Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Nguồn yêu từ trái tim ta




 Nguyễn Hoàng Đức
.


 

Có không ít người nghĩ, yêu là dại; thậm chí người ta còn đếm kỹ rằng: lấy người yêu ta thì sung sướng hơn lấy người ta phải yêu chết mê mệt. Nghe có vẻ đúng quá, bởi vì, như người ta nói: người yêu làm nô lệ, kẻ được người yêu là chủ nô…

Người đòi yêu người ta, giống các chàng trai vẫn nói, nàng thích thế nào chỉ cần một câu tôi cũng làm đúng như vậy. Trời ơi như người ta vẫn nói: “ Sông núi dễ đổi, bản tính khó thay”, vậy mà vì si mê chàng hoặc nàng sẵn sàng đòi thay đổi vô điều kiện để đẹp lòng người yêu, như vậy khác gì nô lệ muốn làm đẹp lòng ông chủ. Ở đời ai chẳng muốn được ăn trên ngồi trốc làm ông chủ, chẳng cần làm gì sẵn có người đến yêu mình cách si mê. Nhưng chúng ta thử nghĩ xem, một người vất vả chơi đàn cho người kia được ngồi duỗi chân duỗi tay, mắt lim dim nghe những âm thanh thánh thót, liệu có thể nghĩ rằng: người chơi đàn khổ hơn người nghe? Hay người chơi đàn là nô lệ còn người nghe là chủ? Không, ngược lại mới đúng, người chơi đàn có rất nhiều thứ, từ trình độ âm nhạc, đến việc làm chủ các kỹ thuật và cảm xúc, để hiến dâng cho đời âm thanh tuyệt diệu. Trái lại người nghe chỉ thụ động, lắng nghe tiếng đàn do người khác đem đến, như vậy liệu có là ông chủ?

Chúng ta vẫn biết có những tình yêu lý tưởng yêu người đến vong thân, như Chúa Jesus đóng đinh trên thập tự, hay Đức Phật Thích Ca bỏ cung điện vàng son vợ đẹp – cung tần cũng đẹp để lao vào chốn rừng thiêng nước độc đi tìm con đường giác ngộ cho chúng sinh. Ngài còn nói, ở đâu có một con ruồi còn khổ thì ta còn đến đó. Thật là một tình yêu hiến dâng bao la vô bến vô bờ. Tất nhiên sẽ có nhiều người nói rằng: ai mà bì được với Chúa với Phật, hơn nữa đó là tình yêu của Đạo, chứ đâu phải là tình yêu của đời. Không, nói như vậy là nhầm, bởi triết gia Kant phân tích rằng, tình yêu là lớn hay nhỏ phụ thuộc vào mức độ người ta hiến dâng cho người khác. Người đem đến cho người khác một lòng tốt nhỏ thì sẽ có một sự nghiệp đáng yêu nhè nhẹ; nhưng một người đem đến những hy sinh lớn nhất phải có cả sự đáng yêu cũng đáng trọng lớn. Chuyện thực, mới đây chúng tôi ngồi cùng một anh bạn trẻ mới lấy vợ được vài năm, anh ta nói như đinh đóng cột:

Các anh chị thử nghĩ xem, nếu một người chồng biết làm tròn các nghĩa vụ và bổn phận của mình, thì làm sao vợ con lại không trọng và phục.
– Vậy còn đáng yêu thì sao?
Có người hỏi: Anh ta liền trả lời không chút do dự:
– Với phụ nữ, đàn ông đáng trọng và đáng phục hẳn là đáng yêu!

Yêu người hạnh phúc hơn chờ người ta yêu mình, đó là một cách nghĩ phổ biến mà người phương Tây đã lột tả qua phương ngôn: “Bàn tay tặng đóa hồng tự nó thơm trước”. Quả là chí lý, khi bàn tay đem dâng đóa hồng cho ai đó, tự nó cầm hoa trước, hưởng thụ trước vẻ đẹp và sắc hương, và cuối cung nó đem trao tặng để có được “âm vang” của niềm hạnh phúc.

 Có câu chuyện rằng, một ngày có một người bị bắt oan tống giam vào ngục. Thế rồi cả ngày anh ta cau có, nguyền rủa, chửi bới hết người này đến người kia. Càng chửi càng tức, càng tức càng chửi, khuôn mặt của anh mỗi ngày một cau có hơn. Ít lâu sau, chợt người bạn cùng giam nói với anh ta: này anh, anh chửi vậy có ai nghe thấy không, hay là phòng giam chật hẹp phản lại những âm thanh chói nhĩ hành hạ chính anh? Giờ thì anh thử hát lên, xem những âm thanh nào vọng đến tai anh? Hãy tin rằng, luật đời không bằng luật trời, nếu ai đó bắt giam anh cách bất công sẽ có luật trời xét lại. Kể từ đó, anh ta cất tiếng hát, và những bức tường phản lại những lời ca, lòng anh thấy hân hoan và bình yên kỳ lạ. Một ngày viên quan giám báo với cấp trên xem lại vì phạm nhân này sống vui vẻ ung dung tự tại theo kiểu “cây ngay không sợ chết đứng” và anh được thả.

Đây là một câu chuyện biểu tượng mà người ta nói: Tình yêu giống như cây vậy. Nếu ta đem đến tình yêu những lời oán trách sỉ vả não nề, thì những “bức tường” của tình yêu cũng sẽ đập lại tâm hồn ta oán trách sỉ vả, não nề. Còn nếu ta đem đến cho tình yêu những tiếng hát dịu dàng hân hoan say đắm và dâng hiến thì tình yêu cũng đập vách tâm hồn ta những niềm hân hoan đó. Đó chính là những nguyên lý xuyên suốt của tình yêu từ Đạo đến Đời.

Tình yêu đầu tiên phải khởi từ mình, chúng ta hãy cùng nhớ lại câu nói của người phương Tây, bàn tay tặng đóa hồng tự nó thơm trước. Đức Phật cũng nói rằng: trước hết phải Giác Thân rồi sau mới Giác Tha. Nghĩa là trước hết người ta cần tự giác ngộ mình sau đó mới có thể giác cho người khác. Tình yêu giản dị như người ta nói “đồng thanh tương ứng”, nếu ta chưa phải là một cây đàn phát ra âm thanh thì sao có thể đòi hỏi cây đàn của trái tim người khác rung theo tiếng nhạc? Người phương Tây quan niệm về tình yêu như sau: “Hãy chăm sóc người khác, Thương đế sẽ chăm sóc bạn”. Nghĩa là bạn hãy xuất phát yêu người khác, chớ có sợ thiệt, vì có thể Thượng đế “trả nợ” tình yêu cho bạn. Kinh thánh còn có câu “Người đong đấu vào ta ta sẽ đóng trả người bằng đấu ấy”. Nếu ta yêu người nhỏ giọt , ta cũng sẽ nhận lại sự nhỏ giọt, nếu ta đong ống bơ thì sẽ nhận lại ống bơ, đong thúng sẽ nhận lại thúng và đong như hải hà thì sẽ nhận lại hải hà. Một cách tương tự người Việt cũng quan niệm:

Xởi lởi trời cởi cho
So đo trời co lại


Hay là: “Có đức mặc sức mà ăn”. Tình yêu là tài sản quý giá nhất của trái tim, vậy thì khi ta đem tài sản đó đầu tư vào ngân hàng của trái tim người, chớ sợ lỗ, mà ta sẽ nhận được cả vốn lẫn lãi.

Có một lời thoại trong phim Hàn Quốc mới đây chiếu trên truyền hình, cô gái nói thẳng vào mặt chàng trai:
– Hôn nhân cũng chỉ là cuộc làm ăn.
Chàng trai lại đứng dây thẳng thắn không kém:
– Cứ cho là cuộc làm ăn đi, vây thì cô đã là được những gì?
Cô gái im bặt.

Theo cách đó, chàng trai muốn nói rằng, cho dù hôn nhân có là cuộc kinh doanh, thì người ta cũng phải biết bỏ vốn đầu tư, phải có chữ tín, phải biết thực hiện đúng theo hợp đồng, và phải chịu các điều khoản chế tài của pháp luật. Vậy thì người trong cuộc đã tìm được cái gì? Trong kinh doanh, có thể người ta luôn buôn một bán mười, nhưng nhất khoát không thể đòi tay không bắt tỷ phú. Vậy mà trong tình yêu hôn nhân vẫn có quá nhiều kẻ tham lam muốn tay trắng nổi cơ đồ hay tay không bắt giặc. Chính thế mà cũng còn quá nhiều người sợ bước vào trận đồ bát quái của tình yêu. Người ta cho rằng, làm kinh doanh còn có pháp luật bảo hiểm chứ trong tình yêu trái tim không có mảnh giáp chở che biết lấy gì bảo hiểm khi đối phương dùng đủ các mồi câu, lưỡi bẫy, và dù không mở. Bạn chớ có lo, người Việt vẫn bảo: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà hay Thật thà là cha quỷ quái”. Nếu ta đem đến tình yêu đích thực cho đời, không chỉ có ta và nàng với nhau , mà có trời biết đất biết, thánh thần biết, người ta biết, nên “gieo cây nào sẽ hái quả ấy” chớ lo gieo cây đào lại hái phải cây sung. Người Trung Quốc quả quyết đó là luật “Quả báo”, nghĩa là người ta yêu đời sẽ được đời đáp trả tình yêu , ghét đời sẽ hái được quả ghét, chẳng thể tránh được. Tình yêu chẳng bao giờ thiệt, lại cũng chẳng bao giờ sai, chỉ có điều ngược lại mới sai. Vậy thì ta còn chờ gì mà không mở lòng với tình yêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét