Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Facebook, like, và nhu cầu được nhìn nhận







1. Một nghiên cứu

Elizabeth Martin, Facebook activity reveas clues to mental illness (Sinh hoạt Facebook cho thấy dấu hiệu bệnh tâm thần), University of Missouri, Medical Health News Today, 2013.

nói rằng phân tích sinh hoạt của một cá nhân trên mang xã hội Facebook có thể giúp bác sĩ tâm thần hiểu rỏ hơn về tình trạng sức khoẻ của người ấy – cũng cần như hỏi chuyện bệnh lý.

2. Sống ảo qua các hiện tượng mà các báo tường thuật gần đây như “like là cởi”,“nói là làm”, “mình thích thì mình chụp thôi”, … cho ta nhiều …bài học.

. một nữ sinh 13 tuổi tại Khánh Hòa đã giữ lời hứa đủ 1.000 likes đốt trường,

. một thanh niên tự tẫm xăng đốt và nhảy cầu khi đủ 40.000 likes

. L.H. viết là được 20.000 like thì cô ta sẽ trút áo ngực hoàn toàn.

Trong chừng mực nào đó các hiện tượng ấy cũng có thể là biểu hiệu của những tâm thần bất ổn.

.

Ở đây tác giả bài này không nói đến bệnh lý, chỉ phân tích hiện tượng dưới khía cạnh xã hội học.

3. Thông thường trên mạng xã hội mà điển hình là Facebook, người trẻ diễn tả được tâm trạng, lại có người đọc, người thích. Đó cũng là một cách …giải tỏa sự cô đơn – Dù là người đọc không hoàn toàn hiểu mình (Ai tri âm đó mặn mà với ai), nhưng còn hơn là có cảm tưởng … đang hét to trên hoang đảo. Ta cần …trút bầu tâm sự, ta cần có người đọc, người nghe, người thích.

Trên Facebook, dĩ nhiên là ta không gặp những người đối thoại chăm chú lắng nghe như một bác sĩ tâm thần nhưng ít nhất là ta có “bạn”, được cảm thấy không còn cô đơn, được kể chuyện của mình.

Ta cần liên hệ xã hội. Con người là một con vật sống trong xã hội. Ta còn có nhu cầu được thừa nhận, được đồng tình, như một nhu cầu tối cần thiết.

4. Thật vậy, con người không chỉ cần cơm no áo ấm mà còn cần sống với cộng đồng và được cộng đồng nhìn nhận như một thành viên.

Trẻ con thì cần được cha mẹ thương yêu bảo bọc – không có gì làm trẻ khổ hơn khi bị chính cha mẹ mình bỏ rơi, không chú ý đến – nếu ở trong trường hợp đó, cái đau khổ này sẽ theo đuổi cá nhân ấy ngay đến lúc trưởng thành sau này. Mỗi khi gặp khó khăn thì khó khăn sẽ bị phóng đại lên vì “vết thương” khó lành của thời thơ ấu ấy.

Lớn hơn thì cần thầy cô và bạn học ở trường, ở khu xóm, … nhìn nhận. Hiện với internet thì tha nhân là cả thế giới đại đồng. Nhu cầu được thừa nhận bởi xã hội cũng nằm trong ý muốn thoát khỏi sự lệ thuộc của gia đình. Tuổi thiếu niên là lúc rất cần có “bạn” đồng trang lứa.

5. Mạng xã hội Facebook được giới trẻ tiếp đón nhiệt tình vì Facebook trả lời được nhu cầu được nhìn nhận của người trẻ. Hiện hữu là hiện hữu trong mắt của người khác.

Thế là hàng ngày hàng giờ, giới trẻ vào Facebook để truy cập những phản ứng của bạn mình mà cả những …yêu ghét của “vòng bằng hữu” của các bạn ấy. Tức là còn hơn kiểu … bán hàng đa cấp: chỉ cần có 10 bạn thì ta có thể đọc được trạng thái, status, của hàng trăm người hay nhiều hơn nữa. Ta hết cô đơn và ta được có cảm tưởng là thành viên của một cộng đồng rộng với nhiều phản ứng và liên hệ hổ tương!

6. Nhu cầu được thừa nhận có thể biểu hiệu qua nhiều hình thức

. cố gắng học giỏi để được cha mẹ khen

. làm việc hết sức mình để được chủ hay bạn bè khâm phục

. có nhiều tiền bạc để chi cho bè bạn để được, chẳng hạn, một ánh mắt đồng lõa, một cái bắt tay nồng nhiệt, một bữa nhậu vui, …

. …

Nhưng khi các em không có điều kiện để thể hiện các điều như thế thì các em sẽ làm bất cứ việc gì để được thừa nhận, để được yêu thương, ngay cả những việc điên cuồng nhất, những việc trái luân thường đạo lý hay phạm luật.

Các chuyên viên tâm lý học đã giải thích hiện tượng này: nếu ai đó làm bất cứ việc gì để không bị …bỏ rơi thì một là người đó thiếu bản thể, không tự đứng vững trên hai chân mình, cần người đối diện một cách quá đáng. Cũng có thể vì thời niên thiếu đã không đủ tình yêu, có thể vì không đủ tự tin, có thể vì lúc nào cũng có cảm tưởng bị bỏ ngoài lề, không ai biết mình có giá trị, có thể vì đã bị thương tổn lúc bé, …

Những người đó cần được giúp đở.

7. Nhu cầu được nổi tiếng

Báo chí trên mạng hàng ngày đưa nhiều tin của người nổi tiếng. Những người đẹp, người giàu, người có quyền lực, …

Nổi tiếng là … độ tích cực nhất, theo quan niệm của nhiều người, của sự được nhìn nhận.

Đẹp, giàu và có quyền lực, … không ở trong tầm tay của bất cứ trẻ nào. Thế nên sẽ có em tìm đủ mọi cách để … nổi tiếng. Tự đốt mình, đốt trường hay trút bỏ xiêm y là những cách để được nổi tiếng, trong lối suy nghĩ …ngắn của các em. Cái cần, không là kết án những em ấy mà phải hiểu tại sao các em đi đến những suy nghĩ như thế.

8. Cụ thể thì làm thế nào, làm những gì?

. Tôn trọng bản thể của trẻ. Chúng không đòi được chào đời. Cha mẹ đã cho chúng chào đời thì phải có trách nhiệm với chúng, phải thương yêu và bảo vệ chúng. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Trong một gia đình, trong một lớp học, tất cả trẻ đều độc nhất vô nhị. Làm sao để mỗi trẻ phát triển theo chiều hướng riêng của chúng. Đàn áp bản thể trẻ thì có khả năng là một ngày nào đó chúng “bùng nổ” dưới những dạng bất ngờ.

. Không giáo dục bằng bạo lực. “Yêu cho roi cho vọt” chỉ đúng cho cái thuở mà nhân loại còn dốt về tâm lý trẻ con. Cần nhiều khen thưởng và cần tránh cho trẻ những thất bại không đáng có. Nếu không, để được …yêu thương chúng có thể mạo hiểm “sáng tạo” ra những hình thức rất nguy hiểm để tự khẳng định.

. Đối thoại là cách hay nhất để hiểu trẻ và giúp trẻ phát triển. Đừng quên nói lời yêu thương. Văn hóa Á đông kín đáo, ít biểu lộ tình cảm nhưng dù là được sinh ra ở phương Đông, làm sao trẻ biết được là ta yêu chúng nếu ta không biểu lộ?

. Không đào tạo rập khuôn theo mẫu. Gia đình và trường học phải làm sao ngừng đào tạo những chú lính chì, hay những robot được lập trình trước và hoàn toàn giống nhau.

. Đồng thời môi trường cũng cần được … sạch hóa, báo chí bớt chuyện people (người nổi tiếng), xã hội cần chú trọng đến các sinh hoạt văn hóa giải trí cho trẻ để bồi dưỡng chúng, …

.

Có như thế thì mỗi trẻ sẽ biết tự …yêu mình, không có nhu cầu, bằng mọi giá, được tha nhân thừa nhận hay cần nổi tiếng.

Thí dụ của bạn trẻ sẳn sàng tẩm xăng đốt mình và nhảy cầu là điển hình của người không yêu mình chẳng hạn

.

Chuyện nghiện Facebook cũng là một vấn đề rất quan trọng, cũng cần đặt lên bàn thảo luận.

Nguyễn Huỳnh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét