có. Tất nhiên là anh ta sẽ bị giai cấp lãnh đạo, luôn luôn tìm cách duy trì hiện trạng, xem như phần tử gây rối, phá hoại, và anh ta cũng sẽ bị ngay chính những người lao động trí thức làm thuê cho họ cáo buộc như kẻ không tưởng, hoặc – trong trường hợp tử tế nhất – nhà siêu hình học, và – trong trường hợp tồi tệ nhất – tên phiến loạn.

Giai cấp lãnh đạo càng phản động, thì trật tự xã hội mà nó thống trị ngày càng hiển nhiên là đã trở thành một chướng ngại cho sự giải phóng con người, hệ tư tưởng của nó lại càng bị chế ngự bởi tính phản trí thức, phi lý và mê tín. Đồng thời, sự kiện người trí thức phải chịu đựng những áp lực đè nặng trên mình, để không khuất phục trước ý thức hệ của giai cấp lãnh đạo và không gục ngã trước tinh thần khuôn phép vừa tiện vừa lợi của người lao động trí thức, lại càng trở nên cam go, khó khăn. Trong những điều kiện như vậy, nêu rõ chức năng của người trí thức và nhấn mạnh trên tính cách dấn thân của họ là điều cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Bởi vì chính trong loại điều kiện như thế mà người trí thức phải nhận lãnh số phận, cả như đặc quyền lẫn đặc nhiệm, là bảo toàn truyền thống nhân bản, lý trí và sự tiến bộ - gia sản quý báu nhất của nhân loại qua suốt toàn bộ quá trình lịch sử.

Người ta nói rằng, đối với tôi, làm trí thức đồng nghĩa với làm anh hùng. Người ta cũng có thể cho rằng nhân danh tiến bộ của nhân loại để đòi hỏi con người phải chịu đựng tất cả mọi áp lực của bao kẻ cố bám víu lấy quyền lợi đã chiếm hữu được, phải đương đầu với mọi hiểm nguy đang đe dọa hạnh phúc cá nhân của mình là điều không hợp lý. Tôi nhìn nhận rằng yêu sách điều đó quả là quá đáng. Cho nên tôi sẽ không làm thế. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy rằng, ngay trong các thời kỳ đen tối nhất và trong những điều kiện gian nan, thử thách nhất, nhiều cá nhân đã biết vượt lên trên quyền lợi riêng tư ích kỷ của mình để đặt chúng dưới quyền lợi của toàn thể xã hội. Ðiều đó luôn luôn đòi hỏi rất nhiều can đảm, trong sạch và trí tuệ. Tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hiện nay là đất nước chúng ta cũng sẽ sản xuất được một số người, nam cũng như nữ, biết bảo vệ danh dự của người trí thức, chống lại sự cuồng nộ của những quyền lợi hiện đang ở vào địa vị thống trị, và những cuộc tấn công dồn dập của chủ nghĩa bất khả tri, chủ nghĩa ngu dân và tính phi nhân.

CHÚ THÍCH

[1] Ở đây, chúng tôi dùng 2 thành ngữ có tính chất đánh giá rõ rệt trong tiếng Việt; ở bản gốc, tác giả dùng «long-haired professor» và «egghead» (đầu quả trứng = đầu hói). Dù thoạt nhìn chỉ có vẻ mô tả, cả 2 từ tiếng Anh trên thật ra cũng hàm ý đánh giá, vì đều gợi lên hình ảnh kẻ đăm chiêu mơ mộng, thiếu liên hệ với người bình dân, không thực tế, thậm chí thiếu nam tính! Riêng từ «egghead» đã đạt đến mức thông dụng tột đỉnh vào cuối những năm 1950, khi được Richard Nixon dùng để phỉ báng ứng cử viên tổng thống Adlaï Stevenson của Đảng Dân Chủ Mỹ. Trong thập niên sau, «Egghead» trở thành tên của nhân vật gian hùng trong bộ phim truyền hình Batman;với bộmặt tai tái, chiếc đầu hói, bộ quần áo nửa trắng nửa vàng, Egghead tự xưng là «kẻ phạm tội tinh ranh nhất thiên hạ», và từ khí giới đến ngôn ngữ sử dụng («eggs-zactly», «eggs-cellent») đều gợi nghĩ đến quả trứng. Phạm Trọng Luật.


[2] Charles Percy Snow (1905-1980): nhà văn và nhà khoa học Anh. Tốt nghiệp khoa lý hoá tại các đại học Leicester và Cambridge, sau một thời kỳ làm nghiên cứu khoa học, ông tham gia bộ máy hành chánh Anh Quốc và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng từ 1940 đến 1966. Ông là chồng của nhà tiểu thuyết Pamela Hansford Johnson, đồng thời cũng là nhà văn. Trong lãnh vực này, ông nổi tiếng nhờ loạt 11 quyển tiểu thuyết mang tính chất tự truyện, viết trong suốt 30 năm và được gọi chung là Strangers and Brothers (1940-1970): mặc dù được xem như có khuynh hướng bàn về quyền lực hay về quan hệ giữa khoa học với xã hội, loạt truyện xoay quanh nhân vật chính tên là Lewis Eliot nói đây còn là bức họa sống động về những thay đổi xã hội ở Anh trong thế kỷ 20. Bên cạnh trường thiên trên và các tiểu thuyết khác như Death under Sail (1932), The Search (1934), In Their Wisdom (1974), A Coat of Varnish (1979), ông còn để lại một tuyển tập truyện dịch Stories from Modern Russia (1962), cùng nhiều tác phẩm phê bình, đáng kể nhất là Trollope: His Life and Art (1975). Như nhà khoa học, tác phẩm của ông cũng khá đa dạng, bao gồm tập tiểu luận về thiên chức của nhà khoa học Science and Government (1961), tập thuyết giảng về lợi và hại của công nghiệp Public Affairs (1971), với nhiều tập tiểu truyện về các nhà bác học như A Variety of Men (1967), The Realists (1978), và The Physicists (1981). Đặc biệt bài thuyết trình Rede Lecture on The Two Cultures and the Scientific Revolution (1959) của ông, và sau đó bài The Two Cultures, And a Second Look (1963), về hố ngăn cách giữa hai giới văn học và khoa học đã được bàn luận sôi nổi và sâu rộng trong mọi giới học thuật. Charles P. Snow được Hoàng Gia Anh tấn phong Hầu Tước năm 1957 và Nam Tước Leicaster năm 1964. Phạm Trọng Luật.

[3] Xin xác định để tránh mọi hiểu lầm: người lao động trí thức có thể (và đôi khi thực sự) là người trí thức, và người trí thức thường là người lao động trí thức. Tôi nói «thường» vì nhiều công nhân nhà máy, thợ thủ công hay nông dân cũng có thể (và trong một số hoàn cảnh lịch sử, điều này đã từng xảy ra) là người trí thức mà không hề làm một nghề lao động trí thức. Paul Alexandre Baran.

[4]
Trong bản gốc: «milk of the Hottentots»;trong bản dịch Pháp ngữ«pauvres petits Chinois». Từ «Hottentots» xuất hiện trong sách vở của người Âu vào thế kỷ thứ 18 như tiêu chuẩn để chỉ giống người thấp kém và mọi rợ nhất; trên thực tế, đấy là tên mà giới thực dân Hà Lan đặt cho một bộ lạc Nam Phi ở giữa Mũi Hảo Vọng và Namibia, mặc dù tập hợp thổ dân này tự gọi mình là «khoikhoi» («chủng tộc tinh khiết»). Ngày nay, Shorter Oxford Dictionary của Anh vẫn định nghĩa «Hottentot» là«kẻ thấp kém về văn hoá và trí tuệ», trong khitừ thời New Deal ở Mỹ, chở«sữa cho dân Hottentots» trở thành câu chế giễu quen thuộc của phe đối lập với mọi hình thức viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ cho các nước kém phát triển.Phạm Trọng Luật.