Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

PHÂN TÍCH TÍNH THỰC TIỄN CỦA BỐN HỌC THUYẾT TRUYỀN THÔNG


PHÂN TÍCH TÍNH THỰC TIỄN CỦA BỐN HỌC THUYẾT TRUYỀN THÔNG



“Tại sao báo chí – truyền thông lại như ngày nay? Tại sao nó lại ra đời để phục vụ những mục đích khác nhau, xuất hiện dưới những hình thức khác nhau, ở những đất nước khác nhau?”. “Bốn học thuyết truyền thông” là cuốn sách lý giải những câu hỏi phức tạp ấy.Xuất bản năm 1956 tại Mỹ, “Bốn học thuyết truyền thông”đã trở thành sách gối đầu giường của học giả và sinh viên ngành báo chí – truyền thông và khoa học chính trị ở các nước phát triển.


Cuốn sách cung cấp một góc nhìn về các mô hình truyền thông: Học thuyết truyền thông được hình thành từ học thuyết về con người, xã hội, nhà nước. Học thuyết truyền thông nào thì có mô hình truyền thông ấy. Ví dụ: các tư tưởng về con người, xã hội và nhà nước của Plato, Machiavelli, Thomas Hobbes, Hegel đã làm hình thành nên thuyết truyền thông độc đoán, từ đó mô hình truyền thông độc đoán được hình thành; hay các tư tưởng của John Locke, John Milton, John Erskine, Thomas Jefferson, John Stuart Mill đã làm hình thành nên học thuyết tự do và mô hình truyền thông tự do.
Qua hướng phân tích-nghiên cứu đó, nhìn lại lịch sử từ điểm mốc 1956 trở về trước, các tác giả đã liệt kê 4 học thuyết truyền thông: thuyết Độc đoán, thuyết Tự do, thuyết Trách nhiệm xã hội và thuyết Toàn trị Xô Viết.Trong đó thuyết Trách nhiệm xã hội kế thừa từ thuyết Tự do, còn thuyết Toàn trị Xô Viết phát triển từ thuyết Độc đoán.
Thuyết truyền thông độc đoán hay độc tài được bắt đầu áp dụng vào thế kỉ 16 và 17 tại Anh. Thuyết này được xuất phát từ mô hình xã hội độc tài, xuất hiện trong tác phẩm của Plato, Machiavelli, Hobbes, Hegel.
Nguyên lý cơ bản của thuyết này bắt nguồn từ quan niệm con người độc lập không nhà nước là hoang dã mông muội, còn , con người khi có tổ chức nhà nước thì văn minh, tiến bộ, có khả năng vô hạn đạt được mục tiêu cá nhân. Vậy nên nhà nước quan trọng hơn mọi cá nhân và mọi cá nhân đều phải phụ thuộc vào nhà nước. Thuyết này cũng quan niệm rằng có khác biệt về khả năng tư duy giữa con người trong xã hội. (Một số ít tinh hoa sẽ toàn quyền ra quyết định, phần còn lại thiếu hiểu biết thì cứ nghiêm chỉnh chấp hành, không được ý kiến lôi thôi).
Từ các quan niệm về con người và nhà nước như trên, những người theo thuyết Độc đoán quan niệm về mục đích của truyền thông là hỗ trợ và ủng hộ cho chính phủ để chính phủ hoàn thành mục tiêu của mình. Điều này sẽ được Nhà nước kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt. Ngoài chức năng đó, các phương tiện truyền thông có thể giáo dục dân chúng qua việc đưa các kiến thức dưới dạng cơ bản, dễ tiếp thu tới đại chúng.
Những nội dung bị cấm:
– Cấm chỉ trích trực tiếp các lãnh đạo chính trị đương nhiệm cũng như quyết định và dự án của họ
– Cấm các nỗ lực lật đổ chính quyền
– Được phép nói về bộ máy chính trị nhưng không được nói về người điều hành bộ máy này.
– Cấm đưa thông tin về các vấn đề chính phủ, trừ những quyết định cuối cùng.Phạm vi vấn đề thảo luận phụ thuộc vào nhóm xã hội (công chúng được xem là không có khả năng hiểu về chính trị nên thảo luận của nhóm này bị giới hạn, nhưng nhóm có kiến thức thì được thảo luận rộng hơn).

Ở đây cũng xuất hiện một khác biệt quan trọng giữa thuyết Độc đoán và thuyết toàn trị Xô Viết: trong mô hình Độc đoán, Nhà nước không đòi hỏi một sự đồng tình trọn vẹn, chỉ cần không chỉ trích lãnh đạo đương nhiệm, không chống lại các dự án đang tiến hành, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Nhà nước.

Để thiết lập hệ thống truyền thông độc đoán, Nhà nước phải kiểm soát được các phương tiện truyền thông đai chúng. Trong điều kiện của thế kỷ 16, 17, một số phương án kiểm soát sau đây được thực thi:
Sử dụng hệ thống cấp giấy phép, Cấp phép cho tổ chức truyền thông để các tổ chức truyền thông này được độc quyền phát hành ấn phẩm. Đổi lại họ phải phục vụ chính phủ, thực chất là NN đồng nhất lợi ích của người tham gia ngành truyền thông với lợi ích của Nhà nước;
Sử dụng hệ thống kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, đặc biệt là các tác phẩm liên quan đến tôn giáo, chính trị.
Khởi tố người truyền thông điệp chống đối chính phủ. Hai tội lớn nhất: mưu phản và nổi loạn.

Thuyết Độc đoán có mặt sớm nhất, từ khi các phương tiện truyền thông đại chúng mới nhen nhóm và máy móc in ấn vẫn còn sơ khai hạn chế, nên việc kiểm soát không gặp nhiều khó khăn. Nhưng TK 16 đến cuối 17, máy in được cải tiến và xuất hiện ngày 1 nhiều, ngành in mở rộng quy mô tràn lan, các sản phẩm truyền thông đại chúng ngày 1 nhiều hơn, khó kiểm soát hơn. Các phương án kiểm soát cũ chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn rồi lại nhanh chóng lỗi thời. Càng về sau, các phương án kiểm soát càng mang tính chất phòng thủ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của thuyết tự do. Ngày nay, để xây dựng và duy trì hệ thống độc đoán trong một xã hội phát triển phức tạp cần những thủ thuật tinh vi kín đáo hơn, bên ngoài có thể giả tự do để bên trong thi hành các thủ thuật thao túng kiểm soát như độc quyền hóa hoặc bội thực thông tin…

Thuyết truyền thông tự do được bắt đầu áp dụng tại Anh sau 1688 và ở Mỹ.Thuyết này được xuất phát từ chủ nghĩa tự do. Các nhà triết học và chính trị học ủng hộ thuyết này có John Locke, John Milton, John Erskine, Thomas Jefferson, John Stuart Mill.
Nguyên lý cơ bản của thuyết Tự do hoàn toàn trái ngược với thuyết độc đoán. Những người theo thuyết Tự do quan niệm cá nhân có tầm quan trọng lớn lao hơn mọi tập thể. Hạnh phúc của cá nhân là mục tiêu của xã hội. Nhà nước là công cụ hữu ích và cần thiết, nơi nhân dân giao phó, ủy thác quyền lực và cũng có thể thu hồi quyền lực. Xã hội tạo điều kiện cho con người nhận ra các tiềm năng của bản thân, vì thế các tổ chức xã hội không được trở thành vật cản đối với sự phát triển của con người. Mỗi con người tuy bẩm sinh khác nhau nhưng bằng nỗ lực tư duy đều có khả năng đạt tới chân lý.
Xuất phát từ những điểm trên, những người theo thuyết tự do cho rằng truyền thông phải vì những mục đích sau:
Thứ nhất, hỗ trợ con người nhận ra các tiềm năng của bản thân, giúp cung cấp cho con người sự thật. Từ đó, con người trong xã hội tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội.
– Thứ hai, truyền thông cần giữ cho chính phủ không vượt quá giới hạn của mình (không được hạn chế con người tiếp cận sự thật, không được cản trở sự phát triển của con người).
– Thứ ba, truyền thông tham gia kết nối người mua và người bán bằng quảng cáo, cung cấp dịch vụ giải trí, duy trì khả năng độc lập tài chính.

Tuy là thuyết tự do, nhưng tự do nào thì cũng phải nằm trong khuôn khổ, vậy nên những người theo thuyết tự do cấm những nội dung sau đây xuất hiện trên truyền thông:
Phỉ báng cá nhân, gây hiềm khích giữa sắc tộc, tôn giáo.
– Nội dung khiếm nhã, khiêu dâm.
– Đặc biệt, trong thời kì rối ren, người theo thuyết tự do có thể từ bỏ tự do để chính phủ được phép kiểm soát truyền thông nhằm tránh các hoạt động xúi giục nổi loạn, phạm pháp…vv.


Một số phương án triển khai tự do truyền thông:
Tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đều được tự do tham gia hoạt động truyền thông
– Triển khai tranh luận tự do trong thị trường mở để tiếp cận sự thật. Mặc dù trong những thông tin đến với công chúng có cả những thông tin sai và thông tin đúng, nhưng thuyết tự do tin rằng khi công chúng tiếp cận với nhiều thông tin, công chúng sẽ tự tìm ra được thông tin phù hợp cho nhu cầu của bản thân và xã hội.
– Truyền thông cung cấp thông tin và giải trí cho công chúng, đồng thời kinh doanh và quảng cáo nhằm trở nên độc lập với chính phủ.
– Quyền lực của nhà nước đối với truyền thông cần phải được giới hạn. Chức năng của Nhà nước là tạo môi trường để các cá nhân tự do tham gia truyền thông.

Thuyết tự do với cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí nên sẽ không có sự dự phòng trong trường hợp xảy ra biến động lớn như chiến tranh, phản loạn, vv…

Thuyết truyền thông trách nhiệm xã hội bắt đầu được áp dụng vào thế kỉ XX tại Mỹ. Thuyết này có thể coi là một phiên bản được sửa đổi từ thuyết truyền thông tự do: nếu thuyết tự do nhấn mạnh việc tách truyền thông ra khỏi vòng tay kiểm soát chặt chẽ của chính phủ thì thuyết TNXH bổ sung thêm rằng: truyền thông phải có trách nhiệm với xã hội. Ủy ban Tự do Báo chí Mỹ là cơ quan ủng hộ phát triển học thuyết này.

Nguyên lý cơ bản: thuyết tự do cho rằng con người có đạo đức, tư duy, khả năng và động lực đi tìm sự thật. Trong dài hạn, con người sẽ suy xét được điều đúng sai.Thuyết trách nhiệm xã hội cũng cho rằng con người có đạo đức và tư duy, nhưng nghi ngờ việc con người có động lực đi tìm sự thật hay không. Con người có thể trở thành nạn nhân của sự lừa dối và cán dỗ trong thời gian dài, trừ khi được định hướng trở lại. Điều này cho thấy thuyết trách nhiệm xã hội ra đời sau và đã áp dụng nghiên cứu về tâm lý học, xã hội học, rút kinh nghiệm từ sai sót của mô hình truyền thông tự do).

Thuyết truyền thông trách nhiệm xã hội vẫn liệt kê các mục đích của truyền thông tương tự như thuyết tự do: Cung cấp thông tin, tổ chức tranh luận liên quan tới vấn đề chính trị, mở rộng kiến thức của công chúng để họ có khả năng tự trị, bảo vệ quyền của cá nhân, giám sát chính phủ, quảng cáo, giải trí, duy trì độc lập tài chính. Tuy nhiên học thuyết này yêu cầu tổ chức truyền thông cân bằng giữa các mục đích: ưu tiên sự thật, kiến thức, bảo vệ quyền cá nhân; quảng cáo, giải trí, kinh doanh có trách nhiệm.
Một số phương án triển khai:
Cho ra đời các bộ quy tắc ngành, trong đó quy định về trách nhiệm của cá nhân trong ngành phải đảm bảo đối với nghề nghiệp của mình cũng như với toàn xã hội. Cụ thể, do công chúng chỉ trích các tổ chức truyền thông quá nhiều, cộng với việc tòa án Mỹ xử phạt các hành vi lũng đoạn thị trường của các tổ chức truyền thông, các tổ chức này đã tự kiểm điểm bản thân, đề ra các nguyên tắc cho ngành, (bộ quy tắc ngành báo chí Mỹ – 1923, BQT ngành điện ảnh – 1930, BQT ngành phát thanh – 1937, BQT ngành truyền hình – 1952).
Để hiểu rõ hơn báo chí phải có trách nhiệm gì đối với xã hội, xin trích dẫn 5 yêu cầu của Ủy ban Tự do báo chí đối với hoạt động báo chí:
1. Báo chí cần miêu tả một cách trung thực, súc tích và thông minh những sự việc trong ngày trong một bối cảnh khiến cho chúng có ý nghĩa.
2. Báo chí cần phục vụ như một diễn đàn để trao đổi, bình luận và phê bình.
3. Báo chí cần miêu tả một bức tranh đại diện cho những nhóm cấu thành trong xã hội.
4. Báo chí cần truyền tải và làm rõ những mục tiêu và giá trị của xã hội.
5. Báo chí phải cung cấp đầy đủ thông tin trong ngày (phải cập nhật nhanh).


Chính phủ cũng can thiệp vào thị trường truyền thông, loại bỏ các nội dung phản cảm, điều tiết hành vi của các công ty để tránh thị phần bị thâu tóm bởi một số công ty lớn (chống độc quyền).
Dòng chảy phát triển của học thuyết truyền thông cũng song hành cùng học thuyết kinh tế. Thuyết truyền thông tự do tương ứng với thuyết nền kinh tế tự do – tối thiểu hóa can thiệp của chính phủ vào thị trường. Kế thừa và phát triển là thuyết truyền thông trách nhiệm xã hội tương ứng với nền kinh tế hỗn hợp cho phép chính phủ can thiệp vào thị trường.
Thuyết truyền thông toàn trị Xô Viết được áp dụng đầu tiên tại Liên Xô. Người xây dựng là các nhà quản lý nước Liên Xô, dựa trên học thuyết của Karl Marx. Tuy nhiên tác giả nhận định rằng mô hình truyền thông này khác biệt so với những gì Karl Marx mường tượng, và trong trường hợp Marx sống mãi trong sự nghiệp chúng ta thì chưa chắc Marx đã đồng ý với mô hình này. Nền tảng của học thuyết là quan niệm về Đảng và nhà nước Liên Xô như cố vấn toàn diện cho các tầng lớp người dân, dẫn dắt họ vượt qua thời kì quá độ, loại bỏ tàn dư của chế độ Tư bản. Người dân chấp nhận định hướng và vì vậy cũng chấp nhận sự kiểm soát. Truyền thông là công cụ đắc lực để Đảng tập trung quyền lực, thực hiện sứ mạng.
Truyền thông toàn trị Xô Viết:
Là công cụ của nhà nước và Đảng Cộng sản, có mối quan hệ chặt chẽ với các công cụ khác. Đây là điểm khác biệt với thuyết Độc đoán.
– Thống nhất về nội dung. Các nội dung từ nước ngoài không thể thâm nhập
– Hỗ trợ giác ngộ nhân dân
– Tuyên truyền và vận động. Thêm một điểm khác biệt nữa: đòi hỏi sự đồng tình trọn vẹn, phản đối ngầm trong đầu cũng không được.
– Đặc biệt, truyền thông có trách nhiệm to lớn: đảm bảo quyền tự do cho người dân.

Giải thích cho điều này cần xem xét: Tự do kiểu Liên Xô khác với tự do ở các nước tư bản mà chúng ta thường dùng quen thuộc ngày nay:
Tự do báo chí ở Liên Xô nghĩa là không chứa tư bản, tư tưởng danh vọng, chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản vô chính phủ. Tức là tổ chức truyền thông và các nội dung truyền thông đều là của đại chúng chứ không phải của một số ít cá nhân có tiền. Tự do không mâu thuẫn với sự can thiệp của chính phủ: Tự do có được trong khuôn khổ của nhà nước luôn làm điều tốt đẹp cho người dân.
Một số phương án tổ chức:
Đảng kiểm soá tđánh giá và phê bình tổ chức truyền thông, kiểm duyệt nội dung truyền thông
Nội dung đưa lên báo chí không định hướng cập nhật sự kiện hay kinh doanh mà chủ yếu để giáo dục người dân.
Một vấn đề mà hệ thống truyền thông toàn trị Xô Viết luôn phải đối mặt, đó là đảm bảo cân bằng giữa nguyên tắc lý thuyết và thực tiễn hoạt động. Về nguyên tắc, lời dạy của Marx và các lãnh tụ khác cũng như mô hình nhà nước Liên Xô là tuyệt đối đúng đắn. Nhưng trong thực tiễn hoạt động, truyền thông phải có khả năng thay đổi quan điểm liên tục theo chỉ thị cấp trên đảm bảo các mục tiêu của Đảng. Do mục tiêu của Đảng Xô Viết luôn là tối cao, nên sự nhất quán trong thông điệp truyền thông có thể không được đảm bảo. Truyền thông sẵn sàng tôn vinh một người hết mức nhưng ngày hôm sau phải hạ bệ người đó nếu được yêu cầu.

Tóm lại, sau phần trình bày về 4 học thuyết truyền thông, tác giả đã cung cấp góc nhìn: các mô hình truyền thông khác nhau xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố cơ bản và quan trọng hơn cả là cấu trúc xã hội và thể chế của đất nước đó. Cách nhà quản lý dựa vào quan niệm về bản chất của con người, bản chất của xã hội và nhà nước, mối liên hệ giữa con người với nhà nước, bản chất của tri thức và của chân lý để xây dựng mô hình truyền thông. Thông qua phân tích mô hình truyền thông, chúng ta có thể hiểu được hệ thống kiểm soát xã hội.
Cuốn sách được xuất bản năm 1956 và chắc chắn đã có giá trị to lớn đối với các nhà nghiên cứu triết học và truyền thông, nhất là tại Mỹ.
Tới nay, mô hình truyền thông các nước đã có nhiều thay đổi, vì vậy chúng ta không thể nhìn thấy tính cập nhật của cuốn sách. Tuy nhiên góc nhìn của tác giả về cách học thuyết truyền thông được hình thành, sự phụ thuộc của thuyết vào các quan niệm cơ bản trong xã hội vẫn đáng học hỏi. Các nhà nghiên cứu am hiểu về triết học chắc chắn sẽ thấy cách tác giả liên kết giữa triết gia và mô hình truyền thông là thú vị.
Ngoài góc nhìn của tác giả, chúng ta cũng cần nhìn nhận một phương án phân tích truyền thông khác mà tác giả không tập trung vào: đó là cách phân tích dựa theo lịch sử của từng nước. Mỗi thời đại ở mỗi nước sẽ có trình độ dân chúng khác nhau, trình độ nhà quản lý, công ty, học giả khác nhau, trình độ công nghệ thông tin khác nhau, do đó họ sẽ chấp nhận các mô hình truyền thông khác nhau. Một khi những yếu tố trên thay đổi, mô hình truyền thông sẽ thay đổi. Từ những kiến thức đó, chúng ta có thể dự đoán được hướng phát triển của ngành truyền thông trong tương lai.
Chúng ta nên sử dụng cuốn sách như một gợi ý về hệ thống truyền thông thế giới, nhưng không nên áp dụng cứng nhắc bằng việc chia các hệ thống hiện nay vào 4 nhóm. Điều này là vì một số nước hiện nay có thể nói là tự do báo chí, nhưng thực ra đang cố gắng kiểm soát truyền thông để đảm bảo ổn định quốc gia. Họ có thể kiểm soát một số khía cạnh, kiểm soát công khai hoặc bằng các thủ thuật tinh vi. Sự bành trướng của các tập đoàn truyền thông lớn, hay sự lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội cũng làm bức tranh thêm phức tạp. Do thế giới đã trở nên phức tạp hơn, có thể chúng ta cần thêm các thuyết truyền thông, hoặc có thể sẽ phải bỏ qua nỗ lực tìm học thuyết và tập trung vào tình hình truyền thông của từng nước qua các thời kì.
Nguyễn Phương Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét