Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

HÃY CHÁY BÙNG LÊN, NGỌN LỬA






“ Linh hồn ta ơi, đừng ngóng tận trường sinh miên viễn, hãy kiệt tận miên bạc cứu tận hạn độ khả năng”. Albert Camus



Từ ngày ba mẹ bán nhà vào Nam theo các anh chị, tôi còn lại một mình.

Khu vườn là chỗ trở về. . là chốn nương thân của tôi sau những giờ mệt mỏi trên lớp, cái lớp nổi tiếng hoang nghịch của một trường nhà quê, chỉ im lặng trong giờ tôi dạy ; một nơi cây cối um tùm, là khô rụng đầy trên những lối đi trong vườn, có ngày được quét sạch, có ngày không. Một khoảng không gian rộng đầy tiếng chim cùng tiếng lá khô xào xạc dưới mỗi bước chân là chỗ tôi muốn tìm về sau một tuần dạy học ( một tuần phờ phạc bởi mỗi ngày dậy lúc 5 giờ 30 sáng nấu cơm mang theo, đạp xe 8km, đêm dạy Bổ túc văn hóa đến 11 giờ. những phiên họp kéo lê ở trường, những tiết văn lớp 6 lớp 7, cái lớp chủ nhiệm tôi không thích hợp mặc dù tôi yêu chúng ). Tay trong tay chúng tôi bước trên lối mòn dưới những tàn cây, cây cao bóng cả trong vườn chàng thì nhiều. Nhỡn, đào, mận, sapotier là những cây cao. Trứng gà, bưởi, chanh, thanh trà thấp hơn cho bóng râm và mùi hương, dù cao hay thấp …ở đó trời đất giao hòa, tình yêu của chàng và thiên nhiên vây quanh trong một khung cảnh vắng vẻ thanh bình. Tôi yêu khu vườn anh ấy, cây cối um tùm, cỏ mọc xanh rì sau những ngày mưa.

Thế nhưng… Người đàn ông đã cưới lộn vợ là tôi, nói như vậy cũng được, nói ngược lại cũng không sao. Vợ thời bao cấp là một nội tướng đa khoa, không làm bếp trưởng mà chỉ cần giỏi tài chế biến: nấu hột mì ( là hạt bobo nhập từ Ấn ) sao cho chín, để độn vào cơm hoặc sang hơn, độn với đậu huyết. Làm bánh mì , hoặc biết đỗ bánh tráng cho chồng con ăn sáng, miễn no bụng. Nấu bánh canh không cần tôm, chi cần có mì chính( vị tinh ). Là gia sư kiêm luôn hầu phòng, là người đi chực cửa hàng lúc 4 giờ sáng để mua 13 kilô kể cả gạo, bột mì và bo bo…độn. Thậm chí có cả khoai, sắn…Là người đạp xe mối ngày từ 5 – 10km - không phải là thanh niên xung phong - chỉ đến trường để dạy. Cái quan trọng khi ấy là bao tử, sau đó mới có các thứ khác. Vậy mà tôi đã để dành chút thì giờ sau khi sanh con nhỏ để viết. Nhu cầu viết hay khát vọng bên trong mạnh hơn cái chết. Không đủ sức để tìm hiểu, khi mà cuộc sống vất vả, những giáo án, những buổi họp kéo lê ở trường không cần thiết…( để quản lí cho đủ một ngày 8 tiếng, người ta còn biết làm gì, ngoài việc ngồi họp đây )!?Những bữa ăn thanh đạm, tất cả không giết chết được nhu cầu bức thiết trong tôi khi ấy. Là viết…viết. Tôi viết khi đợi đò ở bến chợ Dinh, khi đi dạy bổ túc văn hóa về trên đường khuya( thực chất là đi xem học trò dạy )! Ở thôn Lại Thế, có vài lần ở thôn Chiết Bi về, tôi mệt lử. Vậy chỉ còn cách viết trong trí giữa đường đêm, trên con đò nhỏ giữa khuya..

Với một vườn trồng cây ăn quả, cái quan trọng là có một phụ nữ sẵn sàng đi chợ bán đồ vườn, biết trèo cây, hái trái , trồng rau. Một phụ nữ quần vo quá gối suốt ngày, nuôi một chục con vừa gà vừa vịt, hết đi chợ lại tất tả ra vườn, đốn cây chuối vào xắt cho heo, nấu cám heo khi chiều xuống, dậy lúc 5 giờ nấu cơm sáng cho cả nhà rồi cho heo, gà vịt ăn. Là học sinh trường tiểu học cộng đồng anh ta biết chẻ sợi lạt, đan giỏ, biết đào ao thả cá, biết cuốc đất trồng rau, đi bứt tót ngoải ruộng về ủ phân heo. Dạy học đã mệt quá rồi, tôi ốm nhom, nghỉ giờ nào tôi tranh thủ soạn bài giờ đó, không còn thì giờ để ngủ. Chồng tôi dạy ở một trường huyện đi về phía núi, tôi ở một trường đi về phía biển. Có bữa hai chúng tôi cùng gặp nhau trước cửa nhà lúc 11 giờ khuya, Một vài phiên họp để bình bầu kiểm điểm ở một trường điểm của huyện kéo dài đến 12 giờ khuya …hay 1 giờ sáng chỉ là chuyện thường tình mà thôi. Định mệnh dun dẩy chúng tôi yêu nhau và lấy nhau,có điều tôi không bao giờ làm lễ kỉ niệm ngày cưới bởi tôi ghét cái ngày ấy. Tiệc cưới chúng tôi được hiệu trường trường điểm tổ chức tại trường, tôi còn nhớ khung cảnh lúc đó. Tôi mặc chiếc áo lụa màu vàng chị dâu ở Sài gòn gởi ra cho, một người bạn gái học cùng lớp đang mang thai đứa con đầu lòng( từ nhà nó đạp xe 9 km mới đến trường), vừa cười vừa nói: “ Tụi tao ở lại làm bánh cưới mừng mi và anh đây”. Bánh cưới là các món bánh Huế: su sê, ít đen, …Kể cũng khá cảm động, giáo viên thời bao cấp phần đông đi xe đạp về trường, mỗi ngày đi vài chục cây số, lương vài chục đồng, bây giờ mỗi người đóng ít nhất 5 đồng hay mười đồng, mừng đám cưới chúng tôi! Văn phòng trường rất rộng, trang hoàng nhiều màu sắc như một sân khấu. Chúng tôi cùng hát chung một bài hát ngắn. Mấy chục năm sau không có cái đám cưới thứ hai như vậy nữa, tôi nghe anh ta nói vậy. Lễ thành hôn tổ chức trên Huế, cô tôi đi từ Hội An ra bằng xe lửa, bước thấp bước cao vào căn phòng tôi ở, là căn phòng nhỏ ở mái tây, tay xách bịch bánh cô tôi làm nhìn rất đẹp mắt. Các thứ bánh Huế như bánh sơn tán làm bằng đậu ngự, bánh hột sen được gói trong giấy gương đủ màu đều ngon. Mẹ từ Saigon ra. Anh em không có ai. Cha sức yếu không thể ngồi tàu lửa hai ngày một đêm như mẹ. Mẹ thức tôi dậy lúc 4 giờ 30 sáng để còn kịp ăn sáng và trang điểm..Lễ rước dâu 7 giờ. Tiệc đưa dâu và tiệc dọn bạn kéo dài đền khuya. Hôm đó trời nắng rồi mưa… Mệt phờ tôi tưởng mình có thể nằm lăn ra giường ngủ một giấc. Té ra suốt đêm tôi không ngủ. Vừa mới chìm vào giấc ngủ say khi gần sáng, chị chồng tôi mở cửa phòng kêu chồng tôi dậy đi đổi tiền, số tiền sau khi đổi tôi không biết còn bao nhiêu, chừng như khoảng vài trăm đồng bạc bắc.

Ba ngày sau, hết phép chúng tôi lao vào việc tổng kết học kì. Ban ngày anh ta ngồi dưới tán cây khế để làm hồ sơ, cọng điểm, đánh giá học sinh. Tôi ngồi trong nhà, nắng hắt lên mái tôn hầm hập.

Ba tháng sau, nghỉ hè, xin được giấy phép vào thăm nhà ở Sài gòn( thời bao cấp việc đi lại trong nước của người dân không được tự do như bây giờ), chúng tôi mới thật sự sống cuộc sống tiền hôn nhân và có những chuyến đi chơi riêng cũng như chung với cô em gái trong nhà ”.

Sau này trong số những miền đất tôi đã đi qua, cái nơi tôi nhớ nhiều nhất là Nha Trang. Kỉ niệm thì nhiều, không sao nhớ hết, chỉ ở những miền biển, chỗ có những cây phi lao rì rào điệu đàn bất hủ là chỗ khó quên. Năm ấy tôi đi Nha Trang cùng một số bạn. Mà ở nơi này bà cô tôi đã mất, tôi muốn về để thăm lại mộ bà. Quang vừa cười vừa hỏi lúc đón tôi ở sân ga: “ Chị về thăm Nhà của Biển sao”? Tôi ừ. Một giàn hoa tim tím leo từ trước ra sau. Nhà nghỉ có phòng khách rộng mở cửa ra hai phía, một hướng đông, phía biển, một hướng tây, chiều tà. Vào lúc mặt trời lên sớm ngoài biển xanh , Quang đi ngang qua phòng kêu tôi dậy đi dạo, lúc đó tôi còn nằm trong giường lười biếng( tôi đã làm việc đến 12g đêm rồi còn gì ). Tôi thích ra biển ngắm những đoàn thuyền đánh cá trở về: cả một bức tranh sống động khi đứng xem ngư dân kéo lưới lúc chiều hôm. Những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn trên những cánh tay màu đồng hun. Những khuôn mặt vui vẻ hoặc khẩn trương. Cá, mực đều tươi xanh. Ở họ có cái gì đó nằm trên sức chịu đựng, có cái gì quả cảm và …rất người. Lúc ấy biển còn hoang sơ lắm, chưa có những resort hiện đại như bây giờ. Biển đẹp biết mấy lúc bình minh và mênh mang vô tận lúc chiều tà. Buổi sáng đi dạo một vòng quanh những con đường nhỏ tráng nhựa ở ngôi làng ven biển, hít sâu vào lồng ngực mùi vị của biển cả, chúng tôi, gồm có hai người bạn nữa thích thú ngắm những cây hoa vàng người ta trồng trong vườn nhà nở hoa. Giống hoa vàng tương tự như Mimosa ở Đà Lạt giống một loại hoa trước đây được trồng trong công viên trước trường Đồng Khánh. Tôi yêu màu vàng của tất cả các loài hoa, chúng trông vui mắt, chúng làm cho tâm hồn thư thái.

Buổi tối tôi trèo lên những bậc thang dẫn đến hành lang rộng nhìn xuống biển, biển đêm có vẻ đẹp riêng. Biển bao la ban ngày, thăm thẳm một màu về đêm. Đứng một lát, nghe âm thanh tiếng dương cầm văng lên bài Sérénate tôi xuống lầu. Hạnh đang trong phòng khách Nhà của Biển, có Minh cùng ngồi, nghe Hạnh đàn. Tôi vốn nhạy miệng, hỏi ngay: “ Minh, sao ông không đàn”? “ Không, tôi đang viết kịch bản, tôi đàn là đắm mình vào đó”. Hạnh ngẩng lên: “ Em chỉ mới tập sự, ông này mới là thầy”. Tuy vậy, Minh không đàn mà bỏ về phòng.



Biển đẹp nhất vào lúc bình minh. Có một lần ngắm cảnh bình minh lên trên cửa Tư Hiền, đoạn ấy tôi viết trong cuốn Bình Minh. Những lúc tâm hồn mệt mỏi tôi thường tìm về với cuốn sách ấy. Một lần, một độc giả trắng trợn gọi điện hỏi tôi:“ Em cho Lá Rừng chết, vì hắn nghèo, còn Vĩnh Tâm giàu thì sống à”? Anh là ai. Là Lá Rừng. Hắn cười hà hà trong máy. Là Lá Rừng, hai mươi sáu tuổi. Tôi đã nhận nhiều cuộc điện đàm nói về cuốn sách. Nó là cuốn sách của tôi, vậy đủ rồi.

Những gì tôi muốn trình bày không đơn thuần chỉ là một chuyện tình. Con người phải làm gì để vượt lên số phận đây. Lòng đam mê quyền lực(có khi lòng đam mê này mạnh hơn bản thân ) là nguyên nhân gây ra bao mất mát điêu linh. Trong một buổi gặp gỡ tại chùa, mười năm sau khi in cuốn sách ấy, anh bạn học cùng lớp ngày xưa hỏi tôi:“ Cô muốn nói cái gì trong cuốn sách ấy thế , bây giờ tôi mới đọc lại ”? Tôi nói cho Hát biết điều đó. Để vượt qua bao nghiệt ngã phi lí, không phải chỉ con đường duy nhất là hướng về nội tâm và tu Thiền. Ít ra , dưới sự đòi hỏi khe khắt của thời đại bây giờ, con người còn phải mạnh nữa.



Sau này có nhiều ngày tôi ngồi viết dưới những tàn cây.

“ Hãy thôi đi ngọn lửa, hãy dập tắt tro tàn, tưới nước lên cho nguội, những gì đã hừng hực cháy từ thuở thanh xuân ”. Tôi nhiều lần tự nhủ tôi như thế. Tưởng chừng đã ném khỏi tôi chiếc áo dài tơ lụa, những son phấn đắt tiền, những chiếc robesac thời thiếu nữ… Nhưng vào những lúc gian nan chật vật nhất, ngọn lửa tưởng chừng đã tắt vụt cháy bùng lên.

Bao giờ vấn đề ấy cũng ám ảnh tâm trí. Chiến tranh và thiên tai. Kant nói chiến tranh giúp lịch sử tiến bộ. Chiến tranh còn hơn cả thiên tai, ở đây con người tàn hoại lẫn nhau. Giữa các phạm trù đối nghịch , bình ổn và điêu linh, sống còn và chết chóc, chiến tranh và thiên tai, nghiệt ngã và phi lí chúng hỗ trợ lẫn nhau, chúng nằm trong nhau gây ra bao nhiêu mất mát đau khổ.

Thèm một chỗ trở về cho trái tim. Được lười lĩnh nằm dài trên cỏ, nghe gió rúc rích trong lá, nghe trời bằn bặt mây mù, nghe sương rả rích trên cỏ, và trăng lai láng khắp vườn. Được nằm lười biếng một ngày không suy nghĩ. Cuộc đời vẫn đẹp sao! Tên một bài hát tôi hay hát khi còn ở Đông Hà năm 1977. Thế nhưng cánh cửa khó mở nhất là cảm thông.

Sau cùng, tôi nhảy thẳng vào ngọn lửa và sáng tạo nghệ thuật giúp con người phục sinh.







“ Buổi sáng như dàn trải rộng thêm, như chở theo cả mây nõn và gió bên ngoài vào căn phòng vắng vẻ u tịch này”. Có ngờ đâu những gì mình viết ra từ năm 76 nay trở thành sự thật.

Vĩnh Tâm không phải là hình ảnh sống đẹp, ông ta rực sáng chỉ vì những gì ông ta làm. Những nhân vật của tôi làm khổ tôi. Tôi sống đời ông( cô )ta, thở hơi của( cô )ông ta. Nửa đêm tôi giật mình thức dậy vì ông ( cô ta ) tìm đến. Ban ngày đạp xe đi nhân vật đuổi theo.

Thời đại bây giờ danh vọng và tiền bạc tác động mạnh tới nhà văn - đến nỗi chuyện, Viết cái gì? bỗng trở nên lỗi thời. Ngay cả việc Viết như thế nào? Chỗ đứng của nó khá mong manh. Cái đêm khao khát đi tìm một chút gió ngoài biển khơi khiến tôi thấy mình gần gũi với Hạnh hơn. Henry Miller nói, viết là trở về ngồi khóc bên nấm mộ thanh xuân. Tôi không muốn trở về ngồi khóc. Đứng dậy sau bao nhiêu phi lí nghiệt ngã đổ xuống đầu, tôi còn con đường mình đã chọn. Là trở về với chính mình, tiếp tục cuộc lên đường ; tiếp tục – cho dù gió bên ngoài và khát vọng bên trong không phải lúc nào cũng hòa hợp cùng nhau!

Phạm ngọc Túy

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Buồn Không Tên - Tản Mạn Về Chữ Nghĩa Trong Thơ, Nhạc





Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh6.php

04-Jan-2019

Quyền lực mềm được sử dụng bởi những ngón tay phù thủy.
Khi nó đi truyền giáo thì không một tu sĩ nào tài ba hơn nó.

Chúng ta từng nghe những tình khúc không tên của Vũ Thành An, từng nói đến một nỗi buồn, mà vì chẳng biết nó bắt nguồn từ đâu; một thứ buồn man mác, nhè nhẹ, và dường như mơ hồ; nên các nhà văn, nhà thơ gọi nó là nỗi buồn không tên.

Vũ Thành An gọi các nhạc phẩm của mình là những bài không tên, là cách gọi sáo, chơi chữ, kỳ thực bài hát nào của ông cũng có thể đặt tên được cả. Chẳng hạn ông viết "Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo".

Không gọi tên cho các tác phẩm là một cách gọi tên. Không gọi tên các tác phẩm, biểu hiện một ham muốn có được tất cả mọi cái tên của nhân thế.

Trong văn nghệ VN, ta thấy nhan nhản những câu văn sáo, sáo đến cả mấy mươi năm vẫn có người tiếp tục sáo, chẳng hạn chùm chữ "ngón tay thiên thần" mà ngay cả nhạc sĩ trứ danh Trịnh Công Sơn cũng đã xài một lần trong bản Lời Buồn Thánh:

Chiều chúa nhật buồn

Nằm trong căn gác đìu hiu

Tôi xin em năm ngón tay thiên thần

Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi

Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn.



Tôi thú thực với các bạn tôi chả hiểu "ngón tay thiên thần" là ngón tay như thế nào cả.

Lúc trẻ hát theo radio, casette, nghe chùm chữ này như nước đổ đầu vịt, rồi cũng hát, cũng lập lại như cái máy, cho ra vẻ theo thời theo mốt với người ta, chứ có ai thấy thiên thần đâu mà biết tay thiên thần như thế nào, còn nếu đúng nghĩa là thiên thần của văn minh thiên chúa giáo thì các bạn cứ lên google mà xem hình các thiên thần ấy, họ như các đứa trẻ con, có hai cánh, nếu các giai nhân của chúng ta mà có 5 ngón tay như các thiên thần này, tôi e rằng không những không đẹp, mà còn dị hợm bệnh hoạn nữa là khác. Ai đời giai nhân có năm ngón tay lùn xịt mập mạp của đứa trẻ căng sữa 7,8 tuổi mà gọi là bàn tay đẹp được ? Bàn tay con nít đẹp theo kiểu con nít, chứ bàn tay như vậy mọc lên người một cô gái thì hẵn cô này bị bệnh down hoàn toàn mất thẩm mỹ !

Nếu thuộc từ "thiên thần" chỉ nhằm diễn tả cái đẹp không thể cưỡng lại, cái đẹp thu hút, cái đẹp hiền dịu nhu luyến, cái đẹp của nữ tính thì tại sao không xử dụng bàn tay "tiên nữ", vốn là hình ảnh truyền thống đầy việt tính, mà lại gọi là thiên thần, một thứ văn hóa Âu châu được truyền vào VN cùng lúc với văn hóa trái táo, như câu hát "Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm" của nhạc Phạm Duy ?

Những lời hát như vậy ít nhiều đã chuyển tải văn hóa ngoại lai về đàn áp văn hóa bản địa, mà người bình dân, vốn như bầy vịt bị lùa, chỉ biết kêu cạp cạp rồi chạy theo đàn, tự mình gỡ từng viên gạch, từng mái ngói ngôi nhà tổ tiên ném đi, mà vẫn hồn nhiên vô tư, tưởng rằng mình rất văn hóa, rất việt. Đó chính là đã lọt vào mặt trận văn hóa siêu thực dân của một bàn tay vô hình đang muốn toàn cầu hóa, thống trị thế giới.

Ta thấy Trịnh Công Sơn có rất nhiều từ vựng của Kitô giáo trong các ca khúc và ngay cả trong tựa đề các nhạc phẩm, như "Lời Buồn Thánh", "chiều chúa nhật" thay vì chủ nhật, "Dấu Chân Địa Đàng", "Phúc Âm Buồn", "năm ngón tay em thiên thần", "vùng ăn năn".... để giết chết mọi văn hóa xưa cũ ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc trước đó như "Bến Xuân", "Tiếng Sáo Thiên Thai", "Chuyện Tình Trương Chi Mỵ Nương", "Chuyện Tình Lan và Điệp", "Hòn Vọng Phu"....

Tôi ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn qua bài Đóa Hoa Vô Thường và nhiều góc cạnh mới mẻ trong cách sử dụng hình ảnh, âm thanh và chữ, nhưng suy cho cùng, trong mọi thời mọi lúc, nếu muốn nổi lên, phải có cái gì đột phá, và cách hay nhất của đột phá là quay lưng lại với những gì xưa cũ, nhập cảng những món hàng mới mà đương thời còn xa lạ. Một khi mặt hàng mới nhâp về được một số nhỏ, nhất là giới trí thức ưa chuộng và lăng xê, thì nó sẽ là một thứ "trái phá" (chữ dùng của TCS) văn hóa, không những nó đưa tác giả lên ngôi, mà còn mạnh tay dẹp bỏ các giá trị xưa cũ. Tôi còn nhớ lúc TCS và Khánh Ly đang làm mưa làm gió ở Sài Gòn, thì ngay Phạm Duy, Thái Thanh cũng phải nhường vài bước.

Thời kỳ họ Trịnh và họ Phạm nhập cảng các hình ảnh Thiên Chúa giáo vào âm nhạc thính phòng VN, thì các bực thầy của họ tại Pháp mà đại diện nhất là triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đang tìm cách gỡ bỏ những thứ này ra khỏi xã hội Pháp, vì họ đã quá ngán ngẫm với chiều dài 1700 năm bị trái táo Adam, vườn địa đàng, kinh phúc âm, lời rên rỉ chúng con là kẻ có tội thống trị, đang như một người bị vướng vào hàng nghìn chiếc màng nhện vây bủa tứ bề, tìm mọi cách để thoát khỏi những cái ổ nhện này, thì các đại trí thức việt nam, nhờ biết chút ít tiếng tây, lại đi nhập cảng chúng về bán cho dân việt mới vừa từ bỏ làng quê lên phố để tìm cách đổi đời; tựa như ngày nay, một số công ty VN sang Nhật, Hàn mua TV hay ôtô cũ về bán lại cho thị trường người lao động thu nhập thấp tại VN.

Dưới thời VNCH những thập niên 60, 70, ai mà biết xử dụng văn hóa trái táo đều được nhìn bằng đôi mắt khâm phục của quần chúng, đến nỗi Phạm Duy sợ rằng chỉ bán vài trái táo thì còn quá rụt rè, lợi nhuận cũng như ảnh hưởng sẽ được nâng cao nếu biết thuận nước đẩy thuyền, nên đã không ngần ngại nói rõ ra luôn "con quỳ lạy chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu", và trong nhạc phẩm ấy, chỗ ăn tiền nhất là chốc chốc, điệp khúc lập đi lập lại "Chúa ơi! Chúa ơi!" vang rền, khiến người ta có cảm tưởng đang đứng trong giáo đường nghe kinh.

Đưa ra những nhận định này không nhằm mục đích hạ bệ hai nhạc sĩ tài ba của âm nhạc VN (dù muốn thì tôi cũng không đủ sức), mà chỉ buồn cho số phận của các dân tộc nhược tiểu. Chúng ta, từ kinh tế đến văn hóa, phải bước lên con đường mà người Âu Mỹ đi qua để dấu lại. Khi ta đến được chỗ đứng của họ hôm nay, thì họ đã cách chúng ta nghìn dặm xa trên các thiên hà.

Người tây phương dùng tĩnh từ "thiên thần" để chỉ cho sự tài ba, từ này bắt nguồn từ câu chuyện ông Vergèce, thường gọi là Ange Vergèce, có tài viết chữ đẹp, chứ chẳng phải do ông có năm ngón tay đẹp. Có khi người ta ví bàn tay tuyệt nghệ là tay quỷ, như người ta khen tài chơi vĩ cầm của Paganini thuộc trường phái lãng mạn. Sao nhóm học đòi người việt không nói tay em mười ngón quỷ sầu ?

Ở phương Tây, khi người ta đưa ai lên ngôi vị "thần", thì chắc chắn người ấy phải có thứ tài năng nào đó vô tiền khoán hậu. Cầu thủ lừng danh Zinedine Zidane có thời kỳ được báo pháp tôn xưng là "le dieu du foot" (thần bóng đá), chẳng phải vì Zidane có các ngón chân thiên thần.

Trường hợp nữ cầm thủ đàn Harp người Anh Claire Jones với các trình tấu độc đáo trong “Royal Harp Strings” có thể được gọi là những ngón tay thiên thần. Tài năng điêu luyện khi những ngón tay phù thủy của cô, một cô phù thủy tóc vàng rất xinh, lướt qua các dây đàn harp, biến sự va chạm vật lý thành huyền thoại âm nhạc đáng để thế giới khâm phục. Nếu gọi đây là những ngón tay thiên thần thì có thể hiểu được, không sáo rỗng như các ngón tay của Trịnh Công Sơn hoặc của các nhạc sĩ đương thời trong các lời hát.

Tôi có cảm tình đặc biệt với tiếng hát Phương Dung chừng 10 năm nay, có lẽ tuổi già thì hay tìm cái gì mộc mạc, chân chất, bình dị, mà chất giọng của Phương Dung lại tràn đầy những vụng về, từ cách phát âm, đến cách diễn đạt. Đặc biệt chính nhờ những vụng về khiếm khuyết ấy, giọng hát của PD hoàn toàn là kết đọng của thiên nhiên gần như không có dấu tay tạo tác của con người, nên cho đến nay, tất cả mọi giọng hát khác đều có thể có truyền nhân, riêng PD không có. PD là viên ngọc không do thợ kim hoàn mài dũa, nên chị có thể tỏa sáng trong thôn cùng ngõ hẽm, trên bến đò bến xe, đem hơi ấm đến những cuộc đời kém may mắn buôn thúng bán bưng, làm thuê gánh mướn, và ngay cả các người lính rày đây mai đó cùng vợ con của họ ở các trại gia binh vào thời bấy giờ. Chị là hiện thân của chiếc áo bà ba chân chất thực thà, chị thay thế chỗ mà tôi ưu ái dành cho Khánh Ly và Lê Thu trước kia. Tuy nhiên, mỗi lần nghe chị hát "ngón tay thiên thần", tôi vẫn có cái gì bị dị ứng (Phố Đêm - Tâm Anh).

Thử đọc 4 câu thơ sau đây, nhắm mắt, đừng nghĩ ai là tác giả, chỉ đọc thơ thôi, bạn thấy cái gì hay ?

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng

Cổ em cao tay mười ngón thiên thần

Tóc em xanh trùng dương sóng lượn

Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

Tôi không gọi đây là thơ, mà là bảng ráp chữ dành cho người lớn, hay nhẹ nhàng hơn một chút, là khung nhà tiền chế được anh chuyên gia ráp lại theo bản vẽ của kiến trúc sư, không một chút rung cảm riêng tư của nghệ thuật, chẳng một hơi hướng đột phá sáng tạo, nào mười ngón thiên thần, nào tóc xanh gợn sóng trùng dương, nào anh đi rồi ai ngắm em đẹp... tưa như thợ sơn đi vẽ tranh bán, nhưng lạ cái lại bán rất được hàng.



Ở Pháp gần 40 năm, đọc văn chương, triết học Pháp, chả thấy ai diễn tả năm ngón tay một thiếu nữ đẹp là ngón tay thiên thần cả (doigts d'ange), mà có câu chuyện thiên thần chui vào bào thai, đặt ngón tay lên miệng của thai nhi để khiến nó quên tất cả những điều nó biết trước khi ra đời, sợ nó sẽ kể cho cuộc đời những bí mật huyền nhiệm của thiên chúa, tựa như chuyện ăn cháo lú trong văn hóa Đông Á, khiến cho khoản giữa môi trên và dưới mũi có một cái ngấn, cái đó tiếng pháp gọi là "le doight de l'ange", là dấu ấn ngón tay của thiên thần, ngài nói: hãy quên hết đi con nhé. Người Pháp cũng có một thứ bánh gọi là bánh doigts d'ange, từa tựa như bánh biscuits của nhãn hiệu Champagne, ai muốn biết những nhà văn hóa VN dùng chùm chữ "ngón tay thiên thần" nó đẹp ra sao, cứ gõ vào Google "biscuit champagne" lập tức sẽ thấy các ngón tay giai nhân nô lệ văn hóa ấy đẹp ra sao.

Chúng ta rất dễ bị xỏ mũi kéo đi theo đám đông, thậm chí còn hãnh diện trên mũi có hai lỗ xỏ. Bởi vì không ai trong chúng ta có phản xạ tư duy độc lập trước khi chạy ùa theo thời thượng.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không nên đi theo kẻ khác. Nói thế chỉ có nghĩa là, khi ta theo cái gì, ít nhất, ta phải biết nó là cái gì.

Có một thành ngữ Việt rất thông dụng là "kỳ đà cản mũi", chả ai biết kỳ đà là con vật sao có khả năng cản được mũi con người. Đến mãi sau này, khi nghiên cứu tử vi đẩu số, tôi mới biết cung mệnh ai bị hai sao Kình Dương, và Đà La, một trước một sau chốt lại, các nhà tử vi thường gọi đó là cách Kình Đà, tức là "số xui", người Việt nghe tưởng là con kỳ đà, thực ra là hai sao của tử vi đẩu số. Có câu “Mã đầu đới kiếm phi yểu chiết tắc hình thương” (người có Kình Dương ở ngọ không yểu thì tàn).

Theo cách ấy, người ta cũng nói đến Nỗi Buồn Không Tên. nghĩa là nghe người ta nói, mình nói theo. Nhưng khi ai hỏi nỗi buồn không tên là gì, cũng không có được cái phản xạ nhanh nhẹn rằng: "đã không tên thì làm sao mà biết? nếu biết thì đã có tên !" Một người bạn thường đọc và phê bình các bài viết của tôi một cách tương đắc, đã đề nghị rằng, nỗi buồn không tên, là nỗi buồn man mác qua thơ văn, như:

Hôm nay, trời nhẹ lên cao,

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...

Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,

Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.

Phất phơ hồn của bông hường,

Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.

Nghe chừng gió nhớ qua sông,

E bên lau lách thuyền không vắng bờ.

Không gian như có dây tơ,

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,

Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn... (Xuân Diệu)

Hoặc như:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,

Củi một cành khô lạc mấy dòng. (Huy Cận)

Hoặc:

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...

Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...

Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...

Tương tư hướng lạc phương mờ...

Trở nghiêng gối nặng hững hờ nằm nghe

Gió về, lòng rộng không che

Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư... (Huy Cận)

Khi đọc một bài thơ hay, nhiều khi muốn run người. Tôi nhớ em trai của Phạm Công Thiện, Phạm Thế Hùng, có một biểu cảm rất lạ lùng, khi nghe tiếng vĩ cầm sánh vai với dương cầm trong tấu khúc Tristesse (Buồn) của Chopin, hay đến nỗi cậu ấy chun trốn dưới gầm gường !

Ngày nay, thế kỷ 21, thơ hay nhạc đều nặng mùi kỹ xảo để câu khách. Nghệ thuật thiên về tự nhiên của ngày xưa bị văn hóa nặng kỹ thuật và nặng tính chỉ huy biến thành những mặt hàng sản xuất phủ kín bằng tấm bằng khen, những tước hiệu, những tấm cát sê dày cộm, thì làm sao có được cái rung lên như chính ta là cây đàn "rơi rơi...dìu dịu rơi rơi, trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...".

Tối nay, bạn hãy hâm một bình trà, bắt cái ghế ra mái hiên, nếu may mắn hơn, bạn có một chái hiên bằng tranh ấm cúng, đợi khi mưa nhỏ giọt, gió thổi dạt những hạt mưa rạt rào trên mái hoặc trên ô cửa, bạn nhắp một ngụm trà, lắng nghe cái gì đó vu vơ, nhè nhẹ, buồn buồn trong ý thơ.

Những người đưa ra được các hình ảnh này và đồng ý đó là nỗi buồn không tên, là những người có chiều sâu suy tư, có một sức thẩm thấu nghệ thuật tuyệt vời. Tôi hoàn toàn đồng ý với người bạn, nhưng đó chỉ là phần thi ca, còn cần đến cái nhìn của đời thường, của văn học và triết học.

Trong đời thường thì ai cũng đã từng buồn, nhưng có khi, lại cũng chẳng biết buồn là gì, tựa như ai cũng biết đọc, nhưng không phải ai cũng sành đánh vần, trừ các trẻ mầm non. Vậy buồn là gì ?

Về nỗi buồn, trong âm nhạc như trên đã nói sơ qua, có nhạc phẩm Tristesse (buồn) của Chopin. Chopin viết nhạc không lời, nên ai cảm nhận thế nào thì đấy là nỗi buồn riêng của người ấy, không bàn ở đây.

Có lời nhạc Việt rất gần với chúng ta, đó là những câu:

Buồn như ly rượu đầy,

không có ai cùng cạn.

Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say.

Buồn như trong một ngày, hai đứa không gặp mặt

Buồn như khi gặp mặt, không còn chuyện để vui. (Y Vân - Tạ Ký)

Nỗi buồn qua bài thơ Tạ Ký cung cách là lạ, và chính vì là lạ mới được Y Vân phổ thành nhạc.

Đầy cũng buồn, cạn cũng buồn; không gặp cũng buồn, gặp cũng chả vui.

Ta sẽ trở lại cái buồn "ba phải" này sau để đưa vào đây một tác phẩm văn học có cái tựa rất buồn, đó là cuốn "bonjour tristesse" của nữ sĩ Françoise Sagan (người Pháp), được ai đó tôi không nhớ, đã dịch ra việt ngữ trước 1975, mà tôi chỉ đọc có cái đầu đề là :"Buồn ơi, chào mi".

Câu chuyện từng được Otto Preminger đóng thành phim tại Hoa Kỳ, và được tái chế thành truyện tranh, như vậy, danh tiếng của Sagan không phải nhỏ.

Câu chuyện "buồn" ấy thế này,

Cécile, một nữ sinh sống mất mẹ sớm ở Paris, là nữ chính trong câu chuyện, thi rớt tú tài khi mới 17 tuổi, về vùng biển phía nam nước Pháp để giải buồn trong ngôi biệt thự giàu có của cha mình, ông Raymond, đang sống ở đây với tình nhân tên Elsa. Cécile và cha rất hạp rơ nhau, ông đã cùng con gái ngày ngày tắm biển tắm nắng, đọc sách, dạo phố và thức khuya để cùng con hàn huyên tâm sự. Cécile cũng mau chóng kết bạn với Elsa, người đàn bà dễ thích nghi và ham mê hưởng thụ vật chất đã quyến rũ tính ngây thơ tò mò muốn làm người lớn của Cécile, hai người phụ nữ trở thành bạn thân không một trở ngại. Cécile lại tràn đầy hạnh phúc khi cô gặp chàng trai Céryl 26 tuổi và hai người yêu nhau.

Hạnh phúc của 4 người đang đều đặn ngày ngày như ở ở chốn địa đàng của chúa, nếu không có sự xuất hiện đột ngột của Anne, một người đàn bà trí thức, nghiêm khắc, thông minh, và sống trách nhiệm được Raymond mời đến nhà. Elsa dần bị đẩy vào vai phụ đối với người nhân tình thì không nói làm gì, ngay cả Cécile cũng bị Anne quyến rũ, cô bị cái thông minh sắc xảo của Anne chinh phục và ngay cả đã để Anne làm gia sư dạy cô ôn luyện bài vở. Khi Raymond tuyên bố đòi cưới Anne, thì Elsa không còn lý do nào ở lại biệt thự. Cécile vừa yêu mến Anne, lại không muốn bất cứ một mất mát nào, cô muốn hạnh phúc của mình biến thành bức tranh tĩnh vật được giữ nguyên các đường nét không sứt mẻ, cái hạnh phúc tuyệt vời ấy phải sững lại trong thời gian và không gian, để cô có thể hưởng thụ đến vô tận những gì đang trong tay mình, thế là cô nghĩ ra một mưu kế, cô bảo tình nhân Céryl giả vờ có tình ý và tán tỉnh Elsa. Cái ý nghĩ trẻ con của Cécile không ngờ đã biến tất cả thành bi kịch, Raymond đã điên tiết khi thấy người tình cũ sánh vai với một gã đàn ông trẻ hơn mình, ông nổi ghen và đúng lúc ấy, do Cécile đạo diễn màn kịch, đã gài cho Anne chứng kiến, và Anne thất vọng về tình yêu của Raymond dành cho mình, bà bỏ ra đi, và chết trong một tai nạn xe hơi mà theo điều tra thì nạn nhân đã tìm cách tự sát.

Cái chết của Anne đã khiến cho Raymond và Cécile luôn cảm thấy mình là hung thủ giết người. Sau một thời gian, khi họ có thể trở lại với cuộc sống bình thường, họ mới chợt nhận ra rằng, người đàn bà tuyệt vời kia vẫn luôn sống trong họ, và hơn nữa, nỗi day dứt về cái chết của Anne cũng chưa bao giờ phai nhạt, chỉ là tất cả đã biến thành một nỗi buồn.

Vậy buồn là gì qua cách nhìn của cô gái mới 18 tuổi Françoise Quoirez ? (Françoise Quoirez là tên thực của Sagan) Xin lưu ý rằng khi Françoise viết tác phẩm đầu đời, cô ấy chỉ vừa tròn 18 tuổi, thuở ấy ở Pháp vẫn còn là gái vị thành niên. Cha cô sợ để tên thực sẽ lắm phiền cho gia đình, nên cô đã lấy tên nhân vật ông Hoàng Sagan (Prince de Sagan) của Marcel Proust mà đặt tên mình.

Theo thiển ý, ai cũng trải qua thời kỳ khủng hoảng tâm lý khi bước qua giai đoạn vị thành niên. Người thì sớm một tí, kẻ thì trễ một tí, nhưng cuộc khủng hoảng ấy có lẽ không ai thoát khỏi, và nồng độ nặng nhẹ cũng khác nhau. Thời kỳ khủng hoảng tâm lý được nói đến nhiều qua các nỗi buồn không nguyên nhân. Tác phẩm "Bonjour Tristesse" là hiện thân của sự khủng hoảng thiên tài ấy trong cô gái Pháp vốn được gia đình chìu chuộng cực độ, từng bị đuổi học và bị "mắng vốn" ở nhiều trường học, nó thành công nhờ sự nổi loạn dám bày tỏ sự tự do luyến ái hơn là các khía cạnh khác của tâm lý.

Cái kết của câu chuyện chỉ là một nỗi buồn sau khi sự đau khổ mất mát đã nguôi ngoai, nên Sagan không gọi đó là nỗi buồn mất mát, chỉ đơn giản gọi nó là nỗi buồn. Đau khổ dã hứng hết tất cả mất mát, và khi đau khổ nguôi đi, mất mát cũng nhạt dần, cuối cùng chỉ còn lại nỗi buồn, một nỗi buồn trống không.

Ta đau khổ khi mất người thân, khi bệnh hoạn, khi mất một món tiền lớn, khi thi hỏng, khi mất việc làm ...chứ ta không buồn, tĩnh từ buồn ở đây quá nhẹ không đủ diễn đạt.

Ta tức giận hay phật ý khi bị nói xấu, bị chê bai hoặc bị lường gạt chứ không hề buồn.

Khi nói tôi buồn anh lắm, anh đã xử tệ với tôi thế này, thế nọ. Kỳ thực đó không phải là buồn, mà là bất như ý, bất mãn; buồn, chỉ là cách nói nhẹ đi, làm loãng đi sự hờn giận.

Ta xúc động khi xem một cuốn phim, hoặc khóc khi đọc một cuốn truyện. Ta nói đó là phim buồn, truyện buồn. Vậy thì buồn là trạng thái đau khổ "giùm" người khác, chứ khi nỗi khổ ấy xảy lên chính bản thân ta, ta lại không thể nhàn nhã để thưởng thức cái cảm xúc buồn. Khi đang viết những giòng này, tôi được tin sóng thần đã giết chết hằng nghìn người ở Indonesia. Tôi đã tìm xem clips quay cảnh tàn khốc khi sóng thần ập đến, đã cảm xúc rướm lệ nghĩ đến nỗi kinh hoàng của những nạn nhân đang khi bất ngờ bị con sóng há miệng nuốt chững. Những giọt lệ của tôi không ứa ra vì buồn, mà vì chia sẽ sự đau đớn.

Theo Tạ Ký thì nỗi buồn có thể là bất kỳ thứ gì, mất thì hẵn là buồn rồi, nhưng được rồi cũng lại buồn. Thế thì buồn là một đứa trẻ được cưng chìu quá trớn, không có đòi cho có, có thì vứt đi và ngồi bệt xuống khóc, muốn lại hoàn không. Sagan thì cho rằng buồn là cái gì còn lại sau khi các vết thương tâm lý đã lành lặn, hết nhức nhối, và sự hoài niệm về niềm đau chính là nỗi buồn.

Tóm lại, buồn dường như là một cảm giác thưởng thức hơn là một cảm giác chịu đựng.

Những tác phẩm lớn của văn chương ít nói về nỗi buồn, mà về những khổ đau, những bi kịch, như Hamlet của Shakespear, Anna Karenina của Leo Tolstoy, Of Mice and Men của John Steinbeck, Of Human Bondage của W. Somerset Maugham, hiếm có bi kịch trở thành một vết sẹo nhỏ và đẹp ở hồi kết như nỗi buồn trong Sagan. Cuộc đời nào cũng có bi kịch, nhưng nếu ta không biết chuyển hóa bi kịch thành nỗi buồn, ta không thể sống ở cuộc đời.

Trúc Phương đi vào Nửa Đêm Ngoài Phố bằng nỗi "buồn vào hồn không tên", nhưng đó là kết quả lắng đọng lại từ cuộc tình tan vỡ của hai người đang yêu nhau nhưng chẳng "duyên thừa" nên đã tan vỡ. Khi mỗi người đường ai nấy đi, một người trong cuộc thường buồn bã đi bách bộ trên con phố xưa lúc nửa đêm để mong ước gặp lại được người kia, nhưng chỉ nghe thấy bước chân lẻ loi cô đơn của chính mình, rồi đêm về trằn trọc ngủ không được với bao nuối tiếc xót xa. Lời nhạc Trúc Phương bình dị kể về câu chuyện tình bình dị. Nhưng đây không phải là nỗi buồn không tên như tác giả khơi mào. Bài hát rất nổi danh vào thập niên 60 nhờ đại danh ca Thanh Thúy thu vào đĩa 45 tours rất thường được yêu mến và nằm trong top của danh sách nhạc yêu cầu lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ mình chỉ mới khoản 11 tuổi, lén lắng nghe Thanh Thúy hát từ chiếc radio Philips 3 band của ông hàng xóm nhà giàu, cứ chiều chiều ông bắt ghế ra hàng giậu vừa hút thuốc vừa nghe nhạc yêu cầu, những người nghèo cũng biết mánh đến dự thính phía bên kia hàng giậu. Khi nào có Thanh Thúy thì ai cũng thót tim lại mà nghe mê nghe mệt. Nửa Đêm Ngoài Phố và Thanh Thúy đến với tôi bằng cách đó. Khi lên trung học tôi lại say mê Khánh Ly và nhạc Trịnh, bỏ hẵn nhạc sến, cũng quên dần Thanh Thúy từ đó.

Buồn không tên, thực ra, là một cách gọi thời thuợng lúc bấy giờ. Thuở ấy, nếu muốn thơ hay, nhạc hay, dù có tên, thì các tác giả cũng cứ làm bộ là không có, để được gọi bừa tác phẩm của mình, nỗi buồn của mình, là không tên.

Lý Thương Ẩn đã đi trước Romanticism Âu châu cả nghìn năm trong tập thơ 17 bài, tất cả đều "vô đề" (không tên). Đọc 4 câu nổi tiếng của một trong những bài không tên ấy cho vui:

無題 相見時難別亦難,

東風無力百花殘。

春蠶到死絲方盡,

蠟炬成灰淚始幹。

Vô Đề

Tương kiến thì nan biệt diệc nan,

Đông phong vô lực bách hoa tàn.

Xuân tàm đáo tử ty phương tận,

Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.

(Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó

Gió đông không đủ sức, để trăm hoa héo tàn

Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ

Ngọn nến cháy hết mới khô nước mắt)

Nữ văn sĩ Dương Thu Hương đã viết "Tiểu thuyết Vô Đề" để đưa ra những hình ảnh thực đầy ô nhục cho cả hai bên trong cuộc chiến Bắc Nam vào khoảng năm 1991.

Giới sáng tác thì tìm những gì lạ, chưa từng có, lập dị, đột phá để nâng cao tác phẩm, còn giới hâm mộ thì lại thích ngồi trước cốc cà phê, ngước kính cận nhìn lên trời, phì phà điếu thuốc vàng tay, cảm thấy trong làn khói quyện với điệu buồn không tên, tỏa ra cho mình một không gian ngập tràn trí thức tây học.

Kỳ thực, nỗi buồn không tên, chính là cảm giác nhẹ hơn tất cả những gì ta vừa phân tích. Nó là màu nhạt nhất của màu buồn. Và như trên đã nói, buồn là một cảm giác thưởng thức, thì nỗi buồn không tên là một mỹ vị chỉ dành cho người thượng lưu, người biết sống từng nhịp đập trôi qua của thời gian, biết quán sát bên ngoài để so chiếu bên trong, biết trọn hưởng những giây phút không có ai bên cạnh, cảm nhận cái hay, cái đẹp trong sự sàn lọc quặng mõ triết học, văn chương, trong thi ca và gần gũi nhất là trong âm nhạc, tùy theo nồng nộ chiêu cảm và phúc báo của tâm mà sự thẩm thấu sâu cạn khác nhau.

William Blake cho rằng con ong chăm chỉ không có thời gian để buồn. (La diligente abeille n'a pas de temps pour la tristesse.) Blake chỉ có lý đối với những ai luôn bận rộn vì mưu sinh, danh vọng hay quyền lực.

Montesquieu nói rằng: nỗi buồn đến từ sự đơn độc của trái tim (La tristesse vient de la solitude du coeur)

Charlie Chaplin lại nói: Hạnh phúc tuyệt vời là cái gì rất gần gũi với nỗi buồn (Le bonheur parfait est quelque chose de très proche de la tristesse.)

Nhạc Việt Nam có khi hát: Có người hỏi tôi tại sao ưa ca bài ca sầu nhớ, ưa ngắm trăng mờ hoàng hôn, ưa đi lặng lẽ trong những đêm gió mưa u buồn, mà nghe cô đơn... (Lẻ Bóng - Anh Bằng)

Rốt cục, dù không muốn, ta cũng phải chấp nhận rằng, cảnh đẹp là cảnh phải đượm đôi chút màu buồn.

Tuy nhiên, nếu nói đến tâm lý buồn phiền, lo âu vô cớ, mà không nói đến Freud thì có vẻ thiếu sót. Theo Freud, chúng ta luôn bị đe dọa bởi ba nguyên nhân, dù chính chúng ta cố che đậy ngụy trang bằng nhiều lý lẽ để tự trấn an. Nguyên nhân thứ nhất là từ chính cơ thể của chúng ta, nó luôn luôn đi dần vào thoái hóa và tan rã. Nguyên nhân thứ hai là thế giới bên ngoài luôn có những lực vô hình khắc nghiệt không ngừng đeo bám và triệt tiêu chúng ta. Nguyên nhân thứ ba là chính những người chung quanh ta, vì mục đích sinh tồn, chúng ta sẵn sàng tàn nhẫn với nhau.

Từ đó Freud kết luận rằng, để lãng quên những đe dọa triền miên ấy, và để sống còn, người nam và người nữ đã ẩn núp trong sự hưởng thụ nhục dục của thân xác. Freud còn đi xa hơn rằng, để quên đi những buồn lo, con người tìm cách trốn mình trong các chất say sưa hoặc ẩn núp vào sự ru ngủ của tôn giáo.

Nhưng nỗi buồn không tên là cả một lịch sử văn học Âu châu được khởi xướng từ cuối thế kỷ 18 tại Anh và Đức, đầu thế kỷ 19 tại Pháp, như một số bài báo trên các trang mạng văn học Việt Nam từng đề cập.

Phong trào lãng mạn 浪漫 đến Việt Nam được dịch từ Hán ngữ với chữ 浪 (lãng) là phóng túng, tự do; chữ 漫 (mạn) là mơ hồ, không gì rõ rệt; cả hai đều rất nhu nhuyễn với bộ thủy 水 , nêu rõ đặc trưng uốn khúc, tan chảy, mềm mại, bốc hơi; nên ít nhiều, nỗi buồn không tên chính là nỗi buồn của cái tôi trữ tình, mơ hồ theo phong thái Âu châu, trộn lẫn không khí thiên nhiên phóng dật của thi ca Đường, Tống, biến thành cơn gió học thuật Âu Á có ảnh hưởng mạnh mẽ trên mọi hoạt động nghệ thuật VN trong giai đoạn quyết liệt chọn lựa La Tinh làm chữ viết chính thức.

Chỉ riêng chủ nghĩa Romantisme, ta đã có được một nền văn học chống lại tư duy thuần lý của thế kỷ Ánh Sáng và những gò bó truyền thống của văn chương Cổ Điển. Nó nhắm đến giải phóng hình ảnh và ngôn ngữ ra khỏi những xiềng xích xưa cũ. Nó ưu tiên cho sự phát biểu nội tâm của cái tôi, vào sự diễn tả thiên nhiên và tình ái. Nó dám nói thực về niềm đau và nỗi sầu của thế kỷ (le mal et la mélancolie du siècle). Một trong những con người tiêu biểu của phong trào lãng mạn đã nói rất thẳng tâm sự của người Âu châu trong thế kỷ ấy như sau:

L'hypocrisie est morte ; on ne croit plus aux prêtres; Mais la vertu se meurt, on ne croit plus à Dieu. (Alfred de Musset - 1850)

Sự giả dối đã chết; người ta chẳng còn tin vào linh mục; Đạo đức đã tiêu ma, người ta chẳng còn tin vào Thiên Chúa.

Những câu thơ trên, nếu được viết cách đó chừng hơn thế kỷ, thì chắc chắn tác giả phải bị cột vào một cái trụ được chất củi chung quanh, có một giám mục đến để phát lệnh thiêu sống kẻ dám xúc phạm đến Chúa và người đại diện cho Chúa.

Có thể nói, nếu cuộc Cách Mạng Pháp là đỉnh cao của cải cách do Thế Kỷ Ánh Sáng nuôi dưỡng, thì trào lưu lãng mạn là đỉnh cao của tự do sáng tác trong văn chương, âm nhạc, và nghệ thuật. Mặc dù nó chống lại tính thuần lý của Ánh Sáng, nó phải cám ơn trào lưu tư tưởng này. Không có Ánh Sáng với cuộc Cách Mạng 1789, không thể có trào lưu lãng mạn. Chính Ánh Sáng (Siècle des Lumières - Age of Enlightenment - luôn viết hoa) đã ban phát tự do cho Lãng mạn.

Cũng có thể gọi văn học lãng mạn là văn học trữ tình, vì bắt đầu từ đây, con người có thể đưa tâm tình của mình can thiệp vào tác phẩm, vào các hoàn cảnh lịch sử và tham dự vào thiên nhiên. Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư là những thi sĩ đi tiên phong cho trào lưu này tại Việt Nam.

Theo nữ học giả Thụy Khuê "Chữ Lãng mạn, nguyên gốc là romanz, xuất hiện giữa thế kỷ XII, có nghiã là ngôn ngữ thông thường, đối ngược với latin (la tinh), ngôn ngữ bác học. Qua các thế kỷ, chữ này biến nghiã và biến dạng nhiều lần. Đến đầu thế kỷ XVIII, Lãng mạn trong nghiã đối lập với Cổ điển, được Stendhal (1783-1842) đưa ra năm 1819 (ông dùng chữ Romanticisme vì muốn giữ nguyên gốc Ý), để chỉ quan niệm tiểu thuyết mới của ông: trình bày cho quần chúng những tác phẩm phù hợp với sự thẩm thức và đức tin hiện hành của họ, ngược lại với Cổ điển (Classicisme) là thứ nghệ thuật của cha ông thời trước" - trích từ [Ảnh hưởng thơ Pháp trong Thơ Mới và thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử].

Từ lãng mạn dễ gây hiểu lầm ngay cả bên Âu châu, khi ta tặng hoa cho bạn gái, ta cho rằng đó là một cử chỉ lãng mạn, thực ra cử chỉ ấy chỉ giống với lãng mạn, nó mang tính tiểu thuyết, mộng mơ (romanesque) nhiều hơn là tính lãng mạn.

Lãng mạn dường như là cái gì rất tự nhiên trong văn chương học thuật Trung Hoa, ngay cả qua các tư tưởng tưởng chừng rất nghiêm túc. Chẳng hạn nếu bạn không biết xuất xứ những câu văn sau đây, thì bạn sẽ nghĩ đó là thơ, hoàn toàn chẳng liên hệ gì đến triết lý:

天何言哉?

四时行焉,

百物生焉,

天何言哉

Thiên hà ngôn tai ?

Tứ thì hành yên,

bách vật sinh yên,

thiên hà ngôn tai.

(Trời có nói gì đâu ! Bốn mùa vẫn vận hành trôi chảy, muôn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu !)

Khổng Tử đã đưa tình cảm vào vũ trụ, một hình ảnh thực sự trữ tình lãng mạn, không xem vũ trụ thiên nhiên là cái gì độc lập và khác với con người. Đây là một thứ lãng mạn thánh, một thứ lãng mạn giải thoát, trời đất có nói gì đâu, chỉ im lặng sinh diệt tiếp nối. Con người được sinh ra từ mặt đất, vốn là một thứ ecosystem, phải tuần hoàn biến hóa để duy trì sự sống, sinh và diệt là đóng mở của bốn mùa tồn sinh hiện hữu, không phải “sinh” là thần linh ban, và “diệt” là “sự dữ” mà thần linh phạt.

Trang Tử còn lãng mạn đến mức tự hỏi mình đã mộng thấy hóa thành bướm, hay bướm đã mộng hóa thành mình.

不知周之夢為胡蝶與?胡蝶之夢為周與 ?

Viết về chủ nghĩa hay trào lưu lãng mạn trên vài trang giấy thì chả khác đem cái cân tiểu ly để cân chiếc xe chở khách tuyến đường Sài Gòn - Hà Nội.

Cái nhìn của tôi vào nỗi buồn không tên có hơi khang khác.

Nó là cái làm ta luôn cô đơn, trống vắng, rỗng không, dù ta đang sống với vợ, với con, với đầy đủ mọi phúc hạnh của trần gian, đạt được bất kỳ mơ ước khó hiện thực nào nhất, rồi khi đối diện với nó, lúc đêm về, ta không dám nhìn nó; nhìn thì hổ thẹn, không nhìn thì ray rức.

Nó thường trực xuất hiện, nhẹ như chuồn chuồn đậu trên mặt nước, chỉ khẻ động thì chuồn bay ngay, nhưng nó sẽ âm thầm trở lại khi mọi sự đều yên tỉnh. Nó không gây đau khổ hay biến thành trầm cảm. Ngay lúc đang vui nó cũng có thể đến nếu tâm hồn lọt vào một khắc của sự lắng yên. Nếu quán sát nó, nó lập tức ẩn mình vào tia nắng, vào ánh đèn, vào tiếng nhạc hoặc vào chiếc lá khô nát đã biến thành màu đất. Mà rất lạ, nó gần như hiện diện trong từng tia chớp của tâm thức. Vừa thức giấc đã thấy nó ngồi đó tự bao giờ với một nụ cười nghiêm khắc. Trước khi ngủ nó lại nằm cạnh bên như ngưòi tình trăm năm nhưng chưa từng ngỏ lời yêu. Nó có mặt cùng khắp để nhắc nhở rằng, những cuộc vui sẽ qua mau, tòa lâu đài hùng vĩ kia chỉ là công trình của lũ dã tràng thích đếm từng hạt vàng trong bọt nước. Trong đau khổ nó lại cho chút ánh sáng của niềm vui, trong hân hoan nó lại khơi lên nỗi dày vò.

Tóm lại, nó như con ma xó luôn nhìn vào cuộc đời ta. Nó rình rập ta, ta cũng rình rập nó. Hai đứa rình nhau, chơi trò cút bắt, thỉnh thoảng ta cũng nắm được chéo áo của nó, nhưng nó giật mạnh và chạy mất để lại trong nắm tay ta chỉ là một mẫu vải rách vô nghĩa. Còn nó, tựa như đùa cợt, và biết rất rõ về ta.

Ngày qua tháng lại, một hôm ta đứng soi vào gương, thấy mình quá già, cất gương đi, thì chẳng thấy già hay trẻ, chợt vỡ ra rằng, đã là ta thì không nhìn, nhìn thì không phải ta.

Paris, lúc trời bắt đầu se lạnh, 2018.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Đầu năm nói chuyện ăn Tết theo dương lịch




Từ độ hơn chục năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi độ xuân về là chúng ta lại phải chứng kiến một bản nhạc cũ mèm được những cái loa rè của đám trí thức thân phương Tây phát đi phát lại không biết nhàm. Ấy là chuyện Việt Nam ta nên ăn Tết theo Tây lịch để được văn minh, hiệu quả về kinh tế và thoát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lập luận về văn minh là rất nhàm, phương Tây ăn Tết theo dương lịch, phương Đông ăn Tết theo âm lịch, người Hồi giáo hay Do Thái giáo đều nghỉ ngơi theo lịch riêng của họ, đằng nào cũng là văn minh và có bản sắc riêng của cả. Lấy cái chuẩn mực nào để nói cái nào văn minh hơn cái nào, thật là thô thiển hết chỗ nói. Như ông bà ta vẫn nhắn nhủ, ấy là cái đám me Tây nên cứt tây cũng thơm. Phương Tây văn minh hơn hết là tư duy từ thời thuộc địa, các đế quốc phương Tây nhồi vào đầu các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ để dễ bề cai trị. Bây giờ các nước Châu Á độc lập tự do, kinh tế cũng đã khởi sắc, cớ gì ngu dại tin vào điều đó nữa.

Lập luận về hiệu quả kinh tế mới nghe thì xuôi tai nhưng kỳ thực là bịp bợm. Họ nói rằng ăn Tết theo dương lịch để cho đỡ gián đoạn việc sản xuất, bán hàng cho phương Tây. Điều này là vô nghĩa, thực tiễn công nghiệp hiện đại cho thấy điều đó được xử lý rất dễ dàng về mặt kỹ thuật, tức là sản lượng hụt đi do nghỉ lễ thì sẽ được làm bù trước đó hoặc sau đó. Bên cạnh đó vẫn còn một khía cạnh nữa mà các nhà giả trí thức bịp bợm của chúng ta lờ tịt đi, ấy là chuyện Việt Nam hiện giờ xuất khẩu đi khắp thế giới chứ không phải mỗi phương Tây, trong đó Trung Quốc cũng là một bạn hàng lớn. Nếu bây giờ lấy cái lập luận về hiệu quả kinh tế đó áp vào thì những người bán hàng cho Trung Quốc sẽ đòi phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc, những người bán hàng cho Ấn Độ sẽ đòi ăn Tết theo lịch Ấn Độ... vậy thì sẽ phải nghe ai. Nếu nghe một người thì những người khác sẽ hỏi lại rằng tại sao tôi phải hy sinh lợi nhuận của mình cho anh kia, anh có chia cho tôi đồng nào không? Thế đấy, những chuyện về kinh tế này chả đi đến đâu hết. Lại còn có một chuyện nữa là người ta kêu ca tết âm với tết dương gần nhau nên người lao động có tâm lý ăn chơi từ tết dương đến tết âm rồi chơi cả tháng giêng, chuyện này cũng vớ vẩn nốt. Thực tế tháng trước Tết âm lịch là tháng làm hàng bù cho kỳ nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp trước Tết đều tăng ca, công nhân thì tích cực vì có thêm lương thưởng. Sau Tết thì hoạt động mua sắm tiêu dùng giảm đi, do đã chi tiêu trước Tết, do vậy các doanh nghiệp đều có sản lượng thấp sau Tết, vì thế người lao động có nhiều thời gian rảnh rang để đi lễ hội hơn. Một ví dụ điển hình là ngành lắp ráp ô tô, trước Tết, hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô đều chạy hết công suất, làm việc 3 ca/ngày, sản lượng ô tô bán ra các tháng trước Tết cực lớn. Tháng sau Tết thì là thảm họa của các đại lý bán xe vì ai mua xe được đã mua từ trước Tết, sau Tết họ chạy đi chơi lễ hội, không mấy ai đi mua xe cả. Các trí giả của chúng ta khi nói về hiệu quả kinh tế cũng lờ tịt đi một khía cạnh thứ ba, họ giả định rằng sự thống trị về thương mại quốc tế thì sẽ thống trị về văn hóa, tức là giờ chúng ta bán hàng cho phương Tây thì phải ăn Tết theo dương lịch cho nó toàn cầu hóa. Câu hỏi ngược lại: Nếu Trung Quốc thống trị thương mại thế giới thì Việt Nam và cả phương Tây sẽ phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc? Đến đây thì các bạn hẳn đã biết câu trả lời, các trí giả của chúng ta sẽ tự vả vào miệng họ mà khăng khăng nói rằng, kinh tế có mạnh nhưng Trung Quốc vẫn kém văn minh, không nên theo Trung Quốc. Thực tế cho thấy các nước phương Tây giờ đây cũng đua nhau tổ chức lễ tết âm lịch của Trung Quốc để mong phát tài.

Cuối cùng, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là chuyện hài hước nhất tôi được nghe trong đời mình. Người Việt giờ ra đường đều mặc áo phông, quần jeans, uống cafe kiểu phương Tây, lúc cần lịch sự thì mặc veston, nói tiếng Anh ào ào trong làm ăn, đâu có thứ gì của Trung Quốc mà kêu ảnh hưởng. Việc buôn bán làm ăn với Trung Quốc của Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chuyện buôn bán không phải là ảnh hưởng hay phải thoát ảnh hưởng gì hết. Về mặt chính trị thì Việt Nam đã từng bước ký hiệp định phân chia biên giới rõ ràng với Trung Quốc để khẳng định sự độc lập của mình, chỉ có một phần tranh chấp trên những đảo ngoài khơi, nhưng chuyện tranh chấp đó là bình thường giữa các quốc gia ở gần nhau và Việt Nam không chỉ có tranh chấp duy nhất với Trung Quốc, còn có những nước khác như Malaysia, Đài Loan, Philippines. Nếu có đòi lại đảo thì đòi mấy nước kia chắc chắn dễ hơn đòi Trung Quốc, nhưng các trí giả hậm hực của chúng ta thường lờ tịt điều đó đi, họ chỉ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, tránh phải động tới các đồng minh của Mỹ.

Nhật Bản quá khứ và hiện tại

Người ta thường ca ngợi rằng Nhật Bản bỏ âm lịch theo dương lịch nên sau 100 năm đã trở thành giàu thứ hai thế giới nhưng người ta quên mất rằng Trung Quốc chả cần bỏ cái gì, chỉ cần 40 năm đã thành giàu thứ hai thế giới và đang trên đà trở thành giàu nhất thế giới.

Người Nhật bỏ âm lịch theo dương lịch vào năm 1873, nhưng họ giàu lên là nhờ quá trình tư bản hóa thành công giai đoạn sau Thế Chiến Thứ 2, chứ không phải việc bỏ âm lịch. Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản mặc dù hùng mạnh nhưng chỉ là một đế quốc nhỏ ở Phương Đông. Sau Thế Chiến Thứ Hai, khi nước Nhật thua trận và trở thành thị trường của Mỹ và phương Tây thì mới nhanh chóng phất lên, nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Việc nói Nhật Bản giàu lên nhờ bỏ âm lịch là tào lao.

Sau hơn một thế kỷ ăn Tết theo dương lịch thì người Nhật Bản lại đang muốn khôi phục lại bản sắc của mình. Họ muốn khôi phục Tết theo âm lịch.

Một vị công sứ Nhật Bản đã nói rõ rằng:

"Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện "chúng ta là ai?".
Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.
Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng".
Lý do của Nhật Bản rất rõ ràng, họ muốn tạo ra một bản sắc văn hóa riêng với sức kết nối cộng đồng mạnh mẽ để gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Hàn Quốc khôi phục Tết âm lịch

Người ta hay nhắc đến Nhật Bản như là hình mẫu bỏ âm lịch để giàu có nhưng lại quên mất nước láng giềng Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục lại Tết âm lịch sau gần 100 năm bị từ bỏ.

Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, sáp nhập Triều Tiên vào Nhật Bản và buộc người Triều Tiên phải sử dụng dương lịch như họ, điều này có nghĩa là Triều Tiên cũng phải ăn Tết theo dương lịch. Thế nên đối với người Triều Tiên khi đó, Tết theo dương lịch là biểu tượng của sự ô nhục, của sự mất nước. Suốt thời kỳ bị Nhật Bản cai trị, TriềuTiên cũng không vì ăn Tết theo dương lịch mà giàu lên được.

Sau đó Triều Tiên bị tách thành hai miền Bắc-Nam, miền Nam được gọi là Hàn Quốc. Nắm chính quyền ở Hàn Quốc là cựu các sĩ quan quân đội đánh thuê cho Nhật, họ vẫn làm ăn với Nhật Bản và áp dụng dương lịch cho đến tận năm 1985. Khi đó, người Hàn Quốc đấu tranh dữ dội để bỏ Tết theo dương lịch và khôi phục âm lịch, điều này không chỉ là yếu tố văn hóa mà nó còn phản ánh sự trỗi dậy của Hàn Quốc, họ muốn có bản sắc riêng và đoạn tuyệt với cái dấu hiệu ô nhục của thời mất nước. Vào năm 1989, Hàn Quốc chính thức khôi phục Tết âm lịch. Cùng với việc Tết âm lịch được khôi phục, hàng loạt các nghi lễ và phong tục truyền thống cũng được khôi phục, điều này đã góp phần tạo ra một Hàn Quốc có bản sắc văn hóa độc đáo và gia tăng các mối liên kết cộng đồng.

Hàn Quốc đã đi ngược dòng, thậm chí với sự giàu có của mình, các nước phương Tây cũng phải nở nụ cười cầu tài, chúc người Hàn Quốc ăn Tết âm lịch vui vẻ hàng năm. Giờ đây có ai dám nói Hàn Quốc lạc điệu với thế giới, âm lịch hay bị Hán hóa không?


Việt Nam trên con đường đi tới

Việc kêu gào đòi bỏ âm lịch để ăn Tết theo dương lịch ở Việt Nam thể hiện rõ một mặt là sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản, họ muốn phá vỡ các mối liên kết cộng đồng để thay nó bằng quan hệ tiền-hàng lạnh lùng, bởi vì sự thống trị của họ dựa vào quan hệ đó, mặt khác thể hiện sự yếu thế của họ, họ không có khả năng dựa vào những điều kiện văn hóa xã hội sẵn có của Việt Nam mà phải dựa vào sức mạnh của tư bản quốc tế, thế nên họ muốn tất cả mọi thứ phải dập khuôn theo phương Tây. Mặc dù những lập luận của đám trí giả trong vấn đề này rất tào lao và dễ dàng bị bẻ gãy, họ giống như những con rối mua vui cho đám báo lá cải mỗi độ xuân về, song không vì vậy mà chúng ta quên mất động cơ thật sự ẩn giấu sau việc này.

Nếu ai đó hỏi tôi về việc ăn Tết theo dương lịch thì tôi sẽ trả lời như thế này: Khi nào Việt Nam đủ giàu, cả thế giới sẽ chung vui Tết âm lịch với Việt Nam.