Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Sự tích miếu Phạm Nhan


Đại Việt.

Miếu thờ Phạm Nhan nay chỉ còn lại dấu tích trên núi Thổ Cu, thôn Cầu Quan, xã Tân Dân. 


Người xưa, nhất là phụ nữ, rất sợ bị Phạm Nhan làm hại, bởi thế mà họ đã nghĩ ra không ít cách khác nhau để trừ Phạm Nhan. Nhưng Phạm Nhan là ai? Sách Công dư tiệp ký (quyển 3) của Tiến sỹ Vũ Phương Đề chép rằng:
“Miếu Phạm Nhan ở xã An Bài, huyện Đông Triều, nằm ngay bên bờ sông Thanh Lương. Tục truyền, thần của miếu này người họ Nguyễn tên là Linh. Cha của thần vốn người Quảng Đông (Trung Quốc), di cư sang nước ta, cư ngụ ở xã An Bài, lấy vợ ở đó và sinh được người con trai, đặt tên là Bá Linh. Lớn lên, Bá Linh lại về Trung Quốc, thi đỗ Tiến sỹ và làm quan cho nhà Nguyên. Y có biết chút ít phép thuật phù thủy nên được phép vào trong cung đình để chữa bệnh. Nào dè vào đó, y thông dâm với bọn cung nữ, bị khép vào tội phải chết. Khi y sắp sửa bị đem ra hành hình thì nhà Nguyên xua quân sang xâm lược nước ta, y liền xin được làm kẻ hướng đạo cho quân Nguyên để lập công chuộc tội. Nhà Nguyên chấp thuận. Nhưng rồi vì bị đại bại ở trận Bạch Đằng, Bá Linh cùng bọn Ô Mã Nhi... đều bị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống. Bá Linh lại một lần nữa, bị khép vào tội phải hành hình. Lần này, y xin được về chết ở quê mẹ, vì thế Hưng Đạo Đại Vương cho đem hắn về chém tại xã An Bài rồi quăng xác xuống sông. Bấy giờ, có hai người đánh cá ở khúc sông này, kéo lưới lên, chẳng được cá mà được... cái đầu của Bá Linh, hoảng sợ, họ bèn cùng nhau khấn thầm rằng:
Nếu hồn ông có thiêng thì xin phù hộ cho chúng tôi đánh được nhiều cá, xong, chúng tôi sẽ xin mai táng hẳn hoi.
Họ vừa khấn xong thì lạ thay, kéo mẻ lưới nào cũng được rất nhiều cá, vì thế họ bèn đem đầu Bá Linh lên táng trên bờ sông. Từ đấy về sau, mỗi lần ra chợ bán cá, đi qua chỗ mai táng đầu Bá Linh, họ đều chỉ tay vào đó mà nói:
Mời bác cùng đi chơi cho vui.
Riết rồi thành thói quen, hồn ma Bá Linh cùng nhập bọn mà đi với họ, người đương thời gọi đó l�Tam hồn. Tam hồn phải thói hay chòng ghẹo phụ nữ. Hễ thích chòng ghẹo ai, họ chỉ cần đưa tay về phía người đó rồi gọi tên Bá Linh, người ấy nhất định sẽ bị ma ám ngay, vì thế, người trong vùng ấy phải lập miếu để thờ. Lại nói chuyện Bá Linh, trước khi bị đem chém, hắn có cầu xin Hưng Đạo Đại Vương rằng:
Tôi nay đã bị tội chém đầu, vậy trước khi chết, xin cho tôi được ăn một món lạ nào đó.
Hưng Đạo Đại Vương cả giận, mắng rằng:
Cho mày ăn máu của đàn bà đẻ ấy.
Bởi thế mà sau khi chết, hồn ma của y thường đi khắp nơi để tìm hút máu đàn bà, ai mắc phải đều bị bệnh liên miên, thuốc thang mấy cũng vô ích. Bệnh ấy gọi là bệnh Phạm Nhan. Ai mà sớm đoán biết được rằng mình mắc bệnh Phạm Nhan thì phải tới ngay đền thờ Vạn Kiếp (hay đền thờ Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ có sẵn ở đó, về nhà, thừa lúc người bệnh không để ý, lấy trải cho họ nằm, đồng thời xin thêm một ít chân nhang đem đốt thành than và hòa vào nước cho uống thì mọi chứng bệnh đều tiêu tan hết. Việc này nếu để bệnh nhân biết là không hiệu nghiệm. Điều đáng nói là chỉ những ai thực sự bị bệnh Phạm Nhan, dùng thuốc này mới nhân đó mà được khỏi hết mọi bệnh, bằng không thì chẳng ích gì. Thiên hạ tin như vậy nên cứ lũ lượt kéo nhau đến đó để đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ, chẳng lúc nào ngơi. Có người đem chiếu về, chưa kịp thay mà người bệnh đã khỏi. Đại để, sự ứng nghiệm là như thế”.
Lời bàn: Trong chỗ lênh đênh sông nước dặm dài, duyên kỳ ngộ giữa các thương nhân với những người con gái khác xứ cũng là sự thường, cho nên, Bá Linh có mặt giữa cõi đời cũng chẳng có gì là lạ cả. Giận thay, Bá Linh lại là… Bá Linh, trên thì đắc tội với đấng cao xanh, dưới thì đại ác với đất tổ của mẹ, sống một đời mà bị khinh ghét những muôn đời!
Để cứu lấy mạng sống của mình, kẻ thất đức thường bất chấp sinh linh của người khác. Nhưng, như Bá Linh kia, dám vì cứu lấy mạng sống của mình mà dẫn quân xâm lăng về dày xéo lên đất quê mẹ, tức là trong đại tội còn có thêm đại tội nữa, thì làm sao mà cầu được dung tha? Hắn đòi chết ở quê mẹ, tưởng thế là hay, dè đâu lại nhục đến muôn lần sự nhục.
Kẻ bi tử hình thường được ăn bữa ăn ngon cuối cùng, được nói lời trăn trối cuối cùng. Bá Linh bị chém, lòng những nghĩ rằng mình bất quá cũng chỉ là tên tử tù nên mới đòi ăn như vậy. Khốn khiếp thay! Hắn bị giết là bởi chẳng có cách trừng trị nào lớn hơn sự giết, chớ như hắn, làm sao mà có thể gọi là một tên tử tù như bao kẻ tử tù? Đấng đạo đức như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà cũng buộc phải nói lời như ông đã nói, bởi vì có cách nói nào tương xứng với nhân cách của Bá Linh đâu. Đến món ăn khủng khiếp ấy, Bá Linh cũng không dễ để có được nên hắn lại làm càn để kiếm mà ăn.
Dân lập ra đền thờ Phạm Nhan chẳng phải để thờ Phạm Nhan mà là để nhắc nhở với muôn đời rằng, nếu không muốn sống cho đàng hoàng thì hãy coi chừng, hồn Bá Linh trong miếu Phạm Nhan còn đó, thối tha hơn mọi sự thối tha. Một mảnh chiếu cũ trong đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đủ để xua hết mọi nỗi lo sợ và bệnh tật, nếp nghĩ ấy, niềm tin ấy… đáng kính biết ngần nào.
Mỗi thời có một cách giáo dục rất khác nhau. Hương khói của ngàn xưa nào phải chỉ giản đơn là chuyện hương khói. La đà giữa những nơi thờ tự, chừng như hương khói cũng từng góp phần không nhỏ vào việc đề cao và tôn vinh cái tốt đẹp, khinh ghét và lên án cái xấu xa. Quả có vậy mà.


Nguyễn Khắc Thuần

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=122577

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét