Cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (Đài Loan) để xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì tại khu công nghiệp Singapore Ascendas-Protrade. Dự án có quy mô sản xuất hơn 1 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới 1 tỷ USD.
Còn ở phía Bắc, Tập đoàn Texhong cũng đang khẳng định sự hiện diện tại Việt Nam bằng hàng loạt dự án trăm triệu USD. Ngoài một nhà máy sợi 300 triệu USD đã đi vào hoạt động từ năm 2013 ở Quảng Ninh, năm 2014, Texhong cũng đã chính thức khởi công Dự án hạ tầng khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD, đồng thời đổ thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính địa điểm này.
Ngoài ra, hàng loạt dự án FDI vốn “khủng” khác cũng đang được các DN Trung Quốc triển khai đầu tư. Đó là Dự án Lốp xe Việt Luân, vốn đầu tư 400 triệu USD tại khu công nghiệp Tây Ninh; Dự án chế biến cao su Tân Cao Thâm tại Lào Cai với tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD; Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung tại Lào Cai, với vốn đầu tư 337,5 triệu USD...
Thực tế, từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn. Trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, hầu như không có tên của Trung Quốc. Nhưng gió đã đổi chiều, kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Điển hình là từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong top 10 các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường béo bở TPP. 2 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc tiếp tục nằm trong top 3 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Lý giải việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm đến, chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh cho rằng chiến lược của Chính phủ Trung Quốc hiện nay là khuyến khích, thúc đẩy các DN đầu tư ra nước ngoài để thu lợi, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước.
Nhận định này của TS. Bùi Trinh khá tương đồng với các nhận định được Ủy ban về quan hệ Mỹ Trung (USCC- China Economic and Security Review Commission) nêu ra trong báo cáo của tổ chức này về quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo USCC, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài bằng cách sử dụng quỹ ngoại hối dự trữ và cố gắng giảm mức độ đầu tư quá đáng trong nước. Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng từ 34 tỷ USD vào năm 2003 lên đến 525,7 tỷ USD vào năm 2013. Cũng trong khoảng thời gian này, đầu tư nước ngoài vào các nước ASEAN đã tăng mạnh từ khoảng 300 tỷ USD vào năm 2003 lên đến 1.500 tỷ USD vào năm 2013.
Trước dòng chảy vốn FDI của Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã từng có một nghiên cứu chi tiết về nguồn vốn này. Theo đó, điểm có ích khi Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là FDI của Trung Quốc đã góp phần bổ sung nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển của Việt Nam cũng như bổ sung nguồn vốn cho cán cân thanh toán. Ngoài ra, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao năng lực cho người lao động ở Việt Nam; làm cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế của các nước trong khu vực châu Á và nền kinh tế thế giới.
Tuy vậy, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế của dòng vốn này. Đó là FDI của Trung Quốc không chú ý đến các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài suốt từ Bắc đến Nam của Việt Nam. Tình hình này đã gây nên sự xáo trộn trong quy hoạch ngành, vùng, miền kinh tế của Việt Nam. Mặt khác nếu quản lý các dự án này không tốt, sẽ còn gây nên nguy cơ về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh đó, FDI của Trung Quốc yếu kém trong chuyển giao công nghệ, phần lớn là công nghệ lạc hậu hay thuộc các ngành gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, mức lương thấp, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài. Đây chính là hạn chế lớn nhất của các DN FDI Trung Quốc tại Việt Nam. Có nhiều mối quan ngại rằng việc NK máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc có thật sự hiệu quả hay Việt Nam là nước tiêu thụ lại công nghệ lỗi thời, lạc hậu cho Trung Quốc…
Mai Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét