Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM CUỐI.


Có một bậc thầy Tây Tạng khai thị cho mọi người: “Học để biết chết như thế nào, tức là học để biết sống như thế nào. Mà học để biết sống như thế nào là học cách để hành động, không những trong kiếp này mà còn trong nhiều kiếp sắp đến. Để chuyển hóa bản thân thật sự, và để được tái sinh như là một người được chuyển hóa để giúp đỡ những người khác, là thật sự giúp đỡ thế giới một cách có tác động mạnh nhất.”

CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM CUỐI.

Bởi vì người thế gian thường nói sống chết, rồi hiểu sống là điểm khởi đầu và chết là điểm cuối của cuộc đời. Nghĩa là cho chết là hết, là điểm cuối, là xong cuộc đời. Do nghĩ như vậy nên người khi sống lo tranh thủ hưởng thụ để chết không kịp, cũng từ quan niệm đó khiến người tạo nhiều nghiệp dữ không thể lường được.

Nhưng trong Phật pháp thì không phải vậy, dạy người tu hành luôn nhớ chết để rồi sống, chứ không phải chết là hết. Nghĩa là chết đời này để sống một đời kế tiếp, tức đời này được coi như là một trạm chuyển tiếp chứ không phải là điểm cuối cùng, rõ ràng là như vậy.

Chính cuộc sống của chúng ta hiện tại đâu phải đây là lần đầu tiên có mặt trên cuộc đời này. Cuộc sống hiện tại của chúng ta hiện nay là tiếp nối của quá khứ. Như vậy, cuộc đời hiện tại là trạm chuyển tiếp, từ trạm này chuyển tiếp qua trạm vị lai. Nếu như đời quá khứ con người không có chết thì làm sao có đời hiện tại này, cũng như đời hiện tại này không có chết thì làm sao có đời vị lai. Thấu rõ được lẽ thật đó, thì chết là để sống chứ không phải là điểm cuối cùng.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chết như thế nào để sống không có hối tiếc, bởi đã biết rõ sự chết của ta không phải là điểm cuối cùng. Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở Việt Nam, khi sắp tịch Ngài có bài kệ để nhắc nhở môn đồ:

Thu lai bất báo nhạn lai qui,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.
Vị báo môn nhân hưu luyến trước,
Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

DỊCH:

Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay
Cười lạt người đời luống xót vay.
Thôi! hỡi môn đồ đừng lưu luyến
Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.

Khi Ngài sắp tịch thì môn đồ buồn khóc lưu luyến vì phải mất thầy, nên Ngài nhắc nhở.

“Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay” Mỗi lần mùa thu về thì đâu có hẹn nhạn bay cùng, tuy không hẹn mà nó cũng đến. Cũng như cái chết khi đúng thời điểm thì nó phải chết chứ không thể hẹn được.

“Cười lạt người đời luống xót vay” Người đời không biết được lẽ thực đó cho nên thấy chết thì buồn xót, thương khóc.

Vì thế, Ngài nhắc nhở: “Thôi! hỡi môn đồ đừng lưu luyến, Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay.” Bởi vì không phải mới lần đầu thầy chết, mà thầy đã hóa biết bao lần như thế rồi. Lần này chỉ là một lần trong bao lần mà thầy hóa lại thôi. Cái chết hiện giờ rồi sẽ lại hóa nữa, nào phải là lần đầu thầy chết. Ngài nhắc nhở khuyên môn đồ đừng lưu luyến, buồn khóc.

Hiểu như vậy thì khi chết đừng có buồn, bởi chết là để sống mà!. Còn người cứ nghĩ chết là hết, là cuối cùng, là mất hết cả cuộc đời cho nên buồn tiếc, thương khóc đủ thứ, đây chúng ta hiểu chết để sống thì không phải lo mất.

Thế nên, khi Lục Tổ báo tin Ngài sắp tịch, thì môn đồ đều khóc lóc, chỉ có ngài Thần hội là không khóc. Lục Tổ bảo: “Tiểu sư Thần Hội lại được thiện ác bình đẳng, chê khen chẳng động, buồn vui chẳng sanh, ngoài ra thì đều chẳng được”. Tức là ngài Thần Hội lúc đó còn trẻ cho nên Tổ gọi là Tiểu sư, và khen là được thiện ác bình đẳng, khen chê, buồn vui gì cũng chẳng có động, còn mọi người thì không được vậy.

Tổ bảo tiếp: “Vậy thì mấy năm nay ở trong núi trọn tu đạo gì? Nay các ông buồn khóc là lo cho ai, nếu lo cho ta chẳng biết chỗ đi thì ta đã tự biết chỗ đi, nếu ta không biết chỗ đi thì trọn chẳng báo trước cho các ông. Các ông buồn khóc bởi vì chẳng biết chỗ đi của ta, nếu biết chỗ đi của ta tức chẳng nên buồn khóc”. Lục Tổ quở là mấy ông ở trong núi tu đạo gì mà đến giờ vẫn giống như người thế gian cũng buồn khóc. Mà các ông khóc vậy là khóc cho ai? Nếu mà khóc cho ta, lo cho ta, sợ ta chết không biết chỗ đi, thì chính ta đã biết chỗ đi nên báo trước cho các ông là ta đi, vậy thì các ông buồn khóc cho ta thì không phải rồi! Như vậy chính là các ông thiếu tu. Tức là nhắc nhở mọi người phải khéo tu hành, đừng giống như người đời.

Bởi người đời không thấu được nghĩa thật của sự chết sống, nên khi cái chết đến là buồn khóc lưu luyến, còn hiểu được nghĩa này thì đâu có buồn khóc như vậy, đó là nhắc cho mọi người khéo gắng tu hành thêm. Như vậy, hãy nhớ cái chết không phải là điểm cuối cùng, và chết không phải là hết, mà chết là để sống, đó là ý nghĩa chân thật.

Nguồn : Thư viện Hoa Sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét