Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

S UY THOÁI CẢM XÚC


dangminhlien






Bên cạnh lý trí, cảm xúc là một thuộc tính quí báu của con người, làm cho con người có đời sống tinh thần hoàn chỉnh
Hiểu vắn tắt thì cảm xúc là những xung động phản ứng tâm lý tự nhiên với ngoại cảnh gây nên sự rung cảm hay các thái độ tâm lí khác nhau một cách tức thời mà chưa qua suy xét của phân tích lí trí. Ví dụ thấy vui khi bắt gặp cảnh người… vui và buồn khi ngược lại
Tuổi càng nhỏ con người càng giầu cảm xúc và càng lớn càng trải càng nhiều kiến thức thì phần lí trí trí tuệ càng cao. Đó là điều tự nhiên hợp qui luật
Cảm xúc có tích cực và tiêu cực tùy mức độ cũng như sự phù hợp của nó với ngoại cảnh.Cảm xúc nhạy bén là tiền đề tốt cho nhận thức lý trí và hành động.
Cảm xúc là cái thường trực nơi mỗi người tưởng như khó mà mất hay nghèo đi

Nhưng: ngày nay, con người có xu hướng bị áp lực của công việc của mưu sinh đè nặng. Sự lo lắng, tính toán, cân nhắc quá kỹ lưỡng/ nâng lên đặt xuống nhằm đạt mục đích nào đó khiến các nơ ron thần kinh luôn ở trạng thái căng và lý trí hóa. Không ít người đã mắc bệnh, thậm chí đột tử

Những người càng thành công về tiền bạc, chức vụ bao nhiêu dường như càng khô khan và lạnh lùng đi bấy nhiêu. Tâm hồn họ đã hầu như thu nhỏ lại. Họ ít có cái cười, cái bắt tay hay chào hỏi chuyện trò giao tiếp chân thực và nòng hậu kể cả với thân hữu, và xung quanh ngại ngùng dần miễn cưỡng dần khi phải tiếp xúc với họ. Thậm chí họ cũng không còn đủ thời gian thư giãn, mở lòng ra với ngoại cảnh. Việc thưởng thức nghệ thuật hay vui chơi đời thường nào đó cũng giảm hẳn, và nếu có cũng chỉ chiếu lệ hững hờ. Cảm xúc và nhiệt huyết nguội lạnh, chỉ còn là những thao tác máy móc nhằm đạt mục đích. Có người sau một thời gian nỗ lực phấn đấu đảm đương chức vụ hay công việc nào đó đã hoàn toàn thành người khác theo nghĩa trên. Tới lúc nhận ra đó là mất mát lớn thì quá muộn

Người Việt nam nói chung là duy cảm song hiện nay thời công nghiệp hóa và vật chất hóa thì duy cảm cũng mờ nhạt rồi. Đa số khá là lí trí, lí trí tính toán đến cả hôn nhân. Tất nhiên là cái lí trí đó theo nghĩa cân nhắc ích kỷ chứ không phải lí trí tri thức cao. Người Việt bây giờ chỉ duy cảm với cái gì bâng quơ nghĩa là không liên quan việc mình và lợi ích của mình; ví dụ, có thể sẵn sàng khóc cười với cảnh ngộ đâu đó miễn không mảy may ảnh hưởng. Còn lại thì phải nói là đa số khá thận trọng chặt chẽ tới rị mọ. Cực đoan hơn, trong một số môi trường cạnh tranh khốc liệt thì nhiều người đã thú nhận là phải mang vài ba bộ mặt tới mức quen rồi – không ngượng ngại gì!

Không rõ rằng những gì nêu trên có phải là nguyên nhân làm giảm tính nhân hòa, nhân bản không; nhưng thấy rõ đó là sự suy nghèo đi của nhân tính. Và sẽ là nguy hiểm dễ gây hậu quả xấu nếu ai giữ trọng trách to nhỏ nào đó mà chỉ hành động như cái máy, quyết định hồ đồ không suy xét tới khía cạnh nhân tính cá nhân hay cộng đồng

Làm thế nào để phòng tránh tình trạng trên?
Một mặt hãy chú ý chăm sóc bảo dưỡng phần cảm xúc tâm hồn qua việc giảnh những phút thả lỏng thư giãn giải lao; qua việc tiếp xúc với những gì gây rung cảm thẩm mỹ, bồi dưỡng cảm xúc như nghe bản nhạc hay, ngắm cảnh thiên nhiên đẹp hoặc tự sáng tác nghệ thuật : thơ, văn, nhạc, ảnh, vẽ …tùy khả năng. Hãy thỉnh thoảng tự kiểm bản thân xem tâm tính có gì trục trặc để kịp thời điều chỉnh theo hướng lí trí và cảm xúc hài hòa. Việc kiểm soát tâm lí này còn có lợi ích quan trong trong việc nâng cao trí tuệ cảm xúc – một hướng mới mà khoa tâm lí học tiên tiến lưu ý ( trong entry sau là bài dịch sưu tầm được có bàn kỹ về vấn đề này)…

Mặt khác, có lẽ cần bảo nhau xác định lại mục đích sống. Sống chẳng phải là để đoạt và đạt hết cái này kia về lợi quyền mà là để hoàn thiện bản thân nhằm tồn tại và tăng tiến về tâm, thể, trí .Tại vì nhiều người đã đoạt và đạt rất nhiều lợi ích tiền quyền song không biết thế nào là đủ là tri túc. Trong khi đó họ thoái bộ nhiều về tâm trí tư tưởng tinh thần cảm xúc so với lúc mới vào đời. Tôi thấy không ít người đã vô cảm ( với cái đúng, cái hay, cái tốt…) mà chỉ còn công việc và thu lợi ích mới làm họ vui. Mọi cái phải răm rắp ( dù áp đặt và có hại) dưới mắt họ, họ mới bằng lòng. Họ vẫn có cảm xúc song là các cảm xúc tiêu cực méo mó sặc chất vị kỷ

Sống để giành để giật lấy thì khó có tâm hồn thư thái mà chỉ còn áp lực đua tranh căng thẳng triền miên. Hãy cứ phấn đấu mưu sinh phát triển nhưng phải theo khả năng phù hợp và nội lực bản thân là chính chứ không phải bằng các thủ đoạn xấu nhằm đi tắt đón đầu và có danh có lợi bằng mọi giá

Cổ nhân khuyên: Tùy duyên hợp việc, tùy ngộ nhi an, tri túc – tri bỉ – tri kỷ, ( biết đủ, biết mình, biết người ) mới có bằng an và cân bằng về tinh thần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét