Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Nghĩa của tiếng Việt: từ cắm (hoa) cho tới sáp nhập



Cùng học tiếng Việt




Đây là một từ Hán-Việt, viết đúng chính là sáp nhập, nhưng hay bị viết sai thành sát nhập.



Cùng một bài báo mà lung túng giữa hai từ


Sáp có nghĩa là “cắm, cài, nhét, nhúng”. Để nhớ chữ này, bạn có thể nghĩ về chữ insert tiếng Anh hoặc trên bàn phím máy tính của bạn. Sáp còn có nghĩa là trồng hoặc cấy, vì phải nhét hạt giống hoặc cắm cây con vào đất. Nhập nghĩa là “vào”. Vậy sáp nhập có nghĩa là gom vào, cắm vào, cài vào, cho cái này vào trong cái kia.

Ví dụ câu thơ chữ Hán sau của Nguyễn Du trong Quỷ Môn Quan dùng chữ sáp nhập:

Liên phong cao sáp nhập thanh vân
(Núi liền nhau cao vút, lồng vào mây xanh)



Quỷ môn quan, Lạng Sơn. Hình từ trang này

Hay hai câu sau của Nguyễn Phúc Ưng Bình trong Lộc Minh đình thi thảo dùng chữ sáp nghĩa là cắm (hoa):

Sáp mai tảo ngụ tầm xuân ý,
Ngã tặng đồng nhân nhân tặng dư.
(Sáng sớm cắm hoa mai tìm chút hơi xuân
Ta tặng cho người, người lại tặng cho ta)



Cắm hoa. Tranh từ trang này

Ngoài sáp nhập, tiếng Việt hiện đại không dùng chữ sáp/cắm-cài này trong từ ghép nào nữa (Ngoài nghĩa “cài cắm”, sáp còn là nến). Vì thế, nghĩa gốc Hán-Việt của nó dễ bị những người không để ý lãng quên, và dùng sai thành sát nhập – một chữ vô nghĩa, do chữ sát này có một nét nghĩa khiến chúng ta bị lẫn lộn.

Sát đang nói ở đây là một từ Hán-Việt có nghĩa là chà, cọ, xoa vào nhau (ví dụ: ma sát = mài cọ). Sát được Nôm hóa thành xát, và dùng trong các từ ghép Nôm như cọ xát, xây xát, xát muối.

Chính nét nghĩa cọ vào nhau này khiến sát phát triển nghĩa thành “ở rất gần nhau” (ví dụ: sát sườn, sát rạt, đôi khi biến âm thành sít). Những người dùng chữ sai “sát nhập” có thể đã hiểu theo ý là “những cái ở gần nhau đem nhập vào nhau”.

*

Các bạn xem thêm về các từ khác ở FB Cùng học tiếng Việt nhé

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét