Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Tiền rừng bạc biển!




Danh Đức





(TBKTSG) - Nhiều năm trước, cách nói đầy tự hào “tiền rừng bạc biển” vẫn còn đầy dẫy và là một thực tế không phản bác được khi nói về sự giàu có của đất nước hình chữ S này... Ấy vậy mà giờ đây, nhắc lại cụm từ trên, e rằng chẳng ai hiểu nghĩa là gì! Chẳng qua do cái thực tế như vườn địa đàng mà cụm từ này chỉ định, nay hầu như đã biến mất!

Thật vậy, cái địa danh mà trước kia gọi là “Rừng Lá”, nằm ở giữa Long Khánh và Phan Thiết, vài chục năm trước còn là cánh rừng bạt ngàn với những cây lá buông khổng lồ, gai hai bên nhánh lá cứ như nanh vuốt khủng long. Mỗi tàu lá có thể phủ mấy mái nhà một lúc - bởi thế mới đi chặt lá buông, xẻ làm mấy chục tấm, cứ 10 tấm xếp lại thành một bó, cứ thế mà vác về lợp mái nhà. Ấy vậy mà giờ đây một cái cả cánh rừng đó trống trơn, không còn lấy một cây “làm giống”!

“Biển bạc” thì chưa thấy, song mới đây cũng có thể hình dung ra qua các bức ảnh cá chết nằm phơi bụng trắng xóa các bờ biển miền Trung. Hà bá nào đã ra tay diệt biển bạc ấy? Nhân tháng trước có một vụ nhật thực bán phần mà nhớ lại vụ nhật thực toàn phần năm 1995. Khi đó, Mũi Né còn là một bãi biển hoang sơ. Ấy vậy mà bây giờ, thậm chí từ chục năm trước, đã có người than “Mũi Né đã bị băm nát rồi!”.

Lần trở lại những năm 1990, 1991, 1992 khi mà những lon Coke còn là hàng hiếm thì vẫn có thể nghe hiểu được thế nào là “tiền rừng bạc biển”. Những năm đó, người ta nhao nhao cụm từ “cất cánh kinh tế”. Còn nhớ tháng 3- 1990, trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Ba có mục “Kinh tế học từ A đến Z”. Đến vần C, tác giả viết đề mục “Cất cánh kinh tế”, dựa trên định nghĩa của từ điển kinh tế học Dico Eco của Pháp, kèm theo thí dụ từ báo nước ngoài nhặt ra. Còn nhớ tác giả mở bài: “Cất cánh kinh tế không phải là một mỹ từ chỉ sự bay bổng của nền kinh tế, mà là một thuật ngữ kinh tế học chỉ định một giai đoạn khởi đầu phát triển bằng cách cho thuê, sang nhượng đất đai, hầm mỏ...; tiếp nhận các ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp, khai khẩn... sử dụng nhân công trình độ thấp, lương thấp...; cần vốn xây dựng hạ tầng cơ sở...”. Nơi nơi trải thảm đỏ đón đầu tư nước ngoài (FDI).

Hai mưới sáu năm sau, nếu bỏ qua những tòa nhà cao tầng, những “tháp ngà” thượng lưu, những đường cao tốc mới thu phí..., bức tranh chung cũng vẫn là cho thuê, sang, nhượng đất đai, hầm mỏ, bờ biển, khu công nghiệp mở khắp nơi song cũng chỉ là lắp ráp và lao động trình độ thấp, tận dụng “lợi thế nhân lực”, cho dù rằng GDP đã vào nhóm trung bình thấp, khá lên đến mức nay không còn “phải” vay nợ ưu đãi nữa mà vay nợ với lãi suất thị trường... nhưng cái GDP cao cao ấy, phần nhiều là tiền của người ta, của FDI!

Từ tâm lý “trải thảm đỏ” đó, người ta đã nôn nóng bỏ qua những tiết chế cần thiết.

Người ta đã chỉ chú trọng đến “trải thảm đỏ” mà không màng đến việc tự nâng mình lên! Từ đó cái khoảng cách phát triển giữa chủ đầu tư (dù gì cũng đã tạm gọi là bước đầu công nghiệp hóa) với nơi tiếp nhận đầu tư vẫn cứ là mênh mông. Một khi nhà đầu tư thách thức “chọn đi!”, nghĩa là họ tự cho mình là “hiện đại”, còn “chủ nhà” vẫn cứ đang “cất cánh kinh tế”!

Thật lạ lùng khi đề ra cái gọi là “kinh tế biển” mà cho đến nay vẫn chưa thấy phát triển công nghiệp hóa nghề cá, từ đào tạo ngư dân, thuyền trưởng, thợ máy, đến đóng tàu vỏ sắt, tàu hậu cần trên biển! “Kinh tế biển” mới chỉ là một mảng của cả một kế hoạch “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” mà, theo dự kiến sẽ phải hoàn thành vào năm 2020!

Thành ra, “tiền rừng, bạc biển” cứ không cánh mà đi, còn lại một nền kinh tế cứ đang mãi cất cánh chưa thấy ngóc đầu bay lên được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét