Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Báo chí "bầy đàn"





Không chỉ riêng Việt Nam mà báo chí nước nào cũng vậy, đều mắc hai căn bệnh hiểm nghèo. Đó là tật “ăn theo nói leo” và thói “bầy đàn”. Chẩn đoán và kê thuốc cho hai căn bệnh đó của báo chí Việt Nam cần có nhiều pho sách. Tôi chắc rằng ai đó, đến một lúc nào đó, sẽ cho ra đời những công trình này.

Hai căn bệnh đó biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, ở “mọi lúc mọi nơi”. Tôi chỉ lấy một vài ví dụ, tuy chưa phải là điển hình, nhưng dễ nhìn thấy.

Chuyện dễ nhìn thấy  là cuộc “bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới”. Cuộc bình chọn này do Công ty New Open World Corporation (NOWC) “phát động”. Đó không phải là một tổ chức quốc tế có uy tín về văn hóa-khoa học mà chỉ là một công ty tư nhân kinh doanh “ngành” tổ chức sự kiện, na ná như một công ty quảng cáo.

Không rõ công ty này đã “PR” như thế nào mà đã tổ chức thành công tại Việt Nam một phong trào vô cùng rầm rộ kêu gọi bình chọn các "kỳ quan thiên nhiên thế giới". Hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng đều triển khai phong trào, một số báo in và báo điện tử biến thành sự kiện lớn vô tiền khoáng hậu của báo mình, thậm chí có báo còn mở các chiến dịch kéo ra nước ngoài kêu gọi “vote” cho Hạ Long. “Hãy bầu chọn cho Hạ Long” (và Phong Nha, Phan Xi Păng), điệp khúc đó cứ ra rả hàng ngày.

Có lẽ do tác động của các nhân viên kinh doanh quảng cáo được báo chí tiếp tay, một “Ban chỉ đạo quốc gia” đã ra đời nhằm thống nhất điều khiển cuộc vận động. Tinh thần ái quốc dâng trào trên các … mặt báo. “Bầu cho Hạ Long là yêu nước”, khẩu hiệu đó được hô vang trên báo trên đài, trên các website, trên Blog. Nó khiến cho mọi người phải ngầm hiểu rằng ai không bầu cho Hạ Long, không bầu cho Phong Nha, không bầu cho Phan Xi Păng là không yêu nước, ai chống lại cuộc vận động là phản lại quyền lợi dân tộc. Những người hiểu biết đã không dám lên tiếng, nếu có lên tiếng thì cũng bị “nhiệt tình ái quốc” trên truyền thông tẩy chay, đè bẹp. UNESCO, một tổ chức có uy tín và thẩm quyền quốc tế về vấn đề này đã có lời cảnh báo, các chuyên gia có uy tín về khoa học và văn hoá cũng đã phân tích về sự không nghiêm túc cũng như sự vô giá trị của cuộc bình chọn, nhưng lạ lùng thay các tờ báo lớn của Việt Nam lại “ỉm” đi không thông tin cho công chúng.

Cuộc “bình chọn” thật là kỳ quặc, nó chỉ dựa vào số người “bỏ phiếu” trên website, hoàn toàn không đưa ra các tiêu chí khoa học và văn hoá, không dựa trên các đánh giá chuyên môn của các nhà khoa học, các nhà văn hóa và các sử gia. Với tiêu chí "đông người" đó, nước nào đông dân và truyền thông mạnh thì nước ấy thắng, nước nào ít dân và truyền thông kém thì nước ấy thua.

Hãy thử tưởng tượng nếu Trung Quốc cũng làm như Việt Nam thì điều gì sẽ xảy ra ? Không cần đến những địa danh thiên nhiên kỳ vĩ mà chỉ cần một cái ao làng cũng dễ dàng trở thành “kỳ quan thiên nhiên thế giới”.

Điều kỳ quặc hơn là trong khi hầu hết các nước trên thế đều coi cuộc bình chọn này là “trò chơi của cư dân mạng” nên không cấm cũng không khuyến khích, thì Việt Nam lại biến thành một cuộc vận động lớn có “Ban chỉ đạo quốc gia”. Và dĩ nhiên số lượng người tham gia cuộc bầu chọn tại Việt Nam là đông nhất thế giới.

Khá khen cho tài tổ chức của NOWS và khá khen cho tài làm PR của các nhân viên chân rết của họ tại Việt Nam, tài đến mức biến được báo chí Việt Nam thành bầy đàn phục vụ đắc lực cho mục đích kinh doanh của họ, tài đến mức biết lợi dụng được cả lòng yêu nước của một số khá đông người Việt Nam để khai thác lợi nhuận. Lòng yêu nước - giá trị tinh thần vô giá của người Việt Nam ta đã thể hiện không đúng chỗ.


Tôi không có ý định chê bai cách làm báo phương Tây (Âu-Mỹ). Công nghệ làm báo, tính chuyên nghiệp của những người làm báo, truyền thống báo chí của họ khiến chúng ta kính nể. Nhưng “bầy đàn” nhất cũng là báo chí phương Tây. Một hãng tin lớn đưa cái gì thì lập tức cái đó đồng loạt xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lớn nhỏ. Sự giả dối nếu được lan truyền đồng loạt, cấp tập, xuất phát từ một hãng tin danh giá thì nó lập tức biến thành “sự thật”.

Điển hình là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”. Đó là "sự kiện" do chính quyền Johnson ngụy tạo, bịa đặt ra việc Hải quân Bắc Việt tấn công tàu chiến Mỹ USS Maddox (DD-731) tại hải phận quốc tế đêm 4-8-1964, lấy cớ đó để thuyết phục Quốc Hội Mỹ ra Nghị quyết cho phép leo thang chiến tranh Việt Nam (mở rộng hoạt động quân sự ở miền Nam và tấn công miền Bắc). Báo chí Mỹ, đầu tiên là các tờ báo lớn, tiếp đó là một loạt đài lớn báo nhỏ, đều khẳng định việc “tấn công” này là có thật. Sự vô trách nhiệm của báo chí Mỹ đã tiếp tay cho chiến tranh, góp phần giết chết hàng triệu người Việt Nam và 58 ngàn binh lính Mỹ. Đây là điển hình của báo chí “bầy đàn” ăn theo nói leo. Một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng, nếu báo chí Mỹ có thái độ khách quan và biết đặt ra những nghi vấn khi đưa tin thì chưa chắc Quốc Hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết cho phép mở rộng chiến tranh.

Và cũng chính người Mỹ đã “làm rõ” sự thật về “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” từ rất lâu. Mới đây nhất, Hoa Kỳ lại công bố tài liệu mật khẳng định rõ ràng “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” chỉ là sự bịa đặt. Báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin.

Nhìn lại sự kiện này, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng hồi năm 1964 không phải các nhà báo không có những “thông tin khác”, vấn đề là những thông tin đó không hề được đăng. Nhà văn Mỹ Mark Twain nói một câu rất hay : “Lời nói dối có thể đi nửa vòng trái đất trước khi sự thật xỏ chân vào giày”. Trong trường hợp này, lời nói dối đã “phủ sóng” gây bao đau thương chết chóc, còn sự thật thì không thể “xỏ chân vào giày” được.

Điều lạ lùng là sau khi báo chí Mỹ đồng loạt công bố sự giả dối của “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” thì báo chí Việt Nam đầu năm ngoái lại đồng loạt đăng theo, coi như một phát hiện mới. Đăng theo thì cũng được, nhưng đối với người Việt Nam, dù báo chí Mỹ có công bố tài liệu hay không thì ai cũng biết đó là sự bịa đặt rồi, có gì là mới đâu.

Xem ra trong cách thông tin, báo chí Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tâm lý nhược tiểu.


Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét