" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016
Sự tự do của Emmanuelle
Tự do dưới mắt một người đàn bà rất ... đặc biệt !
Cách đây nhiều năm, ký giả truyền hình danh tiếng Bernard Pivot đã dành chương trình “Bouillon de Culture” của ông để cùng một số trí thức nói chuyện với một phụ nữ rất đặc biệt : chị nữ tu Emmanuelle.
Năm nay “chị” được 87 xuân xanh, nhưng vẫn nhanh nhẹn và mạnh dạn. Người Pháp biết chị nhiều qua việc chị đã dành gần 30 năm của cuộc đời mình để giúp đỡ những gia đình nghèo khổ ở thủ đô Le Caire, Ai Cập. Những người này sinh sống nhờ lục lọi các đống rác khổng lồ được thải ra bởi đời sống tiêu thụ địa phương, rồi tìm cách bán lại những gì có thể bán được. Đa số họ theo Hồi Giáo, và chị Emmanuelle cho biết không khi nào muốn dụ dỗ họ cải đạo theo Công Giáo. Chị thuộc về những nhà “truyền giáo” hiện đại, đến với tha nhân bằng hành động chứ không phải bằng lời giảng… Chị cũng rất vui tính, “mày tao chi tớ” (tutoyer) với tất cả mọi người, kể cả với những tay đại trí thức có mặt !
Tham dự chương trình còn có những nhà văn, nhà báo hàng đầu của Pháp, trong đó có một triết gia vô thần. Chị Emmanuelle kể rằng chị luôn muốn làm việc cho người nghèo khó, nhưng mãi đến năm sáu mươi tuổi mới được nhà dòng cho phép. Câu hỏi lập tức được đặt ra là : “làm sao có thể chấp nhận được sự mất tự do ấy ?”
Vị nữ tu trả lời : “không có ai tự do hơn một nữ tu !” Trước sự ngạc nhiên của cử tọa, chị giải thích :
Với ba lời khấn hứa của đời nữ tu, tôi hoàn toàn tự do. Ba lời khấn đó là :
– Thứ nhất : nghèo khó, không giữ của riêng. Nhờ đó tôi không bị ràng buộc bởi những ham muốn tiền bạc, tài sản, không phải chạy theo chúng, không phải loay hoay làm mọi chuyện để bám lấy chúng.
– Thứ nhì : thanh tịnh, không dính vào tình yêu nam nữ. Nhờ đó tôi được giải thoát khỏi sự kềm tỏa của quý ông (mọi người cười) !
– Thứ ba : vâng lời, tuân phục bề trên. Nhờ đó, tôi được giải thoát khỏi chính tôi, tức là khỏi những ham muốn của mình, khi thì thích đi đây, khi thì thèm đi đó, khi đòi làm chuyện này, lúc muốn làm chuyện nọ …
Bà kết luận : với ba sự giải thoát ấy, tôi hoàn toàn tự do.
Bên cạnh vấn đề tự do, nữ tu Emmanuelle cũng có những nhận xét ngộ nghĩnh khác :
Khi Bernard Pivot tuyên bố một cách quả quyết rằng bà gần Thiên Chúa hơn ông, thì bà phủ nhận mạnh mẽ, cho là không thể biết được.
Pivot nói :”nếu thế thì quả thực là Thiên Chúa có óc khôi hài rất lớn”.
Bà trả lời : “À ! rốt cuộc mày cũng có được một câu có lý !”
Người ta nhận xét bà giao du với một kẻ giết người. Bà trả lời : “anh ta rất tốt, rất tử tế, tôi rất quý trọng anh ta”. Bà cho là sự quý trọng của bà đối với anh chàng sát nhân này khiến cho anh ta sẽ phải ngần ngại khi cầm trở lại một con dao với ý tưởng bạo hành, vì anh ta không muốn mất đi sự quý trọng mà anh ta đã nhận được. Và thêm rằng : đó là phản ứng tâm lý của anh ta, chứ riêng bà không hề có ý đè nặng trên tâm hồn anh bằng một sự phê phán nào cả. Theo bà, việc sát nhân của anh này do những duyên cớ mà bà không thể biết hết được và vì thế, không thể lên án.
Vị triết gia vô thần tuyên bố ông có thể chấp nhận niềm tin nơi Thiên Chúa, nếu quan niệm Thiên Chúa như nguồn của sự Thiện nằm trong mỗi người. Bà lập tức đồng ý với ông, trong khi hai nhà văn Công Giáo hiện diện tỏ ý coi Thiên Chúa như một thực thể ở ngoài con người. Bà đặt lý tưởng của mình nơi Đức Ky Tô, mà Đức Ky Tô chính là một con người thật, đồng thời cũng là Thiên Chúa. Mục đích của bà là sống như Đức Ky Tô, tức là với Thiên Chúa ở trong mình.
Có lúc bà tự hỏi vì sao những người nghèo nàn đói kém sống trong những khu nhà ổ chuột ở Le Caire lại có vẻ hạnh phúc hơn những kẻ sung túc mà bà thường gặp nơi đất Pháp giàu có ? Bà cho rằng đó là nhờ họ ít ham muốn…
Và khiêu khích : “chúng ta đều phải sống trong những khu nhà ổ chuột !”
NGUYỄN HOÀI VÂN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét