" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016
Nghĩa và từ nguyên của MOONG
An Chi·
Từ ngày 16-6-2016, một số phương tiện truyền thông có đưa tin với hàng tít “Vỡ bờ moong khai thác titan ở Bình Thuận”. Từ “moong” trong cái tít này đã làm cho một số bạn đọc bỡ ngỡ vì vừa không hiểu nghĩa và càng không biết được xuất xứ của nó, thậm chí còn thắc mắc rằng không biết nó có thật sự tồn tại hay không.
“Moong” là một từ có thật và cũng xuất hiện với một tần số đủ để ta có thể tìm thấy nó một cách không khó khăn gì lắm. Sau đây là một số dẫn chứng :
1.–“Theo con đường xoáy ấy, xe xuống chở đất đá lên đưa ra bãi thải và xe chở than lên đưa về khu sàng tuyển. Cái lòng phễu khổng lồ ấy người ta gọi là hố moong.” (Nguyễn Thị Mai, “Trong lòng moong Cao Sơn”, Biên Phòng, 8-11-2011).
2.– “Xóm chúng tôi nằm trong lòng moong nên trong nhiều năm qua phải hứng chịu cảnh tượng chưa từng xảy ra […………] Các anh thấy đấy, mảnh vườn này thành ‘đất chết’ vì không có nước do mạch nước ngầm chảy hết ra lòng moong.” (Duy Tuấn - Thăng Long, “Sống dở chết dở tại mỏ sắt lớn nhất ĐNA – Bài 5: Sóng ngầm nơi moong mỏ”, Vietnamnet, 9-12-2011).
3.–“Moong than Cao Sơn như chiếc chảo khổng lồ, đến nỗi, từ bờ moong nhìn xuống, những chiếc xe trọng tải gần 100 tấn bò lồm ngồm như những chú …cua!” (Nhân Văn, “Chuyện lạ ở moong Cao Sơn”, Vinacomin, 08-10-2012).
4.–“Một ngày cuối năm, lên moong than Hà Tu, tôi vẫn thấy quang cảnh sản xuất quen thuộc như những ngày thường hồi đầu năm.” (Minh Hoa, “Tháng ‘củ mật’ ở moong than Hà Tu”,Vinacomin, 21-1-2014).
5.–“ [….] cả một đời ông lận đận với moong sâu […] Về kỹ thuật, ông là người kỹ tính, người ta gặp ông có khi đi chán dưới lòng moong, tưởng rằng ông sẽ về! Vậy mà [….]” (Phóng sự “Bóng người ở lại giữa moong sâu”, báo Quảng Ninh, 23-1-2010).
6.–“Đây là mô đất lau sậy um tùm, nằm sát con đường nội bộ dẫn từ moong H10 (moong than đang khai thác của Công ty Than Mông Dương) về bãi than giáp ranh với đầu băng tải của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương.” (Trọng Phú, “Rút ruột mỏ than Mông Dương - Bài 1: Một đêm, hàng ngàn tấn than bị trộm”, Pháp luật, 31-10-2013).
7.–“[……] nhờ có nghị lực thép, những người thợ mỏ đã vượt qua tất cả để hôm nay trên công trường rộn ràng tiếng xe, tiếng máy, hàng trăm tấn quặng sắt nằm sừng sững giữa lòng moong...” (Phan Thế Cải, “Từ lòng moong lên mặt đất”, Nhân dân điện tử, 10-7-2011).
8.–“Bên dưới là những lòng moong đang tiếp tục bị khoét sâu vào lòng núi [……]” (Phan A, “Cận cảnh hoang tàn tại một mỏ than lộ thiên”, Đại kỷ nguyên, 9-1-2016).
Cứ như trên thì “moong” hiển nhiên là một từ có thật nên cũng đã được Từ điển tiếng Việt(2007) của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên thu nhận và giảng là “khẩu ngữ, ít dùng : đáy mỏ”. Nhưng tiếc rằng điều chú thích của quyển từ điển này thì lại rất sai vì từ “moong” chẳng những không thuộc về khẩu ngữ mà còn là một thuật ngữ của ngành khai khoáng nữa. “Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên” của Bộ Công Thương gồm có 12 chương mà chương 1 là “Quy định chung” với Điều 2 là “Giải thích từ ngữ”; tại điều này, mục 18 được ghi với chú thích bằng tiếng Anh trong ngoặc đơn như sau: “18. Moong (pit) : Là đáy mỏ, phần thấp nhất của đáy mỏ được bao khép kín bởi bờ mỏ xung quanh.” Cứ như trên thì “moong” là một thuật ngữ đã được giải thích rất rõ ràng. Chẳng những thế nó còn được chính thức vận dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày một cách hoàn toàn đúng với nội hàm đã nêu trong bản “Quy định”, như đã thấy với 8 dẫn chứng ở trên. Vậy làm sao có thể nói nó là khẩu ngữ?
Nhưng từ “moong” này do đâu mà ra? Sự tra cứu của chúng tôi cho phép khẳng định rằng nó là một sản phẩm ra đời từ sự khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, trong đó có việc khai thác mỏ, đặc biệt là Mỏ than Hòn Gai, mà Pháp gọi là “Mines de charbon de Hongay”. Nói đến “mine” thì phải nói đến “gisement”. Ta cứ tìm trên mạng thì có thể thấy hai từ này thường “cặp bồ” với nhau. “Gisement” được Le grand Robert định nghĩa là “Disposition des couches de minéraux dans le sous-sol […] Par extension. Masse minérale importante, propre à l’exploitation”, nghĩa là “Cách sắp xếp các lớp khoáng sản trong tầng đất cái […] Nghĩa rộng. Khối khoáng sản quan trọng, thích hợp với việc khai thác.” Chính âm tiết “-ment” của “gisement” đã được phiên âm sang tiếng Việt kiểu bình dân thành “moong”. Hiện tượng này không có gì lạ : nó cũng giống như chuyện người Việt Miền Nam đã phiên âm “ciment” thành “xi-moong”, như có thể thấy trong nhan đề “Vôi đá xanh, vôi chịu nước và xi-moong. Cách làm đá giả” trên tạp chí Khoa Học số 59 (1-12-1933). Ca dao Miền Nam có câu:
“Chợ Sài Gòn cẩn đá, chợ Rạch Giá cẩn xi-moong
Giã em ở lại vuông tròn
Anh về xứ sở không còn ra vô.
” Trẻ con Miền Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX không lạ gì với hai tiếng “xi-moong” này vì những viên bi mà họ chơi thời đó thường làm bằng xi-măng (về sau mới có bi thuỷ tinh ngũ sắc). Đó là những “cục đạn xi-moong”. Vậy “-ment” của “gisement” đi vào tiếng Việt thành “moong” không phải là chuyện không thể xảy ra. Còn chuyện “gise-” bị tỉnh lược thì chỉ là hệ quả của việc rút ngắn khi phiên âm : – adjudant > ách (thượng sĩ, ông quản), – aiguille > ghi (thiết bị dùng để chuyển đường ray tàu hoả), – alcool > cồn, – aluminium > nhôm, – portefeuille > bóp (ban đầu là bóp-phơi), – pourboire > (tiền) boa, – copier > cóp, – correcteur > cò (người sửa mo-rát), – commissaire > cò (cảnh sát trưởng), – essence > xăng, – effet > phê, – [en] arrière > de ( = lùi), v. v..
Tóm lại, “moong” là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở từ “gisement”, có nghĩa là “vỉa [khoáng sản, đất đá, v.v.]”. Ngoài nguyên từ (etymon) này ra, chúng tôi không thấy có bất cứ từ nào khác có thể là ứng viên thích hợp. Dĩ nhiên là nếu có vị thức giả nào chỉ ra một nguyên từ khác có sức thuyết phục mạnh hơn thì chúng tôi sẽ vô cùng cám ơn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét