Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Washington đã sẵn sàng chấp nhận Bắc Kinh là một “siêu cường”?




Chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, khi các kết nối giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng thì mỗi bên cần phải nỗ lực để thích nghi với phong tục của nước khác nhằm tránh “những bất đồng lớn hay tình trạng tồi tệ hơn”.

Bài phân tích của chuyên gia Ben Lowsen cho hay, bất chấp những căng thẳng tiếp tục leo thang về vấn đề Biển Đông, Washington dường như đã “dịu giọng” hơn đối với Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng, việc chuyển hướng này có thể là do sự thay đổi về mặt lãnh đạo trong thời gian tới ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Cựu trợ lý tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh phân tích: “Vị thế mới nổi của Trung Quốc trên trường quốc tế đem lại cả lo ngại lẫn hy vọng cho quốc gia này. Mối lo ngại ở đây là thế giới sẽ thích nghi ra sao với một cường quốc đang nổi và hy vọng rằng một nền văn minh mới sẽ làm phong phú thêm các khía cạnh trao đổi toàn cầu”.


Theo ông Lowsen, thế giới đang trông chờ vào Hoa Kỳ, coi nước này như một nền tảng lãnh đạo trong hệ thống quốc tế hiện hữu, sẽ đại diện đàm phán về mối quan hệ với một Trung Quốc có tư tưởng hoàn toàn độc lập. “Trước tình thế này, điều quan trọng hơn hết là Mỹ và Trung Quốc cần phải hiểu nhau hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh xung quanh những vấn đề trọng yếu của khu vực”, chuyên gia quân sự nhấn mạnh.

Nhận định của ông Lowsen có phần mềm mỏng hơn so với phát biểu trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về “chủ nghĩa bành trướng” của Trung Quốc. “Trừ khi hai nước tôn trọng những điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa, truyền thống và thể chế quân sự thì các cuộc đối thoại giữa hai nước mới có khả năng thành công”, ông nhấn mạnh



Nhận xét của chuyên gai Lowsen được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tập trận Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu (RIMPAC) chuẩn bị diễn ra tại Hawaii. Sự kiện quân sự này dự kiến bắt đầu từ ngày 30/6 với sự tham gia của 27 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Hôm 15/6, hạm đội Trung Quốc tham gia RIMPAC đã khởi hành từ một cảng quân sự tại thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang.

Tân Hoa Xã cho biết: “Hạm đội Trung Quốc bao gồm tàu khu trục tên lửa Xi’an, khinh hạm Hengshui, tàu hậu cần Gaoyouhu, tàu bệnh viện Peace Ark, tàu cứu nạn tàu ngầm Changdao, ba trực thăng, một đội tàu hàng hải và một đội thợ lặn, cùng với 1.200 sĩ quan và binh lính”.

Trước đó, tiến sỹ Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế Viện Lowy, Australia, đã phân tích rằng: “Cuộc hội kiến tại Diễn đàn Kinh tế và chiến lược trong năm nay được cho là lần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Obama, khi cuộc bầu cử ở Mỹ đang tiến gần. Cũng giống như vậy, Trung Quốc sẽ đối mặt với một sự chuyển giao quyền lực quan trọng trong năm 2017”.

Mặc khác, vẫn còn những điều chưa chắc chắn về tương lại mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngay trong chính giới lãnh đạo hai nước. Dường như không một quốc gia nào muốn tạo ra “những đợt sóng lớn” ngay trước giai đoạn “chuyển giao quyền lực lãnh đạo” sắp tới.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Tuệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét