Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Nghề báo: SỰ NGHIÊM TÚC VÀ LIÊM CHÍNH, ĐỀN THIÊNG CẦN GÌN GIỮ




“Đặc thù nghề nghiệp hoặc những gì liên quan đến nghề nghiệp không cho phép bạn xẻ thân mình làm đôi. Xã hội sẽ vẫn nhìn vào bạn với tư cách là một nhà báo với ảnh hưởng có được bởi hào quang nghề nghiệp mang lại. Sự tự giám sát bản thân khi sử dụng mạng xã hội và sử dụng thông minh hẳn không thừa”.


Bộ phim tôn vinh sự nghiêm túc và xả thân của nghề báo - Ảnh: cảnh trong phim “Spotlight”
Những cuộc điện thoại dồn dập gọi tới phòng làm việc của nhóm phóng viên Spotlight, tòa soạn “The Boston Globe”. Các phóng viên gấp gáp ghi chép lời chứng và các thông tin được cung cấp từ người chứng kiến và cả từ nạn nhân những vụ cưỡng hiếp.

Khi những cảnh cuối bộ phim khép lại thì điện thoại vẫn reo, nối dài mãi như muốn nói rằng cuộc chiến với cái xấu, phụng sự cái đẹp và tìm kiếm sự thật của các nhà báo sẽ vẫn tiếp tục. Dù dai dẳng và khó khăn.

Tôn vinh sự nghiêm túc của nghề báo

Thật ý nghĩa với giới báo chí khi một bộ phim về hoạt động nghề nghiệp như “Spotlight” vừa được trao giải Oscar 2016 cho hạng mục Phim xuất sắc nhất. Xuyên suốt bộ phim là nỗ lực và sự theo đuổi công việc đầy khó khăn của các nhà báo để đưa ra ánh sáng những bí mật, những việc làm xấu xa của người có thần quyền, và hơn hết nó mang lại cơ hội cho nạn nhân, người yếu thế trong xã hội được nói lên tiếng nói của mình.

“Spotlight” là niềm tự hào cho những nhà báo chính trực và chuyên nghiệp đang ngày đêm cống hiến cho nghề nghiệp cao quý này. Nhìn trong môi trường báo chí Việt Nam, liệu bộ phim này có mang lại lời cảnh tỉnh, bài học cho những ai đang làm báo một cách qua loa, tư duy kém, thái độ thiếu lành mạnh và dễ bị cám dỗ trong môi trường báo chí còn nhiều khó khăn của Việt Nam.

Chính trực và chuyên nghiệp ngay từ những status trên mạng xã hội

“Anh này sẽ gặp phiền toái đấy!” (This guy, he’ll be in a big trouble!) - một phóng viên kỳ cựu thốt lên khi đọc được một số phát biểu của vài nhà báo Việt Nam trên trang Facebook của họ khi đưa tin về một vài sự kiện hồi những năm 2000.

Đơn giản, bởi những thông tin và ý kiến của họ ở đó lại khác với thông tin trong bài viết ký tên họ trên mặt báo chính thức. Các thông tin va đập nhau về nội dung, và thông tin trên mạng của họ có thể nóng hổi hơn, hàm chứa nhiều chi tiết rò rỉ bên lề (off the record) nhưng chưa kiểm chứng và khác hoàn toàn thông tin khi họ viết một cách chính thống.

Chẳng biết có phải để câu view, câu likes hoặc vì thông tin của họ bị biên tập cắt gọt không thể xuất hiện trên bài chính thức nên họ tìm đến mạng xã hội để xả, hay với nhiều người khác là để thể hiện.

Tại nhiều tòa báo trên thế giới, phóng viên có thể sử dụng mạng xã hội (để nhận tin, phát tin của tòa soạn, chia sẻ cuộc sống, giao lưu với bạn bè) nhưng được yêu cầu không sa đà hoặc phát ngôn những vấn đề gây tranh cãi. Phóng viên sẽ gặp vấn đề lớn về công việc nếu vi phạm quy tắc nghiệp vụ, nội quy đạo đức nghề nghiệp đã cam kết với tòa soạn. Ít thì bị nhắc nhở, nhiều thì bị sa thải.

Các tòa soạn và phóng viên nghiêm túc thực hiện vì họ hiểu rõ những việc làm trên thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng cơ quan báo chí nơi họ công tác. Những phát ngôn của một cá nhân có thể làm ảnh hưởng tới uy tín của tờ báo bởi nó có thể bị coi là quan điểm của tòa báo, và rằng tòa báo dung túng cho phóng viên, biên tập viên của mình hành xử như vậy.

Là nhà báo, phải cung cấp thông tin trung thực với sự việc xảy ra. Trên mặt báo, bạn nói A thì trên mạng xã hội, trang cá nhân Facebook bạn cũng phải vẫn cung cấp là A chứ không thể là B đối với cùng một câu chuyện. Chưa kể có những thông tin có được qua rò rỉ off the record mà đã vội thông tin thì tức là bạn đã phá vỡ sự cam kết với nguồn tin và quy tắc kiểm chứng thông tin từ nguồn khác. (Trong những năm qua, rất tiếc là đã có nhà báo bị khởi kiện ra tòa hoặc kết án vì những gì viết ra trên mạng xã hội hoặc trên mặt báo).

 
Cần cẩn trọng ngay từ những status trên mạng xã hội - Minh họa: Internet

Có người sẽ dùng lý lẽ tự do ngôn luận, tự do thông tin để biện hộ cho những phát ngôn bạt mạng trên các mạng xã hội. Nhiều nhà báo cho rằng mình không phải là người nổi tiếng nên họ có thế giới riêng. Họ chửi bới và văng đủ thứ nơi mạng công cộng mà họ lầm tưởng là “thế giới riêng tư” có tên Facebook của họ.

Những gì họ thể hiện rất kém văn minh, khác hẳn con người thật của họ hoặc những gì họ truyền tải qua những bài viết, phóng sự truyền hình. Nhiều nhà báo ngang nhiên thách thức dư luận xã hội, cho rằng họ nhìn đa chiều và trên tầm. Các nhà báo đã nhầm cơ bản!

Với các nhà báo chân chính trên thế giới, không có nhà báo nào tung một câu status trên Facebook hay tweet trên Twitter rồi khi bị công chúng phản ứng thì biện bạch rằng anh ta đùa thôi, hoặc những người như các anh chẳng có óc hài hước gì cả. Bởi họ biết, nếu làm thế chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Để giải quyết tranh cãi, xung đột, nhà báo sẽ viết rõ ràng để tránh gây hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm. Họ sẽ xin lỗi hoặc rút câu nói đó. Bạn sẽ không thấy nhà báo, phóng viên nào ngoan cố khi bị phản ứng thì viết phân trần kèm thái độ ai-đó-cho-là-hài-hước nhưng là sự hài hước đến-mức-lố-bịch được tung hô rộng rãi theo kiểu này: “À vâng, dù đến giờ vẫn chưa có ai thuê, nhưng mình vẫn công khai nhận biên tút bênh sao giá 5 củ đấy. Ai thuê không?”.

Bạn có thể dùng sự hài hước, trào phúng để mỉa mai những điều gai mắt chứng kiến và quan sát thấy trong cuộc sống xảy ra. Trước mỗi phản ứng, hãy bình tâm để nhận ra cái đúng, cái sai của mình. Một nhà báo có tư cách và chính trực không thể tiếp tục tư duy và bao biện nó chỉ sẽ chỉ thể hiện bạn ngoan cố và thiếu thông minh. Tự do ngôn luận không có nghĩa là nói không suy nghĩ. Điều này, các nhà báo Việt Nam hẳn cũng phải học.

Những lời bạn viết “chửi ai đấy, và bênh ai đấy, thời bây giờ đều có giá” có thể phản ánh đúng hiện trạng hiện nay của báo chí Việt Nam. Thật xót xa trước những biến tướng của ngòi bút, của con chữ. Các nhà báo sao lại có thể buông những câu chữ dễ dàng về bênh, về chửi và hơn thế sao lại nói đến chửi và bênh để làm giá? Nhà báo là phụng sự cái đúng, vì cái tốt đẹp bởi như lời một bạn khác nói: “Xấu trong tư duy sao đẹp trong ngòi bút”.

Những nhà báo hẳn sâu trong con người mình biết tôn trọng bản thân, sự liêm chính thì mới có thể viết được câu này: “Chỉ có tư cách là vô giá thôi”.

Sự cần thiết của Bộ Quy tắc Nghề nghiệp

Một phóng viên làm việc cho tòa báo nổi tiếng thế giới tham dự đưa tin về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi được Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị phỏng vấn lấy ý kiến, phóng viên này đã khéo léo từ chối: “Xin lỗi. Tôi không thể phát biểu vì tôi không đại diện cho quan điểm tòa soạn của tôi”.

Điều này cho thấy phóng viên hiểu rất rõ về quy tắc của tòa soạn. Họ làm việc nghiêm túc và tuân thủ các cam kết nghề nghiệp. Họ làm việc dưới uy tín của tòa báo, và họ cũng hiểu họ đại diện về hình ảnh cho tòa báo và cẩn trọng trong những vấn đề có liên quan tới tiếng nói chính thức của cơ quan nơi mình làm việc.

Có rất nhiều kêu ca rằng nhà báo Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, cả trong nghiệp vụ và hành xử. Điều này không sai. Một lý do khiến nhà báo Việt Nam thiếu chuyên nghiệp chính là việc các tòa báo không đưa ra Bộ Quy tắc Nghiệp vụ và Đạo đức Nghề nghiệp cho phóng viên của chính tòa báo đó. Đây là những cẩm nang rất cần thiết, hơn bao giờ hết dù chỉ là những gạch đầu dòng ngắn gọn hoặc một bảng liệt kê thứ tự điều 1, 2, 3, 4 đã thông qua sự xem xét của luật sư. Nhà báo cũng hiểu rõ và tuân thủ những gì hai bên cam kết.

Cũng chính bởi những điều đó chưa được quy định trong cam kết giữa anh ta và tòa soạn. Nhà báo cần hiểu tiếng nói của anh khác tiếng nói của các cá nhân vô danh khác trong xã hội. Là nhà báo, bạn cũng muốn có thế giới riêng, nhưng đòi hỏi được sống hai cuộc sống đời thật và mạng ảo khác nhau 180 độ cũng là sự xa xỉ.

Đặc thù nghề nghiệp hoặc những gì liên quan đến nghề nghiệp không cho phép bạn xẻ thân mình làm đôi. Xã hội sẽ vẫn nhìn vào bạn với tư cách là một nhà báo với ảnh hưởng có được bởi hào quang nghề nghiệp mang lại. Bạn, với tư cách là nhà báo vẫn đang là hình ảnh, là đại diện cho tòa báo của bạn. Sự tự giám sát bản thân khi sử dụng mạng xã hội và sử dụng thông minh hẳn không thừa.

 
Là nhà báo, mỗi câu chữ bạn viết ra có sức nặng và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một con người... - Minh họa: Internet

Và trong lúc tòa báo của bạn chưa ra được một Bộ Quy tắc Nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập viên của mình thì bạn hãy nhìn xung quanh, tìm kiếm những giá trị có thể giúp bạn xác lập sự liêm chính và chuyên nghiệp cho mình. Với nghề báo, một nghề mà mỗi phát ngôn, mỗi câu chữ bạn viết ra có sức nặng và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một con người thì công chúng ai cũng mong lắm các bạn giữ được tư cách làm báo và nhân cách con người.

Và hẳn không thừa khi lắng nghe một tiếng nói độc lập bên ngoài. Lời cảnh tỉnh cũng rất đau. Đau để thấm, để ngấm. Và vì bạn đã chọn đi tiếp con đường này, dấn thân cống hiến cho nghề nghiệp cao quý, phụng sự cho sự tốt đẹp của xã hội, chúc bạn đủ tỉnh táo để giữ được sự liêm chính và tôn trọng bản thân.

“Nghĩ về tương lai của nghề truyền thông với báo chí nước mình cũng thấy chán nhỉ, từ vụ Vingroup nuôi báo chí cho tới Hà Hồ trả tiền cho báo mạng hay facebooker, cứ nhan nhản và ai cũng coi những chuyện thuê viết, đặt hàng bài như thế là bình thường.

Đành rằng ai cũng phải kiếm tiền nhưng đám nhà báo viết bài ăn tiền như thế còn tệ hơn nhiều đám công an đứng đường lấy lộc từ người vi phạm giao thông. Là vì cái họ bán không phải chỉ là tài viết của họ mà chủ yếu là bán lòng tin của công chúng vào tên tuổi của họ hay của tờ báo...

Nghề làm báo trong một môi trường nhộn nhạo như Việt Nam chính ra là một nghề rất khó giữ đạo đức. Chỉ cần hơi có tên tuổi là sẽ có những khoản tiền dễ dàng (không nhất thiết là nhiều nhưng rất dễ), dễ được xu nịnh và mang trong mình một ảo giác về quyền lực và khả năng ảnh hưởng. Khoảng cách giữa một cây bút với một điếm bút nhiều khi cũng rất nhỏ” (FB Vũ Hoàng Linh)

Đỗ Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét