Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Phân lớp từ ngữ theo nguồn gốc Lớp từ thuần Việt





Như đã trình bày ở phần đầu, trong mọi từ vựng, trừ những từ ngoại nhập ra, phần cơ bản còn lại được gọi là lớp từ bản ngữ hay lớp từ thuần. Chẳng hạn, lơpf từ thuần Việt, thuần Nga, thuần Khmer...


Lớp từ thuần Việt là cốt lõi của từ vựng tiếng Việt. Nó làm chỗ dựa và có vai trò điều khiển, chi phối sự hoạt động của mọi lớp từ khác.

Về mặt nguồn gốc, cơ sở hình thành của lớp từ thuần Việt là các từ gốc Nam phương, bao gồm cả Nam Á và Tày Thái. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhiều bộ phận, nhiều nhóm của lớp từ thuần Việt có những tương ứng, những quan hệ hết sức phức tạp với nhiều ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ trong vùng.

Ví dụ:

1. Tương ứng Việt-Mường:
vợ, chồng, ông, ăn, uống, cười, bơi, nằm, khát, trốn, gáy, mỏ, mâm, rá, chum, nồi, vại, váy, cơm, cây, củ, rạ, mây, cau, cỏ, gà, trứng...

2. Tương ứng Việt – Tày Thái:
đường, rẫy, bắt, bóc, buộc, ngắt, gọt, đẵn, bánh, vắng, mo, ngọn, mọn, méo, vải, mưa, đồng, móc, nụ, gà, chuột, đâm...

3. Tương ứng với các ngôn ngữ nhóm Việt Mường đồng thời với nhóm Bru-Vân Kiều:
trời, trăng, đêm, bụng, ruột, kéo, bốc, ngáy, khạc, củi, hột, rắn, khô...

4. Tương ứng với nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer ở Tây Nguyên Việt Nam:
trời, mây, mưa, sấm, sét, bàn chân, đầu gối, da, óc, thịt, mỡ, bố, mẹ, mày, nó, nuốt, cắn, nói, kêu, còi, mặc, nhắm, bếp, chổi, đọi..

5. Tương ứng với nhóm Việt-Mường và các ngôn ngữ Mon-Khmer khác:
sao, gió, sông, đất, nước, lửa, đá, người, tóc, mặt, mắt, mũi, răng, lưỡi, cổ, lưng, tay, chân, máu, xương, cằm, đít, con, cháu...

6. Tương ứng với nhóm Việt Mường và Tày Thái:
bão, bể, bát, dao, gạo, ngà voi, than, phân, cày, đen, gạo, giặt...

7. Tương ứng Việt – Indonesia:
bố, ba, bu, mẹ, bác, ông, cụ, đất, trâu, sông, cái, cây, núi, đồng, mất, nghe, đèn, đêm, trắng, tuổi, ăn, cướp, bướm, sáng, rất, nấu, này/ni, là, rằng, ngày...
Các ví dụ trên đây chứng tỏ rằng cội rễ của từ vựng tiếng Việt hết sức phức tạp. Chúng gồm nhiều nguồn đan xen, chồng chéo, thậm chí phủ lấp lên nhau. Nghiên cứu chúng sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc khảo cứu nguồn gốc tiếng Việt nói chung.

Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 213–219.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét