" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016
Triệu chứng ám thị bị “nô dịch” của người Việt
chumonglong
Sử gia Tư Mã Thiên (sinh 145 tr.CN). Ảnh thư họa, nguồn Google
Chu Mộng Long – Bài này đã viết từ ngày này năm trước, khi tranh luận với đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn. Khi tôi viết bài trên FB “hoan hô” Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hẳn hoặc tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc, hiển nhiên có mở ngoặc đơn rõ ràng, “nếu là lịch sử được viết như trong sách giáo khoa hiện hành”, ông Đỗ Minh Tuấn không cần đọc vỡ chữ đã hét toáng lên, đại ý, thế thì phải học sử Tàu à! Tức là bị nô dịch Tàu à! Ông ấy đã viết một bài dài chửi tôi vỗ mặt vì “bưng bô cho thằng Luận” và sỉ mắng Chu Mộng Long là tên “Tàu cộng chính hiệu” (nguyên chữ dùng của ông Tuấn).
Nhân vụ tranh luận học chữ Hán có phải trở thành “Hán nô” không, thấy cần thiết đăng và chia sẻ lại bài này, ai thích thì tiếp thu, không thích thì cứ chửi cho hả giận. Bởi lẽ, ông Tuấn cũng chỉ là đại diện cho một đám đông mắc chứng ám thị, bất chấp lí lẽ của học thuật, rằng hễ học cái gì liên quan đến Tàu đều có thể trở thành “Tàu nô”.
Tôi đọc hàng trăm comment trong vụ tranh luận về việc học chữ Hán, người ta nói về học thuật thì ít mà chụp mũ “Hán nô” thì nhiều. Ngay cả khi đá xoáy vào luận điểm “học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà báo chí giật tít thành vấn đề thời sự cũng chỉ là cái cớ để người ta đặt ra nghi hoặc về một “âm mưu Hán hóa” đang hình thành từ những kẻ “Hán nô”!
————————
Triệu chứng ám thị về chuyện người Việt đang có “nguy cơ bị nô dịch Tàu lần thứ ba” là hiện tượng phổ biến trong giới trí thức có chữ nhưng thiếu hiểu biết sâu sắc. Tôi không phủ nhận chuyện các ông đang nói về nô dịch chính trị hay kinh tế một cách có ý thức và trách nhiệm khi nhìn vào thực trạng đất nước, ở đây chỉ bàn về vấn đề văn hóa giáo dục, mà cụ thể là việc có nên tiếp tục dạy học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông (như hiện nay) hay không đang trở thành căn bệnh ám thị rất vô thức ở nhiều người.
Tất nhiên, Lịch sử đang giảng dạy trong nhà trường hiện nay là lịch sử chung, học sinh học cả lịch sử thế giới chứ không chỉ là lịch sử Việt Nam như nhiều người nghĩ.
Có thể gọi căn bệnh ám thị đó là mặc cảm hậu thuộc địa, theo cách dùng của tư trào Hậu thực dân luận. Đó là căn bệnh khó chữa vì đã trở thành vô thức của những trí thức yêu nước, nhưng yếu hèn, bắt đầu từ những trí thức, văn nghệ sĩ như đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn, sau đó lây lan sang nhiều người khác.
Rõ ràng là họ đã bị ám thị nặng vì thần kinh yếu. Triệu chứng của bệnh này là nghi ngờ, sợ hãi giống như cô gái đã bị hiếp dâm một lần luôn sợ hãi và lo nghĩ mình sẽ bị hiếp lần nữa.
Yêu nước mà dễ hồn xiêu phách lạc như thế thì nên mặc áo giấy đi theo ma cho nhanh!
Ông Tuấn cũng như nhiều người hoảng sợ khi học sinh đã chán học sử Việt, bây giờ lại bỏ môn Lịch sử, khác nào đẩy con em chúng ta mê sử Tàu (vì phim Tàu đang chiếu tràn lan), và chắc chắn một thế hệ mới sẽ hoàn toàn nô dịch Tàu? Quả thật, cái gì khi người ta đã chán rồi thì thưa quý ông, có nhồi nhét cách gì cũng không lưu giữ trong đầu nửa chữ, nếu không lo cải cách để chống lại sự nhàm chán. Quý ông làm sử, soạn sách giáo khoa lịch sử bạc đầu rồi mà không biết tự trách mình trước khi trách trẻ em “quay lưng với lịch sử dân tộc” như có báo từng mượn lời quý ông rồi giật tít rất giật gân trong vụ học sinh xé vứt sách lịch sử!
Nói thật, tôi không được thầy dạy sử Tàu, nhưng mê đọc sử Tàu từ nhỏ. Bây giờ mê luôn cả phim Tàu ngay cả khi người ta kêu gọi tẩy chay. Sử Việt tôi có được học, phim Việt tôi có được xem, nhưng dạ thưa, học xong, xem xong tôi quên tuốt. Kể cả mấy cái phim chiến tranh của ông đạo diễn điện ảnh, kiêm “triết gia” Đỗ Minh Tuấn. Bởi lẽ, xin lỗi quý ông, những thứ đó hời hợt và trơn tuột!
Tôi thích sử Tàu, mê phim Tàu, nhưng tôi vẫn ghét bọn xâm lược, căm thù cả đứa nào rước voi giày mả tổ. Và tôi tin chắc những đứa rước voi giày mả tổ ấy có khi lại rất rành sử Việt, tỏ ra yêu phim Việt nhưng dốt sử Tàu, không thưởng thức được phim Tàu!
Vì sao sử Tàu luôn lôi cuốn, hấp dẫn người xem từ xưa đến nay, và không phải ngẫu nhiên món sử của kẻ thù dân tộc ngàn năm kia từng trở thành các điển tích điển cố trong các kiệt tác văn chương của những nhà yêu nước?
Một là, bởi vì sử Tàu, từ truyền thống họ nhà Tư Mã trở đi, người ta có lối viết, dù hư cấu nhưng rất khách quan đa chiều, quyết không theo định hướng của quyền lực, dù từng bị cắt dái mấy đời. Một sử gia dưới triều Hán mà dám coi Hán Cao Tổ, người chiến thắng với quyền lực tối cao trong tay, là kẻ ngụy quân tử, trong khi lại ca ngợi kẻ thua cuộc Hạng Võ là anh hùng, không đáng nể sao? Sau sử gia họ Tư Mã là các văn gia như Phùng Mộng Long, La Quán Trung vẫn giữ lối viết khách quan đa chiều. Phùng Mộng Long viết Đông Chu liệt quốc, La Quán Trung viết Tam quốc diễn nghĩa không vì một cá nhân hay nhóm quyền lực nào. Sử gia Trung Quốc có coi Tào Tháo là gian hùng vẫn nể ông ấy là thiên tài chứ không mạt sát là kẻ ngu xuẩn. Tân Tử Lăng, nguyên đại tá Sư đoàn trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, kiêm sử gia Viện sử học Bắc Kinh, viết Mao Trạch Đông nghìn năm công tội dám nói hết sự thật về lãnh tụ Mao Trạch Đông của mình với cuộc cách mạng văn hóa đẫm máu tanh và lợm thịt người. Việt Nam có sử gia hay nhà làm kịch, làm phim nào dám làm như thế về những oan trái trong Cải cách ruộng đất?
Sử gia Tàu luận anh hùng đâu ra đấy, sòng phẳng chứ không ca người này bôi nhọ người kia một cách tiểu nhân như sử gia ta.
Hai là, sử Tàu không chú ý sự kiện, con số khô khan theo lối biên niên mà chú ý đến ứng xử của nhân vật trong từng tình huống lịch sử. Các ứng xử ấy luôn tạo ra các bài học triết lí sâu sắc, kinh điển. Sử ấy, đúng như Hegel nói, đó là triết học về sự kiện – siêu lịch sử. Nó không còn của riêng cho người Tàu mà cho nhân loại. Biết sử Tàu là biết người biết ta, biết thành biết bại, biết mất biết còn… Càng học sử Tàu càng khôn ra, nên không bị kẻ khác đè đầu cỡi cổ. Đặc biệt sử Tàu không ngợi ca quyền lực mà phê phán quyền lực, không ngợi ca bạo chúa mà vạch trần bạo chúa, không coi nhân dân như cỏ rác mà ngợi ca nhân dân, ngợi ca trí tuệ, lòng tự trọng của con người. Đọc sử Tàu người ta thấy hết lẽ thành bại của cuộc đời, chán ghét chiến tranh và yêu hòa bình, không ươn hèn mà gia tăng dũng khí.
Sử Tàu không đẩy người học bị chết chìm trong quá khứ mà biết dùng bài học quá khứ để ứng xử cho hiện tại và tương lai.
Vì lẽ ấy, tôi tin chắc, càng biết nhiều sử Tàu không có nghĩa là lệ thuộc Tàu, nếu không nói, qua những trang sử Tàu càng thấy ghét những tên bạo chúa hung hăng để yêu nhân dân mình hơn, đất nước mình hơn, không bị nô dịch mà ý thức đầy đủ về độc lập tự chủ, và quan trọng hơn, biết phát triển để cạnh tranh sinh tồn!
Trong khi đó, cứ nhìn kĩ mà xem, những trang sử Việt có truyền thống từ A đến Z chỉ biết vuốt ve, ngợi ca quyền lực, tạo dựng thần tượng đến đồng bóng, thì chỉ có thể tác động ngược lại! Thật đấy! Càng ám thị hay sợ hãi càng dễ rơi vào nô dịch hơn là có đầy đủ bản lĩnh về sự hiểu biết để thoát khỏi sự nô dịch.
Trong mọi sự nô dịch, đáng sợ nhất không phải nô dịch chính trị hay kinh tế ngoại bang mà là nô dịch quá khứ của chính mình. Bởi một dân tộc một khi bị nô dịch quá khứ của chính mình sẽ không bao giờ ngẩng đầu lên được để phát triển cho bằng hoặc cao hơn thiên hạ. Quay lại sử Tàu, mặc dù Khổng Tử kêu gọi “thuật nhi bất tác”, cứ noi gương xưa mà làm, nhưng sử Tàu luôn viết bằng tinh thần phủ định biện chứng, biết giải niềm tin vào quá khứ, dù có là huy hoàng, để vươn đến tương lai. Loại sử sách ấy đáng đọc và đáng học để suy ngẫm chứ sao lại phải lo sợ bị nô dịch???
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét