Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

ĐẤU TRÍ


ĐẤU TR





Chiến tranh Việt - Pháp, Việt - Mỹ:

Cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước Việt Nam phải trải qua chặng đường dài ba mươi năm chiến tranh giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Chính phủ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch muốn bảo vệ thành quả cách mạng bằng hòa bình, nhưng thực dân Pháp cứ lấn tới, cuối cùng chiến tranh phải nổ ra cho đến chiến thắng ở Điện Biên Phủ tháng 5 - 1954, ký kết Hiệp định Genève tháng 7-1954 với các điều khoản lực lượng Viêt Minh tập kết ra Bắc vĩ tuyến 17, quân Pháp vô Nam, hai năm sau Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Pháp rút về nước nhưng đất nước không thể thống nhất bằng biện phá hòa bình vì đế quốc Mỹ nhảy vào thay Pháp lập nên chính quyền tay sai ở miền Nam. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai do Mỹ tiến hành vô cùng ác liệt. Trong khi tiến hành đấu tranh bằng quân sự, đôi bên đều dùng ngoại giao hỗ trợ cho chính trị, quân sự, đây là cuộc đấu trí giữa hai phía cả quân sự và ngoại giao để giành thắng lợi. Không thể nêu tất cả những sự kiện đấu trí hai bên trên mặt trận quân sự, ngoại giao, chúng tôi chỉ đề cập những sự kiện nổi bật nhất, tiêu biểu nhất.

Thời kỳ từ 19- 8-1945 đến 20-7-1954, chúng ta thấy nổi bật đấu trí giữa Hồ Chí Minh với quân Tàu Tưởng và xâm lược Pháp. Đây là thời kỳ khó khăn nhất, vì Chính quyền Cách mạng non trẻ, lực lượng của ta còn yếu phải vượt qua khó khăn tựa "ngàn cân treo sợi tóc". Bác Hồ đã nói: "Giành Chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn". Biết bao sự kiện dồn dập quân thù gây hấn trong Nam ngoài Bắc, thế mà nhờ sự lãnh đạo tài giỏi của Bác, của Đảng cuộc đấu trí ấy Cách mạng giành chiến thắng. Chính quyền được giữ vững, kẻ thù bên ngoài quân của Tưởng phải rút về nước. Kẻ thù trong nước - các đảng phản động phải xếp xó theo giặc.

Xin dẫn một chuyện về tài ứng xử của Bác Hồ khi Người đấu trí với hai sĩ quan Pháp tại Cam Ranh. Câu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn:

Năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam, đến vùng biển Cam Ranh, Bác nhận được bức điện của Đô đốc Thierry D Argenlieu (Đắc Giăng-li-ơ) xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là giễu võ giương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. Thierry D Argenlieu nói bóng gió: "Thưa ông Chủ tịch, ông bị đóng khung giữa hải quân và lục quân đó". Bác thản nhiên mỉm cười: "Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải bộ khung. Chính bức họa mới đem lại giá trị cho bộ khung". Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Bác, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra lịch lãm và kính phục.

Cuộc đấu trí giữa quân đội ta với quân Pháp ở Điện Biên Phủ là điển hình nhất, tiêu biểu nhất của trí tuệ Việt Nam với cả bộ máy chiến tranh của Pháp có Mỹ ủng hộ. Quân Pháp muốn tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta nên hình thành "con nhím" vùng Tây Bắc. Địch còn dùng "con nhím" Điện Biên Phủ ngăn quân đội Việt Minh, bảo vệ Lào theo ý đồ tướng Henri Nava. Phía ta do Thường trực TW Đảng (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh) đứng đầu là Bác Hồ. Người tổ chức thực hiện là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đông Xuân 1953-1954, Pháp triển khai kế hoạch Nava đánh vào căn cứ địa Cách mạng cả miền Bắc và vùng độc lập Khu 5. Tại cuộc họp Thường trực Bộ Chính trị, Bác Hồ đã nói: Địch tập trung lực lượng. Không sợ. Ta bắt địch phải phân tán theo ý của ta. Khi Bác nói đến buộc địch phân tán thì nắm tay Bác bung ra năm ngón chỉ năm hướng. Quả như thế, địch phải phân tán lực lượng do ta tấn công khắp cả Bắc Trung Nam và nước bạn Lào. Trước khi ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác xin ý kiến. Bác nói: "Tướng quân ra trận, cho chú tòan quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn. Có gì bàn bạc trong Đảng ủy thống nhất quyết định rồi báo cáo với Bác sau". Lên tới mặt trân, Đại tướng nghiên cứu trận địa nhận thấy không yên tâm với chủ trương "đánh nhanh thắng nhanh" của Bộ tham mưu đi trước. Đại tướng liên hệ "con nhím" Nà Sản năm trước nhỏ mà bộ đội ta đánh không dứt điểm. Bây giờ "con nhím" Điện Biên Phủ to kiên cố gấp nhiều lần Nà Sản, ta đánh thế này liệu có phiêu lưu không? Họp Đảng ủy bàn không ai trả lời được câu hỏi Đại tướng nêu ra lúc lên đường Bác Hồ căn dặn. Cuối cùng Đảng ủy thống nhất chủ trương rút pháo ra chuẩn bị lại với phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Dù có Mỹ chi viện vũ khí, không quân to lớn trợ giúp nhưng cũng không cứu vãn được Pháp thất bại. Cả tướng Henri Nava, Phó Tổng thống Johnson của Mỹ khi kiểm tra Điện Biên Phủ đều tin chắc họ sẽ tiêu diệt mấy sư đoàn của Việt Minh. Giờ thua nhục nhã, tên Piroth sĩ quan chỉ huy pháo bimh Pháp ở Điện Biên phải tự sát. Tướng Henri de Castris chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hàng chục sĩ quan các cấp và gần 16.000 lính Âu Phi, ngụy quân bị ta tiêu diệt và bắt làm tù binh. Cuộc đấu trí này bọn chỉ huy của Pháp lại thua Việt Minh.



Sang thời chống Mỹ:

Người Mỹ thực hiện chiến tranh thực dân kiểu mới để lừa mỵ nhân dân nước bị xâm lược và tạo sự ủng hộ trong nước họ. Theo đó, Mỹ không đưa quân trực tiếp đến miền Nam mà dùng viện trợ quân sự, đào tạo, xây dựng quân đội cho chính quyền họ dựng lên, trang bị vũ khí để quân đội này chiến đấu dưới chỉ huy của cố vấn Mỹ. (Họ rút ra bài học từ chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp bị thất bại ở chiến trường Việt Nam. Ban đầu Pháp dùng lính bản địa và thuộc địa là chính, sau phải chủ trương dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh). Trải qua từ chiến lược chiến tranh đơn phương rồi chiến tranh đặc biệt quân ngụy ở miền Nam không thắng được Việt Công, buộc họ phải thay đổi chiến lược chuyển sang chiến tranh cục bộ, trực tiếp đưa quân đội Mỹ và chư hầu vào miền Nam đánh với Quân giải phóng.

Khi đưa quân vào miền Nam họ tin tưởng sẽ "tìm diệt" hết Việt Cộng trước tiên là quân chủ lực và đầu não Trung ương Mặt trân dân tộc giải phóng. Qua hai mùa khô 1965 - 1966 - 1967, Mỹ không tiêu diệt được quân chủ lực Việt Cộng mà Việt Cộng tấn công vào nhiều thành phố, thị xã trong Tết Mậu Thân 1968. Đây là lần đấu trí Mỹ thua Việt Cộng đầu tiên, buộc Mỹ phải "xuống thang" việc đánh phá miền Bắc, chịu ngồi vào bàn đàm phán "mặc cả" với MTDTGP, tổ chức mà trước đó họ gọi là phiếm loạn, giặc cỏ...

Từ đây, cuộc đấu trí diễn ra song song vừa trên chiến trường vừa trên bàn hội nghị Paris. Sách lược "Vừa đánh vừa đàm" hai bên áp dụng và luôn tìm thắng lợi trên chiến trường hỗ trợ cho giành thắng lợi ở bàn đàm phán. Cuộc chiến ở chiến trường những năm 1968 - 1970 vô cùng ác liệt. Mỹ nhận ra không thể thắng được Việt Cộng nên lại thay đổi chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"- đổi màu da trên xác chết. Xây dựng quân đội, cảnh sát ngụy thật đông, trang bị vũ khí tối tân cả lục, không quân, hải quân để rút quân về nước hòng xoa dịu phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ ngày một dâng cao.

Mỹ có ưu thế về không quân, cơ giới, tăng pháo và cả hải quân, họ làm chủ bầu trời miền Nam, bờ biển sông ngòi, hành quân cơ động...vậy mà không thắng được Việt Cộng! Đây là Mỹ thua Việt Cộng trong cuộc đấu trí về quân sự.

Năm 1975, dù Mỹ đã "rút hết" quân đội theo quy định của Hiệp định Pa-ri 1973, nhưng thực tế họ để lại hàng ngàn nhân viên quân sự làm cố vấn cho quân đội Sài Gòn dưới lớp áo dân sự, tiếp tục cuộc chiến ở miền Nam.

Thời kỳ sau 1973 là thời kỳ cách mạng miền Nam lớn nhanh, sự chi viện của miền Bắc, lực lượng quân sự chính quy ở miền Nam phát triển nhanh, chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng nhằm giành thắng lợi trong trận quyết chiến cuối cùng. Chiến dịch Tây Nguyên là cuộc đấu trí giữa ta với địch (gồm ngụy quyền, ngụy quân và cố vấn Mỹ) mang tầm chiến dịch - trong việc đánh lạc hướng nhận định của địch - Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã thúc đẩy bước nhảy vọt về chất, dẫn đến nhanh kết thúc cuộc chiến. Các nhà quân sự Mỹ đã viết sau 30-4-1975: Họ chuẩn bị sẽ đánh với Việt Cộng theo kiểu chiến tranh quy ước như chiến tranh Triều Tiên. Nhưng điều đó không xảy ra, chiến lược của họ bị phá sản ngay từ đầu cuộc đấu trí này. Khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh, Việt Cộng lại đánh VNCH bằng chiến tranh quy ước điều mà họ mong muốn trước kia bây giờ mới xảy ra, nhưng đã quá trể. Đây là lần cuối Mỹ thua cuộc đấu trí trên chiến trường khiến cho Tổng thống Mỹ Gerald Ford phải cay đắng tuyên bố cuộc chiến ở Việt Nam đã chấm dứt.




Đấu trí ngoại giao, ở Hội đàm Paris:

Hội đàm Paris kéo dài gần năm năm (từ ngày 13-5-1968 đến ngày 27-01-1973). Đây là cuộc đấu trí giữa ta với Mỹ rất căng thẳng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Lê Đức Thọ sang Paris làm cố vấn hỗ trợ cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy. Xin dẫn câu chuyện ông Thọ gặp Bác Hồ khi từ Paris về xin ý kiến Bác.

"Đồng chí Vũ Kỳ nói chưa xong đã thấy đồng chí Lê Đức Thọ đứng ngay sau lưng mình. Đồng chí tươi cười chào Người vừa đưa hai tay phụ đỡ Bác đứng lên.

- Bác chào Tư lệnh từ "mặt trận nói" trở về.

Nghe Bác nói đùa, tất cả cùng phá lên cười.

- Trong chiến tranh, "mặt trận nói" không phải chỉ có thép mà còn phải có vị ngọt mật". Rồi Bác hỏi đồng Chí Lê Đức Thọ:

- Chú có biết vì sao Bác và Bộ Chính trị vừa phái chú vào Nam được mấy tháng lại mời chú quay trở ra để đi làm cố vấn đặc biệt cho chú Xuân Thủy không?

Bác và Bộ Chính trị hiểu rất rõ lòng trung thành, bản lĩnh kiên cường, nắm chắc cái bất biến và tài ba, khôn khéo trong ứng vạn biến...của chú". (Theo "Đường thời đại" của Đặng Đình Loan, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tập 15, trang 476).

Bác Hồ chọn người đi đấu trí với địch như thế.

Cuối năm 1973, ông Lê Đức Thọ vào thăm anh chị em bị tù đày dưới chế độ Mỹ - ngụy được trao trả an dưỡng tại Sầm Sơn Thanh Hóa. Đồng chí Lê Đức Thọ có cuộc gặp mặt một số anh em lãnh đạo trong nhà tù kể chuyện đấu tranh với Kissinger. Ông Thọ to cao, da mặt hồng hào, tóc bạc trắng, vui vẻ cởi mở, ông nói: Kissinger là người nổi tiếng thông minh của nước Mỹ, ông có học vị Tiến sĩ, còn mình lo làm cách mạng học hành không bằng người ta, nhưng khi vào họp luôn chủ động và thắng ông ta. Đó là do ta dựa vào tập thể, chuẩn bị mọi tình huống trước khi họp với họ nên luôn chủ động như chúng ta đã tính.

Theo ông Phan Doãn Nam, từng là thư ký/trợ lý của Thứ trưởng/ Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Cơ Thạch, trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong bài "Tại sao Mỹ không bồi thường chiến tranh Việt Nam?" 06:13 ngày 13-7-2015. Trong buổi cuối cùng vào tháng 1-1973, sau khi ký Hiệp định Paris, đoàn Việt Nam mời cơm thân mật đoàn Mỹ. Ông Lê Đức Thọ trong bữa cơm đó đã hỏi ông Henry Kissinger nghĩ sao về đoàn Việt Nam. Ông Nam kể lại:

Không phải là người thân Việt Nam, nhưng Kissinger đã nói rằng; "Chuyện các ông chiến đấu oanh liệt là không ai chối cãi. Nhưng nếu các ông chỉ gan dạ, anh dũng thì chúng tôi cũng dễ đối phó. Nhưng đằng này các ông còn khôn ngoan, mưu lược, nên 5 năm nay chúng tôi phải đấu với các ông không phải dễ. Chúng tôi rất kính phục các ông".

Mới đây, ngày 26 tháng 4 năm 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức cuộc Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam, do Bộ trưởng John Kery chủ trì tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin Texas. Kissinger tán dương ông Lê Đức Thọ, đối thủ của ông trong cuộc đàm phán Paris. Kissinnger nói: " Ông ấy (Lê Đức Thọ) đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẩu với con dao mổ với sự khéo léo vô cùng".



Đấu trí về tình báo:

Đây là mặt trận đấu trí tài giỏi của tình báo Cách mạng Việt Nam. Lực lượng nằm trong lòng địch này đã nắm được chủ trương, chuyển nhiều tài liệu thuộc loại tối mật cho lãnh đạo ta chủ động đối phó với địch. Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều cán bộ tình báo, trong đó 6 vị được xếp vào hàng giỏi nhất là:

1. - Bà Đinh Thị Vân - Người vẽ bản đồ phòng ngự Nam vĩ tuyến 17. Bà là một trong những người có công rất lớn trong việc phát triển hệ thống tình báo của Việt Nam. Một trong những thành tích đáng kể là điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 - 1960.

2. - Phạm Xuân Ẩn - "Ký giả số 1 Việt Nam"

Ông Ẩn có công lớn trong việc bảo vệ những cán bộ lãnh đạo của ta tránh việc bị Mỹ phát hiện cũng như cung cấp những tin tình báo quan trọng cho quân ta. Sau chiến thắng ấp Bắc (ở Mỹ Tho) ông được thưởng huân chương chiến công vì đã cung cấp tin tình báo để quân Giải phóng bẻ gãy chiến thuật trực thăng vận, chiến xa vận của quân đội Sài Gòn. Và nhiều chiến công to lớn khác. Ông là một tình báo hoạt động không bị phát hiện cho đến khi ta công khai sau giải phóng mọi người mới biết.

3. - Phạm Ngọc Thảo "Nhà tình báo cô độc"

Đại tá Phạm Ngọc Thảo sinh trong gia đình theo đạo Thiên chúa nhưng có truyền thống cách mạng. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ sau năm 1945. Sau Hiệp định Genève, ông được Lm Ngô Đình Thục giới thiệu với Ngô Đình Diệm, lần lượt giữ các chức vụ tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long, Chỉ huy trưởng Bảo an Bình Dương, tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).

Khác với các tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn...Phạm Ngọc Thảo hoạt động đơn tuyến, không hề có đồng đội trực tiếp hỗ trợ mà chỉ chịu sự chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ và Lê Duẩn. Ông không làm công tác đưa tin đơn thuần mà lớn hơn là được giao nhiệm vụ "thay đổi chế độ tại miền Nam". Sự nguy hiểm của Phạm Ngọc Thảo đối với tồn vong của chế độ Sài Gòn lý giải tại sao chính quyền Thiệu Kỳ phải quyết bằng mọi giá thủ tiêu ông.

4. - Vũ Ngọc Nhạ - Người xây dựng cụm tình báo chiến lược A22.

Ông đã xây dựng cụm tình báo chiến lược A22 với nhiều điệp viên "chui sâu, leo cao" nắm giữ vị trí quan trọng trong chính quyền VNCH. Nhờ vậy, ông và đồng đội đã cung cấp những thông tin, tài liệu quan trọng góp phần vào chiến thắng của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

5. - Hoàng Minh Đạo (tên thật là Đào Phúc Lộc, Bí danh Hoàng Minh Đạo, Năm Thu. Ông chính là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập ngành tình báo. Ngày 25/10/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã tuyên bố thành lập Phòng Tình báo Bộ Tổng Tham mưu. Hoàng Minh Đạo được phân công là Trưởng phòng. Ông đã từng giữ chức ủy viên thường trực Khu ủy Sài Gòn Gia Định; Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 5; Bí thư Phân khu 1 Sài Gòn Gia Định và Chính ủy lực lượng biệt động Sài Gòn.

Ông hy sinh một ngày mùa đông năm 1969 vì trúng phục kích của địch bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 8/4/1998).

6. - Đặng Trần Đức, bí danh Ba Quốc.

Từ năm 1963, Ba Quốc được cài vào làm một trong những trợ lý "trung thành" của bác sĩ Trần Kim Tuyến tại bộ phận tình báo trong nước thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH (CIO) do Trần Kim Tuyến đứng đầu. Ở vị trí này, Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng trong mạng lưới tình báo của VNCH.

Cuộc đấu trí trên lĩnh vực tình báo Việt Nam cũng dành thắng lợi trước tình báo Pháp - Mỹ.



o



Cuộc đấu trí giữa Việt - Pháp, Việt - Mỹ là cuộc đấu trí của Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Thống soái của Đảng với guồng máy đồ sộ của Pháp và Mỹ. Suốt ba mươi năm đấu trí phía Việt Nam thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" một cách nhuần nhuyễn, đưa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dành thắng lợi. Trong Hồi ký Ending the Vietnam War (Quá trình iến tới chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam), do Simon và Schuster xuất bản ở New York, London, Toronto, Sydney, Singapore của Kissinger có câu: "Nước Mỹ thực sự đứng trước một sự chọn lựa không phải giữa chiến thắng hay dàn xếp thỏa hiệp, mà là giữa chiến thắng và thất bại".

Đấu trí giữa ta với địch trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, trong từng chiến dịch, từng trận đánh, có cuộc đấu trí từ trí tuệ tập thể, có trận đấu trí do một cá nhân "tay đôi" với giặc. Nếu cần so sánh, chỉ xin nêu vài điểm là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa qua bất cứ trường quân sự nào nhưng đã đánh thắng mười đại tướng của Pháp và Mỹ, các nhà tình báo Việt Nam có người được giao nhiệm vụ chưa hề học tình báo ngày nào, quân đội ta từ súng kíp tầm vông từ du kích lên chính quy đã chiến đấu chiến thắng quân viễn chinh Pháp - Mỹ và quân đội tay sai Sài Gòn. Ông Lê Đức Thọ không có bằng Tiến sĩ nhưng đã làm cho TS Kissinger kính nể...

Bản thân các tướng Pháp - Mỹ từng bại trận cũng phải thừa nhận tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong cuốn "Hỏi chuyện tướng Đờ Cát" (tướng Christian de Castris), vị này nói rằng: "Tôi nhận thấy tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy du kích mà còn giỏi cả chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy hợp đồng quân binh chủng, về nghi binh và đánh lừa tình báo đối phương".

Đại tướng Westmoreland của Mỹ thì viết: "Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh".

Tuy nhiên, về bản thân mình, Đại tướng chưa bao giờ nhận mình là danh tướng giỏi nhất. Ngày 23/6/1997, trong cuộc gặp gỡ nói chuyện với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, một người trong đoàn Mỹ đột ngột hỏi: "Thưa ông! Ai là vị tướng giỏi nhất của Việt Nam?". Đại tướng trả lời: "Vị tướng giỏi nhất của Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người Mỹ thua Việt Nam bởi vì chưa hiểu vị tướng ấy".

Lý gải thế nào về chuyện "lạ" này?

Theo tôi, có hai điều quan trọng tạo nên trí tuệ siêu Việt ấy.

Một là, con người Việt Nam có trí óc rất thông minh, làm việc gì cũng chí thú và luôn đạt được thành tích xuất sắc. Nhưng đó chỉ yếu tố "có" mà thôi. Nếu như không được điều thứ hai bổ sung để "đủ" thì không thể tạo ra những chiến công vĩ đại của dân tộc. (Điều này cho ta thấy cũng người Việt Nam, nhưng phía VNCH không có được).

Hai là, phải là con người cách mạng, đứng trong hàng ngũ của những chiến sĩ Cộng sản kiên cường bất khuất, chấp nhận hy sinh cho Tổ quốc, không ngừng rèn luyện tư tưởng, lập trường, trung thành tuyệt đối với lý tưởng và luôn học tập trao dồi rút kinh nghiệm trong công tác...



Ngày nay quan hệ giữa nước ta với Pháp, với Mỹ (và cả các nước khác) là bạn, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" ("Hợp tác" thì phải đôi bên cùng có lợi. "Đấu tranh" là để giữ vững tính độc lập, tự chủ của ta). Với Việt Nam tư tưởng "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng phù hợp, khôn ngoan, để xây dựng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.


GIÀ THÉP




Chú thích: Mười tướng của Pháp - Mỹ thua tướng Giáp là:

Bảy tướng của Pháp:

1. Philippe Leclec, tướng 4 sao, là người thất bại đầu tiên, ông này nhậm chức tại Việt Nam vào tháng 8/1945, đến tháng 6/1946 bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược "đành nhanh thắng nhanh".

2. Tướng 4 sao Etienne Valluy sang thay, tháng 5/1948 lại bị triệu hồi vì thất bại trong Thu Đông 1947. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quân ta đã bẻ gãy trận càn quy mô vào ATK Việt Bắc của quân Pháp. Sau chiến dịch này Bác Hồ phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, đồng thời phong Trung tướng cho ông Nguyễn Bình chiên đấu ở Nam Bộ và nhiều Thiếu tướng khác.

3. Tướng 4 sao C.Blaijat, sang Việt Nam được một năm, đến tháng 9/1949 lại phải về nước vì không thực hiện được chiến lược "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt".

4. Tướng 4 sao M.Corgente lại bị một đòn trong chiến dịch Biên Giới vào tháng 12/1950 để rồi sau đó phải thay bằng:

5. Tướng Delattre De Tassigny. Đây là tướng 5 sao, người tài nhất của nước Pháp lúc bấy giờ, nhưng cũng được một năm vì bị thua ở khắp nơi, nhất là việc xây dựng hàng nghìn lô cốt boong ke để co về cố thủ.

6. Tiếp theo là tướng 4 sao, Raul Salan sang thay từ tháng 12/1951 đến tháng 5/1953 thì bị thay vì thua trong chiến dịch Hòa Bình và các mặt trận toàn Đông Dương.

7. Cuối cùng là tướng 4 sao Henri Nava, ông này thua đậm nhất ở khắp các chiến trường Đông Dương mà đau nhất là Điện Biên Phủ, ông từng thách tướng Giáp đánh Điện Biên, nhưng cuối cùng phải dùng máy bay Mỹ trực tiếp ném bom xuống Điện Biên Phủ mà vẫn không cứu vãn được.

Sau khi thua ở đây, tháng 6/1954, tướng 5 sao Ely sang thay. Ông này may mắn, vì một tháng sau Hiệp định Geneve đã ký, nên Ely chỉ làm nhiệm vụ thu quân cướn cờ về nước.

Các tướng Mỹ:

1. Tướng Hakin, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ, từ năm 1961 đến 1964, bị thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" nên bị triệu hồi.

2. Tướng Westmoreland, từ năm 1965 đến 1968, Mỹ lại tiếp tục thua trong chiến lược "Chiến tranh cục bộ", Tổng tư lệnh Westmoreland bị cách chức.

3. Từ năm 1968 đến năm 1975, Mỹ chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Thời gian này, Tổng tư lệnh C.Abrams được thay bằng tướng F.C.Weyand, ông này là người cuốn cờ để rút quân về Mỹ.

Như vậy, Mỹ phải 4 lần thay Tổng tư lệnh. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị chết 12 tướng, 8 tướng khác bị thương trong chiến tranh Việt Nam.

Được đăng bởi Lê Hương Lan vào lúc 09:14
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên TwitterChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest




1 nhận xét:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét