Phương Diệu
Từ chân tâm khởi lên niệm chân như, niệm vô niệm, tỉnh thức biết, thầm nhận biết, chánh niệm tỉnh giác.
Từ vọng tâm khởi lên những suy nghĩ, suy tư, tính toán, tư duy, biện luận, trí năng biện luận, phân biệt hai bên. Những niệm này, ta gọi là vọng niệm hay vọng tưởng. Thường được biểu hiện dưới hai dạng:
Nói thầm hay đối thoại thầm lặng
Những hình ảnh quen thuộc trong tâm do ký ức dài hạn và ký ức vận hành tạo nên những hình ảnh trong tâm (mental pictures).
Ở đây tôi chỉ nói về loại niệm khởi do vọng tâm, tức vọng niệm hay vọng tưởng.
Vọng tưởng là những tiến trình suy tư nghĩ tưởng vốn khởi phát từ trong não ta dưới dạng nói thầm hay đối thoại thầm lặng. Muốn chúng không khởi lên, ta phải làm chủ tâm ngôn, tức làm chủ sự nói thầm trong não.
Để ứng dụng cách phá tan đám rối tư duy, để trị những niệm khởi lăng xăng (distracting thoughts), tạp niệm (random thoughts), hay sự nói thầm (muttering), ta sử dụng những cách nhìn vô ngôn như:
Nhìn lướt trên các vật, không chọn lựa đối tượng.
Nhìn gần, nhìn chằm chằm, có chọn lựa đối tượng, thu hẹp chú ý.
Nhìn thẳng vào một đối tượng xa, phóng chiếu tầm nhìn xa có năng lực mạnh hơn.
Nhắm mắt nhìn thẳng.
Nghe nhưng không lập lại nội dung âm thanh.
Thiền hành vô ngôn.
Làm các công việc hàng ngày trong vô ngôn như: nhặt rau, rửa chén, lái xe, hút bụi…
Nhìn vào trong: đối tượng là Thọ (cảm thọ).
Nhìn thẳng niệm: đối tượng là niệm.
Dùng lời tắt lời: ra lệnh không nói.
Khởi ý không lời: làm trong vô ngôn.
Tỉnh thức biết: canh chừng niệm khởi.
Thầm nhận biết: chỉ biết thầm mà không nói trong não.
Trong lúc nhìn các vật đó, ta:
Chú ý trống rỗng
Không định danh đối tượng
Không nói thầm trong não
Vọng niệm khởi lên những hình ảnh, ta:
Không nói sự quan hệ giữa mình và hình ảnh đó
Không gọi tên hình ảnh đó
Không nói về màu sắc, kích thước, trọng lượng…
Áp dụng những chiêu thức trên ta có thể huấn luyện và làm chủ các tế bào hình tháp ở vùng ký ức dài hạng không cho tự động khởi lên những hình ảnh và ta có thể từ lần dẹp đuợc quán tính nói thầm trong não. Đó là những chiêu thức then chốt giúp ta có kinh nghiệm về cái biết thuần tịnh của Tánh Giác trong bước 1.
Thông thường của nhãn thức là khi nhìn thấy một vật gì trước mắt, nó liền kiến giải thành lời dựa trên sự phân biệt, so sánh và kinh nghiệm của nó. Bây giờ muốn phá vỡ hệ thống thông tin của tế bào não vùng nhãn thức để tâm được yên lặng, thanh tịnh, ta phải áp dụng cách kích thích tánh thấy ở vùng Kiến Giải Tổng Quát bằng cách nhìn mọi vật mà không nói thầm trong não. Bằng cách này, tánh thấy sẽ hiển lộ; vì nhìn mà nói, dù nói thầm hay nói ra lời cũng đều là cái nhìn của ý thức, không tác động được tánh thấy. Nay ta nhìn mà không nói, nhìn vô ngôn, Tánh Thấy sẽ có mặt, cũng như khi ánh sáng ló dạng, thì bóng tối phải lùi bước cho ánh sáng tỏa ra.
Khi ứng dụng các cách nhìn trên, ta sử dụng Tánh Thấy thuộc vùng thấy biết ở Khu Vực Kiến Giải Tổng Quát, chứ không phải bằng ý thức và ý căn, vì ta áp dụng kỹ thuật chú ý nhìn mà không định danh đối tượng, khống dán nhãn và không nói thầm trong não. Trong trường hợp này xem như không có người dụng công và không có pháp để dụng công. Còn nếu sử dụng ý thức hay ý căn để dụng công thì trong trường hợp này xem như có người dụng công và có pháp dụng công.
Tuy nhiên, vì chưa đạt được tánh giác, nên lúc ban đầu ta phải sử dụng trí năng để điều khiển hai mắt chú ý nhìn thẳng vào đối tượng, nhưng trong sự chú ý thấy này, ta không nói thầm trong não. Do đó dù là ta sử dụng trí năng để dụng công, nhưng ý niệm Ta không hiện ra trong tiến trình thực hành cách đánh thức Tánh Thấy. Cho nên trong tiến trình này không có mặt ý thức và ý căn. Trái lại chỉ có mặt Tánh Thấy nhìn đối tượng mà không nói thầm trong não.
Như vậy, nếu ta thực sự đạt được ‘không định danh, không dán nhãn đối tượng, hay chú ý trống rỗng’, xem như trong tiến trình dụng công này chỉ có Tánh Thấy (trong Tánh Giác) và đối tượng của Tánh Thấy, chứ không có ngươì thấy và vật bị thấy ở trong đó. Vì thế nên trên thực tế, tuy chính ta là người nhìn, nhưng vì nhìn bằng sự không nói thầm nên xem như không có ý niệm Ta hiện hữu trong tiến trình này, mà thực sự chỉ có Tánh Thấy và đối tượng của nó hiện hữu.
Như vậy, tiến trình thực hành Thiền này có thể nói là “không ngã, không pháp”, chỉ có một dòng Biết Không Lời hiện hữu là Tánh Biết mà thôi. Tuy nhiên vì ở mức độ dụng công chưa sâu, nên dòng Biết Không Lời này chưa được liên tục, có rồi mất, có rồi lại biến đi, vì còn những tạp niệm khởi lên phá tan trạng thái Biết Không Lời.
Tóm lại, để chiến thắng những tạp niệm này, ta nên kiên trì ứng dụng kỹ thuật thực hành Vô Ngôn, không nói thầm trong não cùng những chiêu thức sau:
Bước 1: Không định danh đối tượng, không dán nhãn đối tượng, chú ý trống rỗng, áp dụng trong 3 oai nghi: đi, đứng và ngồi (còn tư thế nằm, vì chúng ta còn là những thiền sinh sơ cơ, nên áp dụng cách nằm, chúng ta có thể ngủ), bằng cách:
Nhìn lướt
Nhìn chằm chằm
Nhìn thẳng mà gần
Nhìn xa
Nhắm mắt nhìn thẳng…
Bước 2: Tỉnh thức Biết (the awakening awareness). Đây là cái Biết Không Lời của Tánh Giác. Áp dụng trong khi tọa thiền với trạng thái tỉnh thức biết mà vô ngôn để canh chừng không cho niệm khởi lên. Nếu có một niệm khởi lên, sử dụng cái biết không lời, tự nhiên niệm liền tan biến đi. Ngoài ra, khi gặp những phản ứng của 6 mô thức tri giác riêng rẻ khởi lên, ta biết nhưng không dính mắc với chúng.
Bước 3: Thầm nhận Biết: có thể dùng trong 4 oai nghi. Kỹ thuật Thầm nhận Biết này tương đương với phương thức của đức Phật “Chánh Niệm Tỉnh Giác”. Khi đã đạt được Thầm Nhận Biết thì Tánh Giác đã hiện lộ thường trực và có thể trở thành nhân chứng đối với niệm.
Trên đây là những kỹ thuật chính và những chiêu thức mà tôi, một thiền sinh lớp 1 với những hiểu biết sơ cơ, thực tập để trị niệm khởi và có kinh nghiệm về cái Biết của Tánh Giác.
Phương Diệu
Biết không lời hành vô ngôn : Hiểu nhưng không nói cứ vậy mà làm ! Ok
Trả lờiXóa