" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016
Truyện con lợn thứ mười ba và sự tích hoa ngũ sắc
Truyện: Phó Đức Tùng - Tranh: Vũ Tuấn Kiệt
Ngày xửa ngày xưa, Ngọc hoàng Thượng đế làm ra người phụ nữ, một kiệt tác hoàn hảo, với đủ những nguyên liệu quý giá nhất mà Người có được. Người say mê tác phẩm của mình, không lúc nào rời. Thế rồi người hòa mình với tác phẩm đó, đẻ ra mười hai người con gái, nhan sắc mỹ miều. Người phụ nữ đầu tiên đó sau này được phong là Tây vương Mẫu, là bậc sinh thành ra thiên hạ.
Mười hai người con mỗi người một vẻ, một tính cách, và đều có những tài năng rất riêng. Nếu hợp cả mười hai người lại thì không có sắc thái đẹp đẽ gì, không có ý tưởng hay ho nào, không có tài năng đặc biệt nào là không được thể hiện. Thượng đế yêu họ lắm, và cho mỗi cô cai quản một cung trên thượng giới, tạo thành một chế độ gia đình trị. Mỗi cung quản lý 1 canh giờ trong ngày, một tháng trong năm, một năm trong chu kỳ thái tuế. Mỗi cung có một ngọc ấn trấn cung, khắc hình một con vật, từ chuột đến lợn, dân gian vẫn gọi là 12 con giáp. 12 con giáp này vốn là 12 con linh thú trấn cung của 12 cung. Mỗi con có một số đặc điểm, tượng trưng cho bản sắc, cũng như nhiệm vụ của cung đó. Cứ đến phiên cung nào quản lý thì thiên hạ lại được ban phát ân trạch theo cách của cung đó, nên mỗi thời đều có cá tính của nó.
Ở phương Tây, người ta còn gọi 12 cô tiên nữ này là 12 bà mụ. Mỗi khi một đứa trẻ ra đời, họ đều mời 12 bà mụ đến ban phước lành và các năng lực cho nó. Và thường thì trong mười hai bà, sẽ có một bà nhận đỡ đầu cho đứa bé. Khi đó, người ta nói là đứa bé có tuổi này hay tuổi kia, theo cung của mẹ đỡ đầu. Và cũng từ đó, người ta có thể dự đoán phần nào tính cách, số phận của đứa trẻ, vì những tặng phẩm của người mẹ đỡ đầu sẽ là tài sản đầu đời lớn nhất của nó mà từ đó, nó gây dựng tương lai.
Tuy mỗi cô một vẻ, nhưng cô út có lẽ là người hoàn mỹ hơn cả, và được cha mẹ cũng như các chị yêu chiều nhất. Cô được giao cho làm chủ cung Hợi, một cung nhàn hạ nhất, ít việc nhất mà lại nhiều lộc nhất trên thiên đình. Việc của cô chủ yếu là chuẩn bị quà tặng cho cha mẹ và 12 chị em trong mỗi dịp cuối năm, nghĩa là khi hết một vòng công việc của các cung, lo xong mọi sự cơ bản cho thiên hạ. Vì thế, con Lợn, biểu tượng của cung này là một con vật được nuôi ăn quanh năm, chẳng phải làm gì, chỉ mỗi dùng vào việc tế lễ các thần vào dịp cuối năm. Con Lợn có mười hai cái vú, để nuôi mười hai chú lợn con, tượng trưng cho món quà của cung Hợi cho 12 cung thái tuế.
Sau khi đẻ ra 12 người con gái, Ngọc hoàng thượng đế và Tây vương mẫu quyết định phải dừng đẻ, vì mọi thứ tốt đẹp trên đời, mọi cung trên thượng giới đã có chủ và mọi công việc thế gian đã có người quản lý. Mọi sự tưởng chừng như mỹ mãn, hoàn toàn theo quy luật. Nhưng rồi một ngày kia, thượng đế say rượu, không kìm được lòng dục, lại ngủ với Tây vương mẫu, và đẻ ra một người con gái thứ 13. Người con gái này vô cùng xấu xí, quái đản, chẳng ra gái, cũng chẳng giống trai. Cô chẳng có tai, có mũi. Giữa trán cô mọc một con mắt duy nhất, sáng quắc, tỏa ra một hơi lạnh kinh người. Toàn thân cô tròn ung ủng, đầy những vết sẹo lồi lõm như hố bom. Tóc tai rối bời, cứng đơ như rễ tre. Cô gái tội nghiệp vừa đẻ ra đã buồn rười rượi, chẳng bao giờ nói, chẳng bao giờ cười. Vì quá xấu xí, cô gái không bao giờ dám xuất hiện, chừng nào có ánh sáng mặt trời, và chẳng bao giờ dám gặp ai. Thượng đế thương con, sợ người ta chế giễu, chê cười nên cho cô ra ở riêng tại một tòa biệt cung rất xa, chẳng ai tới được. Và ông phao tin là cô quá đẹp, đẹp tới mức thần thánh, không thể bị sự trần tục làm cho ô uế, nên phải để cô ở riêng. Tất cả mọi người không ai thấy cô, nên chỉ có thể tưởng tượng ra một người con gái vô cùng đẹp, vô cùng tinh túy mà mọi sự trần tục đều không thể giống được. Sau này người ta gọi cô là Hằng Nga, tượng trưng cho sự trong trắng nguyên vẹn, và một vẻ đẹp mơ ước nhưng chưa ai biết là gì.
Hằng Nga giáng trần
Ban ngày, khi mặt trời chiếu sáng thế gian, không ai thấy bóng dáng Hằng Nga. Nhưng khi đêm đến, nhìn lên bầu trời, người ta có thể thấy một tinh cầu sáng lạnh, chính là ánh sáng tỏa ra từ con mắt độc nhất của Hằng Nga. Nếu cô ngủ, nhắm mắt, người ta sẽ không nhìn thấy gì. Khi cô hé mắt, người ta sẽ thấy một quầng sáng hình lưỡi liền, hoặc câu liêm. Và khi cô tỉnh hoàn toàn thì ta có thể thấy một vầng sáng tròn vành vạnh. Người đời gọi tinh cầu đó là cung Quảng Hàn, và họ biết đó chính là nơi ở của Hằng Nga. Tên gọi này xuất phát từ cảm giác buồn rười rượi, lạnh lẽo, dễ bi lụy mà nguồn sáng kia tạo ra ở mỗi người ngắm nó. Đồng thời, nó cũng là biểu tượng của một vẻ đẹp trinh tiết, lý tưởng không thể với tới. Biết bao thế hệ con trai, đàn ông đã từng say đắm ngắm trăng, rồi thầm mong mình có được người yêu đẹp đẽ như Hằng Nga. Biết bao đời phụ nữ từng ngắm trăng với sự ghen ghét, hoặc tự kỷ, hoặc mong ước được một phần như Hằng Nga. Có ai biết đâu vẻ đẹp mong ước của mọi thời đại lại chính là người con gái xấu xí lỡ kế hoạch của thượng đế.
Từ khi có thêm Hằng Nga, cô gái thứ 12 trở thành chị áp út, và tất nhiên, cô cũng muốn có một phần quà cho người em út của mình. Cô cố gắng bớt nhặt từ những vật liệu thừa trong việc làm 12 món quà tặng của 12 cung để cố biện ra một phần quà cho em. Tuy nhiên, vì không nằm trong hoạch định nên phần quà này kiểu gì cũng không được trọn vẹn như 12 phần kia. Người ta quan sát thấy con lợn thường đẻ 13 con, nhưng vì chỉ có 12 cái vú nên nó chỉ nuôi được 12 con, một con yếu nhất bao giờ cũng sẽ bị chết ngay sau khi đẻ, và dân gian vẫn gọi con lợn xấu số này là con lót ổ. Giống lợn thường đẻ ban đêm. Sáng ra, người ta đã thấy một chú lợn con thứ 13 nằm chết, xác đã lạnh. Có tin đồn là Hằng Nga thường trượt theo ánh trăng xuống hạ giới để ăn xác chết của chú lợn thứ 13 này. Vì thế, khắp nơi trên thế giới, người ta đều có liên tưởng giữa ánh trăng tròn, tức là khi Hằng Nga hoàn toàn tỉnh giấc, với những hoạt động ma quỷ, ăn xác chết, ma cà rồng hút máu v.v…
Người nông dân khi tỉnh giấc thường thấy xác một chú lợn con đã chết. Trong niềm vui vì mới có được 12 chú lợn con kháu khỉnh, đang tranh nhau bú mẹ, anh ta dọn dẹp chuồng lợn, và vứt xác chú lợn xấu số ra góc vườn xa, cùng với phân rác. Ngày hôm sau, giòi bọ, bọ hung lao vào xâu xé cái xác, cũng như rác rưởi, phân, và tất cả đều biến mất trong khoảnh khắc. Thế nhưng một thời gian sau, từ chỗ bãi rác nọ bỗng mọc lên một loài hoa lạ, có hình tròn như mặt trăng, với nhiều cánh nhỏ màu sắc lung linh như cầu vồng, nhưng không rực rỡ như ánh mặt trời, mà âm u, lành lạnh như ánh trăng. Hoa không có hương thơm, mà có mùi hăng hắc, cay cay như không khí đám ma. Do màu sắc của nó mà giới học thuật thường gọi đây là hoa ngũ sắc. Người dân thì lại gọi đây là hoa cứt lợn, vì thấy nó mọc lên từ bãi phân lợn. Thực ra, hoa này là món quà Hằng Nga, hay có nơi còn cho là bà mụ thứ 13, đem xuống hạ giới để tặng cho đứa con đỡ đầu xấu số của mình. Người đời hay tả bà mụ thứ 13 là một bà phù thủy độc ác, chuyên nguyền rủa những đứa trẻ, vì bố mẹ nó đã không hậu đãi mình. Ít ai biết được bà mụ thứ 13 chính là Hằng Nga đáng thương, và rằng nàng chỉ được nhận đỡ đầu những đứa trẻ yểu mệnh. Cũng như những người mẹ đỡ đầu khác, Hằng Nga yêu quý con đỡ đầu của mình, và mang tặng nó món quà đẹp đẽ nhất. Chỉ có điều nó chẳng bao giờ có phúc để hưởng, và món quà của nàng cũng chẳng mấy ai biết trân trọng, thậm chí còn cho rằng chính nàng mang tới tai ương.
Hoa ngũ sắc tặng cho lợn con thứ 13
Không ai trồng hay cắm hoa cứt lợn, mặc dù nó cũng rất đẹp. Hoa chỉ lẳng lặng mọc ở những nơi hoang vu, ven rừng, cuối vườn. Nhưng những bụi hoa này là nơi tụ họp của muôn loài bướm, mà người ta đồn là vong hồn của những sinh linh xấu số chết yểu hóa thành.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét