Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

HÃY CHÁY BÙNG LÊN, NGỌN LỬA






“ Linh hồn ta ơi, đừng ngóng tận trường sinh miên viễn, hãy kiệt tận miên bạc cứu tận hạn độ khả năng”. Albert Camus



Từ ngày ba mẹ bán nhà vào Nam theo các anh chị, tôi còn lại một mình.

Khu vườn là chỗ trở về. . là chốn nương thân của tôi sau những giờ mệt mỏi trên lớp, cái lớp nổi tiếng hoang nghịch của một trường nhà quê, chỉ im lặng trong giờ tôi dạy ; một nơi cây cối um tùm, là khô rụng đầy trên những lối đi trong vườn, có ngày được quét sạch, có ngày không. Một khoảng không gian rộng đầy tiếng chim cùng tiếng lá khô xào xạc dưới mỗi bước chân là chỗ tôi muốn tìm về sau một tuần dạy học ( một tuần phờ phạc bởi mỗi ngày dậy lúc 5 giờ 30 sáng nấu cơm mang theo, đạp xe 8km, đêm dạy Bổ túc văn hóa đến 11 giờ. những phiên họp kéo lê ở trường, những tiết văn lớp 6 lớp 7, cái lớp chủ nhiệm tôi không thích hợp mặc dù tôi yêu chúng ). Tay trong tay chúng tôi bước trên lối mòn dưới những tàn cây, cây cao bóng cả trong vườn chàng thì nhiều. Nhỡn, đào, mận, sapotier là những cây cao. Trứng gà, bưởi, chanh, thanh trà thấp hơn cho bóng râm và mùi hương, dù cao hay thấp …ở đó trời đất giao hòa, tình yêu của chàng và thiên nhiên vây quanh trong một khung cảnh vắng vẻ thanh bình. Tôi yêu khu vườn anh ấy, cây cối um tùm, cỏ mọc xanh rì sau những ngày mưa.

Thế nhưng… Người đàn ông đã cưới lộn vợ là tôi, nói như vậy cũng được, nói ngược lại cũng không sao. Vợ thời bao cấp là một nội tướng đa khoa, không làm bếp trưởng mà chỉ cần giỏi tài chế biến: nấu hột mì ( là hạt bobo nhập từ Ấn ) sao cho chín, để độn vào cơm hoặc sang hơn, độn với đậu huyết. Làm bánh mì , hoặc biết đỗ bánh tráng cho chồng con ăn sáng, miễn no bụng. Nấu bánh canh không cần tôm, chi cần có mì chính( vị tinh ). Là gia sư kiêm luôn hầu phòng, là người đi chực cửa hàng lúc 4 giờ sáng để mua 13 kilô kể cả gạo, bột mì và bo bo…độn. Thậm chí có cả khoai, sắn…Là người đạp xe mối ngày từ 5 – 10km - không phải là thanh niên xung phong - chỉ đến trường để dạy. Cái quan trọng khi ấy là bao tử, sau đó mới có các thứ khác. Vậy mà tôi đã để dành chút thì giờ sau khi sanh con nhỏ để viết. Nhu cầu viết hay khát vọng bên trong mạnh hơn cái chết. Không đủ sức để tìm hiểu, khi mà cuộc sống vất vả, những giáo án, những buổi họp kéo lê ở trường không cần thiết…( để quản lí cho đủ một ngày 8 tiếng, người ta còn biết làm gì, ngoài việc ngồi họp đây )!?Những bữa ăn thanh đạm, tất cả không giết chết được nhu cầu bức thiết trong tôi khi ấy. Là viết…viết. Tôi viết khi đợi đò ở bến chợ Dinh, khi đi dạy bổ túc văn hóa về trên đường khuya( thực chất là đi xem học trò dạy )! Ở thôn Lại Thế, có vài lần ở thôn Chiết Bi về, tôi mệt lử. Vậy chỉ còn cách viết trong trí giữa đường đêm, trên con đò nhỏ giữa khuya..

Với một vườn trồng cây ăn quả, cái quan trọng là có một phụ nữ sẵn sàng đi chợ bán đồ vườn, biết trèo cây, hái trái , trồng rau. Một phụ nữ quần vo quá gối suốt ngày, nuôi một chục con vừa gà vừa vịt, hết đi chợ lại tất tả ra vườn, đốn cây chuối vào xắt cho heo, nấu cám heo khi chiều xuống, dậy lúc 5 giờ nấu cơm sáng cho cả nhà rồi cho heo, gà vịt ăn. Là học sinh trường tiểu học cộng đồng anh ta biết chẻ sợi lạt, đan giỏ, biết đào ao thả cá, biết cuốc đất trồng rau, đi bứt tót ngoải ruộng về ủ phân heo. Dạy học đã mệt quá rồi, tôi ốm nhom, nghỉ giờ nào tôi tranh thủ soạn bài giờ đó, không còn thì giờ để ngủ. Chồng tôi dạy ở một trường huyện đi về phía núi, tôi ở một trường đi về phía biển. Có bữa hai chúng tôi cùng gặp nhau trước cửa nhà lúc 11 giờ khuya, Một vài phiên họp để bình bầu kiểm điểm ở một trường điểm của huyện kéo dài đến 12 giờ khuya …hay 1 giờ sáng chỉ là chuyện thường tình mà thôi. Định mệnh dun dẩy chúng tôi yêu nhau và lấy nhau,có điều tôi không bao giờ làm lễ kỉ niệm ngày cưới bởi tôi ghét cái ngày ấy. Tiệc cưới chúng tôi được hiệu trường trường điểm tổ chức tại trường, tôi còn nhớ khung cảnh lúc đó. Tôi mặc chiếc áo lụa màu vàng chị dâu ở Sài gòn gởi ra cho, một người bạn gái học cùng lớp đang mang thai đứa con đầu lòng( từ nhà nó đạp xe 9 km mới đến trường), vừa cười vừa nói: “ Tụi tao ở lại làm bánh cưới mừng mi và anh đây”. Bánh cưới là các món bánh Huế: su sê, ít đen, …Kể cũng khá cảm động, giáo viên thời bao cấp phần đông đi xe đạp về trường, mỗi ngày đi vài chục cây số, lương vài chục đồng, bây giờ mỗi người đóng ít nhất 5 đồng hay mười đồng, mừng đám cưới chúng tôi! Văn phòng trường rất rộng, trang hoàng nhiều màu sắc như một sân khấu. Chúng tôi cùng hát chung một bài hát ngắn. Mấy chục năm sau không có cái đám cưới thứ hai như vậy nữa, tôi nghe anh ta nói vậy. Lễ thành hôn tổ chức trên Huế, cô tôi đi từ Hội An ra bằng xe lửa, bước thấp bước cao vào căn phòng tôi ở, là căn phòng nhỏ ở mái tây, tay xách bịch bánh cô tôi làm nhìn rất đẹp mắt. Các thứ bánh Huế như bánh sơn tán làm bằng đậu ngự, bánh hột sen được gói trong giấy gương đủ màu đều ngon. Mẹ từ Saigon ra. Anh em không có ai. Cha sức yếu không thể ngồi tàu lửa hai ngày một đêm như mẹ. Mẹ thức tôi dậy lúc 4 giờ 30 sáng để còn kịp ăn sáng và trang điểm..Lễ rước dâu 7 giờ. Tiệc đưa dâu và tiệc dọn bạn kéo dài đền khuya. Hôm đó trời nắng rồi mưa… Mệt phờ tôi tưởng mình có thể nằm lăn ra giường ngủ một giấc. Té ra suốt đêm tôi không ngủ. Vừa mới chìm vào giấc ngủ say khi gần sáng, chị chồng tôi mở cửa phòng kêu chồng tôi dậy đi đổi tiền, số tiền sau khi đổi tôi không biết còn bao nhiêu, chừng như khoảng vài trăm đồng bạc bắc.

Ba ngày sau, hết phép chúng tôi lao vào việc tổng kết học kì. Ban ngày anh ta ngồi dưới tán cây khế để làm hồ sơ, cọng điểm, đánh giá học sinh. Tôi ngồi trong nhà, nắng hắt lên mái tôn hầm hập.

Ba tháng sau, nghỉ hè, xin được giấy phép vào thăm nhà ở Sài gòn( thời bao cấp việc đi lại trong nước của người dân không được tự do như bây giờ), chúng tôi mới thật sự sống cuộc sống tiền hôn nhân và có những chuyến đi chơi riêng cũng như chung với cô em gái trong nhà ”.

Sau này trong số những miền đất tôi đã đi qua, cái nơi tôi nhớ nhiều nhất là Nha Trang. Kỉ niệm thì nhiều, không sao nhớ hết, chỉ ở những miền biển, chỗ có những cây phi lao rì rào điệu đàn bất hủ là chỗ khó quên. Năm ấy tôi đi Nha Trang cùng một số bạn. Mà ở nơi này bà cô tôi đã mất, tôi muốn về để thăm lại mộ bà. Quang vừa cười vừa hỏi lúc đón tôi ở sân ga: “ Chị về thăm Nhà của Biển sao”? Tôi ừ. Một giàn hoa tim tím leo từ trước ra sau. Nhà nghỉ có phòng khách rộng mở cửa ra hai phía, một hướng đông, phía biển, một hướng tây, chiều tà. Vào lúc mặt trời lên sớm ngoài biển xanh , Quang đi ngang qua phòng kêu tôi dậy đi dạo, lúc đó tôi còn nằm trong giường lười biếng( tôi đã làm việc đến 12g đêm rồi còn gì ). Tôi thích ra biển ngắm những đoàn thuyền đánh cá trở về: cả một bức tranh sống động khi đứng xem ngư dân kéo lưới lúc chiều hôm. Những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn trên những cánh tay màu đồng hun. Những khuôn mặt vui vẻ hoặc khẩn trương. Cá, mực đều tươi xanh. Ở họ có cái gì đó nằm trên sức chịu đựng, có cái gì quả cảm và …rất người. Lúc ấy biển còn hoang sơ lắm, chưa có những resort hiện đại như bây giờ. Biển đẹp biết mấy lúc bình minh và mênh mang vô tận lúc chiều tà. Buổi sáng đi dạo một vòng quanh những con đường nhỏ tráng nhựa ở ngôi làng ven biển, hít sâu vào lồng ngực mùi vị của biển cả, chúng tôi, gồm có hai người bạn nữa thích thú ngắm những cây hoa vàng người ta trồng trong vườn nhà nở hoa. Giống hoa vàng tương tự như Mimosa ở Đà Lạt giống một loại hoa trước đây được trồng trong công viên trước trường Đồng Khánh. Tôi yêu màu vàng của tất cả các loài hoa, chúng trông vui mắt, chúng làm cho tâm hồn thư thái.

Buổi tối tôi trèo lên những bậc thang dẫn đến hành lang rộng nhìn xuống biển, biển đêm có vẻ đẹp riêng. Biển bao la ban ngày, thăm thẳm một màu về đêm. Đứng một lát, nghe âm thanh tiếng dương cầm văng lên bài Sérénate tôi xuống lầu. Hạnh đang trong phòng khách Nhà của Biển, có Minh cùng ngồi, nghe Hạnh đàn. Tôi vốn nhạy miệng, hỏi ngay: “ Minh, sao ông không đàn”? “ Không, tôi đang viết kịch bản, tôi đàn là đắm mình vào đó”. Hạnh ngẩng lên: “ Em chỉ mới tập sự, ông này mới là thầy”. Tuy vậy, Minh không đàn mà bỏ về phòng.



Biển đẹp nhất vào lúc bình minh. Có một lần ngắm cảnh bình minh lên trên cửa Tư Hiền, đoạn ấy tôi viết trong cuốn Bình Minh. Những lúc tâm hồn mệt mỏi tôi thường tìm về với cuốn sách ấy. Một lần, một độc giả trắng trợn gọi điện hỏi tôi:“ Em cho Lá Rừng chết, vì hắn nghèo, còn Vĩnh Tâm giàu thì sống à”? Anh là ai. Là Lá Rừng. Hắn cười hà hà trong máy. Là Lá Rừng, hai mươi sáu tuổi. Tôi đã nhận nhiều cuộc điện đàm nói về cuốn sách. Nó là cuốn sách của tôi, vậy đủ rồi.

Những gì tôi muốn trình bày không đơn thuần chỉ là một chuyện tình. Con người phải làm gì để vượt lên số phận đây. Lòng đam mê quyền lực(có khi lòng đam mê này mạnh hơn bản thân ) là nguyên nhân gây ra bao mất mát điêu linh. Trong một buổi gặp gỡ tại chùa, mười năm sau khi in cuốn sách ấy, anh bạn học cùng lớp ngày xưa hỏi tôi:“ Cô muốn nói cái gì trong cuốn sách ấy thế , bây giờ tôi mới đọc lại ”? Tôi nói cho Hát biết điều đó. Để vượt qua bao nghiệt ngã phi lí, không phải chỉ con đường duy nhất là hướng về nội tâm và tu Thiền. Ít ra , dưới sự đòi hỏi khe khắt của thời đại bây giờ, con người còn phải mạnh nữa.



Sau này có nhiều ngày tôi ngồi viết dưới những tàn cây.

“ Hãy thôi đi ngọn lửa, hãy dập tắt tro tàn, tưới nước lên cho nguội, những gì đã hừng hực cháy từ thuở thanh xuân ”. Tôi nhiều lần tự nhủ tôi như thế. Tưởng chừng đã ném khỏi tôi chiếc áo dài tơ lụa, những son phấn đắt tiền, những chiếc robesac thời thiếu nữ… Nhưng vào những lúc gian nan chật vật nhất, ngọn lửa tưởng chừng đã tắt vụt cháy bùng lên.

Bao giờ vấn đề ấy cũng ám ảnh tâm trí. Chiến tranh và thiên tai. Kant nói chiến tranh giúp lịch sử tiến bộ. Chiến tranh còn hơn cả thiên tai, ở đây con người tàn hoại lẫn nhau. Giữa các phạm trù đối nghịch , bình ổn và điêu linh, sống còn và chết chóc, chiến tranh và thiên tai, nghiệt ngã và phi lí chúng hỗ trợ lẫn nhau, chúng nằm trong nhau gây ra bao nhiêu mất mát đau khổ.

Thèm một chỗ trở về cho trái tim. Được lười lĩnh nằm dài trên cỏ, nghe gió rúc rích trong lá, nghe trời bằn bặt mây mù, nghe sương rả rích trên cỏ, và trăng lai láng khắp vườn. Được nằm lười biếng một ngày không suy nghĩ. Cuộc đời vẫn đẹp sao! Tên một bài hát tôi hay hát khi còn ở Đông Hà năm 1977. Thế nhưng cánh cửa khó mở nhất là cảm thông.

Sau cùng, tôi nhảy thẳng vào ngọn lửa và sáng tạo nghệ thuật giúp con người phục sinh.







“ Buổi sáng như dàn trải rộng thêm, như chở theo cả mây nõn và gió bên ngoài vào căn phòng vắng vẻ u tịch này”. Có ngờ đâu những gì mình viết ra từ năm 76 nay trở thành sự thật.

Vĩnh Tâm không phải là hình ảnh sống đẹp, ông ta rực sáng chỉ vì những gì ông ta làm. Những nhân vật của tôi làm khổ tôi. Tôi sống đời ông( cô )ta, thở hơi của( cô )ông ta. Nửa đêm tôi giật mình thức dậy vì ông ( cô ta ) tìm đến. Ban ngày đạp xe đi nhân vật đuổi theo.

Thời đại bây giờ danh vọng và tiền bạc tác động mạnh tới nhà văn - đến nỗi chuyện, Viết cái gì? bỗng trở nên lỗi thời. Ngay cả việc Viết như thế nào? Chỗ đứng của nó khá mong manh. Cái đêm khao khát đi tìm một chút gió ngoài biển khơi khiến tôi thấy mình gần gũi với Hạnh hơn. Henry Miller nói, viết là trở về ngồi khóc bên nấm mộ thanh xuân. Tôi không muốn trở về ngồi khóc. Đứng dậy sau bao nhiêu phi lí nghiệt ngã đổ xuống đầu, tôi còn con đường mình đã chọn. Là trở về với chính mình, tiếp tục cuộc lên đường ; tiếp tục – cho dù gió bên ngoài và khát vọng bên trong không phải lúc nào cũng hòa hợp cùng nhau!

Phạm ngọc Túy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét