Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Tác động vật chất của ý thức tập thể được đo đạc trong thí nghiệm lớn kéo dài 17 năm



Tác giả: Tara MacIsaac | Dịch giả: An Nhiên



(iLexx/iStock)

Năm 1998, các nhà khoa học bắt đầu thí nghiệm để tìm hiểu xem liệu họ có thể sử dụng công cụ vật lý để phát hiện ra sự thay đổi trong ý thức toàn cầu qua các sự kiện gây cảm động trên quy mô lớn chẳng hạn như thiên tai hay không. Tháng 12 năm 2015, họ kết thúc giai đoạn thu thập dữ liệu từ 40 quốc gia trên toàn thế giới trong tổng cộng 500 sự kiện lớn.

Tiến hành thí nghiệm
Dữ liệu được thu thập từ các máy tạo sự kiện ngẫu nhiên (random event generator (REG)). Đây là các máy liên tục tạo ra các bit thông tin (0 và 1) ngẫu nhiên mỗi giây. Nó giống như lật đồng xu: có 50% cơ hội lật một mặt này hay mặt kia.

Trước đó, Các thí nghiệm của Đại học Princeton đã gợi ý rằng ý định của con người có thể ảnh hưởng tới các bit thông tin khiến nó sai lệch khỏi kỳ vọng. Nói đơn giản, nếu ai đó muốn xuất hiện bit 1, thì khả năng để xuất hiện bit 1 là cao hơn.

Tiến sỹ Roger Nelson điều phối thí nghiệm của Đại học Princeton trong hơn 20 năm. Ông tiếp tục chỉ đạo Dự án Ý thức Toàn cầu (không liên kết với Đại học Princeton), áp dụng cùng các nguyên tắc trên nhưng ở một quy mô rộng lớn hơn.


Dự án thiết lập các máy REG trên toàn thế giới để xem liệu chúng có lệch khỏi kỳ vọng trong những sự kiện quan trọng toàn cầu hay không. Nelson và các đồng nghiệp quyết định sau 500 sự kiện lớn thì giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu sẽ chấm dứt.

Sự kiện đầu tiên trong chuỗi 500 sự kiện lớn là vụ ném bom Đại sứ quán Mỹ tại Nairobi và Tanzania năm 1998. Sự kiện cuối cùng là một “sự kiện” phức tạp diễn ra vào ngày 12 tháng 12 năm 2015. Hai sự kiện lớn đã xảy ra đồng thời: một hiệp định đã được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu toàn cầu tại Paris và cùng ngày đó, một trong những sự kiện thiền định lớn nhất toàn cầu đã diễn ra.

Trong khi các nhà nghiên cứu khảo sát “tác động” của các sự kiện đơn lẻ như hai sự kiện này thì chính dữ liệu thống kê từ nhiều năm và nhiều sự kiện mới là điều thật sự quan trọng.

Kết quả
Nelson viết trong một bài blog của Dự án Ý thức Toàn cầu (Global Consciousness Project – GCP) như sau: “Kết quả là sự xác nhận chắc chắn đối với giả thiết chung… rằng các sự kiện lớn trên thế giới khiến nhiều người quy tụ trong cùng một ý nghĩ và có tình cảm đồng bộ sẽ có liên hệ với những thay đổi trong biểu hiện của mạng lưới các nguồn phát sự kiện ngẫu nhiên của chúng tôi”.

Ông cũng giải thích trên trang web GCP như sau: “Có nhiều sự lặp lại các sự kiện hoặc loại sự kiện như Năm Mới, ngày nghỉ lễ tôn giáo, các cuộc thiền định tập thể được tổ chức ở quy mô khổng lồ, và cả các đợt tấn công khủng bố và thiên tai. Vì vậy, chúng tôi có nhiều sự trùng lặp, và thực ra chúng tôi thấy rằng tín hiệu mờ nhạt mà lẽ ra bị chìm mất và bị xem là nhiễu thống kê lại thật sự xuất hiện nổi bật trên nền nhiễu ấy và tạo ra kết quả thống kê rất thuyết phục”.

Năm ngoái, tại một hội nghị của Hiệp hội Khám phá Khoa học, ông báo cáo rằng tỷ lệ đạt được cấu trúc trong các con số là 1 phần hàng ngàn tỷ.


Tỷ lệ đạt được cấu trúc trong các con số là một phần hàng ngàn tỷ

GCP tiến vào giai đoạn tiếp theo trong năm nay, khảo sát sâu hơn nữa về các mối liên hệ được phát hiện trong dữ liệu REG.
Lý giải khác cho sự bất thường?

Trong một bài báo xuất bản năm 2010 nhan đề “Khám phá Ý thức Toàn cầu”, Nelson giải thích về cách xem xét của GCP đối với những lý giải khác cho phương sai lớn bất thường.

“Người ta có thể cho rằng kết quả này là do lỗi thí nghiệm như thiếu sự cách ly đầy đủ các [REG] đối với các trường điện từ xung quanh hoặc sự thiên sai vì lỗi phương pháp luận.

“Thiết kế của RCP giải quyết các sự tình này thông qua cách ly vật lý các máy tạo số ngẫu nhiên (Random Number Generator – RNG) khỏi các trường điện từ và bằng các toán tử logic trong phần mềm để triệt tiêu thiên sai đầu ra do ảnh hưởng của môi trường”.

Nhóm của Nelson chọn những sự kiện lớn, sau đó xem xét sự chênh lệch khỏi tỷ lệ 50:50 trong thời gian đó, chứ không nhìn vào những sự sai lệch hay tăng đột ngột trên REG rồi mới tìm kiếm một sự kiện toàn cầu phù hợp với nó.

Phương pháp sau (nhìn vào những sự sai lệch hay tăng đột ngột trên REG rồi tìm kiếm sự kiện phù hợp với nó) có thể dẫn tới sự lựa chọn thiên kiến – nhà nghiên cứu có thể tìm được một vài sự kiện toàn cầu vào một ngày nào đó để phù hợp với sự tăng đột ngột trên REG.

Ý thức ảnh hưởng thế nào tới máy móc?

Sự liên hệ giữa một máy REG và ý thức con người không hề rõ ràng. Nó là phần mà GCP hi vọng sẽ có điều tra thêm, nhưng Nelson quả quyết rằng: “Mối tương quan có liên hệ rõ ràng với ý thức theo cách nào đó và có khả năng liên hệ với cái mà chúng tôi xác định là “ý thức toàn cầu”.

Ông mới đưa ra suy đoán, nhưng hình dung rằng ý thức có thể là một trường có tính cố kết lớn hơn trong những sự kiện toàn cầu. Ông cho biết: ý thức có thể “là nơi diễn ra trường thông tin phi cục bộ tích cực”, lưu ý rằng đây không phải là một cơ cấu vật lý tiêu chuẩn được định nghĩa rõ ràng.

“Một trường như vậy vì một lý do chưa xác định có thể được dung nạp bởi những thiết bị REG”, ông nói, “từ đó cho thấy những quy luật [thống kê] mà đáng lẽ ra không thể có”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét