Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Vĩnh biệt nhà văn Trang Thế Hy

PĐTT : Chú đã ra đi.Người đã cho tôi nguồn cảm hứng để cầm bút. Truyện ngắn đầu tiên tôi viết ' hai mùa mưa" đã lấy cảm hứng khi đọc tác phẩm " Mưa ấm " của chú.- Khi đó tôi vừa bước sang tuổi 20. Khi tôi viết truyện " Ông già đổ rác", gửi đến chú, chú đọc và cho đăng trên VN TP. Hồ Chí Minh. Gặp tôi, chú chỉ nói ngắn gọn" Viết có nét lắm". Rồi tôi về Sg làm báo, tôi viết truyện ngắn, chú đều cho đăng. Truyện " Lá thư của một tử tù"(  sau này tôi đổi lại là " nấm mồ" )khi đọc truyện này chú bảo tôi : " truyện có vấn đề". Rồi liên tiếp chỉ trong 1 tháng, tôi đăng luôn 4 truyện ( Báo lúc đó ra tuần số) khiến Bùi Chí Vinh phải thốt lên là tôi được " cây đa , cây đề" nâng đỡ. Tôi không viết nữa.

 Khi tập truyện ngắn " Tiếng Khóc và Tiếng hát" của chú được Hội nhà văn việt nam trao giải, chú đã ký gửi tặng tôi qua bưu điện. Khi nhận tập truyện, với dòng chữ ký tặng của chú, tôi thầm hiểu một lời nhắc nhỡ, động viên tôi hãy tiếp tục sáng tác.


 Rồi năm 2000 tôi viết truyện ngắn " chiếc nhẫn đá" dư thi cuộc Thi truyện ngắn lần đầu tiên của báo Văn Nghệ trẻ. truyện không được giải nhưng được chọn in trong tuyển tập " 20 truyện ngắn hay" của cuộc thi. Tôi viết, chỉ để thử sức mình.

Ngày nhỏ tôi vẫn thường ngâm nga bài thơ Ba tôi viết tặng chú, khi chú ra Bắc tập kết :

Tay bút run run lòng bỡ ngỡ
Đề thơ tâm sự gửi người xa
Không tiếng trúc đưa người chí cả
ngậm ngùi ta hát tặng bài ca

" Tráng sĩ hề Tráng sĩ
Ra đi hề xông pha
Cứu non non hề cơn loạn lạc
 đem phong ba hề chống phong ba..."

Bài thơ rất dài, sau ngày ba tôi mất ( 1986) , tôi đem bài thơ này với bút tích của ba tôi trao cho chú. Chú không đọc ngay mà xếp lại bỏ vào túi, bảo với tôi " Ba cháu đi nhẹ nhành chứ !". Tôi gật đầu. kể với chú : Chiều đó Ba đang nằm võng đọc sách rồi lên cơn suyễn, rời võng vào nhà lấy thuốc chưa kịp uống đã đi".
Chú bảo : " bệnh suyễn của ba cháu do bị tra tấn mà có". Rồi chú không nói thêm gì nữa cả. Chú vốn là người ít nói.

Thời gian trôi qua, Tôi biết chú đã về Bến tre. Tôi chưa lần đến thăm chú nhưng tôi vẫn thường tìm đọc các tác phẩm của chú.  Hôm nay, lên mạng, mới biết tin chú mất.
Chỉ biết thắp nén nhang tâm tưởng đưa ngưới " cỡi hạc quy tiên"




NHÀ VĂN TRANG THẾ HY



Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1924, quê quán ở Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm cán bộ văn hoá thông tin, tuyên huấn; từng bị địch bắt giam năm 1962.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 năm, về hưu năm 1992, rồi “đi chỗ khác chơi” - ẩn cư tại quê hương Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy còn có các bút danh khác: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm. Ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Ông từng là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; và hiện là Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy đã từ trần vào lúc 0g50 ngày 08.12.2015 tại Bến Tre và được an táng tại quê nhà.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Nắng đẹp miền quê ngoại (truyện ngắn, 1964)
- Mưa ấm (tập truyện ngắn, 1981)
- Người yêu và mùa thu (truyện ngắn, 1981)
- Vết thương thứ mười ba (tập truyện, 1989)
- Tiếng khóc và tiếng hát (truyện ngắn, 1993)
- Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (tập truyện ngắn, 2000)...

- Đắng và ngọt (tập thơ, 2009)



Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm Râu Rồng.
- Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.
- Tặng thưởng loại A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001cho tập truyện Nợ nước mắt...



Quan niệm văn học:

- “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.



TÁC PHẨM TRÊN NVTPHCM:

>> Mỹ Thơ - truyện ngắn

>> Xứ xa và xứ mơ - truyện ngắn

>> Giả đò yêu - truyện ngắn

>> Nguồn cảm mới - truyện ngắn

>> Quán bên đường - thơ phổ nhạc



VIẾT VỀ TRANG THẾ HY:

>> Tấm lòng của một "người hiền Nam bộ"

>> Bên trời thêm một người sang

>> Trang Thế Hy ra đi trong tiếng lá dừa rơi

>> Chuyến tàu vét đời người

>> Ông "Tư Sâm" Trang Thế Hy về trời rồi

>> Đại thụ toả bóng làng văn

>> Trang Thế Hy không nhắm mắt, quay lưng...

>> Một lần ghé quán bên đường...

>> Bài thơ cuộc đời

>> Bình thản hồn nhiên

>> Trang Thế Hy giữa đắng và ngọt

>> Hạnh phúc của ngôi sao buồn

>> "Vàng mười" của văn học Nam Bộ

>> Trang Thế Hy gió đưa gió đẩy

>> Cổ thụ của văn học Nam Bộ

>> Ngày thường với nhà văn Trang Thế Hy

>> Trang Thế Hy ẩn sĩ vườn dừa



ẢNH TƯ LIỆU CỦA TRANG THẾ HY:







Nhà văn Trang Thế Hy





Hai nhà văn Trang Thế Hy và Nguyễn Quang Sáng

dự đám giỗ nhà văn Sơn Nam năm 2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét