Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

AI LÀ THẦY?





Chào các bạn,

Hôm nay 20/11 là Ngày Nhà Giáo Việt Nam, hay Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, hay Ngày Tôn Sư Trọng Đạo. Tôn sư trọng đạo là tôn kính thầy cô, tôn trọng đạo làm người.

Đạo đây không phải là tôn giáo, mà là “đường” – đường làm người, cách sống làm người.

Điều này ngày nay đúng hơn bao giờ hết. Ngày nay, hoặc nếu bạn còn lỗi thời thì chỉ một chút nữa, mọi người đều có thể học làm toán, tiếng Anh, viết văn, lịch sử, địa lý… bằng computer. Thực sự chẳng cần thầy cho các môn này. Duy chỉ có học làm người là cần thầy.

Vì sao?

Vì học làm người là học hành động. Học trò có thể học lý thuyết, nhưng hành động thì phải có người mẫu để mình làm theo. Sống hiều hậu là sống thế nào? Đi đứng nằm ngồi ra sao? Nói chuyện ra sao? Ai chửi mình thì phản ứng thế nào? Thành thật là thế nào? Nói thành thật là nói ra sao? Chuyện gì nói được chuyện gì nói không được? Khi phải nói mà không nói thật được thì sao? Nói một nửa, không nói một nửa là nói thật không? Không chấp là gì? Ăn có là chấp không? Khi nào ăn thì chấp, khi nào ăn thì không chấp?…

Đại khái là học sống thì phải học với người sống. Nhìn thầy làm và mình làm theo, cho đến lúc mình trưởng thành trong tư duy và có cách hành động của riêng mình. Học đạo sống là học như thế.

Và đạo sống là gì? Nếu bạn còn phải hỏi câu này thì bạn không có thuốc chữa. Mẹ đã dạy ta từ lúc lên 3, lên 5 rồi.

Điều quan trọng mà mình muốn nói với các bạn là: Ai là thầy?

Chúng ta có thói quen xem thầy cô là những người đang đứng lớp trong trường, hay đứng lớp trong nhà chùa, nhà thờ. Và ta quy trách nhiệm “giáo dục” cho thầy cô, coi như ta chẳng dự phần gì trong giáo dục.

Đó là sai lầm lớn của mỗi cá nhân chúng ta và mỗi xã hội.

Các bạn, mỗi bạn, có khi nào nhìn lại thế giới quanh mình để thấy rõ mình là thầy không?

Trong nhà mình, cha mẹ là thầy của các con, anh chị là thầy của các em, vì mình làm gì thì các con, các em của mình học làm theo điều đó. Trong xóm, mình là thầy của các em nhỏ trong xóm. Trong sở làm mình là thầy của các nhân viên dưới quyền mình. Trong các hội đoàn, mình là thầy của các đoàn viên dưới mình. Trong trường, mình là thầy của các em học lớp thấp hơn.

Tại sao mình là thầy? Vì mình làm gì thì những người thấp hơn mình thường học theo mình và làm theo điều đó, dù mình có muốn họ học mình hay không, dù mình có biết họ học mình hay không, và dù mình bảo họ: “Nghe lời tôi nói, đừng làm theo điều tôi làm.”

Con người học bằng cách bắt chước nhau, đặc biệt là bắt chước những người lớn hơn, hay cấp cao hơn mình.

Thầy ở trường là việc tự chọn – vào học trường sư phạm và ra làm thầy. Nhưng thầy ở đời là thầy phải làm, dù ta có chọn hay không, đó là một thiên chức đi theo việc làm người. Bạn làm người là bạn làm thầy, dù bạn muốn hay không muốn.

Trong một xã hội, trên nguyên tắc, mọi người đều là thầy. Nhưng nếu ta không chấp nhận thiên chức đó, và luôn chỉ ngón tay vào thầy cô, tức là số người chưa đến 1% dân số, thì chính ta đã làm nền giáo dục quốc gia giảm hiệu năng tới 99%. Thế thì giáo dục không tồi sao được?

Bây giờ để mình nói đến nguyên tắc pháp lý một chút. Clean-hand doctrine, học thuyết bàn tay sạch.

Ngày xưa trong hệ thống luật Anh Mỹ có hai loại tòa án. Tòa án luật (courts of law) là tòa của vua, tòa án công bình (courts of equity) là tòa của giáo hội. Tòa án công bình để dân chạy đến xin xử khi luật của vua áp dụng bất công. Tòa công bình được xem là có công lý hơn là sự lạm quyền của vua quan làm luật ép dân, và có thế lực hơn tòa của vua vào thời giáo hội có quyền lực tối thượng.

Trong tòa công bình có học thuyết bàn tay sạch. Tức là, nếu bạn có bàn tay bẩn – có phạm tội trong vụ việc liên quan – thì đừng vào tòa công bình đòi xử. Ví dụ: Bạn đánh người ta gãy tay, người ta đánh lại cho gãy cả hai chân. Thì bạn không có clean hand để xin tòa công bình phán xử vụ đánh nhau này.

Nghĩa là, trước khi bạn muốn phê phán thầy cô và hệ thống giáo dục, bạn hãy có bàn tay sạch trước. Hãy làm đúng nhiệm vụ thầy cô của mình, trước khi bạn có quyền phàn nàn các thầy cô khác.

Chúc các bạn luôn sạch tay.

Mến,

Hoành


Trần Đình Hoành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét