Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Giữa cõi nhân gian, cõi tôi, người




 UYÊN NGUYÊN



1.
Ðã nhiều tháng qua, hôm nay mới có được một ngày thảnh thơi, giữa không gian yên tịnh.

Sáng nay khi bước vào thư phòng, tôi liền đóng hết cửa lại, mong giảm thiểu những tiếng động lao xao từ ngoài phố vọng lên. Buổi sáng không có ai ngoài tôi với những vật dụng vô tri. Lắm lúc tôi nghĩ, như bây giờ mình cũng muốn được vô tri tựa những ghế bàn, cây viết, lọ hoa…

Nhưng không phải, mọi vật chung quanh đều khoác lên người một dáng vẻ riêng, cũng có ngôn ngữ riêng để thổ lộ điều gì đó, và tôi chợt nhận ra những vật dụng tưởng rằng vô tri nằm bất động kia, một thời lại là chỗ đậm đà ân nghĩa.

Tôi cảm nhận mọi điều ở đây thật thân thiết, như bằng hữu lâu ngày quý trọng, ở gần đâm quen, một bận xa sẽ nhớ.

Mỗi ngày tôi vẫn tủn mủn với những vật dụng vô tri như thế. Ghế đỡ tôi ngồi, bàn nâng tôi vững, viết giúp tôi miệt mài thêu ý tưởng, lọ hoa giúp tôi thư giãn một phần đời đa đoan và nhiều vật dụng khác nữa, như lũ bạn hiền đoanh tay cùng buồn vui mấy bận theo đời.

Những vật dụng vô tri như thế, ẩn mật trong ngôn ngữ riêng của mỗi hoàn cảnh, đã dạy tôi rất nhiều bài học ý nghĩa của cuộc sống, mà giữa những khoảng trống, trắng, chơi vơi, tôi từng khi ngã xuống, vẫn có điều gì mầu nhiệm kéo, lôi về.

2.
Sáng nay ngồi giữa vuông vức bốn vách tường câm lặng, tôi tập ngồi lắng nghe những người bạn vô tri một cách thành khẩn, và trong âm ngữ của từng món bày biện giữa căn phòng nhỏ bé này, có tiếng của một cốc trà thâm trầm, từ tốn và bao dung.

Một lần tôi nghe, chuyện kể rằng: Khi thiền sư Banzan Hoshaku 盘山宝积 (720-814) đi ngang một khu chợ, tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa anh hàng thịt và khách hàng.’Cho tôi miếng thịt ngon nhất mà tiệm anh có,’ người khách hàng nói. Song, anh hàng thịt trả lời: ‘Trong tiệm tôi, mọi thứ đều nhất, chị chẳng tìm ở đây được miếng thịt nào mà không nhất cả.’ Nghe những lời này, Banzan tức thì giác ngộ.

Kỳ thật cõi người xưa nay, thường có lắm điều dây dưa, vì chấp vào phương tiện thiện xảo của cổ nhân bất đắc dĩ lập thành văn tự ngôn ngữ để dẫn dắt những kẻ hậu học, rồi đem huyên thuyên bát sách và biện biệt so đo. Chẳng trách, ngài Triệu Châu (778-897) năm xưa đã cảnh thức: ‘Ðạo thật không khó, miễn đừng so đo.’ (Bích Nham Lục – Tuyết Ðậu Trùng Hiển 980-1052)

Cho nên, khi thiền sư Banzan nghe được câu nói ‘mọi thứ đều nhất!’ tức ngộ, là tâm không còn phân biệt, hiểu lẽ tất cả chúng sinh bình đẳng như nhau, đều là Phật đang thành!

Kinh Bát Nhã nói: “Khi Bồ tát Quán-tự-tại thực hành trí tuệ Bát Nhã thâm sâu, soi thấy (tất cả) là Không, Ngài liền vượt mọi khổ nạn.” Tất cả là Không, tức là không còn phân biệt cái gì hơn cái gì.

Ở đây, lời nói dù xuất xứ của một anh hàng thịt, mang nghiệp quả sát sanh sâu dày, nhưng vẫn có công năng làm thức tỉnh một bậc thiều sư, bởi khi tâm đã không còn phân biệt, kỳ thị, thì lời nói kia là phương tiện để nương theo tu tỉnh. Bồ Tát biến thân, thỏng tay vào chợ, cũng ‘bệnh’ như chúng sanh, nhưng đại bi nguyện thì đời đời kiếp kiếp giải thoát cho tất thảy chúng sanh: ‘Con phũ phục thỉnh cầu Ðức Thế Tôn Từ Bi chứng minh cho con, trong thời kỳ dữ dội đầy năm thứ vẫn đục, con nguyện vào đó trước. Nếu còn một chúng sinh chưa được thành Phật, không bao giờ với họ, con bỏ mà Niết Bàn.’ (Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

3.
Giữa cõi nhân gian, cõi tôi là người, giữa ma đạo vẫn ngày ngày mở rộng ra thênh thang, ai dám tự xưng mình thánh thiện hay biết trước mình được tốt lành mãi. Và cũng bởi khởi niệm có “ta tốt hơn, ta hay hơn, ta giàu hơn, ta sang hơn, ta đẹp hơn…” mà thế giới ba nghìn trầm luân hỏa ngục.

Buổi sáng tôi ngồi im lặng, nâng trên tay cốc trà hương thơm lừng, đời sống vẫn nối tiếp theo nhau những quả nghiệp trùng trùng mà khi lãnh nhận, không có cách nào khác hơn, tôi tập hạnh bao dung của tách trà mà uống vơi cạn trong niềm hạnh phúc nhận biết, mong còn kịp tiếp nhận thêm những điều mới với niềm tin sẽ khác.

Dù sao, giữa cõi bao la ngợm, người tôi là muôn một, thì tôi vẫn luôn quý trọng những điều tốt lành, như quý trọng những ân tình mà ghế bàn, cây viết, lọ hoa hay tách trà đã sẻ chia từng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét