" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018
Bàn thêm về công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại và sách Tiếng Việt 1
Buồn thay, trong cơn hỗn loạn của dòng chảy dư luận, không ít các GS TS, các học giả, những nhà nghiên cứu và tệ hại hơn, các nhà quản lý giáo dục cũng bị cuốn vào trào lưu chửi bới vô tiền khoáng hậu này.
Buồn hơn nữa là trong lúc các bà quét rác, ông thợ xây thi nhau ném đá vào CNGD, còn các nhà khoa học, các “sản phẩm” lừng danh của CNGD và những người trực tiếp giảng dạy CNGD, Những nhà quản lý GD tử tế, thấy được những cái hay, vượt trội hay những hạn chế của CNGD so với chương trình chính thống hiện hành cũng có vẻ rụt rè, không lên tiếng.
Bàn thêm về công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại và sách Tiếng Việt 1
Tác giả: Phùng Hoài Ngọc (VNTB)
Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tranh cãi trên mạng về công nghệ giáo dục (CNGD của Hồ Ngọc Đại tôi theo dõi và chia sẻ những bài viết mà tôi cho là xác đáng, có căn cứ khoa học.
Buồn thay, trong cơn hỗn loạn của dòng chảy dư luận, không ít các GS TS, các học giả, những nhà nghiên cứu và tệ hại hơn, các nhà quản lý giáo dục cũng bị cuốn vào trào lưu chửi bới vô tiền khoáng hậu này.
Buồn hơn nữa là trong lúc các bà quét rác, ông thợ xây thi nhau ném đá vào CNGD, còn các nhà khoa học, các “sản phẩm” lừng danh của CNGD và những người trực tiếp giảng dạy CNGD, Những nhà quản lý GD tử tế, thấy được những cái hay, vượt trội hay những hạn chế của CNGD so với chương trình chính thống hiện hành cũng có vẻ rụt rè, không lên tiếng.
Sau khi quan sát theo dõi những gì diễn ra, xin có một vài ý kiến sau đây:
Hồ Ngọc Đại làm tiến sĩ tại Trường đại học tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov, trường đại học lớn nhất Liên Xô cũ. Khi ấy, nghiên cứu sinh Hồ Ngọc Đại rất tâm huyết, hăng say nói về một mơ ước, một dự án giáo dục sẽ thực hiện ở VN. Phương pháp giáo dục đó là dạy và phát huy tối đa năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của trẻ em, là niềm tin mãnh liệt rằng trẻ em thông minh hơn những gì chúng ta các bậc người lớn thường nghĩ về chúng. Ông nói không thể chịu được khi thấy trẻ em bị đào tạo như những con vẹt, sau này chỉ có thể trở thành những nô bộc tư tưởng.
Thật ra, dự án giáo dục này không phải ý tưởng, chương trình của ông Đại, mà của thầy ông, một GS cấp tiến ở Lomonosov, khi đó đang được đưa vào thí nghiệm ở cấp tiểu học tại Liên Xô. Thấy học trò của mình quá thích chương trình này, mong muốn đưa về thực hiện ở đất nước mình, ông thầy đã đồng ý chuyển giao miễn phí. Khi về Việt Nam, nếu tiến sĩ Đại không phải con rể ông Lê Duẩn và cái mác tiến sĩ xuất sắc Liên Xô, chắc chắn trường thực nghiệm Giảng Võ không bao giờ ra đời được để cho một người làm chủ. Sau mấy chục năm trôi qua, ông Đại nay cũng đã bát thập có dư, không hiểu các truyền nhân của ông sẽ tính sao với chương trình công nghệ này.
Có vẻ như mọi chuyện vẫn ổn như 40 năm qua, nếu không bất thình lình tóe ra một làn sóng chống lại chương trình giáo dục này, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giữa một bên là những người phản đối kịch liệt thậm chí kèm theo những lời lẽ thóa mạ, chửi bới vô văn hóa và một bên là những trí thức, các nhà văn hóa có tâm thực sự đối với giáo dục nước nhà đã cho ra những bài viết có cơ sở, luận cứ khoa học về chương trình giáo dục của HNĐ.
Tuy nhiên, khi đăng đàn trả lời nhà báo, GS Đại có vẻ khoa trương cường điệu cái CNGD của mình quá mức cần thiết. Ông nói “Trong lịch sử Việt Nam chưa từng có thế hệ trẻ như lớp người thế kỷ 21 này”. Ai đã từng học triết học duy vật, tối thiểu là triết cổ đại của Heraclite (535 – 475 tr.CN) về mệnh đề “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”hẳn sẽ thấy đó là một phát ngôn huề vốn. Ông lại nói “theo CNGD của ông, phụ huynh không dạy được con cháu” và đặc biệt ông say sưa “CNGD sẽ khiến cho trẻ em là, trở thành chính nó”. Rồi là “cá nhân là tế bào của xã hội chứ không phải gia đình”… Nhìn chung khi thuyết minh về CNGD có vẻ ông hơi lạc đề và cực đoan với những lý luận quá cũ và xáo. Hóa ra lời thuyết minh không thích hợp với công trình CNGD đã làm hại ông. Bởi tuồng như là ông thách thức chọc tức cả thiên hạ. Có lẽ tuổi già đã hại ông.
Cốt lõi CNGD – cũ người mới ta
Thầy ông, GS. Davydov, một trí thức Liên xô cấp tiến chịu khó nhìn sang phương Tây. Ông ta biết rõ cuộc cách mạng Phục Hưng với tiêu chí giải phóng cá nhân con người, đề cao sự độc lập của cá nhân đã hơn 500 năm qua.. Giáo sư đã truyền lửa cho học trò Hồ Ngọc Đại…(Thực ra khi ông Đại còn học ở Liên Xô thì lứa tuổi chúng tôi trong nước học sư phạm cũng được học những nguyên tắc giáo dục như “phát huy tính tích cực chủ động của học sinh”, “lấy người học làm trung tâm”. Tương tự những gì ông học ở Liên Xô).
Tuy nhiên, trong chế độ XHCN, chuyện nói một đằng làm một nẻo là chuyện thường ngày. Hoặc là tình trạng tiền hậu bất nhất. Sư phạm dạy nguyên tắc như thế, nhưng ra trường, dạy học lại rơi vào giáo điều, áp đặt như một quán tính cuả chế độ. Học sinh thi cử mà làm sai với đáp án của thầy thì điểm kém ngay.
Hệ thống giáo dục thực nghiệm của tiểu học Liên Xô cũng vấp phải sự kháng cự của những kẻ trung thành ý thức hệ. Điều này tương tự xảy ra khi trường tiểu học CNGD của ông Đại hoạt động ở Hà Nội.
Và tình trạng Bộ GD “đẽo cày giữa đường” vẫn diễn ra.
Khi các luật sư bắt bẻ về Luật giáp dục “nước ta chỉ có một bộ sách giáo khoa phổ thông” thì ông Đại không còn kiêng kỵ gì nữa. Ông tung hê ra “chính cựu bộ trưởng Phạm Vũ Luận và thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ủng hộ ông “lách luật” bằng cách đặt tên chương trình sách là “thực nghiệm” ! Cổ nhân nói “Ông già bảy chục tuổi chửi vua cũng không bị chém”, huống chi ông Đại đã tám ba. Chỉ kẹt cho hai ông cựu bộ- thứ trưởng Luận và Hiển bây giờ mang tội “lách luật” qua mặt quốc hội. Cơ mà hai ông này cũng nghỉ hưu và lãnh đủ các huân chương huy chương rồi, chả lẽ quốc hội lại hỏi tội và truy đòi ?
Cũng không thể nói ông Đại và cộng sự không có lỗi trong chuyện này. Tôi rất ngạc nhiên vì sao một chương trình thực nghiệm kéo dài đến 40 năm mà không có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hoặc áp dụng đại trà ?
Cần nói thêm về bộ sách Tiếng Việt 1
Ông Hồ Ngọc Đại là nhà tâm lý giáo dục học, chẳng phải ngôn ngữ học. Bộ sách tiếng Việt 1 là của cộng sự đứng dưới tên ông chủ biên. Có lẽ, ông Đại thấy nó “mới mẻ” nên thêm một “cái mới” cho phương pháp của ông thì cũng hay chứ sao.
Sách TV 1 đề ra cách đánh vần mới và cách đọc khác hẳn truyền thống.
Thực ra đánh vần chỉ là giai đọan đầu học chữ, tập viết của lớp 1, 2. Khi đã đọc thông viết thạo chẳng ai cần phải nhớ việc đánh vần làm gì. Phụ huynh mới kêu trời là trẻ con nó đánh vần như thế thì bố nó cũng chẳng hiểu.(Một ông bố miền Tây trong cái clip nọ giận dữ chửi bới, chê con nhỏ rằng chỉ qua những cái ô trống vuông tròn tam giác vô hồn mà đọc thành tiếng. Mà chẳng phải chỉ có ông bố miền Tây Nam bộ đâu nhé, khắp cả nước đấy). Mặt khác việc đánh vần nếu muốn thì có thể dùng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ban đầu, không học vần cũng được.
Đánh vần tiếng Việt có vài cách, cách nào cũng phải nói được tiếng Việt cho người nghe hiểu, viết sao cho người khác đọc được. Đường nào cũng đến La Mã thôi.
Sách Tiếng Việt 1 lại sai vài lỗi chính tả, có lẽ chỉ do in ấn, như “con dơi” (con sinh vật) lại viết là “con rơi” (trẻ em không có bố, con hoang). Lỗi chính tả không hiếm lạ, ai cũng có thể mắc khi sơ ý, vội vã, nhưng là sách giáo khoa thì bị “soi” là phải. Lại có truyện ngụ ngôn “Vẽ gì khó” đưa làm bài học, không ghi nguồn dẫn là truyện gốc Trung Quốc. Lại nữa, sách TV 1 của ông Đại bán đắt gấp ba lần sách đại trà.
Mấy chuyện sai lẻ tẻ đã bị thổi phồng thành to tát và chỉ trích gay gắt.
Buồn cười nhất là ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều nay đăng đàn nói “chính phủ không có kế hoạch cải cách tiếng Việt trong những năm tới”. Ông nói để dẹp yên dư luận, tuy nhiên lộ ra cái vớ vẩn là: tiếng Việt là sản phẩm của dân tộc tạo ra sau cả nghìn năm, chả ai cải tiến được cả. Người ta chỉ đang tranh cãi về chữ viết và đánh vần thôi, tiếng Việt vẫn cứ nguyên vẹn như thế và hàng ngày nó được bổ sung, thay thế, loại trừ theo năm tháng. Không có mệnh lệnh hành chính hay cá nhân xuất chúng nào sai khiến được tiếng nói dân tộc. Đảng và Chính phủ của ông cũng chả can thiệp được gì.
Hơn nữa, chương trình thực nghiệm cũng mới chỉ ở bậc tiểu học và dừng ở đó suốt từ 1978 đến nay. Phải có một tổng kết xem từ sự cải cách mang tính cách mạng như thế, sau lại chuyển đối tượng của mình lên cấp phổ thông trung học đại trà với đầy rãy những khiếm khuyết, thì cái gì đã và đang xảy ra ? Các học sinh tiểu học thực nghiệm lại hòa nhập vào học sinh phổ thông đại trà không thực nghiệm? Đám đa số đại trà đương nhiên lấn át cuốn hút bọn thiểu số phải theo. Thực nghiệm tiểu học trở thành công cốc.
Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, chương trình CNGD vốn không phải là đứa con ruột của ông Đại. Chưa có bài tổng kết nào nói tới việc chương trình dành cho trẻ em Nga này đã được “Việt Nam hóa” ra sao cho phù hợp với trẻ em Việt Nam ? Làm sao cho móc nối được tiểu học thực nghiệm với hai cái toa tầu trung học cấp 2 và 3 nặng nề phía trước để cả đoàn tầu GD tiến lên ? Chưa và chưa! Và đây chính là nhiệm vụ còn lại của Bộ Giáo dục, ông Đại cùng các cộng sự. (ý kiến TS Đào Tuấn )
Chúng ta hi vọng vào những trí thức chân chính, vì hiểu rằng trong chiến trận những người lính trinh sát là những kẻ dũng cảm, liều chết nhất và than ôi, mười kẻ đi, may ra có một người sống sót trở về. Trong văn chương và trong giáo dục cũng y như vậy.
Và hậu quả của cơn bão dư luận là ngành giáo dục TP HCM, Đà Nẵng, Phú Yên và một số địa phương khác đang hò nhau tẩy chay CNGD.
Phương pháp công nghệ giáo dục
Có thể nói, quan điểm chính của CNGD là “lấy người học làm trung tâm”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là tiến bộ. Có nhiều hướng giải quyết nhưng đều đi tới mục tiêu chung là biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Ở các địa phương sử dụng CNGD đều thu được coi là có kết quả tốt. Sơ bộ cho thấy HS vùng dân tộc thiểu số tiếp cận với Tiếng Việt nhanh, chính xác, hiệu quả. Các em cũng phát âm chuẩn, nhanh, đọc to, rõ hơn so với cách dạy theo sách giáo khoa hiện hành. HS ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có thể giải quyết dứt điểm tật nói ngọng…
Tuy nhiên, những ngày gần đây, trên mạng xã hội người ta vùi dập CNGD của Hồ Ngọc Đại không thương tiếc. Chung quy lại cũng chỉ từ cách ghi phiên âm C, K, Q là “cờ” thay vì “xê”, “ka”, “quy” của sách tiếng Việt lớp 1 vì nó “lạ tai”.
Hồ Ngọc Đại đã mang mô hình GD của nước Nga về áp dụng tại Việt Nam và cả đời ông tận tâm, tận lực để học thuyết này phát triển.
CNGD được ra đời cách đây tròn 40 năm và số phận của nó thăng trầm qua từng thời lãnh đạo Bộ GD. Từ giai đoạn phát triển rực rỡ (áp dụng trên 43 tỉnh thành), đến năm 2000, khi Bộ GD&ĐT cho ra đời bộ sách giáo khoa mới, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, CNGD của GS Hồ Ngọc Đại đành phải “lùi” về đại bản doanh của nó là Trường Thực nghiệm Giảng Võ Hà Nội.
Đến năm 2015, trước áp lực “Đổi mới giáo dục toàn diện” mà chưa biết đổi mới cái gì ? đổi mới từ đâu?…Bộ GD&ĐT đã tìm đến CNGD của Hồ Ngọc Đại. Theo GS Hồ Ngọc Đại, cái được lớn nhất của ông là triết lý GD của mình chính thức đi vào cuộc sống. Đó là khát vọng lớn nhất của ông, của một nhà khoa học đã từng từ chối chức thứ trưởng Bộ GD để đi dạy lớp 1.
Giữa lúc dư luận đang rất “nóng”, ngày 8/9, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam công bố ý kiến kết luận của hội đồng thẩm định tài liệu, “Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT” triển khai tài liệu phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và 2018-2019 và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD &ĐT cho rằng: “Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”.
Vậy là Bộ GD&ĐT đã thay Thủ tướng, Quốc hội trả lời nội dung một số đơn từ của những người sốt ruột gửi lên.
Tuy nhiên, phần còn lại trong lòng của một nhà khoa học có lẽ là nỗi buồn da diết. Tại sao những tư tưởng “lạ”, sáng kiến “khùng” thường phải đi ngược chiều với quan điểm truyền thống? Tại sao đến thế kỷ XXI rồi, suốt ngày ra rả CMCN 4.0 mà tiếp nhận cái mới, cái khác biệt lại khó thế ?
Ghi chú: Cần phân biệt cách làm của GS Đại với PGS. Bùi Hiền.
Ông Bùi Hiền lại đòi cải cách chữ quốc ngữ, thay thế chữ cái và đánh vần khác hẳn. Vì ông Hiền nói hệ thống chữ Việt vô lý. Ông này đã bị Viện ngôn ngữ học chính thức bác bỏ rồi, không nhắc lại nữa.
TS Đào Tuấn bạn học cùng trường với Gs Đại vào trang web xem lịch sử phát triển của Trường Thực nghiệm Số 91 Moscow, nơi các giáo sư như Davydov, Elkonin cùng các cộng sự dày công vun đắp. Vào những năm 1975-1980, phòng thí nghiệm của V.V. Davydov cùng với các giáo viên trường Tiểu học 91 Moscow thực hiện kế hoạch đặt hàng của Bộ Giáo dục. Kết quả là vào cuối những năm 1970, một hệ thống giáo dục tiểu học mới hùng hậu đã ra đời. Lý thuyết và thực hành về hoạt động giáo dục của D.B. Elkonin và V.V. Davydov được coi là tài liệu thống trị ở tiểu học.
Vậy mà đến những năm 1980, V.V Davydov bị “lên thớt” xét xử. Năm 1982, vì lý do ý thức hệ, các hoạt động thực nghiệm ở trường 91 Moscow đã bị cấm. Mặc dù vậy, giáo viên của trường 91 tiếp tục làm việc trên các tài liệu thử nghiệm trong điều kiện bí mật. Một số nhà tâm lý học từ phòng thí nghiệm cũ của V.V. Davydov không thể tiến hành các thí nghiệm trong các lớp học, nhưng họ tiếp tục nghiên cứu các hoạt động giáo dục của mình tại các viện nghiên cứu.
Đến năm 1984, D.B El’konin qua đời, các môn đệ và những người theo ông dưới sự lãnh đạo của Boris Daniilovich đoàn kết bên nhau để tiếp tục sự nghiệp của THẦY: Học thuyết phát triển phương pháp giáo dục.
Tuy nhiên, đến những năm 1990, công cuộc cải tổ (Perestroika) khiến hệ thống GD phải lột xác và học thuyết phát triển phương pháp giáo dục của Davydov và Elkonin lại lên ngôi. Các trường tiểu học trên cả nước lại rầm rập theo học học thuyết của hai ông. Các trung tâm đào tạo GV theo hệ thống Davydov-Elkonin mọc lên như nấm, SGK của trường phái Davydov-Elkonin in nhanh như in báo…Trong bối cảnh ấy, trường 91 Moscow trở thành Trung tâm bồi dường nâng cao cho giáo viên Tiểu học.
Hệ thống GD D.B. Elkonin , V.V. Davydov chính thức được nhà nước công nhận vào năm 1996. Theo quyết định của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, hệ thống D.B. Elkonin – V.V. Davydova trở thành một trong ba hệ thống giáo dục tiểu học của Liên bang Nga.
Năm 1998, D.B. Elkonin (sau khi chết), V.V. Davydov và một số nhân viên của phòng thí nghiệm của ông đã được trao giải thưởng Tổng thống Nga cho việc tạo ra một hệ thống D.B. Elkonin – V.V. Davydov ở trường tiểu học. Năm 1999, Giải thưởng Chính phủ RF đã được trao cho G.N. Kudina, Z.N. Novlyanskaya (NCV của Viện Tâm lý học), N.E. Burstina và M.P. Romaneyeva (giáo viên của Trường 91 Moscow)….
Số phận “Học thuyết phát triển phương pháp giáo dục” của V.V Davydov và D.B Elkonin có cái kết có hậu, còn CNGD Hồ Ngọc Đại sẽ ra sao?
Năm nay, các tỉnh đang lục tục chia tay với CNGD, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị cho ra đời chương trình SGK mới.
Vậy thì lý gì lại chửi một nhà khoa học khi phương pháp của họ còn khiếm khuyết, chửi đến độ nghe và đọc xong không còn dám tin vào lòng nhân của người Việt. Họ đâu phải là Đấng toàn năng. Họ đưa ra chương trình, Bộ GD đồng ý họ mới thực hiện được.
Nếu triển khai rộng khi chưa có một đội ngũ giáo viên được huấn luyện cách dạy theo hướng này một cách bài bản thì bất cập. Vai trò của GS Đại là chưa đáp ứng đủ điều kiện căn bản đó. Phương pháp mới chưa đưa vào trường sư phạm.
Giáo dục là chuyện của toàn xã hội, gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, giảng dạy phải là chuyện của nhà trường.
Vừa kêu ca về sự phải tham gia quá sâu vào việc học của con do những bất cập trong giáo dục nước nhà, phụ huynh vừa phẫn nộ vì không được tham gia vào đó do không nắm được phương pháp dạy mới là sự rất khó hiểu.
Bất cứ chương trình cải cách giáo dục nào, đều hướng đến mục đích làm cho việc giáo dục học sinh tốt hơn. Nhưng đây là lý thuyết, vì thực tế nhiều năm qua, những cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm lòng dân chán ngán về tính không hiệu quả và những thay đổi xoành xoạch của nó. Vì vậy dễ hiểu vì sao chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị phản ứng quyết liệt như vậy, không cần phân định đúng sai, thậm chí hình thành một phong trào a dua, nói theo. Đó là vì tâm lý người dân đã bị ức chế với những “cải cách” liên miên của Bộ Giáo dục. Chuyện này thì phải trách chính Bộ lúng túng gây ra bức xúc trong xã hội.
Cuối cùng, sự đa dạng các chương trình giáo dục sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính các em học sinh và phụ huynh. Phụ huynh nào còn phân vân có thể vẫn cho con theo học những trường không áp dụng công nghệ giáo dục của GS Đại, hoặc cho con học sách của nhóm Cánh Buồm. Giáo dục không được độc quyền. Tri thức không được độc quyền. Càng nhiều chương trình giáo dục thì người dân càng có nhiều sự lựa chọn. Nên duy trì nhiều chương trình giáo dục song song, không nên độc quyền một chương trình nào cả, điều đó cũng giúp cho việc triệt tiêu lợi ích nhóm. Dù cho đến nay vẫn chưa có 1 công trình khoa học nào thẩm định lại hiệu quả của các chương trình giáo dục. Đã đến lúc cần làm việc này để giúp cho người dân hiểu biết để mà lựa chọn chương trình giáo dục nào phù hợp với con em mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét