Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

“Văn học và truy cầu tự do” – Mario Vargas Llosa






Mario Vargas Llosa (1936–) là nhà văn người Peru. Ông được trao giải de Cervantes năm 1994, giải Jerusalem năm 1995, và giải Nobel văn học năm 2010. Năm 2011, cùng với cựu tổng thống Ba Lan Lech Wałęsa và nhà kinh tế học Robert Higgs, Vargas Llosa được trao giải Alexis de Tocqueville của Independent Institute, một viện nghiên cứu chính sách ở Hoa Kỳ. Ông viết tiểu luận “La literatura y la búsqueda de la libertad” nhân dịp này.
Văn học và truy cầu tự do

Có thể thấy những phước lành của tự do và những hiểm họa của cái đối lập với nó trên toàn thế giới. Đó là lý do tại sao tôi rất nhiệt tình theo đuổi việc thúc đẩy ý tưởng về tự do cá nhân trong các tác phẩm của mình.

Sau khi từ bỏ những ảo tưởng Marxist vốn ăn sâu trong nhiều người thuộc thế hệ tôi, tôi sớm bắt đầu thực sự tin mình đã tìm thấy một sự thật cần được chia sẻ bằng cách thức tốt nhất mà tôi biết, thông qua nghệ thuật văn chương. Các nhà phê bình cánh tả và cánh hữu thường ca ngợi tiểu thuyết của tôi, chỉ để tách mình khỏi những ý tưởng mà tôi thể hiện. Tôi không nghĩ tác phẩm của mình có thể tách khỏi những lý tưởng của nó.

Vai trò của người viết tiểu thuyết là kể lại những sự thật phổ quát và vô tận thông qua một cách tự sự nhất định. Ý nghĩa của một câu chuyện trong vai trò một tác phẩm nghệ thuật thì không thể nào tách khỏi thông điệp của nó, chẳng khác gì những triển vọng về tự do và thịnh vượng của một xã hội thì không thể nào tách khỏi những nguyên tắc nền tảng của nó. Nhà văn và con người là một, văn hóa và những niềm tin chung của nó là một. Trong văn của mình và trong đời mình tôi đã theo đuổi một tầm nhìn, không chỉ là truyền cảm hứng cho độc giả, mà còn là chia sẻ ước mơ của tôi về những gì mà chúng ta có thể khao khát xây dựng trong thế giới của chúng ta.

Những người yêu tự do thường bị chế nhạo vì chủ nghĩa lý tưởng của họ và đôi khi chúng ta cảm thấy đơn độc, bởi có vẻ rất ít người cống hiến hết mình cho những lý tưởng của “chủ nghĩa tự do” đích thực.

Ở Hoa Kỳ, từ “liberal” đã gắn liền với cánh tả, chủ nghĩa xã hội, và vai trò quản trị đầy tham vọng trong nền kinh tế. Nhiều người mô tả chính trị của họ là “tự do” lại tích cực ủng hộ các biện pháp mong muốn gạt bỏ tự do kinh doanh sang một bên. Một số người gọi mình là nhà tự do chủ nghĩa còn thể hiện thái độ thù địch lớn hơn thế đối với kinh doanh, lớn tiếng phản đối ý tưởng về tự do kinh tế và thúc đẩy tầm nhìn về một xã hội không quá khác biệt so với những thử nghiệm mang tính utopia vốn thất bại của các chế độ xã hội chủ nghĩa và phát xít trong lịch sử.

Ở Mỹ Latin và Tây Ban Nha, nơi từ “liberal” ban đầu mô tả một người đấu tranh cho tự do, cánh tả giờ lại sử dụng nó như một lời công kích. Nó mang những ý nghĩa của nền chính trị “bảo thủ” hay phản động, và đặc biệt là thiếu quan tâm đến người nghèo trên thế giới. Tôi đã bị cáo buộc sai lầm như thế.

Trớ trêu là có thể gán một phần của sự nhầm lẫn này cho những người đấu tranh cho nền kinh tế thị trường dưới danh nghĩa chủ nghĩa tự do cũ. Đôi lúc họ gây hại cho tự do nhiều hơn cả các nhà Marxist và các nhà xã hội chủ nghĩa khác.

Có những người nhân danh thị trường tự do đã ủng hộ những nền độc tài Mỹ Latin mang nắm đấm đàn áp sắt nhưng lại được cho là cần thiết để hoạt động kinh doanh có thể vận hành, phản bội chính những nguyên tắc nhân quyền mà các nền kinh tế tự do dựa vào. Rồi còn có những người thu nhỏ mọi vấn đề của nhân loại vào một vấn đề kinh tế và coi thị trường như một loại thuốc chữa bách bệnh. Làm như vậy, họ đã bỏ qua vai trò của tư tưởng và văn hóa, nền tảng đích thực của văn minh. Nếu không có những phong tục và niềm tin được chia sẻ, chúng ta sẽ lâm vào cuộc đấu tranh kiểu Darwin giữa những tác nhân bị nguyên tử hóa và ích kỷ mà nhiều người cánh tả đúng đắn coi là vô nhân đạo.

Hơn nữa, cái mà các nhà tập thể chủ nghĩa không hiểu là tầm quan trọng của tự do cá nhân đối với sự phát triển của các xã hội và sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Đây là tri thức cốt lõi của chủ nghĩa tự do đích thực: Mọi tự do cá nhân đều là một phần của một toàn thể không thể tách rời. Tự do chính trị và tự do kinh tế không thể phân đôi. Nhân loại thừa hưởng kiến thức này từ hàng ngàn năm kinh nghiệm và hiểu biết của chúng ta đã được làm giàu nhờ các nhà tư tưởng tự do vĩ đại. Một số nhà tư tưởng yêu thích của tôi là Isaiah Berlin, Karl Popper, F. A. Hayek, và Ludwig von Mises. Họ đã mô tả con đường thoát khỏi bóng tối và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn của tự do và sự trân trọng phổ quát dành cho những giá trị của phẩm giá con người.

Khi chân lý tự do bị lãng quên, chúng ta sẽ thấy nỗi kinh hoàng của các nền độc tài dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, cuồng tín giáo phái, chủ nghĩa khủng bố, và nhiều hình thức bạo lực đã định nghĩa phần lớn kỷ nguyên hiện đại. Vấn đề này ít rõ rệt hơn ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn những vấn đề khác phát sinh từ việc bỏ rơi những nguyên tắc chủ chốt này.

Nhiều người bám vào hy vọng rằng có thể kế hoạch tập trung nền kinh tế. Giáo dục, y tế, nhà cửa, tiền bạc và ngân hàng, kiểm soát tội phạm, giao thông, năng lượng, và hơn thế nữa đi theo mô hình “chỉ huy và kiểm soát” thất bại đã nhiều lần mất uy tín. Một số tìm đến những giải pháp dân tộc chủ nghĩa và nhà nước chủ nghĩa cho sự mất cân bằng thương mại và các vấn đề di dân, thay vì cân nhắc sự tự do lớn hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những lý do để lạc quan ở Hoa Kỳ và ở những nơi khác. Hệ thống Mỹ vẫn cho phép bất đồng công khai, đặc trưng của một xã hội tự do, và cả cánh tả lẫn cánh hữu đều thực hành sự tự do đầy trân quý này theo một cách lành mạnh. Trên thế giới, chủ nghĩa chống tư bản và chối từ Mỹ đều suy giảm. Ở Mỹ Latin, ngoại trừ Venezuela và Cuba, các chế độ độc tài mang hình thức xã hội chủ nghĩa và phát xít cũ đều đã suy vong, với những cải cách thị trường lan rộng trên khắp các chế độ cánh tả trên danh nghĩa.

Truy cầu tự do chỉ là một phần trong cuộc truy cầu một thế giới nơi sự tôn trọng pháp quyền và nhân quyền là phổ quát, một thế giới không có những kẻ độc tài, khủng bố, hiếu chiến, và cuồng tín, nơi đàn ông và phụ nữ thuộc mọi quốc tịch, chủng tộc, truyền thống, và tín ngưỡng có thể chung sống trong nền văn hóa của tự do, nơi các đường biên giới nhường chỗ cho những cây cầu mà con người có thể vượt qua để đạt được mục tiêu của mình, chỉ bị giới hạn bởi ý chí tự do và tôn trọng quyền của những người khác. Nó là cuộc truy cầu mà tôi đã cống hiến cả nghiệp viết của mình, và nhiều người đã chú ý. Nhưng chẳng phải nó là cuộc truy cầu mà tất cả chúng ta nên cống hiến đời mình hay sao? Câu trả lời rất rõ ràng khi chúng ta thấy những gì đang bị đe dọa. ♦

© 2011 by Mario Vargas Llosa | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét