Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Ngợi ca những giấc mơ

Wisława Szymborska


Thái Linh dịch

Trong mơ
tôi vẽ như Vermeer van Delft.

Tôi nói thành thạo tiếng Hy Lạp
không chỉ với người sống.

Tôi lái chiếc xe hơi
ngoan ngoãn nghe lời.

Tôi tài hoa,
viết ra những trường ca vĩ đại.

Tôi nghe thấy những giọng nói
không tệ hơn lời thần thánh uy nghiêm.

Các bạn hẳn sẽ ngạc nhiên
vì tôi chơi dương cầm với ngón nghề tuyệt kỹ.

Tôi bay lượn như cần phải thế
nghĩa là bay lên từ chính mình.

Khi ngã xuống từ mái nhà
tôi rơi êm ru trên cỏ.

Với tôi chẳng có gì là khó
việc thở dưới nước sâu.

Tôi không phàn nàn gì đâu:
tôi khám phá ra Atlantis.

Tôi cảm thấy vui thích
vì luôn kịp tỉnh giấc trước khi qua đời.

Khi chiến tranh vừa được châm ngòi,
tôi lập tức trở mình sang phía khác.

Tôi là, nhưng không buộc phải là
đứa con của thời đại.

Vài năm trước tôi nhìn thấy
có hai mặt trời.

Chim cánh cụt thì mới hôm kia thôi.
Hoàn toàn sắc nét.

QUẦN LỌT KHE


Bão đổ về rậm rập
Gió thổi tung hất váy
He hé quần lọt khe
Phận đàn bà em che

Sang - hèn cũng một kẽ
Buồn - vui cũng một khe
Giấu hai bờ thương-nhớ
Quần lọt khe em che

Phận đàn bà nứt nẻ
Đau đớn đời chia sẻ
Quần lọt khe em che
Chờ quân tử em khoe

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

EM-NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA TÔI


Em- nhiệm mầu như một nàng tiên luôn xuất khi tôi cần
Em-hiền lành như Phật sau mỗi lần tôi gây tội
EM-dịu dàng như m khi tôi trở về sám hối.

Khi tôi say em lè nhè như bạn
Khi tôi đắm đuối em nồng nàn như một người tình
Khi tôi chết em gục khóc trên mình.

Em- Người đàn bà của tôi

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Bàn về khoan dung (Leszek Kołakowski)






Thái Linh dịch

Từ „khoan dung“ và lời khuyên khoan dung, như chúng ta biết, đã quá phổ biến; song những từ được dùng quá thường xuyên thì luôn bị dùng một cách tùy tiện, không thận trọng và với ti tỉ mục đích khác nhau, đến mức rốt cuộc chẳng còn biết nghĩa của chúng là gì. Mặc dù từ này đã có mặt trong tiếng La-tinh cổ, „khoan dung“ trở thành vấn đề xã hội ở châu Âu vào thế kỷ XVI, là hậu quả của các cuộc phân chia và đấu tranh tôn giáo. Khoan dung đơn giản là không truy bức người khác vì lý do tôn giáo. Những người chủ xướng khoan dung muốn có một cuộc cải cách luật pháp, muốn nhà nước không dùng gươm đao để bảo vệ tôn giáo đang thống trị. Những lời kêu gọi khoan dung theo nghĩa này rất nhiều và được nhân lên gấp bội, nhưng bên cạnh các sắc lệnh đảm bảo sự khoan dung ở nhiều nước khác nhau, ta cũng biết có các phản lệnh, các cuộc đàn áp hồi phản, các đòi hỏi trừng phạt người dị giáo và không chính thống. Mặc dù có vô số chuyện khủng khiếp trong lịch sử các cuộc chiến tôn giáo, ta có thể kết luận rằng ở các nước đạo Cơ đốc chiếm ưu thế, cuộc đấu tranh cho sự khoan dung trong ý nghĩa pháp lý của từ này đã giành thắng lợi; ngược lại, các dòng chảy gây hấn và bất khoan dung trong Hồi giáo là rất mạnh mẽ. Một chính thể khoan dung đơn giản là chính thể mà nhà nước không áp đặt cho người dân bất cứ điều gì trong vấn đề tôn giáo. Nhà nước phải kiềm chế vũ lực trong các vấn đề đó, đây là nguyên tắc được công nhận rộng rãi tới mức nó được tiếp nhận bất thành văn ngay cả ở các quốc gia cộng sản châu Âu, bao gồm cả các nước nơi Giáo hội, các tu sĩ và các tín đồ phải chịu đựng sự đàn áp tồi tệ nhất.

Ngày nay mọi điều có vẻ đơn giản và ít gây tranh cãi, nhưng rắc rối nảy sinh khi ta xem xét vấn đề gần hơn một chút. Để nguyên tắc khoan dung theo nghĩa trên được chấp nhận và thực thi, không chỉ cần có các văn bản pháp lý, mà cả các điều kiện văn hóa không thể tạo dựng trong một sớm một chiều. Những người Cơ đốc chủ xướng khoan dung thế kỷ XVI và XVII giải thích rằng chúng ta không nên chém giết lẫn nhau vì lý do khác biệt quan điểm về vấn đề Thánh Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể hay vận mệnh, bởi vì – họ nói – Đức Chúa Trời sẽ không hỏi chúng ta về các quan điểm thần học trong Phán quyết Cuối cùng, đúng hay sai, mà hỏi chuyện trong đời ta có cố gắng thực hiện các điều răn của sách Phúc Âm hay không. Như vậy có thể ngầm hiểu, mà nhiều khi người ta nói thẳng, rằng tất cả các khác biệt giáo điều giữa các Giáo hội, các tín điều hay giáo phái đều không quan trọng, vô nghĩa. Từ đây dễ dàng đi đến kết luận rằng không có bất cứ Giáo hội hay tín điều nào có động cơ tồn tại như một cơ thể riêng biệt, vì sự khác biệt giữa chúng là vô thưởng vô phạt; nhưng khó lòng thuyết phục điều đó với các Giáo hội (dĩ nhiên tất cả những điều này nằm trong khuôn khổ của văn hóa Cơ đốc giáo và thậm chí ngay cả ở các nước rất khoan dung như Hà Lan thế kỷ XVII thì chủ nghĩa vô thần cởi mở cũng không được chấp nhận). Chính vì thế, một ý nghĩa mới được đưa tắt vào tư tưởng khoan dung, cụ thể là „sự thờ ơ“. Nhưng khi nói: „chịu đựng ngay cả các sai lầm lớn vẫn tốt hơn là tiến hành chiến tranh tôn giáo“ là một chuyện - dưới góc độ văn hóa hay tâm lý học, còn nói „phải khoan dung mọi ý kiến thần học khác nhau nhất, vì tất cả đều là những chuyện vô thưởng vô phạt“ thì lại khác.

Khi tôi nói với ai đó: „Anh phát biểu những quan điểm kinh khủng, sai lầm và tai hại, nhưng tôi sẽ không chặt đầu anh và sẽ để Chúa phán xét“ là một chuyện, còn khi tôi nói „Anh cứ lải nhải thoải mái về tôn giáo, cái đó chả có nghĩa lý gì cả“ thì lại là chuyện khác.

Song khi ta nói về sự khoan dung, từ này không chỉ liên hệ tới các quy định pháp lý trong vấn đề tôn giáo, mà còn ám chỉ quan điểm của con người, cách hành xử của chúng ta, các phong tục. Theo nghĩa ban đầu, tôi khoan dung nếu tôi không truy bức, không đòi truy bức và không hành xử một cách gây hấn với những gì tôi rõ ràng là không thích, không chấp nhận, những gì khiến tôi thấy khó chịu, căm ghét hay ghê tởm. Với nghĩa có phần tương tự, ta dùng từ này trong y học và kỹ thuật: thuốc gây hại, nhưng ta nói về sự khoan dung đối với thuốc nếu cơ thể chấp nhận được nó trong một giới hạn nào đấy, nghĩa là chịu đựng được mà không có hại đáng kể. Ở Pháp từ „nhà khoan dung“ xưa kia được dùng để gọi nhà chứa, cái tên ám chỉ rằng đó là thứ không tốt đẹp gì, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tốt hơn hết là chấp nhận chúng.

Cũng có thể nhận thấy người ta thường đòi hỏi khoan dung với nghĩa sự bàng quan, không có bất cứ lập trường hay ý kiến gì, đôi khi thậm chí là sự thừa nhận tất cả mọi thứ mà ta thấy ở mọi người và mọi quan điểm. Song điều đó mang nghĩa hoàn toàn khác. Hướng tới sự khoan dung theo nghĩa ấy là một phần văn hóa khoái lạc chủ nghĩa của chúng ta, khi chẳng có điều gì thực sự nghĩa lý đối với ta; đó là thứ triết lý sống không có bất cứ trách nhiệm và niềm tin nào. Các khuynh hướng này được tăng cường bởi nhiều trào lưu triết học khác nhau, những trào lưu dạy chúng ta rằng không có chân lý với nghĩa thực sự của nó; do đó khi ngoan cố với các niềm tin của mình, mặc dù không hề gây hấn, thì tôi đã có lỗi đối với sự khoan dung.

Đó là một điều vô nghĩa tai hại; sự khinh rẻ chân lý tàn phá nền văn minh của chúng ta không kém gì sự cuồng tín. Số đông thờ ơ sẽ dọn đường cho những kẻ cuồng tín luôn không bao giờ thiếu. Nền văn minh của chúng ta truyền bá ý thức nên coi tất cả là một thứ trò chơi, như nó vốn thế, trong các triết lý trẻ con được gọi là „triết lý kỷ nguyên mới“ hoàn toàn không thể xác định được nội dung, bởi nó có nghĩa là mọi thứ, ai muốn gì cũng được.

Nhưng tôi có quyền cương quyết kiên tâm với các niềm tin của mình. Ví dụ: ở các nước văn minh tình dục đồng tính không bị trừng phạt (tất nhiên, nếu đó là người trưởng thành và không có cưỡng hiếp). Giáo hội cho rằng đồng tính luyến ái là không được phép về mặt đạo đức, viện dẫn Cựu Ước và Tân Ước, viện dẫn các truyền thống và sự diễn giải thần học về tình dục của riêng mình. Như vậy, nếu Giáo hội muốn cấm đồng tính luyến ái trở lại, nó có thể bị lên án là bất khoan dung thô bạo. Nhưng các tổ chức của người đồng tính luyến ái đòi hỏi Giáo hội rút lại các giáo huấn của mình, đó là biểu hiện của sự bất khoan dung thô bạo theo chiều ngược lại. Ở Anh đã có các cuộc biểu tình và công kích Giáo hội về vấn đề này. Như vậy ai là bất khoan dung? Nếu một số người đồng tính cho rằng Giáo hội sai, họ có thể ra khỏi nó, không có gì đe dọa họ cả; nhưng khi họ muốn áp đặt ý kiến một cách ồn ào và gây hấn lên Giáo hội, họ không bảo vệ sự khoan dung mà là tuyên truyền sự bất khoan dung. Sự khoan dung hữu hiệu khi nó có từ hai phía.

Ta thường nói rằng có thể trừng phạt hành động, không trừng phạt quan điểm. Khó khăn là ở chỗ ranh rới giữa chúng không rõ ràng. Ở nhiều nước, ví dụ, kích động hận thù chủng tộc là bị trừng phạt. Có thể kích động bằng nhiều cách khác nhau và những kẻ phân biệt chủng tộc thường tự biện hộ: đó là các quan điểm, bởi vậy chúng không bị trừng phạt. Song ngôn từ trong trường hợp cụ thể cũng có thể có tác hại hoặc hiệu quả tốt. Nếu ta chỉ nói như thế, ta sẽ dễ dàng gợi ý rằng phải kiểm soát mọi quan điểm từ góc độ hậu quả có thể xảy ra của chúng. Nhưng nếu không nói vậy, ta lại gợi ý rằng không được cấm gì hết nếu chưa có sử dụng bạo lực. Như vẫn thường thấy trong cuộc sống, chúng ta phải tìm những cách giải quyết thỏa hiệp, không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng là không tránh khỏi. Đây cũng là mâu thuẫn muôn đời của sự khoan dung: có được phép và có nên chấp nhận hay không các phong trào chính trị hay tôn giáo là kẻ thù của khoan dung và muốn hủy diệt mọi thiết bị bảo vệ sự khoan dung, các phong trào toàn trị hoặc muốn áp đặt quyền lực chuyên chế của mình? Các phong trào này có thể không nguy hiểm chừng nào chúng còn nhỏ, do đó có thể chấp nhận chúng, nhưng mặt khác, nếu chúng lớn mạnh, phải chấp nhận vì không có lực lượng nào có thể hủy diệt chúng, và cuối cùng cả xã hội có thể trở thành chiến lợi phẩm của một chính thể toàn trị tồi tệ nhất. Sự khoan dung vô hạn sẽ tự hại mình và hủy hoại các điều kiện để khoan dung trở nên khả dĩ. Tôi thừa nhận rằng tôi ủng hộ việc không khoan dung đối với các phong trào nhằm tiêu diệt tự do, chúng phải bị loại ra khỏi vòng pháp luật; khoan dung sẽ ít bị đe dọa hơn nhờ sự bất khoan dung này.

Song không có một nguyên tắc tốt nào mà lại không thể bị áp dụng sai. Có thể cấm phát biểu tư tưởng phân biệt chủng tộc, nhưng ở Mỹ, những người tiến hành nghiên cứu sự phân bố năng khiếu trong một số sắc tộc bị gọi là phân biệt chủng tộc và bị đả kích. Đây là nghiên cứu đòi hỏi phải đặc biệt thận trọng và chắc chắn có thể bị lợi dụng để tuyên truyền phân biệt chủng tộc, song vì lý do đó mà cấm thì còn tồi tệ hơn nhiều. Bởi khi đó người ta chấp nhận nguyên tắc cấm mọi nghiên cứu khoa học nếu kết quả của chúng có thể không được hoan nghênh đối với các tư tưởng được coi là đúng trong thời gian đó, mà đây là một nguyên tắc toàn trị. Cần phải chỉ trích các kết quả ấy, nếu có các phản đề tốt, nhưng cấm nghiên cứu nghĩa là đặt ra một chế đô độc tài tư tưởng trong các dòng chảy khoa học.

Tôi nhắc lại: sự khoan dung được bảo vệ ít hơn bằng luật pháp, nhiều hơn thông qua việc duy trì thói quen khoan dung. Sự bất khoan dung tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, bởi nhu cầu áp đặt hình ảnh của mình về thế giới lên người khác nói chung là mạnh; ta muốn mọi người tin vào điều ta tin, vì khi đó ta cảm thấy an toàn về mặt tinh thần và không phải suy xét các niềm tin của mình hay đối chiếu chúng với người khác. Vì lẽ đó, sự công kích, gây hấn trong quá trình đối chiếu niềm tin – tôn giáo, triết học hay chính trị - là rất nhiều. Song nếu sự bất khoan dung, ý muốn thay đổi chính kiến người khác bằng công kích và bạo lực phải bị loại bỏ và thay thế bằng phong tục không ai tin vào cái gì, không ai quan tâm đến chuyện gì, cốt sao cuộc sống vui vẻ - thì thật tội nghiệp cho chúng ta. Đừng đấu tranh với sự vinh danh bạo lực bằng cách vinh danh sự thờ ơ đại chúng.

(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)

Yêu và mất (Leopold Staff)


Thái Linh dịch

Yêu và mất, khát khao và hối tiếc,
Ngã đớn đau và lại gượng đứng lên,
Hét vào nhớ thương „cút đi!”, rồi khẩn cầu „xin dẫn lối!”
Là thế đó cuộc đời: nhẹ bẫng, sao khôn kham....


Vì một viên ngọc thôi, băng qua sa mạc mênh mang
Vì một hạt châu trầm mình đáy bể
Chỉ để lại sau mình lặng lẽ
dấu vết trên cát mềm, những vòng sóng vương loang.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Bàn về nỗi chán (Leszek Kołakowski)




Thái Linh dịch


Ta hãy thử viết về nỗi chán một cách không chán. Không chán - ngoài những đặc điểm khác - có nghĩa là ngắn thôi. Bản thân chuyện về nỗi chán không chán cũng không vô nghĩa, bởi nó bàn đến một trải nghiệm được biết đến rộng rãi, cụ thể là trải nghiệm nói chung bị xem là tiêu cực nhưng lại không thể gọi là đau khổ (ngoại trừ những trường hợp cực đoan như việc tước bỏ nhân tạo mọi xung động ham muốn của con người một thời gian dài trong các thử nghiệm tâm lý học).
Tương tự như các phẩm chất thẩm mỹ, nỗi chán là một hiện tượng xuất hiện khi được trải nghiệm, song đồng thời có thể gán cho khách thể được tri giác chứ không riêng cho kẻ tri giác („tiểu thuyết này khiến tôi phát chán”, „tiểu thuyết này chán”); bởi vậy, nói cho sang, nó thích hợp với một xem xét mang tính hiện tượng luận.
Khi dừng lại ở cách dùng thông thường của từ này, ta sẽ nhận thấy ngay, thứ nhất, ta chỉ gán sự chán cho những gì kéo dài trong thời gian: vở kịch chán, bản nhạc chán, bài lịch sử chán, công việc chán, nói chung ta không nói tác phẩm hội họa chán, thứ thường là ta nắm bắt được ngay trong một cái nhìn. Phong cảnh chán, nghĩa là đơn điệu, không có sự tương phản, nếu ta ngắm nhìn nó trong khoảng thời gian dài, ví dụ khi đi tàu qua bình nguyên phủ đầy tuyết. Từ góc độ khách thể, chán là sự lặp lại chính một điều, hoặc là sự hỗn độn, thiếu vắng sự khớp nối và ý nghĩa (song tiểu thuyết hay bi kịch diễn tả thế giới trong hỗn loạn hoàn toàn không nhất thiết phải chán: thí dụ Ulisses của Joyce, kịch của Beckett và nhiều thứ khác). Từ góc độ người tri giác, chán nghĩa là không có khả năng mong đợi điều gì đó mới mẻ, là cảm giác hiện hữu (dẫu chỉ trong chốc lát) trong một thế giới nơi sẽ không có gì xảy ra, tức là nơi hoặc sẽ mãi như thế, hoặc nếu có gì đó xảy ra thì người tri giác cũng thấy như nhau, nghĩa là như chẳng có gì xảy ra.
Có thể khẳng định rằng chẳng có gì tự thân nó là chán, bởi con người khác nhau trong cách tiếp nhận những mảnh thế giới khác nhau, và cảm giác chán của họ phụ thuộc vào từng trường hợp, nhất là phụ thuộc vào kinh nghiệm từng trải qua. Một bộ phim hoàn toàn thú vị có thể trở thành chán nếu ta xem lại ngay sau khi xem lần đầu, bởi những gì sẽ xảy ra ở đó đối với ta là đã xảy ra. Ngay cả một người rất kém giáo dục về âm nhạc cũng không cho một bản concerto cho vĩ cầm của Paganini, concerto cho vĩ cầm của Tchaikovsky, concerto cho dương cầm của Chopin là chán, nhưng lại có thể chán một số bản giao hưởng của Brahm, mà người am hiểu sẽ không chia sẻ cả ý kiến lẫn cảm nhận này, chắc chắn sẽ phê phán sự vô minh của anh ta. Có thể một tác phẩm lịch sử nào đó khiến tôi chán, nhưng lại lý thú với người khác, bởi sự tiếp nhận của tôi là do tôi không thấy sự tương phản, bởi vậy tôi không biết phân biệt nặng nhẹ, mới cũ v.v. Một việc là chán đối với người làm nó đã lâu và theo lệ, không nhất thiết chán đối với người làm lần đầu. Ta hãy thử cố tạo ra nỗi chán và đọc một cuốn sách bằng thứ ngôn ngữ mình không biết trong suốt một giờ đồng hồ: ấy thế nhưng cuốn sách đó có thể là tiểu thuyết của Agatha Christie.
Dĩ nhiên, trong nỗi chán cũng như sự chán ngán có một vùng đáng kể phụ thuộc hoàn toàn vào các khuynh hướng và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta và không thể có được sự đồng thuận. Vấn đề liệu có điều gì chán tự thân hay không cũng tương tự như vấn đề của các phẩm chất mỹ học: có phải chúng luôn luôn và tuyệt đối là dự phóng cá nhân, hay chúng được phát hiện ra „trong sự vật” bằng cách nào đó? Cả hai trường hợp đều có phạm vi đồng thuận và phạm vi bất đồng, chắc chắn vậy. Cả hai trường hợp cũng đều là về những phẩm chất được giáo dục rèn luyện qua văn hóa; có lẽ thật ra chả có gì là ngớ ngẩn trong giả định rằng khi các phẩm chất đó được tri giác, luôn có sự tác động qua lại giữa sự vật và tinh thần, và rằng câu hỏi điều gì tuyệt đối có trước chẳng có mấy ý nghĩa.
Nói chung chúng ta cho rằng chán không những là hiện tượng phổ biến ở loài người – đây không phải là đặc quyền của Baudelaire hay Chateaubriand – mà còn là đặc trưng của con người, loài vật không có trải nghiệm đó (nếu chó nhà cũng có trải nghiệm về nỗi chán, như chúng ta vẫn tưởng tượng – dẫu làm sao có thể biết được điều đó? - thì chắc hẳn chúng học điều đó từ chúng ta); khi các nhu cầu sinh lý của chúng được thỏa mãn và không có sự đe dọa nào, các loài vật nằm ườn không hoạt động để không tiêu hao năng lượng vô ích, và chẳng có lý do gì để giả định rằng chúng đang chán. Hơn thế nữa, không rõ nỗi chán sinh ra khi nào và vì sao; tôi không cho rằng trước thế kỷ XIX đây từng là một chủ đê văn học hay triết học, mặc dù từ này đã tồn tại. Dân quê ở các làng mạc sơ khai truyền thống, từ sáng sớm đến tối mịt đầu tắt mặt tối chỉ để đủ ăn, trong sự đơn điệu của công việc thường ngày, chỉ sống một nơi suốt cuộc đời, họ có trải nghiệm nỗi chán không? Tôi không biết, nhưng tôi hình dung rằng ngay cả một phận đời như thế, chẳng có lấy một viễn cảnh thay đổi, gần như phi thời gian, cũng không nhất thiết phải gây ra cảm giác chán thường xuyên; luôn có điều gì đó xảy ra ngoài lệ thường: con cái ra đời, con cái chết, hàng xóm ngoại tình, bão, hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn, rất nhiều việc xảy ra bất ngờ, bí ẩn, nguy hiểm hoặc ích lợi. Tóm lại, ngay cả trong những hoàn cảnh có vẻ ù lì như thế, con người vẫn có cảm giác rằng cuộc đời được ban tặng là ân phước may mắn không thể khước từ.
Quả là cái bình thường, sự đơn điệu của cuộc sống có thể bị xem là chán. Ta hay nghe phàn nàn rằng tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xấu: thiên tai, giết người, chiến tranh, sự dã man tàn bạo, khủng hoảng. Câu trả lời thường là: chính thế, bởi khi người ta giết anh Jan ngoài đường thì đó là tin mới, còn khi Jan ăn sáng, đi làm hay về nhà thì không còn là tin mới nữa, chuyện đó chán chết; nếu anh Jan li dị thì đó là tin mới cho người thân bạn bè, còn nếu anh ta sống hòa thuận với vợ thì chả có gì sốt dẻo, chán như con gián. Tin mới là điều bất ngờ và ít khả năng xảy ra, nhưng sự ngẫu nhiên thường bất lợi cho chúng ta; nhưng gì ngẫu nhiên chủ yếu là những điều không hay, cái hỗn loạn của thế giới không phục vụ chúng ta. Lịch sử loài người là cuộc đấu tranh với sự ngẫu nhiên, là nỗ lực giảm thiểu sự ngẫu nhiên trong cuộc sống; nếu ngẫu nhiên thường tốt lành thì chẳng có lý do gì để chiến đấu với nó. Quả thật là khi anh Jan trúng xổ số, đó cũng là tin mới, nhưng đó là tin mới tốt lành cho Jan, song là xấu cho tất cả những người không trúng nhưng đã mua vé để Jan được trúng; bởi vậy rốt cuộc đó là tin xấu.
Những người may mắn, ví dụ những người dành phần lớn đời mình cho thư sách, nói chung không thấy chán, nghĩa là họ không có cảm giác thiếu ham muốn tìm tòi, họ luôn có thể tìm thấy những ham muốn ấy. Những tưởng con người đương đại không nên cảm thấy chán, bởi hầu như tất cả mọi người đều có thể xem ti-vi, nghe đài, nghe nhạc và có những thú tiêu khiển khác, nơi người ta dễ dàng tìm thấy cái gì đó lý thú. Trong khi đó, ta có thể đọc đâu đó, thí dụ, rằng các nhóm côn đồ trong các thành phố ở nhiều nước phá phách vô mục đích, gặp gì đập nấy, gặp ai đánh nấy, và chúng giải thích: vì chán. Xem các bộ phim kích động, như ta thấy, là chưa đủ, chắc hẳn bởi đó chỉ là sự xem thụ động, bởi không thể rũ bỏ cảm giác giả tưởng, không trực tiếp tham gia vào nó. Ngược lại, những cuộc phiêu lưu hấp dẫn của các nhân vật truyền hình có thể làm tăng thêm nỗi chán, tăng thêm cơn đói được kích thích và cả cảm giác thiệt thòi: vì sao tôi không có cuộc sống thú vị như anh chàng thám tử kia, vì sao tôi không giàu như Liz Taylor? Phải làm gì đây với đám thanh niên tội nghiệp, tuy không đói ăn thiếu mặc nhưng cũng không có chút của cải nào, không có cuộc phiêu lưu thực tế hay giả tưởng nào như của các minh tinh màn bạc? Phải hướng bản năng tò mò và nhu cầu ham muốn của họ vào con đường „kiến thiết”, để họ không giải tỏa chúng vào những cuộc tàn phá thiếu suy nghĩ và những cơn lên đồng tập thể trong các buổi hòa nhạc ầm ỹ ồn ào vô nghĩa, nói thì dễ, nhưng phải làm thế nào đây?
Hiếu kỳ là bản tính par excellence của con người và thiếu nó thì chúng ta chẳng có lý do gì để thoát ra khỏi tình trạng thú vật: hiếu kỳ, tức bản năng khiến chúng ta tìm hiểu thế giới chỉ để tìm hiểu, không lệ thuộc vào việc các nhu cầu sinh lý của chúng ta có được đáp ứng hay không và chúng ta có muốn tránh nguy hiểm hay không. Tương tự như trong trường hợp nỗi chán, „hiếu kỳ” có thể là sự vật, và „hiếu kỳ” cũng là tinh thần hướng đến sự vật đó; không thể có cái này mà thiếu cái kia. Bởi „là người hiếu kỳ” và „thú vị” trái nghĩa tương ứng với „là người chán” và „chán”, có thể nói rằng hiện tượng chán là cái giá chúng ta trả cho việc mình biết hiếu kỳ; không có gì là thú vị đáng hiếu kỳ nếu không có gì chán. Nói cách khác: chán là một phần không thể tách rời trong nhân tính của chúng ta; hoặc là: thực kiện rằng chúng ta có khả năng cảm thấy chán khiến chúng ta có nhân tính. Cảm giác chán đánh thức nhu cầu thoát khỏi sự chán, dĩ nhiên, sự thoát khỏi này có thể mang tính hủy diệt, nhưng cũng có thể mang tính sáng tạo, và trường hợp thứ nhất dễ dàng hơn. Chiến tranh thật khủng khiếp, nhưng nó không chán và hàng bao đời nay trong chiến tranh, bên cạnh các nguyên nhân khác, có phần của nhiệt huyết chiến đấu để chống lại nỗi chán.
Hơn thế nữa, bởi sự lặp lại dễ sinh chán, có thể e ngại rằng những ham muốn hiện có như nguồn gốc của sự hiếu kỳ sẽ luôn cạn đi và chúng ta sẽ luôn có những ham muốn không chỉ mỗi lúc một khác hơn, mà còn mỗi lúc một mạnh hơn, như những kẻ nghiện ma túy. Ta không biết điều này có thể dẫn đến đâu.
Trường hợp cụ thể của hiện tượng đang được xem xét là „người chán”, một người rất khó miêu tả. Đó không nhất thiết phải là một người không biết phân biệt nặng nhẹ, kể lể đủ thứ với những chi tiết thừa thãi và dở ẹc, người không biết châm biếm hay hài hước, không thể dứt khỏi những sự việc chả khơi dậy phản ứng nào xung quanh, không thể đưa vào guồng cái cơ chế ảnh hưởng lẫn nhau với người khác; vậy có lẽ anh ta không có khả năng tạo ra sự tương phản trong giao tiếp chăng? Trong nghĩa này, anh ta rơi vào tính chất chung của sự chán được nêu ra ở trên. Sẽ là thừa thãi khi thêm rằng: là người chán hay không chẳng liên quan gì đến học vấn hay tính cách tốt xấu.
Utopia, tức tình trạng thỏa mãn tuyệt đối, thiếu vắng xung đột và căng thẳng, dĩ nhiên, nếu đạt được, sẽ là tận thế của loài người, là sự khô kiệt bản năng hiếu kỳ. Chừng nào giống loài của chúng ta còn là chính nó, chừng đó còn không thể dựng xây utopia. Dù sao đi nữa, liệu có thể hình dung một „cáo chung của lịch sử” với nghĩa như ông người Mỹ gốc Nhật nói gần đây, tức thế giới trong đó không có bất cứ lựa chọn tưởng tượng nào cho các định chế chính trị, cũng không có chiến tranh và thiếu thốn, nghệ thuật và văn học suy tàn, nỗi chán ngự trị khắp nơi? Tôi chẳng lo lắng lắm về tính hiện thực của lời tiên tri này, nhưng nếu nó trở thành hiện thực, thì hậu quả nhãn tiền chắc hẳn không phải là sự đồng thuận với nỗi chán vĩnh cửu, mà nhiều hơn là sự tìm kiếm lối thoát liều lĩnh tuyệt vọng như của các băng đảng thanh thiếu niên đã nhắc ở trên: ham muốn hủy diệt chỉ để hủy diệt. Bởi vậy nỗi chán, như mọi hiện tượng phổ quát khác của con người, xứng đáng được ngợi ca, nhưng đồng thời cũng nguy hiểm.
(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)

MỜI RƯỢU



French kiss

Ừ thì môi tím

Môi cong tràn trề
Ôi môi hờn dỗi
Ôi lòng tái tê...

Nhấp ngụm môi đi

Vùi sâu vào nữa
Cho cong xuân thì
Cho vồng ngực tối
 

Cho thiên thai về
Cho mộng tràn trề
Ươm tơ ướt đẫm...
Kéo nhau vào mê...
(Uyển Di )


MỜI RƯỢU


Này em hãy liệm
Nỗi buồn chán chê
Vào vòng tội lỗi
Cơn say đam mê

Hãy uống cạn ly
Chớ đừng lần lữa
Đời người mấy khi
Được lần phạm tội

Cớ gì ủ ê

Khi rượu ê hề
Trong tình thấm đẫm
Máu còn rần tê

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Những Tiếng Nói Ngầm và một thái độ nghiên cứu, phê bình cần được trân trọng

Gửi Chu Giang, tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,
Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội
Bài viết này bàn về “thái độ chính trị” Nhã Thuyên thể hiện trong tập tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Nó phản hồi bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” của Chu Giang đăng trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minhsố 256, xuất bản ngày 30 tháng 5 năm 2013. Theo quan điểm của tôi “thái độ chính trị” của Nhã Thuyên không mâu thuẫn với một vị trí trong trường đại học chính thống của nhà nước. Tôi là bạn đọc, không có thẩm quyền gì để quyết định giữ Nhã Thuyên ở lại hay không, nhưng vẫn muốn góp lời. Khi một tác phẩm đã được biết tới thì người đọc là người có trách nhiệm với nó hơn.
Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh không đăng ý kiến trái chiều. Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã yêu cầu Nhã Thuyên thôi việc. Sau đó báo chí dòng chính chuyển sự chú ý sang luận văn thạc sỹ về nhóm Mở Miệng Nhã Thuyên thực hiện và bảo vệ năm 2010, một văn bản chưa được công bố rộng rãi. Như Chu Giang viết trong số tiếp theo của Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, loạt tiểu luận của Nhã Thuyên không đáng bàn nhiều vì nó chỉ đăng trên internet, không mang tính pháp quy như luận văn. Tôi tưởng bài viết của mình đã thành “cũ” thì gần đây bắt gặp một bài báo lật lại Những tiếng nói ngầm với những phán xét nặng nề khiến tôi lại thấy mình muốn lên tiếng. Khi tiếp cận một tác phẩm chúng ta cần suy xét kĩ lưỡng từng câu chữ của nó chứ không nên căn cứ vào đề tài nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu hay một chuyện bên ngoài là tác giả nhận được tài trợ của một tổ chức quốc tế để quy kết những điều xấu. Nếu như người ta muốn phê phán những tư tưởng “sai lệch” thì tôi e rằng việc lấy Nhã Thuyên ra làm đối tượng là một nhầm lẫn đáng tiếc. Để góp lời vào một câu chuyện chung, tôi xin gửi bài viết của mình cho các diễn đàn, báo chí.
Hà Nội ngày 01 tháng 08 năm 2013
1. Giới thiệu
Trước cùng một văn bản người ta có thể có những đọc hiểu rất khác nhau. Dù không đồng tình, tôi xin ghi nhận cách Chu Giang tiếp cận chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên với bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” đăng trên trang 16-17 tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, bộ mới, xuất bản ngày 30 tháng 5 năm 2013. Theo tôi hiểu, Chu Giang quan tâm đến việc đánh giá thái độ chính trị của người viết thể hiện qua tác phẩm. Ông cho rằng Nhã Thuyên đã lựa chọn một vị trí rõ ràng là chống đối chính quyền và phỉ báng lịch sử dân tộc, giống như những tác phẩm, tác giả mà cô ca tụng. Một người có thái độ chính trị như vậy theo ông không đủ tư cách để đảm nhận công tác giáo dục văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa và bài viết của ông đề gửi Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi Nhã Thuyên công tác. Đó là một nỗ lực bảo vệ thế hệ trẻ, chính quyền hiện thời và lịch sử của dân tộc đã qua. Nỗ lực này không phải là vô ích; tuy nhiên, tôi hiểu Nhã Thuyên khác với Chu Giang nên mong được trao đổi.
Tại thời điểm này cá nhân tôi đang làm việc cho một cơ quan nhà nước, có lòng tự hào dân tộc, kính trọng Hồ Chí Minh và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Tuy vậy tôi vẫn xin được bất đồng với tất cả những luận điểm của Chu Giang về Nhã Thuyên. Thái độ chính trị của Nhã Thuyên nếu đúng như Chu Giang mô tả có mâu thuẫn với nhiệm vụ giảng dạy văn học trong nhà trường chính thống hay không, không phải là điều mà tôi quan tâm bởi thực sự tôi thấy Nhã Thuyên không có thái độ như thế. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày cách hiểu của tôi về thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện qua chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Tôi cho rằng cô ấy đã thể hiện một thái độ đúng đắn với đạo đức của một người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học. Đó là một thái độ trung lập với các đảng phái chính trị và chế độ xã hội nhưng cam kết theo đuổi trí tuệ và các giá trị nhân văn trong phạm vi nghiên cứu của mình. Theo tôi đây không phải là thái độ đúng đắn duy nhất nhưng đó là một lựa chọn cần được tôn trọngnếu như ngành nhân văn của Việt Nam muốn đem lại những giá trị nhân văn cho đời sống. Những tiếng nói ngầm chưa tìm được chỗ đứng trên diễn đàn văn học chính thống (Da Màu là một diễn đàn văn học mạng phi chính thống) nhưng việc Nhã Thuyên giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội là một dấu hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.
2. Vị trí của nhà phê bình: trung lập với các đảng phái chính trị, chế độ xã hội và cam kết với những giá trị nhân văn
Tôi không thấy Nhã Thuyên lựa chọn vị trí ca tụng “những tiếng nói ngầm”. Nhã Thuyên lựa chọn tìm hiểu “một phiến cảnh thơ ca còn chưa sáng rõ” và đã làm điều đó với sự trân trọng đối tượng nghiên cứu của mình. Người nghiên cứu, ngay cả khi tìm hiểu kẻ thù hay những tội nhân bị cả xã hội nguyền rủa, có lẽ cũng cần giữ cái đức ấy.
Tôi xin dẫn lại đoạn văn trong lời ngỏ của Nhã Thuyên mà chính Chu Giang đã trích: “Tôi muốn làm nổi bật lên qua các tiểu luận hình ảnh của một không gian văn học năng động với những tác giả tỏ ra cam kết với lựa chọn phản biện và đổi mới văn chương, những người dường như đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh nghiệm chống đối, nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới thay thế.”
Khi đọc đoạn văn bản này tôi để ý đến việc Nhã Thuyên dùng hai từ “tỏ ra” và “dường như” để bày ra một thái độ cẩn trọng. Còn không gian văn học đó có “năng động” hay không thì tùy quan niệm của từng người. Tôi đồng tình với cách dùng từ “năng động” của tác giả và không cho rằng tính từ ấy có nghĩa ngợi ca. Những sáng tác và ấn phẩm phi chính thống đang có đời sống của chúng. Dòng văn học phản kháng tồn tại trong bất cứ một chế độ xã hội nào chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của Việt Nam.
Đoạn văn vừa trích dẫn chỉ thể hiện đối tượng nghiên cứu của tác phẩm còn vị trí của người nghiên cứu được Nhã Thuyên trình bày ở một đoạn văn khác trong lời ngỏ: “Tôi đang ở giữa cái bên lề và trung tâm, ở giữa hiện tại và quá khứ, ở giữa những đứt gãy và kết nối, giữa những phân lập và sự nhập nhằng, giữa sự sáng tỏ và rối loạn, giữa sự đi lên và thoái hóa, tôi đang đứng chênh vênh để nhìn ra bên ngoài và nhìn vào bên trong, vừa như kẻ ngoại cuộc vừa như người trong cuộc, nhưng là lựa chọn không đứng về phía sự trấn áp.”
Vị trí Nhã Thuyên lựa chọn là sự chênh vênh ở giữa. Chu Giang trích dẫn lại rằng Nhã Thuyên lựa chọn “không đứng về phía trấn áp” và tự ngầm hiểu phía trấn áp là phía chính quyền. Thật ra bất cứ một cá nhân nào cũng có thể trấn áp những người khác. Theo tôi hiểu, “không đứng về phía trấn áp” có nghĩa là nhà phê bình không tìm hiểu dòng văn học phản kháng với sẵn mong muốn trấn áp nó.
Nhã Thuyên không viết phê bình với sự khách quan lạnh lùng của khoa học. Cô ấy chọn một đường hướng nghiên cứu nhân văn cam kết với sự trân trọng giá trị văn chương của “những hiện diện vắng mặt”. Sự trung lập mà tôi muốn nói ở đây là sự trung lập với các tham vọng chính trị nhằm xây dựng hay lật đổ một chính quyền. Nhã Thuyên đã rất kỹ tính khi không tự mình dùng một từ ngữ nào thể hiện định kiến với chính quyền và lịch sử dân tộc. Không biết nhầm lẫn của Chu Giang đã diễn ra như thế nào nhưng toàn bộ những từ ngữ thể hiện định kiến với chính quyền và lịch sử dân tộc là của các tác giả và tác phẩm mà Nhã Thuyên nghiên cứu hoặc chúng mô tả một vấn đề là đối tượng quan tâm của các tác giả và tác phẩm đó. Tôi đã cất công tìm xem cụm từ “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Chu Giang trích dẫn được Nhã Thuyên sử dụng trong trường hợp nào và tìm thấy nó trong một câu viết tại đó nó được nhắc tới như một vấn đề mà các nhà thơ phản kháng quan tâm. Trong khi các nhà thơ phản kháng bày tỏ thái độ chống đối chế độ thì Nhã Thuyên không chọn vị trí đó. Người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng tại sao Nhã Thuyên lại hứng thú với không gian văn học phản kháng nếu như cô ấy không muốn trấn áp hay tuyên truyền những luận điểm chống chính quyền. Tôi không biết rõ câu trả lời, và cũng không cần phải biết, nhưng nếu thử suy đoán, ta có thể thấy những lý do rất con người. Sự cấm kỵ một số đề tài nghiên cứu trong nhà trường có thể đã khơi gợi trí tò mò của nhà nghiên cứu. Cũng có thể cô ấy giàu lòng trắc ẩn với các thân phận bên lề. Hoặc thơ ca phản kháng có những giá trị văn chương thực sự cuốn hút.
3. Vấn đề nghiên cứu của Những tiếng nói ngầm: Mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị
Tôi đã dành nhiều công sức để đọc các tiểu luận của Nhã Thuyên và thấy rằng nhà phê bình này xác định công việc của mình là đi tìm giá trị văn chương của những tiếng nói chống đối chứ không phải là phán xét thái độ chính trị của những tiếng nói ấy. Dòng văn học ngầm thường hấp dẫn người đọc bởi thái độ chính trị của nó, và Nhã Thuyên muốn hướng sự quan tâm của mình và bạn đọc sang một vấn đề khác: tính văn học nghệ thuật của những sáng tác có đặc trưng chính trị đó. Có thể nói văn học nghệ thuật không tách khỏi chính trị, nhưng chúng cũng không trùng khớp hoàn toàn nên tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị là một lao động trí tuệ có ý nghĩa. Với tôi, cách đặt vấn đề của nhà phê bình không hề gượng ép, nó hợp với những băn khoăn của tôi. Tôi không sẵn một tâm thế ngợi ca dòng văn học phản kháng. Tôi đã gặp những tác phẩm mà nếu không phải là bàn chuyện chính trị thì chẳng đáng chú ý vì chúng không có gì thú vị về ý tưởng hay ngôn từ. Ở một chiều khác, tôi nghĩ rằng không tìm hiểu giá trị văn chương của dòng văn học này thì không công bằng, với bản thân mình và nhất là với văn chương.
Chu Giang có thể không thừa nhận những giá trị văn chương của các tác phẩm và tác giả như Nhã Thuyên nêu ra, nhưng Nhã Thuyên không hề ca ngợi lập trường chống chế độ và phỉ báng lịch sử. Nhã Thuyên chỉ nhận định rằng trong lịch sử văn học Việt Nam thì dòng văn học phản kháng mà cô nghiên cứu đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa nhà thơ và thể chế, trình diễn những quan niệm mới về thi ca, và để lại một vài bài thơ làm cô xúc động. Nhã Thuyên xúc động trước Nguyễn Quốc Chánh chắc chắn không phải là vì cô có chung quan điểm chống chế độ và phỉ báng lịch sử mà vì ông là một con người có những nỗi đau, những tìm tòi và những câu thơ đẹp. Cô viết: “Đến giờ, tôi vẫn xúc động khi lần giở những trang sách cũ, lần giở những trang mạng để đọc ông, không phải một biểu tượng của chịu đựng và phản kháng, mà như một thi sĩ, kẻ luôn tìm cách vượt qua những giới hạn của cá nhân mình để tra vấn những tiềm năng thơ ca mới, những không gian mới cho thơ.” Chu Giang phê phán tư tưởng của Nguyễn Quốc Chánh, tuy nhiên điều này lại không hề liên quan tới Nhã Thuyên bởi cô không quan tâm tới việc phán xét thái độ chính trị của các tác giả đúng hay là sai, lợi hay hại cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nhã Thuyên không thể trả lời câu hỏi nghiên cứu của Chu Giang vì đây không phải là công trình cộng tác giữa Nhã Thuyên và Chu Giang. Chu Giang sẽ cần tự viết riêng một tập tiểu luận khác để phát triển cách nhìn của mình. Những tiếng nói ngầm là sự xử lý hai câu hỏi nghiên cứu chính:
Mối quan hệ giữa nhà thơ về thể chế được gợi ra như thế nào từ những tiếng nói ngầm?
Đâu là những đóng góp mang tính thi ca của những tiếng nói ngầm?
Theo tôi đó là những câu hỏi nghiên cứu có chất lượng – nghĩa là chúng đáng để hỏi và có thể trả lời.
Khi một nhà phê bình tìm kiếm giá trị văn chương của dòng văn học ngầm thì chưa chắc ấy đã là một sự thiên vị bởi càng khát khao nhìn thấy cái hay cái đẹp thì người ta lại càng phải chất vấn những gì mình gặp. Nhã Thuyên chất vấn những tiếng nói ngầm một cách quyết liệt, nhưng không phải là chất vấn về tính đúng sai của quan điểm chính trị. Như tôi đã trình bày ở trên, đó không phải là câu hỏi nghiên cứu Nhã Thuyên đặt ra. Cô chất vấn tính thi ca và diễn đạt những chất vấn của mình với một thứ ngôn ngữ tôn trọng mọi người. Những người chờ đợi một thứ ngôn ngữ nhạo báng dòng văn học chống đối có thể thất vọng, nhưng những người có một số khúc mắc về giá trị văn chương của dòng văn học này có thể tìm thấy những sẻ chia. Nhã Thuyên không chỉ trình bày về các đóng góp của những tiếng nói ngầm mà còn chỉ ra những nguy cơ mà thơ ca phản kháng chế độ có thể rơi vào. Từ những phần viết của Nhã Thuyên tôi nhìn thấy ba nguy cơ chính. Một là phản kháng chế độ có thể bị biến thành một yếu tố câu khách. Nó thỏa mãn sự hiếu kỳ của người đời hoặc có thể tận dụng cho các mưu đồ chính trị. Hai là thơ ca phản kháng có thể không có giá trị thơ ca mà chỉ giống như việc người ta chống đối hoặc ủng hộ chế bộ bằng các hành vi khác. Ba là thơ ca phản kháng có khi cũng chỉ là sản phẩm nô lệ mà thôi. Cô viết: “Có điều, tự do là bất khả nếu chúng ta chỉ là sản phẩm nô lệ, dù ngợi ca hay chống đối…” Ở tiểu luận “Thơ ca của sự phủ định và sự phủ định thơ ca”, Nhã Thuyên gợi ra rằng tính chính trị của thơ ca không thể chỉ hiểu đơn giản là sự quan tâm tới việc chống đối hoặc ủng hộ chế độ. Thơ phản kháng cũng chẳng khác vì những văn bản tuyên truyền mà chính nó ghét bỏ nếu như nó không đạt tới tính chính trị của thơ ca- sự khơi dậy những điều mới mẻ.
Tóm lại, với cách đọc hiểu của tôi, tác phẩm Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên về cơ bản là một nghiên cứu mang tính chất vấn chứ không phải là một trình hiện những luận điểm ca tụng. Nếu có cái gì đó khiến người ta có thể nhầm lẫn với sự tán dương thì ấy là sự trân trọng tác giả dành cho đối tượng nghiên cứu, sự tìm tòi và nâng niu những giá trị nhân văn.
4. Lời kết
Tác phẩm phê bình của Nhã Thuyên “có vấn đề” có lẽ chủ yếu là vì nó tìm hiểu một chủ đề bị cho là cấm kỵ. Cô nghiên cứu một mảng thơ ca viết bởi những người chống lại các định chế xã hội, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cô ra sức ủng hộ sự chống chế độ và giải thiêng lịch sử. Lẽ dĩ nhiên người ta có thể lý luận rằng những xúc động của Nhã Thuyên trước dòng văn học ngầm có thể xui khiến người đọc có cảm tình với dòng văn học này và từ đó họ có thể bị tiêm nhiễm những quan điểm, ngôn ngữ độc hại nào đó. Cứ cho là có khả năng như vậy đi thì tôi nghĩ rằng khả năng đó là quá nhỏ. Văn chương của Nhã Thuyên không phải là thứ dễ đọc. Người đọc của cô là những người có học và tự chủ về lập trường chính trị.
Chu Giang và Nhã Thuyên là những người phê bình ở những thế hệ cách nhau khá xa. Trong đời sống chính trị của cả nước, có những chủ đề cấm kỵ thời xưa nay đã được đem ra thảo luận công khai trước Quốc hội, ví dụ như luật hôn nhân đồng tính và đề xuất đổi tên đất nước. Có cần coi dòng văn học phản kháng là một đề tài cấm kỵ nữa không? Về bản chất, dòng văn học này khác với các vấn đề xã hội nêu trên ở chỗ nó công khai chống lại chính quyền hiện thời. Tôi không cho rằng các diễn đàn chính thống của nhà nước cần ủng hộ dòng văn học này bằng cách xuất bản những tác phẩm của nó hay đem vào nội dung giảng dạy của nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng cần phải cản trở và loại trừ những nỗ lực tìm hiểu dòng văn học phản kháng hay quy định sẵn rằng bất cứ nghiên cứu nào về dòng văn học này cũng phải nói xấu nó. Chúng ta có thể cần quan tâm tới thái độ chính trị của một người để xét duyệt một vị trí trong nhà trường chính thống, thì ngay cả khi ấy thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện ở Những tiếng nói ngầm là một thái độ mang tính xây dựng nên được hệ thống trân trọng. Việc cô có một vị trí ở Khoa Văn trường Đại học Sư phạm đem lại môt hình ảnh tốt đẹp về một chính quyền tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận. Đấy chẳng phải là một thành tựu hay sao?
© 2013 Diên Vỹ & pro&contra

Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín













NHÂN

Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là quan trọng hơn cả, nó đã là bao quát, là đạo làm người. Dù thời xưa hay thời nay chữ nhân đó vẫn thể hiện trong cách sống của mỗi con người. Cách đối nhân xử thế, tấm lòng của con người giữa đời thường, cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội.

Chữ nhân trong mỗi người không chỉ là một tấm lòng, tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà còn biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội hiện tại, với sự ràng buộc giữa người với người, bằng những mối liên quan gắn kết.






NGHĨA

Muốn thực hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn”. Những việc gì ta chẳng muốn ai làm cho ta chịu đau khổ thảm sầu thì ta không nên đem các điều ấy mà làm cho người khác, mới là trọn nghĩa.

Chữ nghĩa bao hàm rất lớn thay. Như là nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục đồng-bào, nghĩa bằng hữu chi giao, ấy là ngũ-luân chi đạo. Mọi sự đều phải có nghĩa, thì mới đủ tư-cách làm người cao trọng.

Chữ nhân và chữ nghĩa thường đi đôi với nhau, cho nên trong Kinh Sám Hối có 4 câu dạy rằng:

Làm người nhân-nghĩa xử xong,
Rủi cho gặp lúc long-đong chẳng sờn.
Làm người nhân-nghĩa giữ tròn,
Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.

Nghĩa ở đây thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người với người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. Sống ở đời cần có một trách nhiệm với đời, cũng chính vì vậy mà cần có nghĩa, sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, với anh em bằng hữu cũng là nghĩa. Biết trả ơn khi mình đã nhận được những điều may mắn trong cuộc sống – đó cũng là nghĩa. Tại sao có nhiều người luôn biết quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội, làm từ thiện tri ân với đời… cũng vì họ sống có nghĩa với đời, với cuộc sống hiện tại, họ biết cho khi đã nhận.

Nghĩa cũng là sống cho mọi người chứ không chỉ sống cho riêng cá nhân mình.

LỄ




Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người trong cuộc sống đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời.

Con người có thể sống cao thượng, phẩm giá được tôn quí là do nơi biết giữ lễ, còn bị tội lỗi làm mất tư-cách con người, thiên-hạ chê bai khinh bỉ nhục-nhã, là do nơi thất lễ.

Nếu đánh giá một con người, một gia đình mà chỉ xét qua cách hành lễ nghi thôi không xét về nghĩa thì quả là thiếu sót. Bởi có nhiều người trong xã hội hàng ngày hành sự có thừa lễ nghi nhưng nghĩa thì lại thiếu.

TRÍ




Nếu muốn làm được việc nghĩa thì phải có trí, phải có một sự hiểu biết nhất định ở xã hội. Có nhân, có nghĩa mà không có trí thì chẳng khác nào một người lính ra trận chỉ có áo giáp mà không có gươm, đao, chỉ bảo vệ được mình mà không bảo vê được người khác. Sống ở đời nếu chỉ sống cho riêng ta thì đơn giản quá, mà muốn giúp đỡ được người khác tất mình phải có tài, có hiểu biết.

Trí là một sự hiểu biết, người không trí, không hiểu biết thì quả là một thiệt thòi lớn, có thể nói người không trí không làm được gì cả. Nếu như ngày xưa đánh giá chữ trí của một con người qua sự hiểu biết về đạo quân tử, triết lý Khổng giáo, Lão giáo hay Phật giáo thì ngày nay ngoài sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa xã hội, triết học thì cần có một sự hiểu biết về khoa học tự nhiên, bước sang thế kỷ XXI, với cuộc sống hiện đại, thông tin chóng mặt thì điều đó là cần thiết. Hiểu biết nhiều có thể làm được nhiều việc có ích với đời nếu người đó có nhân, có nghĩa trong tâm.

TÍN

Chữ tín là bằng hữu của uy tín, thủy chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dù hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời, mới gọi là người biết giữ uy tín.

Chữ tín trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, dù thời xưa hay thời nay thì sống ở đời mọi người cũng cần có một uy tín nhất định trong quan hệ với mọi người xung quanh. Thời xưa cái uy tín với bạn bè luôn được đánh giá cao, uy tín đó sẽ gây dựng được lòng tin, mọi người tin tưởng sẽ dễ dàng được mọi người giúp đỡ trong cuộc sống. Nói thì phải làm, sống trung thực với mọi người, với bản thân.





Ngày nay cũng vậy cho dù anh có tài nhưng không có được uy tín thì cũng chẳng ai theo, muốn được người khác giúp đỡ thì bản thân mình phải giữ được lòng tin trước mọi người, chưa nói đến trong quan hệ làm ăn ở xã hội, chữ tín cái uy tín trong công việc luôn đặt lên hàng đầu, quyết định đến sự thành công.

Nói chung, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín luôn có sự gắn kết với nhau, làm con người mà thiếu đi một cũng không được. Như bài thơ sau:

Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.
Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc.
Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.
Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc. Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Địa Đàng Đã Mất



Giáp Văn



Ta đưa em đi tìm địa đàng đã mất
Tìm lại ngày xưa hoa lá cỏ cây
Nhưng chỉ thấy:
Dòng suối khô trên khuôn mặt em gầy
Và cây táo giữa vườn không ra quả.

Ta về:

-Đưa em lên đỉnh núi cao
Mây trôi gió cuộn
Thăm thẳm vực sâu
Nụ hôn rơi không chạm đáy.

-Đưa em vào chùa
Tụng kinh gõ mõ
Tiếng khóc hờ văng vẳng mái tam quan.

-Đưa em về quê
Đào ao thả cá
Cuốc đất trồng rau
Một bầy con lít nhít.

Ta đưa em đi suốt một đêm thâu
Qua bầu trời sao bồng bềnh cổ tích
Em ngồi tựa canh ba
Ta nằm ta hát:
Ừ...ơi...
"Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi".

___