Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Bản chất thực sự của trạm thu phí BOT là gì?



BOT là một thuật ngữ tiếng Anh được sử dụng nhiều trong các văn bản cũng như trong giao tiếp bình dân hàng ngày của người Việt Nam. Vậy BOT là gì và trạm thu phí BOT là gì?


Thuật ngữ BOT là viết tắt của cụm từ (Build – Operate - Transfer) hay còn gọi là Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao trong kinh tế. Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định về Đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư Hợp đồng thì Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo dạng BOT ở nước ta hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một quốc gia đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thậm chí, trong khoảng 5 năm gần đây, có hàng trăm hợp đồng BOT đang mọc lên như nấm vì nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Có thể hiểu nôm na thì những công trình này được hình thành trên cơ sở hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu từ tiến hành xây dựng công trình giao thông (cầu và đường), nhà đầu tư có quyền kinh doanh công trình trong thời gian nhất định. Khi hết thời hạn thì lúc đó nhà đầu tư mới chuyển giao cho nhà nước quản lý.



Hình ảnh một trạm thu phí BOT. Ảnh: Zing.vn

Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền. Và để thu tiền của các phương tiện tham gia giao thông thì các chủ đầu tư sẽ xây những trạm thu phí.

Trạm thu phí BOT là những trạm chốt được lập nên tại các tuyến đường thuộc dự án BOT với chức năng thu phí đường bộ của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Số tiền thu được từ người tham gia giao thông sẽ được dùng vào việc chi trả, bảo trì và nâng cấp các tuyến đường. Hiện nay, mức tiền thu phí được nhà nước quy định và điều chỉnh theo từng thời điểm, từng loại hình phương tiện và từng tuyến đường khác nhau.

Mức thu phí tại các trạm BOT được quy định theo thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương).

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm:Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Các trường hợp được miễn phí

- Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.

- Xe cứu hỏa.

- Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.

- Xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão.

- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân.

Ngoài ra, đối với xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng còn bao gồm các phương tiện cơ giới đường bộ mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm (dưới đây gọi chung là biển số màu đỏ) có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (không phải là xe vận tải thùng rỗng) như: công trình xa, cẩu nâng, téc, tổ máy phát điện. Riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân). Xe chuyên dùng phục vụ an ninh của các lực lượng công an (Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện)

- Đoàn xe đưa tang.

- Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường.

- Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc” được quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính không phải nộp phí khi qua trạm thu phí. - Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ quốc lộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

- Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Ánh Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét