" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017
TẢN MẠN HOA VÀ RƯỢU
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
HOA
Không rõ từ bao giờ, người ta đã ví đời Hoa với đời Người, đặc biệt là với Người đẹp. Mỹ nhân như hoa cách vân đoan. (Người đẹp như hoa cách tầng mây), Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung (Ngỡ mây là xiêm áo, ngỡ hoa là dung nhan)… Lý Bạch đã nhiều lần thảng thốt ngỡ người đẹp là hoa, ngỡ hoa là người đẹp. Lưu Tích Vũ uống rượu bên hoa lại “Chỉ e hoa nói nên lời: Em không phải nở cho người già nua” (Đãn sầu hoa hữu ngữ – Bất vị lão nhân khai) v.v… Đấy là rung cảm của người thơ về hoa.
Lại có những loài hoa cảm người thì thật lạ. Chỉ cần chạm tay vào cây hoa tử vi, lập tức tất cả hoa đều rung động. Một nhà sư ở chùa Từ Hiếu kể tôi nghe chuyện ông chăm sóc hai cây hoa nguyệt quế, chế độ chăm sóc giống nhau, nhưng tình cảm với cây khác nhau, rốt cuộc cây hoa ông dành tình cảm ưu ái thì nở hoa, còn cây kia thì không. Sách xưa cũng ghi chuyện Võ Hậu ra lệnh cho các loài hoa quanh cung cấm phải nở hoa cho bà thưởng ngoạn, tất cả các loài hoa đều tuân lệnh, riêng Lục Mẫu Đơn là không chịu nở. Hoá ra hoa cũng ưa chiều chuộng và hoa cũng biết giữ gìn khí tiết lắm thay.
Cái hạnh phúc của con người xứ nhiệt đới là quanh năm sống giữa bốn mùa hoa. Hoa gắn bó chia sẻ buồn vui với con người từ khi lọt lòng cho đến lúc trở về cát bụi. Từ vẻ đẹp thiên nhiên, hoa trở thành vẻ đẹp văn hoá khi đi vào thuần phong mĩ tục từ đời này qua đời khác. Hoa sinh nhật, hoa cưới, hoa tết, hoa tặng, hoa trang trí, hoa cảnh và hoa tiễn đưa đời người về nơi an nghỉ cuối cùng. Chưa hết, hoa còn được đặt trên bàn thờ cúng những hương hồn và thần linh. Có những loài hoa được chọn làm biểu tượng riêng cho từng mĩ tục. Trong ngày Lễ Nhớ Mẹ, các cô gái Nhật mang những giỏ hoa hồng màu trắng đi ra đường, cài hoa lên ngực áo những chàng trai đã mồ côi mẹ. Hoa hồng đỏ lại thường là biểu tượng của tuổi tác. Tình cờ tôi gặp một cô gái bên bến sông Thương mừng mẹ tròn 70 tuổi bằng cả một lẵng hoa gồm 70 bông hồng đỏ. Trong đám tang thi sĩ Xuân Diệu, giữa hàng trăm vòng hoa viếng, hiện lên một vòng hoa trắng độc sắc, đấy là vòng hoa của người vợ xưa đưa tiễn sự trinh trắng của chàng. Ngày tết, người miền Bắc coi hoa đào là “chúa xuân”, người miền Nam lại lấy hoa mai làm biểu tượng. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, không ngẫu nhiên Nguyễn Du tả Kiều lại ví nàng với cốt cách của mai, và cũng không dễ gì Cao Bá Quát thốt lên Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một kiếp cúi đầu lạy hoa mai). Chả thế mà thời Ngô Đình Cẩn quyền thế nhất miền Trung đã đem cả toà nhà đòi đổi một cây Mai thế trăm tuổi ở Long Thọ (Huế) mà chủ nhân của nó vẫn không chịu đổi.
Tôi đã được gặp những “bữa tiệc hoa” trong các gia đình Hoàng phái Huế. Mỗi đĩa thức ăn là một đĩa hoa. Từ món lòng gà xào dứa được sắp xếp thành hoa mai, hoa hồi, đĩa giò mỡ có nhân trứng hoa vàng, đến đĩa dưa món, đĩa rau sống thì quả là trăm hoa đua nở. Chỉ một đĩa rau sống đủ chứa đựng cả thế giới chan hoà màu sắc: Trên bầu trời xanh màu rau, nổi lên những ngôi sao vàng khế, những mặt trời đỏ rực cà chua, những vành trăng khuyết màu ngà của trái vả, những búp hoa ngọc lan trắng nõn màu đu đủ, và ớt đỏ nở túa ra những cánh hoa màu lửa. Bữa tiệc được kết thúc bằng món “bánh hoa” ngũ sắc thơm thảo, ngọt ngào như thấm đẫm hương vị tuyệt diệu của trời đất. Lúc ấy, thực khách hẳn sẽ phải thốt lên một tiếng khen “ngoo… oong” kéo dài theo kiểu Huế để cám ơn gia chủ.
Hoa gắn bó với con người đến nỗi, cha mẹ sinh con cũng lấy tên hoa mình yêu thích để đặt tên cho con cái. “Những Hồng những Cúc những Lan/ Những Mai những Huệ trần gian nao lòng”. Sư Giới Đức ở chùa Huyền Không còn lấy tên hoa đặt tên cho ngôi nhà lá đọc sách ngâm thơ của mình là Lý Thảo Đình, bởi vì khi làm xong ngôi nhà này, sư ông treo vào đó một chậu lan Lý Thảo, và sáng hôm sau bỗng thấy nó nở những nhành hoa rực rỡ. Ngược lại có tên người lại được dùng để nói về hoa như Chuỗi trăm hoa Tống Thị chẳng hạn. Theo Mộng Kinh sư thì Tống Thị là một mĩ nhân có tài kết chuỗi trăm hoa, ai đã ngửi thấy hương thơm của chuỗi trăm hoa do tay nàng kết thì đều mê mẩn hướng vọng về nàng. Tống Thị đã không chỉ làm say lòng chúa Nguyễn trong Nam, mà chuỗi trăm hoa của nàng còn làm cho Trịnh Tráng ngoài Bắc xao xuyến tâm thần phải mở cuộc Nam chinh để dẹp lòng người đẹp. Phải chăng, Tống Thị đã phối hưởng của nhiều loài hoa để tạo ra một mùi hương quyến rũ đặc biệt?
Đã là người thì có sinh có tử, đã là hoa thì có nở có tàn. Nhưng hoa đẹp chóng tàn thường khiến lòng người thảng thốt không nguôi. Nếu như đời hoa phù dung đẹp trọn từ bình minh đến hoàng hôn, thì đời hoa quỳnh – “nữ hoàng ban đêm” – chỉ làm cuộc hiến dâng trong chốc lát. Sắc đẹp và hương thơm của nàng hoa kiêu kì và đài các này chỉ dành cho người biết thưởng hoa mà thôi, nhờ thế mà người đời bày ra thú vui “uống rượu xem quỳnh nở”. Nói là thú vui, nhưng khi nhìn thấy hoa quỳnh rũ cánh tự liệm mình, lòng người thưởng hoa buồn ứa lệ, xao xuyến mãi trong lòng tâm trạng vừa hay tin người đẹp đã qui tiên…
Triêu vi phất vân hoa/ Mộ vi uỷ địa tiều (Sớm còn là cây hoa cao ngất tầng mây/ Chiều đã thành củi khô lăn lóc trên mặt đất). Bạch Cư Dị mười ba thế kỉ trước đã nhìn thấu cái chớp mắt kinh hoàng của đời Hoa, đời Người vậy đó. Nhìn thấu để cảm thông chia sẻ. Nhìn thấu để trân trọng, nâng niu, gìn giữ, yêu thương Cái Đẹp chớp mắt của Hoa, của Người vậy!
RƯỢU
Rượu là một yếu tố đặc biệt trong sinh hoạt văn hoá từ xa xưa. Từ lễ tết hội hè đình đám đến những cuộc vui chơi thù tạc đều thấy sự hiện hữu của rượu, nó là chất men kích thích con người trở về với tự nhiên, xoá đi những hàng rào ngăn cách của ý thức. Người xưa nói Nam vô tửu như kì vô phong (Đàn ông không rượu như cờ không gió) chính là nói về cái lẽ tự nhiên mà rượu mang tới. Kề cận các trung tâm chính trị, văn hoá của các triều đại đều thấy xuất hiện những “trung tâm rượu” nổi tiếng và thường được duy trì lâu dài về hậu thế. Nếu như loài người đã tạo ra văn hoá, thì “văn hoá rượu” quả là đáng kể.
Tôi có may mắn được uống rượu từ nhiều “trung tâm rượu” của đất nước mình, nhưng đáng kể nhất vẫn là rượu làng Vân (Hà Bắc) và rượu Bàu Đá (Bình Định). Làng Vân thuộc vùng Kinh Bắc xưa, sau nhà Lý dời đô lên Thăng Long thì cũng chỉ cách lò rượu này vài chục cây số. Còn lò rượu Bàu Đá gần như kề sát kinh thành của người Chăm xưa. Năm 1985, tôi được chứng kiến lần đầu tiên nhạc sĩ Văn Cao uống rượu Bàu Đá vừa lấy ở lò ra, ông rất ngạc nhiên về sự thơm ngon đậm đà kì lạ, và đã đem so rượu Bàu Đá với rượu làng Vân. Ông nhận xét: “Rượu Vân mỏng, rượu Bàu Đá dày”. Những lò rượu nổi tiếng như thế đều được sản xuất với kĩ thuật bí truyền đặc biệt, đó là kĩ thuật ủ men, kĩ thuật chưng cất và có khi cái ngon đặc biệt của rượu nằm trong nguồn nước dùng chỉ có ở riêng một vùng đất mà thôi. Để giữ riêng kĩ thuật nấu rượu của mình, trước đây con gái làng Vân không được đi lấy chồng làng khác. Ngược lại, con gái Bàu Đá dẫu có về làm dâu vùng khác vẫn không thể nấu được rượu ngon như khi nấu rượu ở chính quê mình.
Kĩ thuật nấu rượu bí truyền ở làng Vân cho đến nay vẫn là cả một bí mật không dễ gì khám phá. Mấy năm trước, một đoàn cán bộ sinh hoá đã đến làng Vân nghiên cứu và làm thực nghiệm với những công cụ và phương tiện hiện đại để đối chiếu với công nghệ nấu rượu thủ công của một chị nông dân. Rốt cuộc, mẻ rượu của chị nông dân ngon và dịu hơn hẳn mẻ rượu của các nhà sinh hoá, dù “phương tiện” kiểm tra của chị chỉ có tay và mắt. Với công nghệ thủ công mà rượu làng Vân nổi tiếng khắp gần xa, và đã trở thành nguồn rượu quí đối với văn hoá ẩm tửu của vua quan ở kinh thành Thăng Long một thuở, nó từng được đóng vào các bình sứ với nhãn hiệu Vân Hà mĩ tửu có vẽ hình ông tiên cầm gậy trúc. Nhưng cũng có thời do tình hình khan hiếm lương thực, chính quyền đã cấm nấu rượu và tịch thu các phương tiện sản xuất ở lò rượu làng Vân.
Việc cấm rượu rốt cuộc đã không thành vì ẩm tửu đã trở nên một nhu cầu văn hoá có tính truyền thống. Bây giờ thì rượu làng Vân, rượu Bàu Đá không những được bảo tồn mà còn có xu hướng phát triển với qui mô lớn. ở Hà Bắc đã có cả một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công cung cấp cho các đại lí, các khách sạn du lịch, các sân bay quốc tế và xuất khẩu ra nước ngoài với nhãn hiệu Vân Hương mĩ tửu. Tết vừa rồi ghé Vinh, tôi được nhà thơ Hồ Phi Phục thết một chai “Vân hương mĩ tửu”, mà chai và hộp đẹp không kém gì thứ rượu Tây mà ta vẫn thường gặp. Nhưng điều đáng nói hơn là loại “rượu nội” này còn ngon hơn bất cứ một thứ vốt-ca hảo hạng nào của Âu châu. Gần đây, có dịp đến Bắc Ninh, trong một cuộc nghe hát quan họ, tôi lại được nhấp một loại rượu Vân đặc biệt nữa, đấy là rượu cốm. Nghe đồn rằng, người làng Vân bây giờ không chỉ nấu rượu gạo, rượu sắn, rượu nếp như trước nữa, mà người ta còn nấu rượu bằng cốm. Cô gái quan họ chít khăn mỏ quạ, mang áo mớ bảy mớ ba, nâng trên tay ly rượu cốm trong veo, hát câu dân ca duyên dáng mời khách:
Tay tiên chuốc chén rượu đào
Sánh ra thì tiếc, uống vào thì say…
Nâng chén rượu lên môi, mùi hương cốm thấm hơi men toả thơm ngào ngạt. Rượu vừa nhấp đã cảm thấy người râm ran một cảm giác ngất ngây diệu vợi, cặp mắt, nụ cười trở nên tươi sáng kì lạ, và đầu óc bỗng minh mẫn khác thường. Theo sử sách ghi lại thì từ thời cổ đại, rượu là thứ đồ uống nhật dụng thường ngày kích thích bữa ăn thêm ngon miệng hoặc truyền thêm sức mạnh tinh thần cho con người, dần dà nó mới đi vào lối sống cao thượng của kẻ sĩ. Họ mượn rượu để bày tỏ nhân cách và quan niệm nhân sinh của mình. Rượu giúp cho văn nhân có cảm hứng khác thường, kích phát trí tưởng tượng và làm bùng cháy lên những tình cảm bột phát của linh tính. Những bài thơ tuyệt tác của Lý Bạch đều liên quan đến rượu là bằng chứng của sức sáng tạo bôn phóng độc đáo được rượu nuôi dưỡng và kích phát: Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân (Nâng chén mời trăng sáng/ Cùng với bóng thành ba người). Nguyễn Du hẳn cũng là đệ tử của Lưu Linh khi ông viết: Hữu khuyển thả tu sát/ Hữu tửu thả tu khuynh (Có chó cứ giết thịt/ Có rượu cứ nghiêng bầu) để rồi phóng ra những câu thơ phát sáng bất hủ. “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Hầu như các thi nhân đông tây kim cổ đều dính líu đến rượu. Chả thế mà từ xưa đã có câu “bầu rượu túi thơ” nói về mối quan hệ cực kì mật thiết giữa thơ và rượu.
Cái thú ẩm tửu làm phát lộ những tố chất chứa đựng tinh hoa của con người. Khai mở những giới hạn ràng buộc nặng nề trong cuộc sống, giải phóng những ẩn ức và thể hiện tâm cách một cách tự nhiên, mang tới niềm cảm thông, vui sống và sáng tạo. Đấy là Tiên tửu. Dưới Tiên tửu là Tục tửu, và sau nữa là Cuồng tửu. Những kẻ tục tửu thường lấy rượu làm mục đích, uống càng nhiều càng oai, nốc càng lắm càng hùng. Những kẻ cuồng tửu lại thường không kìm chế nổi mình, càng uống càng hung dữ. Vậy là rượu với người này hoá hay, rượu với kẻ kia hoá dở. “Tỉnh rồi mới biết mình say/ Tưởng là tại rượu, đâu hay: Tại mình”. Câu thơ tự kiểm của một người quá chén, kể cũng dễ thương sao. Có lần người viết bài này đã lẩn thẩn nghĩ rằng, bên cạnh bức tượng người phát minh ra nguyên tử cũng cần dựng thêm tượng của người phát minh ra rượu. Sức công phá của rượu đâu có thua gì sức công phá của nguyên tử. Vấn đề là người ta phải sử dụng nguyên tử và rượu như thế nào để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ đừng dùng nó vào mục đích huỷ diệt những tốt đẹp được xây đắp từ bao đời.
Sẽ buồn tẻ biết bao nếu trên đời này không còn cái thứ nước mang tên là Rượu. Tất nhiên, điều ấy chẳng bao giờ xảy ra. Có như vậy, những lễ tết hội hè đình đám, gặp gỡ, chia li mới thêm niềm tri kỉ. Những cô gái trong cuộc vui chỉ nhấp môi vào ly rượu đủ ửng hồng đôi má, mà vẻ đẹp trở nên rực rỡ khác thường. Những chàng trai cạn vài ba chén rượu có thể đi tận mọi chân trời góc bể. Và các cụ già bên chén rượu nhâm nhi, như sống lại cả quãng đời oanh liệt tự hào. Và tết đến, tất nhiên rồi, xin đừng quên rót mời nhau chén rượu mừng xuân:
Tết mời nhau rượu uống
Nào ai nỡ chối từ
Cụng ly nghe mới sướng
Dốc cạn niềm tâm tư…nạn niềm tâm tư…
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét