Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Đưa thép tới Cà Ná là tội ác





Tác giả: theo FB Huy Đức


Nếu không có dự án Thép của Tôn Hoa Sen chắc tôi sẽ không tìm về Ninh Thuận. Dù trong ký ức của một thằng lính như tôi, Cà Ná tuy chỉ là tên của một ga xép, nhưng khi qua đây, tàu Thống Nhất đã lượn theo những những khúc cong ven biển đẹp như tranh vẽ.



Một nhà đầu tư du lịch đưa tôi đi dọc vùng biển miền Trung và dừng lại khá lâu ở Cà Ná.

Anh nói, “Cho làm thép ở đây thì không chỉ giết chết Cà Ná mà còn giết cả vùng biển du lịch tốt nhất Việt Nam”.

Ninh Thuận là vùng duy nhất ở nước ta có khí hậu nhiệt đới Xavan, mỗi năm chỉ mưa khoảng 50 ngày (từ tháng 9 đến tháng 11). Theo Nhà đầu tư du lịch đi cùng, điều đó không gợi nhớ một hình ảnh sa mạc khô cằn mà cho thấy khả năng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo hơn cả Nha Trang, Phan Thiết.





Cầu cảng muối Cà Ná. Tít tắp bên kia là nhiệt điện than Vĩnh Tân (mây trời vần vũ chứ chưa phải bụi than).



Có một điểm đặc biệt ít được nói đến cho dù người Pháp đã biết từ thập niên 1930s và viện Hải Dương học Nha Trang vẫn liên tục nghiên cứu bổ sung: Ninh Thuận là tâm của vùng nước trồi ven bờ (coastal upwelling). Cả thế giới chỉ có 18 vùng nước trồi ven bờ, Ninh Thuận là một trong số đó.

Nước trồi bắt đầu từ tầng sâu 100-125m, dội lên rất nhanh rồi giảm dần trước khi lên tới mặt biển. Sinh thái và vùng rìa của các tâm nước trồi thường là vùng cho sản lượng đánh bắt hải sản cao.
Mặc dầu tâm nước trồi mạnh thường xuất hiện ở vùng biển Ninh Thuận, Bắc Ninh Thuận, nhưng vùng có hiệu quả sinh thái cao nhất lại nằm ở tam giác Cà Ná – Phú Quý – Phan Thiết.

Mũi Dinh.



Trong vùng tam giác này, theo nhà nghiên cứu Bùi Hồng Long (chủ biên), “Các điều kiện sinh thái môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển đời sống sinh vật: địa hình đáy với độ gồ ghề lớn, các front thuỷ văn cường độ mạnh, hàm lượng các chất dinh dưỡng thích hợp, năng suất sinh học sơ cấp cao, sinh vật nổi phù dù, sinh vật đáy, phát triển số lượng trứng cá, cá con nhiều, vì vậy một số hải sản như cá, sò lông, điệp quạt có sản lượng cao”.

Cũng vì nằm trong vùng nước trồi, biển Ninh Thuận mặn nhất và Cà Ná đang cho muối đạt chất lượng tốt nhất Việt Nam.

Ra tới bờ cát Phước Dinh thì trời sập tối. Cát vàng trải dài hàng chục cây số, đẹp tuyệt vời.



Khi nói về Thép Cà Ná, chưa thấy ai nhắc đến nhiệt điện than: “kẻ giết người hàng loạt”. Từ bên này đồng muối Cà Ná có thể nhìn thấy khói đen nghi ngút bốc lên từ nhiệt điện Vĩnh Tân. Chỉ một Vĩnh Tân 2, mỗi ngày đã thải ra 4.400 tấn tro và xỉ. Trong khi, ở Vĩnh Tân sắp có tới bốn nhà máy, với tổng công suất trên 5.000 MW.

Có mùa, gió Cà Ná có thể đưa khói bụi lên tận Nha Trang. Nếu không thay bằng điện gió và điện mặt trời, chỉ cần nhiệt điện than Vĩnh Tân đã đủ bóp cổ du lịch Nam Trung Bộ. Thêm thép vào đó nữa, coi như là giết chết vùng biển này.



Tôn Hoa Sen nằm trong số không nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công từ sản xuất và lớn mạnh bằng thương hiệu. Nếu liều lĩnh đầu tư nhà máy thép vào Cà Ná, chắc chắn Hoa Sen không thể “giàu to” mà còn đối diện với nguy cơ phá sản. Tôi nghĩ, ông Lê Phước Vũ hiểu, trong văn hóa của người Việt, cách tu hành hiệu quả nhất không phải là ăn chay niệm phật, xây chùa, xây chiền mà phải hằng ngày bớt làm điều ác.



Lẽ nào ông Vũ chưa nghiệm ra rằng, chỉ vì kinh doanh kiếm tiền mà bất chấp các lời khuyến cáo, làm những việc đe dọa tới thiên nhiên, đe dọa môi trường sống của con người, cũng là đang làm những điều rất ác.

Vũng Áng không phải là nhà thờ Đức Bà hay Hồ Gươm. Đừng coi cuộc biểu tình ở Formosa hôm 2-10 là một “âm mưu”(khác chăng nhờ những người đi biểu tình phần lớn là giáo dân nên họ đã tiến hành chừng mực). Formosa đã cướp đi những ngày tháng thanh bình của họ. Không đơn giản chỉ để bày tỏ thái độ, những người dân Kỳ Anh đang phải bước ra khỏi nhà vì công cuộc mưu sinh và tương lai của chính mình.


Cuộc biểu tình của bà con Kỳ Anh không chỉ gửi được một thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền mà còn gửi tới cả chúng ta.

Hôm qua, 7-10-2016, từ Cà Ná ra Mũi Dinh, theo con đường ven biển về Phan Rang, nhìn những bãi tắm hoang sơ gần như vẫn còn ở dạng tài nguyên, tôi sực nhớ tới Vũng Áng. Những ai đã từng đi qua vùng biển Hoành Sơn mươi, mười lăm năm trước có thể cũng thấy cái bế tắc của nơi này. Đẹp nhưng quá vắng lặng và nghèo thê thảm.

Năm 2008, có thể vì thiếu tầm nhìn mà Chính phủ đã “trao cái ngàn vàng” Vũng Áng cho Sở Khanh Formosa. Nhưng nếu, trong điều kiện thông tin ngày nay mà vẫn để Hoa Sen đưa thép vào Cà Ná thì vấn đề không còn là tầm nhìn mà là tội ác.

Nếu có thêm “một Formosa” nữa xuất hiện thì không chỉ đảng, chính phủ mà những người dân đang sống ở Việt Nam hôm nay cũng phải chịu trách nhiệm với cháu con và lịch sử.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét