Hoàng Nguyên Vũ
Hãy về sống, hiểu đất nước để biết mình phải làm gì, đừng đứng ngoài cuộc để so sánh. Và nếu muốn cơ chế thay đổi thì chính các em hãy về thay đổi.
Đó là lời nhắn nhủ của “huyền thoại thi Toán” Lê Bá Khánh Trình.
TS. Toán học Lê Bá Khánh Trình được xem là một huyền thoại thi Toán của Việt Nam khi giành Giải Nhất với số điểm 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này.
Ông cũng là học sinh Việt Nam duy nhất đạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế tính đến nay.
Ông Lê Bá Khánh Trình là học sinh Việt Nam duy nhất đạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế.
Sau kỳ thi trên, ông theo học tại khoa Toán trường Đại học mang tên Lomonosov ở Moskva. Ông đã học ở đây 10 năm, trở về với bằng Tiến sĩ Toán học.
Về Việt Nam, ông giảng dạy tại khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.
Ngoài ra, ông phụ trách đào tạo học sinh đội tuyển toán của Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhiều lần là trưởng đoàn học sinh giỏi toán Việt Nam đi thi Quốc tế.
Đưa các thế hệ học trò vào con đường thành công, thầy giáo này yên phận với một ông giáo bình thường, không chức tước.
Ông có một cách nhìn riêng của một tài năng với những trải nghiệm của một chặng đời 25 năm về Việt Nam làm việc.
Tôi chọn trở về để hiểu đất nước hơn
Thưa thầy, nhiều người vẫn nghĩ, một người làm nên “huyền thoại” trong các cuộc thi Toán học ngày trước, lẽ ra giờ này ông ấy… ở nước ngoài!
Người ta hiểu thế là bình thường vì các nước cũng vậy. Tình hình chung là vậy, tôi đi học 10 năm ở nước ngoài, nếu có xin việc nước ngoài, xin ở lại nước ngoài cũng là bình thường.
Điều kiện nước ngoài có thể môi trường tốt hợp để bất cứ một du học sinh nào như tôi khi ấy chọn làm nơi sống và nơi làm việc.
Nhưng tôi không suy nghĩ gì nhiều về vấn đề này. Ai hồi đó đi đều mang theo suy nghĩ, chúng tôi đi, từ một đất nước khó khăn, nhưng thế hệ chúng tôi sống trong khó khăn quen rồi nên cũng chẳng xem có gì đó là nặng nề.
Đành rằng, sống theo sách vở thì người ta hay có những tưởng tượng. Đặc biệt với những người đi ra nước ngoài với khoảng thời gian được tính bằng thập kỷ.
Nhưng, tôi chọn một cách nhìn đất nước khi về sống với nó, cảm nhận nó. Muốn đánh giá một cái gì chính xác thì phải trải nghiệm.
10 năm ở Nga, trải nghiệm của tôi còn thiếu với đất nước này dù đó là một khoảng thời gian biến động kinh khủng của nước Nga. Nhưng nếu nhìn về Việt Nam, 10 năm xa cách quả là nhiều thiếu hụt trong việc hiểu.
Cách của tôi là: hãy sống đi sẽ hiểu.
10 năm ở Nga, khi tốt nghiệp có nhiều lời mời thầy làm việc không, thưa thầy?
Không. Nước Nga khi đó, chúng tôi muốn ở lại thì phải làm đơn xin việc, đơn xin ở lại. Nhưng tôi không nghĩ mình nên làm điều đó.
Tôi chỉ nghĩ: về có thể phải thay đổi mình nhiều trong khi ở Nga tôi đã sống trong một guồng quay và đã có phản xạ với cuộc sống bên này.
Nhưng, nhà nước cử mình đi học thì mình cứ hãy về đi đã. Ở lại đó sống thì biết đến khi nào trở về. Mà hồi đó, những ai đi học cũng đều mong muốn quay về làm được một điều gì đó cho đất nước.
Thầy trở về và làm cách nào vượt qua những khó khăn của cuộc sống khi đó? Và sống trong tập thể khi đó, là một thời điểm vô cùng ngặt nghèo để một người tài sống trọn vẹn với cái tôi, thưa thầy?
Phải xác định là một mình tôi, hay định nghĩa là một cá nhân, không làm nên thay đổi.
Tôi về nước những năm 90, nhận công tác tại trường Đại học Khoa học tự nhiên. Lúc đó, đất nước đã qua thời bao cấp nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề.
Tôi không chọn cách ca thán khi thấy khó khăn, đó một phần cũng là tính cách của tôi từ nhỏ. Tôi chọn cách đối diện, cố gắng.
TS. Lê Bá Khánh Trình hiện đang làm công tác giảng dạy tại khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ nghĩ lại đôi khi thấy thời gian đó cũng là một quá trình rất dài nhưng chắc do tôi sống vô tư nên chọn hướng say mê với công việc để vượt qua.
Dù có lúc cũng có so đo này nọ với cuộc sống, với những cư xử không được ổn trong tập thể, nhưng rốt cuộc công việc phải làm cho tốt vì mình không chỉ chịu trách nhiệm cho mình mà còn bao thế hệ sinh viên nữa.
Ai cũng hiểu, một lĩnh vực hay một nghề nghiệp đều có những được mất riêng và so đo thì sẽ rất buồn cười. Nhưng có một vài cư xử không đúng, cũng mang đến những bực bội.
Giờ ngồi nói lại những bực bội của ngày đó sẽ ảnh hưởng đến một số cá nhân và thậm chí với ngành nghề mà tôi đã chọn. Nhưng hãy tập nhìn là xã hội bao giờ cũng vậy, lúc nào cũng có cái này cái nọ.
Việc sống đúng với cái tôi của mình trước hết là sống với niềm đam mê của mình để làm công việc chuyên môn cho tốt.
Khi GS Ngô Bảo Châu được giải Fields, có người từng nói rằng, nếu như TS. Lê Bá Khánh Trình ở lại nước ngoài thì Việt Nam sẽ dễ có 2 giải thưởng này. Thầy nghĩ sao ạ?
Tôi nghĩ điều đó không đúng vì tôi hiểu mình. Những gì tôi có được trong quá khứ là do may mắn hoặc do một sự cố gắng nào đó thôi.
Giải thưởng danh giá mà anh Ngô Bảo Châu dành được không phải cứ cố gắng là được mà phải là người có tố chất đặc biệt. Và được giải thưởng đó thì không hề đơn giản.
Có thể người ta nghĩ tốt cho tôi nhưng cả cuộc đời, tôi đã, đang và sẽ cố gắng đánh giá đúng về bản thân mình. Tôi nghĩ, phải biết mình là ai thì ta mới có một thái độ đúng đắn với mình, với người khác và với cuộc sống được.
Khi thầy về nước, thầy có bao giờ có tâm thế là về với tư cách là một tài năng chứ không phải một người bình thường chấp nhận mọi thứ như lẽ bình thường của nó?
Không. Nhưng nếu công bằng cho hai chữ tài năng, tôi đã nghĩ tôi có một chút khả năng gì đó. Nhưng tôi về nước với một tâm thế tự nhiên: đi thì về.
Và tuyệt nhiên, tôi cũng chẳng nghĩ đất nước có gì thảm họa để về trong một trạng thái bất mãn. Hay là một tài năng về thì phải thế này thế nọ.
Trong đầu tôi đã từng nghĩ: Nếu anh có tài thì anh hãy trở về để thay đổi được một điều gì đó. Còn nếu anh không thay đổi được thì cái tài của anh cũng chỉ có mức độ thôi.
Thế hệ tôi đều ra đi từ một đất nước ngổn ngang vì chiến tranh nhưng suy nghĩ thì vô tư lắm. Và khi về rất thảnh thơi, mức độ chịu khổ tương đối và đặc biệt là không kêu ca, phàn nàn nhiều.
Tôi là người ít nhiều chịu khó trong cuộc sống, lại một phần có gia đình ba mẹ như một bến đỗ bình yên, nên tôi quý trọng những điều ấm áp đó để sống yên bình.
Tôi mong các em trở về
Nghĩ đến các thế hệ du học bây giờ, có khi nào thầy nghĩ về một sự khác biệt thế hệ sau với thế hệ mình trong suy nghĩ và hành xử không, thưa thầy?
25 năm, tôi hiểu các thế hệ luôn khác biệt, có nhiều thay đổi nhưng vẫn có những cái chung: Chịu khó, chăm chỉ và muốn chinh phục những điều mới mẻ.
Thế hệ chúng tôi, cuộc sống vật chất khó hơn nhưng chịu đựng thì tốt hơn.
Có thể cuộc sống hôm nay gợi trong các em một suy nghĩ tiêu cực nào đấy, tôi hoàn toàn hiểu. Nhưng chúng tôi thường nhìn mọi thứ theo hướng tích cực.
Bây giờ, các em được đi học nhiều nước, mỗi nước có những giá trị khác nhau, có thể quyền tự do rộng rãi hơn, điều kiện sống khác hơn nhưng hãy nhìn xã hội theo một sự thay đổi để đánh giá xã hội và chính mình.
Cơ chế mà thầy đã làm việc ở đó 25 năm cũng là cơ chế mà các em không muốn sống vì các em cho rằng vì các em phải hy sinh con người thật của các em và không có môi trường chuyên môn đúng nghĩa cho các em làm việc…
Đây là vấn đề toàn cầu, kể cả các nước phát triển cũng gặp. Các em muốn sống đúng cái tôi cũng là điều bình thường.
Nhưng với những người lớn như tôi, tôi vẫn mong các em về. Ít ra về góc độ con người, các em là những hạt giống dù các em được nhà nước cử đi hay tự tìm học bổng để đi.
Tôi nghĩ, với phong cách, với kiến thức và những điều mới mẻ trong suy nghĩ của các em, thì hãy về đi. Rồi mỗi một người góp vào đất nước một điều mới mẻ thì cuộc sống ắt sẽ phải khác đi.
Muốn đóng góp cho đất nước thì đúng là ở đâu cũng đóng góp được. Nhưng đóng góp trong nước thì sẽ tốt hơn. Hãy đóng góp thiết thực hơn bằng việc sống cùng và làm cùng.
Các em hãy hiểu xã hội để mà đóng góp chứ đừng hiểu lờ mờ. Áp đặt những cái bên ngoài đã học được và thấy những cái bên ngoài hay là muốn nước mình cũng phải thế, khó lắm.
Ngay cả tôi cũng vậy, tôi thấy cách giải toán này là hay nhưng tôi không thể áp đặt cho học trò mình làm thế được vì để các em sáng tạo.
Các em muốn làm gì đó cho xã hội thì hãy hiểu xã hội từ bên ngoài nhìn vào lẫn sống bên trong mà cảm nhận. 5-10 năm sống chưa chắc đã hiểu chứ không phải hiểu theo kiểu hời hợt bên ngoài.
Nếu anh thực sự tài thì anh về mà thay đổi. Một người về, hai người về, góp tài năng công sức để thay đổi từ từ. Chứ anh cứ chờ thay đổi để mà về thì chắc chắn không ai về đâu.
Nếu con thầy đi du học mà không quay về, thầy có ủng hộ không?
38 tuổi tôi lập gia đình, con tôi còn nhỏ. Nhưng nếu con tôi muốn đi du học tôi cũng sẽ ủng hộ. Vì du học sẽ mở mang cho con tôi được nhiều điều.
Tôi tôn trọng lựa chọn của con tôi nhưng tôi nghĩ con tôi sẽ trở về. Vì ngoài công việc, ở Việt Nam còn là gia đình, còn là sự thân thuộc.
Tôi muốn con luôn ở bên mình. Không phải là bên mình suốt ngày nhưng đó là sự gần gũi. Sống bao nhiêu năm, con người ta lại thích về nguồn cội.
Điều đó cũng phải thôi, tận hưởng cuộc sống với những người thân nó thiêng liêng và quý giá vô cùng so với những tận hưởng khác. Tôi vẫn muốn nấu cho con mình một món nào đó con thích từ nhỏ và dẫn các con đi du lịch.
Cuộc sống giờ nhiều thay đổi. Môi trường làm việc ở Việt Nam cũng cần thay đổi, người nước ngoài cũng đã đến làm việc và đến du lịch. Nói chung, về được rồi.
Thầy nghĩ thế nào về cụm định nghĩa “cống hiến cho quê hương”?
Nhiều khi làm việc không có hại cho người khác, có ích cho cộng đồng cũng là cống hiến.
Nhưng phải hiểu đất nước và làm cho người ta biết đến đất nước mình bằng những đóng góp cho sự thay đổi tích cực, nên được hiểu đó là cống hiến.
Mỗi người có một lựa chọn. Nếu giả sử các em không về bằng tất cả các lý do của cá nhân các em thì hết sức bình thường.
Thực ra, xã hội mình, đất nước mình cũng có nhiều cái phải bàn, phải so sánh, nhất là với các em đã ra nước ngoài.
Sức lực về thì có mà phải đổ sông đổ biển hay các em phải chiến đấu để bảo vệ mình trong một cuộc chiến không sòng phẳng thì sẽ rất uổng phí.
"Tôi không đặt nhiều tham vọng cao siêu, sống theo cách của tôi và làm việc theo kiểu phù hợp với tôi nhất".
Các em đi ra nước ngoài rất tốt vì các em có kiến thức từ những người rất giỏi về chuyên môn, tư tưởng; lĩnh hội được những đặc sắc của văn hóa bên ngoài.
Từ đó, các em nên phải hiểu xã hội của mình thế nào khi đặt thế so sánh. Có thể khi các em đi các em chưa hiểu đâu thì hãy sống để mà hiểu nhiều hơn nữa.
Các em phải hiểu tại sao các nước phát triển họ xứng đáng với thành tựu của họ và tại sao nước mình chưa xứng đáng? Cũng như các em cũng phải hiểu tại sao các ông thầy của các em lại giỏi đến thế?
Thì các em sẽ có một cách cư xử với đất nước của mình cho đúng đắn.
Thực lòng không riêng tôi, trong tâm ai cũng mong muốn các em trở về. Sự mong muốn đó không phải là sự chờ đợi, mà là một niềm hy vọng. Các em sẽ làm được những thứ mà thế hệ tôi chưa làm được.
Nếu đất nước còn phải xin viện trợ thì hãy thấy đó là nỗi nhục!
Thực tế, vua Bảo Đại là một người Tây học, giỏi và khi về cũng được đặt lên một vị trí cao nhất có quyền thay đổi mọi thứ. Nhưng ông đã không thay đổi được, dù những điều rất nhỏ!
Tôi biết câu chuyện của vua Bảo Đại. Ông ấy không phải đi để về dựng xây cho triều đại mà là từ chính quyền Pháp muốn đào tạo ông như một con người hưởng thụ.
Một cá nhân, cho dù đó là vua đi chăng nữa, sẽ khó thay đổi.
Nhưng Bảo Đại không phải về để thay đổi và ông cũng chẳng hiểu đất nước của ông khi ông về.
Ông cũng muốn mang những điều mới mẻ vào đất nước nhưng ông không hiểu hệ thống quan lại và bánh xe lịch sử đang vận hành như thế nào.
Muốn thay đổi cơ chế thì hãy là một mắt xích của xã hội, một tế bào thực sự của xã hội ấy. Chứ bây giờ ai cũng nhìn nhau để chờ thay đổi trong khi lại đứng ngoài cuộc của xã hội thì chẳng biết đến bao giờ đâu.
Trở về, nhưng cuộc sống của họ khó có thể được đảm bảo cho những chuyện lớn lao, thưa thầy. Vì họ phải đối mặt với những khó khăn thu nhập, chứ không sướng như… vua Bảo Đại, thưa thầy?
Cống hiến và hưởng thụ, hai thứ song song. Nói người ta phải cống hiến nhưng cũng cho người ta những giây phút hưởng thụ.
Đòi hỏi thu nhập cao không phải là sống hưởng thụ nhưng muốn sống hưởng thụ thì phải có thu nhập. Đấy chưa nói, con người có quyền được yêu cầu môi trường sống của họ và tất cả những gì yên ổn nhất để họ làm việc.
Những người có trách nhiệm nên làm cho cơ chế thoáng hơn nếu mọi người cùng nhìn về tương lai. Hãy làm cho những bãi biển, những khu rừng trong nước đẹp hơn để chào đón một thế hệ mới.
Các em là nhân tố thay đổi nhưng hãy dọn cho các em một môi trường sống đẹp.
Tôi hiểu, cách làm việc, cơ chế làm việc sẽ làm các em chán nản. Tôi hiểu các em mong muốn Việt Nam cũng như nước ngoài và có thể các em sẽ bất lực với tham vọng muốn làm cho một số thứ khác đi trên đất nước của chính các em.
Các em không muốn doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn và doanh nghiệp trong nước lao đao với những cơ chế không ổn, chạy chọt rồi tiêu cực thế này thế nọ.
Các em hãy nhìn một cách toàn diện và không ai làm thay các em điều đó được nếu như các em không về để làm?
25 năm trong một cơ chế, có khi nào thầy đối diện cảm giác bất lực như thầy vừa nhắc tới cho thế hệ sau mình?
Có, nhưng môi trường giáo viên mà tôi chọn cũng không đến nỗi nào. Và thời gian vẫn trôi, xã hội vẫn phải phát triển nhưng trong cuộc sống vẫn còn những người tốt và những điều tốt đẹp.
Tôi nghĩ đến những điều đó để tìm một lối hành xử.
Còn đứng ngoài nhìn đời trôi thì mọi thứ sẽ thế nào? Nhìn đất nước bằng định kiến mà không làm gì thì sẽ ra sao?
30 thậm chí 50 năm sau, các em hãy nhớ, nếu đất nước còn phải đi xin viện trợ thì đó là một nỗi nhục.
Lúc đó, nếu tôi còn sống, thì kể cả tôi lẫn các em đều phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói nhiều mà mình không làm được.
Đừng đổ trách nhiệm cho thế hệ sau rồi đưa mọi thứ vào một vòng luẩn quẩn.
Một ông giáo giỏi, một cuộc sống thanh bình. Đó là bên ngoài hay thực sự cuộc sống của thầy như thế?
Cũng không thanh bình lắm đâu. Vẫn có những con sóng nào đó nhưng tôi nghĩ rằng, cứ làm cho mình mệt mỏi, mình sốc thì đến một lúc nào đó, cuộc sống của anh sẽ cạn kiệt về ý tưởng và nhiều thứ, dễ làm cho mình chán nản.
Tôi không chọn cách đó dù có nhiều lúc bị tác động bởi cuộc sống bên ngoài nhưng tôi chọn cách làm quen từ từ và cứ chờ xem nó ra sao. Và cố gắng nhất có thể, để vượt qua nó.
Được biết, thầy cũng đã được cân nhắc làm quản lý với một thời gian ngắn giữ chức phó phòng. Sau đó, thầy lại từ bỏ để làm một giáo viên bình thường. Thầy thấy lựa chọn đó của mình thế nào, thưa thầy?
Tôi phụ trách công việc đó trong 4 năm. Tôi thấy con người mình không có tố chất quản lý, chỉ làm chuyên môn nên tôi rời vị trí đó để yên vị với lựa chọn của mình.
Tôi không thích họp hành và những cách làm quản lý ở vị trí đó, tôi lại muốn đi dạy, đó là công việc chính.
Tôi không phải người quản lý chuyên nghiệp và xuất sắc gì. Sự thay đổi lãnh đạo, người ta không yêu cầu tôi làm nữa thì tôi trở thành một giáo viên bình thường.
Tôi hiểu mình và hiểu hoàn cảnh nên chẳng bao giờ tôi đặt câu hỏi tại sao người ta không để tôi làm nữa. Và cũng chẳng có cảm giác gì khi rời vị trí đó.
Tôi nghĩ mình làm việc mình thích và có trách nhiệm với học trò. Ai cũng thế thôi, đừng nghĩ đó là “cống hiến”
Tôi biết sức mình, hiểu mình để làm công việc của mình phù hợp. Tôi thích đi dạy và làm tốt công việc của một người thầy.
Tôi không đặt nhiều tham vọng cao siêu, sống theo cách của tôi và làm việc theo kiểu phù hợp với tôi nhất. Tôi không muốn mọi thứ phải xáo động nhiều, ồn ào nhiều.
Tôi yên phận với công việc của một nhà giáo và tôi muốn điều đó. Và tôi thích cuộc sống giản dị của mình vì tôi không thể sống khác được!
Cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện thú vị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét