Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Trí thức và thói háo danh




Vương Trí Nhàn

Trí thức là một thành phần quan trọng, đóng vai trò định hình tư tưởng, dẫn dắt xã hội. Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, không phải toàn bộ nhưng ít nhất một bộ phận trong số họ có những nhược điểm cố hữu. Xin giới thiệu một số bài viết của ông về chủ đề này với mục đích tự nhìn lại mình, phản tư để thấu hiểu và thay đổi chính mình.
Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức
Giới thông thái chân đất
Truy tìm căn nguyên thói “háo danh” của trí thức

Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức
Thói háo danh và căn bệnh vĩ cuồng, từ xưa trong hoàn cảnh nhược tiểu nhiều người đã mắc, tới nay trong hoàn cảnh chớm hội nhập với thế giới, bệnh lại trầm trọng hơn trong một bộ phận trí thức.

Bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức vừa được Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn.  Chỉ có thể chia sẻ với một khái quát như thế nếu người ta nhận ra những gì đứng đằng sau cái căn bệnh có vẻ dễ thương đó là sự liên đới của nhiều “chứng nan y“ cùng là sự tha hoá của giới trí thức cũng như của nhiều lớp người khác.

Bài viết Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị gợi tôi nhớ tới một câu chuyện trong sử cũ.

Nhìn người bằng... chức danh
Nửa cuối thế kỷ thứ XVII, có một trí thức Trung Quốc là Chu Thuấn Thuỷ trên bước đường chống Thanh phục Minh nhiều lần đến Việt Nam. Lần ấy, khoảng 1657, nghe Chúa Nguyễn có hịch chiêu mộ những ai biết chữ để giúp vào việc nước, Chu ra trình diện. Nhưng ông cảm thấy chung quanh không hiểu mình, không thi thố được tài năng, lại bị làm phiền, nên bỏ sang Nhật. Sau ông đóng góp rất nhiều vào viêc phát triển xã hội Nhật.

Chu không phải là loại người đọc sách xa lánh sự đời. Một học giả Nhật đã viết về Chu “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về "kinh bang tế thế". Giả sử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì “ thi thư lễ nhạc” tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu làm tương... Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ việc gì”.(1)

Riêng chuyện bộ máy chính quyền Đàng Trong không thể chấp nhận một người như trên, đủ cho ta hiểu trình độ của bộ máy đó là như thế nào.

Trong tập ký sự của mình, Chu Thuấn Thuỷ kể khi trình diện nhà cầm quyền địa phương, gặp chuyện buồn cười là người Việt Đàng Trong bắt ông ứng khẩu ngay một bài thơ rồi viết trên giấy. Tiếp đó câu đầu tiên bị hỏi là “Cống sĩ với cử nhân và tiến sĩ, bên nào hơn?”.

Khi biết Chu chỉ là cống sĩ, viên quan địa phương có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình.

Từ câu chuyện về Chu Thuấn Thuỷ tới câu chuyện về nghệ sĩ Nga Vladimir Ashkennazy mà Đặng Hữu Phúc vừa kể, như là có sự nối tiếp. Hoặc có thể nói cả hai phối hợp với nhau làm nên một đôi câu đối khá chỉnh. Một bên thì không thể hiểu người nổi tiếng lại không có một chức danh nào, còn bên kia thì không cần biết trước mặt mình là người đã được hoàng đế nhà Minh mời ra giúp nước, chỉ nghe cái bằng cống sĩ đã bĩu môi chê bai - giữa người ngày xưa với người ngày nay, sao mà có sự ăn ý đến thế!

Từ háo danh tới vĩ cuồng

Đặng Hữu Phúc đã nói tới cái khó chịu khi phải nghe đám người “mở miệng là họ nói tới chức tước “ - tức đám người háo danh - trò chuyện với nhau. Ai đã sống trong giới trí thức ở ta hẳn thấy chuyện đó chẳng có gì xa lạ.

Anh A và anh B vốn cùng nghề và cùng cơ quan, họ cùng dự buổi họp nhỏ, chứ không phải đăng đàn diễn thuyết trước bàn dân thiên hạ gì.

Thế mà cứ động phát biểu thì từ miệng anh A, vang lên nào là “như giáo sư B đã nói” (gọi đầy đủ cả tên họ), nào là “tôi hoàn toàn đồng tình với các luận điểm giáo sư B. vừa trình bày“ (Thực ra có luận điểm khoa học gì đâu mà chỉ là mấy nhận xét vụn). Và B cũng đáp lại bằng cách nói tương tự.

Khi phải dự những cuộc hội thảo ở đó cách xưng hô và nói năng giữa các thành viên theo kiểu như thế này, tôi chỉ có cách ráng chịu một lúc rồi lảng. Tôi không sao nhớ nổi họ nói với nhau điều gì. Và tôi đoán họ cũng vậy. Vì mỗi người trong họ có vẻ còn mải để ý xem người phát biểu đã gọi người khác đúng chức danh chưa, hay để sót, chứ đâu có chú ý tới nội dung các phát biểu. Không khí nhang nhác như những buổi họp quan viên trong các làng xóm xưa, mà Ngô Tất Tố hay Nam Cao đã tả.

Tại sao chúng ta khó chịu với lớp người háo danh này? Đơn giản lắm, ta thấy họ ấu trĩ, non dại, thực chất họ thấp hơn cái vị thế mà họ chiếm được, không xứng với chức danh họ nhăm nhăm mang ra khoe.

Ai đã thử quan sát tình trạng tinh thần của đám người mê tín hẳn biết, người càng thiếu lòng tin, thì khi vào cuộc mê tín càng cuồng nhiệt.

Giới trí thức cũng vậy, cái sự thích kêu cho to chẳng qua là một cách để xoá bỏ mặc cảm. Kẻ yếu bóng vía lấy cái mã bên ngoài để làm dáng che đậy cho sự trống rỗng bên trong.

Mấy thói xấu mà Đặng Hữu Phúc nêu lên chỉ đáng để người ta cười giễu, ghét bỏ, thương hại. Song ác một nỗi chính nó lại là dấu hiệu đầu tiên của nhiều chứng nan y khác chẳng hạn căn bệnh mà Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ(2)gọi là bệnh vĩ cuồng ( me’ganomanie).

Cao Xuân Hạo kể một chuyện mà thoạt nghe chắc chẳng ai dám tin. Hàng năm cơ quan lưu trữ nước mình thường phải thanh lý hàng tấn những hồ sơ “sáng kiến phát minh“ gồm toàn đề nghị viển vông do người trong nước ùn ùn gửi tới. Cao Xuân Hạo nói thêm điều đáng lo là ở chỗ phần đông chúng ta khi nghe những điều quái gở ở đây đều thấy bình thường, cùng lắm thì là loại sai lầm dễ tha thứ; còn ai tỏ ý kinh hoàng thì bị mọi người coi là bệnh hoạn vô đạo đức vì đã không tin vào khả năng sáng tạo của những người bình thường.

Cần phải gộp cả thói háo danh và bệnh vĩ cuồng nói trên để phân tích vì giữa chúng có một điểm chung là đều xuất phát từ những người và nhóm người sống trong tình trạng cô lập, không có khả năng tự nhận thức, đứng ngoài nhịp phát triển tự nhiên của thế giới.

Tình hình lại cần được xem là tệ hại bởi nó bám rễ vào bộ phận tinh hoa của xã hội.

Trí thức là bộ phận mũi nhọn của một cộng đồng, của những thể nghiệm làm người của cộng đồng đó. Những nhược điểm của trí thức chẳng qua chỉ là phóng to nhược điểm của cộng đồng. Và nếu như những nhược điểm này đã thâm căn cố, đế trở thành một sự tha hoá, thì tình trạng của người trí thức sẽ là một phòng thí nghiệm hợp lý để nghiên cứu về tình trạng tha hoá nói chung. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng thì may ra mới có cơ hội chữa chạy hay ít nhiều cũng giảm thiểu tình hình nguy hại.

Ghi chú:

(1) Chu Thuấn Thuỷ Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ sự), Vĩnh Sính dịch và chú thích, Hội khoa học lịch sử Việt Nam 1999, tr.11
(2) Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc -- Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh,2000, tr.82-87

"Giới thông thái chân đất"

Công cuộc phát triển đòi hỏi đất nước phải có một tầng lớp trí thức ngang tầm quốc tế và khu vực, ở đó không thể có sự nửa vời, sự tự hạ thấp tiêu chuẩn để làm dáng.

Nền giáo dục đơn sơ

Nhiều năm qua chúng ta hay nói một cách hồn nhiên rằng dân ta ham học và trong quá khứ ta có một nền giáo dục chẳng kém gì những nước khác. Bản thân tôi ban đầu cũng tin như thế, sau thực tế ngày càng thấy phải nói ngược lại.



Trong một cuốn sách lịch sử giáo dục (1) tôi thấy người ta chỉ ra rằng thật ra giáo dục là chuyện xài sang. Chỉ những đất nước giàu có mới có tiền của để chi cho giáo dục theo đúng nghĩa của nó. Khi nền kinh tế ở trình độ tiểu nông manh mún, thậm chí trình độ hái lượm, con người có mỗi việc kiếm ăn đã không làm nổi, ta chỉ có thứ giáo dục ở dạng đơn sơ, kém cỏi.

Ta hay khoe, người dân quê nào ở nông thôn VN cũng sẵn sàng bớt ăn bớt mặc cho con đến học ở các thầy đồ lấy “năm ba chữ thánh hiền”.

Nhưng hãy nhìn kỹ vào những lớp học đó. Trường sở sơ sài. Sách vở tài liệu không có, đến bữa cơm chắc bụng cho người dạy cũng không có nốt (nhiều truyện tiếu lâm toàn ghi lại chuyện thầy đồ ăn vụng) - thử hỏi sau mấy năm theo học các ông thầy ấy, phần lớn các cậu học trò nhà quê học được gì ? Biết dăm ba chữ để đủ đọc tên mình trong khế ước văn tự thế thôi chứ làm sao hơn được?!

Sự ham học có tính cá nhân nông nổi đó chưa bao giờ kết hợp với nỗ lực của cộng đồng để xây dựng nổi cơ chế giáo dục hợp lý và một nội dung giáo dục lâu dài, có triển vọng.

Đọc lịch sử, đời Lê, sau khi đánh xong giặc Minh, nhà vua lo cầu hiền tài để chọn quan lại ở cấp cơ sở. Chọn như thế nào? Chẳng qua chỉ một số người tinh nhanh đủ chữ ghi chép và … biết làm tính (2).

Theo như cách nói của một tác giả trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật thì một nét đặc thù của trí thức VN trong lịch sử là tính cách lưỡng phân. Ông Nguyễn An Ninh, tác giả bài này giải thích: Họ vừa là kẻ sĩ vừa là nông dân. Khi không thể sống bằng chữ tức bằng nghề của mình, nhu cầu trí tuệ của họ bị giảm thiểu. Những xung lực cho hoạt động trí tuệ ở họ thường xuyên bị kìm hãm. Gặp hoàn cảnh khó khăn , họ dễ bị hư hỏng.(3)

Tính cách lưỡng phân ấy là cả một ám ảnh, như ám ảnh về quê hương nghèo đói. Ta hiểu tại sao một số trí thức tỉnh táo khi đã thành đạt, vẫn không thể quên nguồn gốc của mình, cái nơi mà từ đó mình đi tới. Đây là lời dặn của Nguyễn Khuyến cho con cái:

Các con nối nghiệp cha nên biết
Nghiên bút đừng quên đậu lúa cà


Thế sao những người nông dân một nửa này vẫn miệt mài đèn sách để có ngày lều chõng khoa cử thì sao? Bởi việc nhồi vào óc một ít kiến thức cổ lỗ sở dĩ thu hút được toàn bộ tinh hoa nghị lực của nhiều người vì đó là con đường ngắn nhất để được gia nhập vào hàng ngũ quan chức.

Không có sản phẩm trí thức

Tự hào về nền giáo dục xưa, ta hay đưa dẫn chứng là trong lịch sử, các triều đại đã mở nhiều khoa thi và đã lấy được nhiều tiến sĩ, các bia tiến sĩ đó còn được đặt trong Văn miếu. Nhưng thử hỏi trước tác của các vị tiến sĩ đó là gì hay chỉ là những bài văn mòn sáo sau khi dâng vua thì chính người viết ra nó cũng quên nó luôn.

Có thể chứng minh sự kém cỏi của nền giáo dục cổ ở một khía cạnh khác. Nhân xem xét danh sách các tác gia văn học VN bằng con mắt thống kê, người ta đã phát hiện ra một nghịch lý vui vui.

Đó là nhiều nhà văn nhà thơ VN thời trước nổi tiếng mà không có tác phẩm (đây là nói những tác phẩm dày dặn, có chất lượng đáng kể, được truyền tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả bắt buộc của các bộ từ điển).

Từ điển văn học Việt Nam do Lại Nguyên Ân biên soạn với sư cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường có 276 mục dành cho tác giả trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm. Từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng, mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm; riêng thế kỷ XIX khá hơn, có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển, nhưng số tác giả cũng lớn hơn, tới 78 người.

Cái hiện tượng cây không trái này (đúng hơn, có thể là toàn những trái chua trái héo, không cần cho ai, đời sau không ai buồn nhớ) càng thấy rõ khi nhìn vào hàng ngũ các ông trạng - chúng tôi muốn nói tới trạng chính thống chứ không phải trạng theo nghĩa dân gian.

Theo Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Kho tàng về các ông trạng VN thì không kể triều Nguyễn không lấy trạng nguyên, các triều đại Lý Trần Lê có tới 47 người được phong trạng. Nhưng phần lớn họ không có tên trong danh sách các tác gia nổi tiếng ở nước ta.

Ngược lại, xét chung các nhà sáng tác thơ văn, từ Nguyễn Du tới Nguyễn Đình Chiểu, từ Nguyễn Gia Thiều Phạm Thái cho tới Tú Xương, nhiều người không thuộc loại đỗ đạt cao. Riêng về biên khảo, một học giả thực thụ như Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách đồ sộ, mang tính cách tổng kết lớn, một thứ bách khoa toàn thư là Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ đỗ đến tú tài.

Câu chuyện người đỗ không giỏi và người giỏi không đỗ không chỉ tố cáo sự kém cỏi của hệ thống giáo dục mà còn cho thấy một phần thực chất con người của nhiều ông trạng. Họ chính là điển hình của loại học trò thuộc bài, chỉ biết tầm chương trích cú rồi làm theo những khuôn mẫu sẵn có, nói chung là những cá tính tầm thường, không có quan hệ gì tới tư duy độc lập và sự sáng tạo.

Ta đã có tầng lớp tri thức đúng nghĩa?

 


Bước vào giai đoạn hội nhập, gần đây, những cuộc bàn cãi xuất hiện đều đều trên mặt báo ở ta cho thấy vấn đề về giới trí thức đang là mối quan tâm chung của xã hội. Điều này có lý do chính đáng của nó. Sự trì trệ kéo dài hàng ngàn năm mà đến nay ta vẫn lĩnh đủ có một nguyên nhân sâu xa: cộng đồng không hình thành nổi bộ phận tinh hoa (elite) của mình. Một chủ nghĩa bình quân tối đa đã níu kéo tất cả lại.

Tôi muốn đặt vấn đề: liệu trong thực tế lịch sử chúng ta đã có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa chưa? Nếu tạm thời chấp nhận là có một tầng lớp như vậy, thì quá trình hình thành của họ có đặc điểm gì? Tại sao họ dễ bị làm hỏng đến vậy? Trước 1945, những Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, các tác giả có bài thường xuyên trên Tri Tân Thanh Nghị… đã có ý kiến về vấn đề này mà chưa ai có dịp tổng kết.

Tuy không nói ra, nhưng có vẻ như với nhiều người, kẻ sĩ Việt Nam chỉ là một loại trí thức chân đất. Một số nhà nghiên cứu gần đây đôi khi còn đi tới những khái quát cực đoan hơn. Trong một bài viết mang tênTâm lý dân tộc với cuộc Cải cách hành chính hiện nay nhà xã hội học lão thành Đỗ Thái Đồng cho rằng xã hội cổ truyền VN thiếu ba chỗ dựa cơ bản:

Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại nhất thời.

Không có tầng lớp trí thức để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng. Rất hiếm thấy cái cốt cách như Lý Bạch“ Thiên tử hô lai bất thượng thuyền”. Học để làm quan, tuyệt đại đa số kẻ sĩ đều mộng làm quan hơn là giữ vai trò thầy đồ… áo rách.

Không có lớp doanh nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ngoài nước.

Trong ba đặc điểm tôi cho là được nêu ra chính xác này, cái thứ hai liên quan đến chủ đề trí thức chúng ta đang nói.

Thói háo danh chẳng qua chỉ là dấu hiệu của một tầng lớp trí thức non yếu. Còn mọi thái độ dễ dãi với họ chiều nịnh họ mà không dám yêu cầu cao ở họ cuối cùng chỉ đẩy họ sa đà mãi trong tình trạng bần cùng về trí tuệ và nẩy sinh những căn bệnh mới.
Cũng nên nói thêm, sự dễ dãi này ban đầu có vẻ là một thiện ý hoặc nói như chữ nghĩa thời nay – một sự chia sẻ, nó bắt đầu từ một cảm nhận chung về sức ép của hoàn cảnh.

Nó là cách nghĩ từng ngự trị trong xã hội một thời gian dài. Đất nước lo gồng mình lên để chống ngoại xâm. Cuộc sống khó khăn đến nỗi, khi nghĩ về nhau người ta chỉ thấy những điều tốt đẹp, cốt sao giữ lấy cho nhau niềm tự tin, rồi động viên nhau hợp sức trong việc chống trọi lại các thế lực thù địch từ bên ngoài tới. Tức nó là sản phẩm của những thời đại mà mọi nỗ lực của con người là lo tồn tại, tới mức có thể bảo nền văn hóa của chúng ta là văn hóa để tồn tại.

Còn nếu như đặt vấn đề tồn tại chỉ là chuyện tối thiểu, cái đáng lo hơn, như hôm nay, là chuyện phát triển, chúng ta sẽ phải nghĩ khác về quá khứ và luôn thể nhìn lại khác đi về nhau.

Nay là lúc mọi sự vuốt ve nhau dễ dãi, là không đủ nữa. Công cuộc phát triển đòi hỏi đất nước phải có một tầng lớp trí thức ngang tầm quốc tế và khu vực, ở đó không thể có sự nửa vời, sự tự hạ thấp tiêu chuẩn để làm dáng.

Ghi chú:

(1) Roger Gal Lịch sử giáo dục, bản dịch Lê Thanh Hoàng Dân-- Trần Hữu Đức. NXB Trẻ-- Sài gòn, 1971
(2) Dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư của nhà xuất bản Khoa học xã hội 1983, tập II tr 296
(3) Nguyễn An Ninh - Tính chất lưỡng phân, một nét đặc thù của trí thức Việt nam trong lịch sử - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật 1998, số 1

Chú ý xin đừng lầm với Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhà hoạt động xã hội ở đầu thế kỷ XX. Có điều thú vị là nhà trí thức lớn Nguyễn An Ninh trước đây cũng từng nhận xét xứ ta là nơi mà “chỉ với một chút xíu khoa học” người ta đã có thể tự coi mình là nhà thông thái, tương tự như “với hai xu trong túi, người ta đã trở thành những nhà giàu.” Khi lưu ý tình trạng nhiều người “cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều”, hình như ông muốn nói rằng tình trạng thiếu khát vọng và ý chí đã kìm giữ mãi chúng ta trong khung cảnh lạc hậu.



Truy tìm căn nguyên thói “háo danh” của trí thức
 


Không phải người trí thức Việt Nam sinh ra đã ham chức danh như chúng ta thấy. Hoàn cảnh đẩy họ đến chỗ phải làm vậy.

Nói như Cao Xuân Hạo, thói háo danh “có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người”

Ngành văn chương mà tôi làm việc thuộc khu vực mà người ta hay nhấn mạnh tính bản địa.

Ngoài cái háo danh kiểu vô thức tập thể - cho rằng văn chương nước mình chẳng kém gì thế giới, rồi thường xuyên mũ cao áo dài vái lậy, tôn vinh nhau ngay trong sinh hoạt hàng ngày, còn một lối chạy theo danh vị kín đáo hơn, nhưng chắc chắn hơn. Đó là lo mấy câu thơ của mình được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh cả nước học, lo tên tuổi của mình thường xuyên được nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng, nịnh nọt những người được phân công viết văn học sử đương đại, cốt họ dành cho mình vài dòng trong sách và nhờ thế mình sẽ ở lại với vĩnh viễn.

Sự phát triển tính hiếu danh”vượt xa kế hoạch” như thế này có những liên quan đến tình trạng của giới trí thức đương thời cũng như quan niệm của xã hội về họ.

Hệ quả của một thời chiến tranh

Xã hội sau 1945, căn bản là xã hội của tư duy công nông nghĩa là của những người hành động. Mọi sự tính toán xa xôi, những công việc không có lợi ích ngay cho sự nghiệp nếu không bị thù ghét thì cũng không thể được xem trọng như đáng lẽ phải có. Cuộc sống hàng ngày quá ư vất vả, thành ra tuy vẫn hiểu chủ trương lớn là trọng trí thức, nhưng trong thực tế người ta vẫn thành kiến với họ, chí ít là không tôn trọng họ, thấy họ quá kềnh càng phiền phức.

Nên nhớ nét chủ đạo của hoàn cảnh là không khí thời chiến. Chiến tranh cào bằng tất cả. Chiến tranh tước đi những tự do tối thiểu của mọi công dân vì lúc ấy cần phải vậy.

Sự tập trung cho chiến tranh làm nảy sinh trong xã hội VN dăm sáu chục năm nay một tâm lý thường trực, là chỉ tính chuyện ăn ngay trước mắt. Ngay trong thời kỳ 1946-54, một nền giáo dục thời chiến đã được tổ chức để đào tạo nhân tài. Nhưng cũng vì cần phục vụ ngay nên đó là một nền giáo dục mang nặng tính thực dụng, không muốn và không thấy cần đạt tới chuẩn mực cần thiết.

Tình trạng phi chuẩn này còn được kéo dài mãi và trở nên nặng căn thêm bởi lý do sau đây. Khẩu hiệu của cách mạng là giáo dục phổ cập. Nhưng kinh tế thì chưa bao giờ hết khó khăn để đáp ứng nổi nhu cầu của đại chúng về giáo dục. Ngoài cách pha loãng, làm nhẹ, làm giảm thiểu chất lượng, không còn có cách nào khác.

Theo những quy luật đã chi phối kẻ sĩ thời phong kiến, như vậy là tính háo danh và bệnh vĩ cuồng đã có đủ điều kiện để bắt rễ vào tư duy và nếp sống của lớp trí thức mới được đào tạo.

Nhìn vào giáo dục những năm hoà bình 1954-65, cũng như thời chống Mỹ, thấy số năm học ở phổ thông, ở đại học có thể tăng, một số thầy giáo được đi học ở Nga, Trung Quốc và các nước Đông Âu... Nhưng về căn bản, cái hồn cốt của giáo dục vẫn là chắp vá, tạm bợ, không có khả năng hội nhập với giáo dục thế giới. Các bằng cấp của chúng ta chưa bao giờ được đông đảo các nền giáo dục khác công nhận là một bằng chứng về tình trạng cô lập kéo dài đó.

Giai đoạn “phong cấp, phong tước” thời hậu chiến

Đánh dấu bước ngoặt trong ngành giáo dục cũng như trong quan niệm về giới trí thức là năm 1958 và mấy năm sau. Chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chống phái hữu ở Trung Quốc, và cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn bên Văn nghệ, giới Đại học trước tiên là khu vực khoa học xã hội đã có một cuộc “thay máu”.

Các giáo sư nòng cốt như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trương Tửu và lớp trẻ đầy tài năng như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc... bị cho thôi việc hoặc chuyển sang các viện nghiên cứu, thực tế là chỉ ngồi chơi xơi nước hoặc làm những việc không quan trọng như dịch tài liệu. Lớp người thay thế được chọn ra chủ yếu theo tiêu chuẩn chính trị.

Ban đầu, nhiều người trong số mới lên này nhũn nhặn, tự nhận là mình chỉ đóng vai trò thay thế, không đòi hỏi gì về chức danh, vui vẻ với đồng lương bé mọn mà vẫn chăm chỉ làm việc, và trong thực tế họ đã đóng vai trò thúc đẩy khoa học tiến tới. Tuy nhiên đến khoảng 1973-74 thì có một tình hình mới.

Trong thực tế giảng dạy và nghiên cứu, nhu cầu chuẩn hoá dù không được đặt ra chính thức, song vẫn như một xu thế mà bất cứ nền giáo dục nào cũng phải hướng tới. Ít ra là bề ngoài ta phải có được hình thức cho dễ coi một chút!

Lại thêm những khía cạnh mới trong tình hình xã hội đòi hỏi điều đó. Cuộc chiến tranh giải phóng bước vào giai đoạn kết thúc. Có một phương án sau này không xảy ra nhưng lúc đó được tính tới, đó là những cuộc đối thoại giữa hai xã hội miền Bắc và miền Nam.

Trong cuộc đối thoại đó, không thể bỏ qua tiếng nói của giới trí thức. Ta cần phải có những giáo sư của ta những trí thức của ta chứ! Phải chứng minh cho phía bên kia thấy rõ là miền Bắc không chỉ biết làm chiến tranh mà còn biết làm học thuật. Và thế là nhu cầu phong cấp phong chức nổi lên, nó là đòi hỏi từ hai phía cả từ bên trong bản thân giới học thuật lẫn nhu cầu của xã hội.

Cái cách của xã hội ta xưa nay vẫn vậy. Thấy cần là làm, không đủ điều kiện cũng làm, làm bất kể phép tắc. Và từ chỗ ban đầu còn chặt chẽ nghiêm túc, sự mệt mỏi và nghiệp dư trong quản lý khiến cho công việc càng về sau càng được làm qua loa dễ dãi, chín bỏ làm mười mà có khi chỉ năm sáu thôi cũng đã coi là mười.

Những người cơ hội kém cỏi chỉ chờ có thế. Họ “lẻn” ngay vào những chỗ đất trống (tôi mượn chữ lẻn từ câu Kiều "Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào” ) và từ chỗ xấu hổ, biết điều, quay ra chủ động thao túng tình hình.

Mỗi chúng tôi đã bị làm hỏng như thế nào?


Cách đây khoảng hai chục năm, tôi đọc được trên tấm danh thiếp của anh C. một người quen, bên cạnh tên tuổi có ghi thêm các chức danh sau đây, mỗi chức danh một dòng, tổng cộng chín dòng.


dòng 1: Nghề anh học ở đại học
dòng 2: Nghề anh đang làm
dòng 3: Chủ tịch Hội....
dòng 4: Tổng biên tập báo...
dòng 5: Đại biểu Quốc hội (năm đó anh đang là một ông nghị)
dòng 6: Thành viên Uỷ ban xxx của Quốc hội

Ngoài ra là ba chức danh nữa, tôi không nhớ xuể nhưng hình như là các loại giải thưởng được trao tặng. Thú thực ban đầu tôi cũng thấy buồn cười, nhưng sau thì thông cảm. Hồi ấy anh bạn tôi sau những nỗ lực bền bỉ, từ công việc chuyên môn được ngắm nghía để cơ cấu vào giới quan chức.

Lớn lên từ đám học sinh Hà Nội rồi thành cán bộ nhà nước, chúng tôi đã nếm đủ những đau xót của một bọn người mang tiếng là người làm nghề sáng tạo trong xã hội, luôn luôn cảm thấy mình có tội vì đã coi trọng việc học.

Đó là về tinh thần. Còn vật chất thì sao? Bao giờ đến lượt được mua xe đạp, bao giờ đến lượt được tăng lương, những việc đó chờ đã mỏi cổ, nói chi đến việc có được một cái nhà, xoay được một chuyến đi ngoại quốc?

Không ai tuyên bố chính thức, nhưng tất cả thực tế hình như đồng thanh rót vào tai mình, chỉ có một cách hết nghèo hết khổ là lọt vào tầm mắt của lãnh đạo.

Trở thành quan chức thì tốt nhất. Nếu không thì cũng phải có được những chức danh trong nghề, nó là cái dấu hiệu đánh dấu mình. Dù có phải luồn cúi chạy chọt một chút song vì cuộc sống bản thân và gia đình, hãy ráng mà giành lấy cho mình những danh vị cần thiết.

Tôi đã nói là cần thông cảm với anh bạn C với tấm danh thiếp chín chức danh của mình. Vì hồi ấy sau khi ghé chân quan trường, đoàn thể, anh đang lo xin đất làm nhà.

Một là, tuy biết trên nguyên tắc trước sau làm quan sẽ sớm được chia nhà, nhưng trong thực tế không đơn giản có ghế là có nhà ngay. Muốn được miếng ngon miếng sốt, còn phải cạnh tranh chán với các vị quan khác thì mới được như ý. Hơn nữa, quan trong văn nghệ là do dân cử, có khi chỉ ngồi được vài năm.

Vốn tính thực dụng, anh bạn tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Ngồi chưa ấm ghế, anh bắt tay ngay vào việc xin đất. Mà anh làm thật khôn ngoan. Người khác hách dịch công khai huy động cả cơ quan lo chuyện riêng cho mình. Còn C. thì hoàn toàn lặng lẽ tự mình làm hết. Lặng lẽ viết công văn. Lặng lẽ đóng dấu. Lặng lẽ đến các nơi có liên quan.

Chính tấm danh thiếp chín dòng của C mà tôi dẫn ra ở trên xuất hiện trong thời gian đó. Tôi thầm dự đoán anh bạn đã phải loay hoay rất nhiều trong việc soạn ra danh sách các chức vụ để không quên một chức nào. Đây là tôi nói loại người còn đang hiền lành, nhân biết cái danh có thể đổi ra tiền thì lợi dụng nó.

Lại còn loại người thứ hai là điên cuồng săn đuổi danh vị, sau đó mượn danh vị để tiến thân, ngày càng leo mãi lên trong hệ thống quan chức, dù chỉ là trong phạm vi quan chức chuyên môn. So với họ, anh C. của tôi còn tử tế chán.

Nhưng cả loại người này nữa cũng không phải là “từ trên trời rơi xuống”. Mà họ cũng là sản phẩm của một sự thích ứng - thích ứng với cách đánh giá người và dùng người của xã hội. Nhưng đây là vấn đề thuộc về khoa xã hội học quan chức mà tôi chưa có dịp nghiên cứu.

Trong bài này, trong chừng mực nào đó, tôi đã mở rộng ra nói về thói háo danh và căn bệnh vĩ cuồng mà người mình thường mắc, từ xưa trong hoàn cảnh nhược tiểu đã mắc, tới nay trong hoàn cảnh chớm hội nhập với thế giới bệnh lại trầm trọng hơn. Đây là những quan sát bước đầu, cần sự chia sẻ phản bác của các đồng nghiệp.

Để kết thúc, tôi đưa ra hai kết luận cuối cùng:

Một là hãy thông cảm với những người trong cuộc. Không phải người trí thức Việt Nam sinh ra đã ham chức danh như chúng ta thấy. Hoàn cảnh đẩy họ đến chỗ phải làm vậy.

Hai là, bệnh khó chữa lắm. Vì nó chỉ là một biểu hiện của tình trạng tha hóa trí thức cần được nghiên cứu trên quy mô rộng hơn và có tầm khái quát hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét