’
Tác giả: Cù Tất Dũng (Tuổi trẻ)
Tháng 12 này, những người trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập thuộc các cơ quan, tổ chức nhà nước sẽ phải thực hiện kê khai tài sản.
Làm sao để việc kê khai này thật sự là một trong những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ cho phát hiện tham nhũng?
Thực tế cho thấy Việt Nam đã thực hiện việc kê khai tài sản được gần 10 năm, nhưng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng thông qua việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không đạt được kết quả như mong đợi.
Còn nhiều “lỗ hổng”
Thông qua những vụ xét xử tham nhũng, chúng ta nhận thấy rất rõ là phần lớn đối tượng tham nhũng đều là những người nằm trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
Báo chí và các cơ quan truyền thông đã nói rất nhiều về mức lương cơ bản của cán bộ, công chức chỉ đáp ứng được khoảng 40% cuộc sống.
Tuy nhiên không ít người vẫn sở hữu những căn hộ đắt tiền, xe hơi sang trọng, và con cái vẫn cho đi du học nước ngoài… mà chúng ta không thể phát hiện được những sai phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập để xử lý họ, vì sao?
Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai những tài sản theo quy định mà không yêu cầu giải trình các tài sản đó. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có quy định về giải trình tài sản tăng thêm.
Công khai và giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức sẽ góp phần phòng chống tham nhũng. Trong ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho người kê khai bổ sung, còn người kê khai lần đầu nếu tài sản có giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cũng không phải giải trình.
Bên cạnh đó việc tài sản tăng thêm hiếm khi bị xác minh, kiểm tra và như vậy tài sản do tham nhũng mà có sẽ trở thành những tài sản hợp pháp trong tương lai.
Đây là một sơ hở mà người có nghĩa vụ kê khai có thể kê khai không đầy đủ các loại tài sản cần phải kê khai hoặc kê khai khống một số tài sản mà mình không có để sau khi bầu cử, được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức lãnh đạo, quản lý nếu có tham nhũng thì khó có thể phát hiện, vì tài sản do tham nhũng mà có đã được kê khai từ trước khi được bổ nhiệm, đề bạt.
Tại nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định công khai bản kê khai ở nơi công tác với hình thức công bố trong cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở, thời gian công khai tối thiểu trong 30 ngày.
Một thực tế cho thấy ngay trong một đơn vị cấp phòng, ban nhiều người còn không biết nhà nhau, không biết mặt vợ, chồng các đồng nghiệp cùng phòng. Vậy làm sao họ biết để giám sát, phát hiện việc khai không trung thực về tài sản, thu nhập của lãnh đạo, nhân viên trong phòng, ban mình?
Bên cạnh đó, bản kê khai tài sản thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và người có nghĩa vụ kê khai được đảm bảo bí mật nội dung của bản kê khai, điều này đồng nghĩa với việc bản kê khai không được công khai.
Cần những cải cách tích cực
Điều quan trọng nhất của việc kê khai tài sản thu nhập là sự trung thực. Thiếu trung thực thì việc kê khai tài sản, thu nhập mãi mãi chỉ là hình thức, gây lãng phí công sức, tiền của mà không mang lại hiệu quả mong muốn là thông qua việc kê khai nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.
Nếu chúng ta thật sự coi việc kê khai tài sản, thu nhập cho những người thuộc diện bắt buộc như một biện pháp phòng chống tham nhũng thì phải có những cải cách một cách tích cực.
Trước hết, cần giảm bớt số người phải kê khai xuống còn từ 5 – 7%, tập trung vào nhóm người có cương vị, chức vụ và những người thân của họ để việc kê khai được “tinh” và việc kiểm tra tính chính xác dễ dàng hơn.
Cần quy định giải trình nguồn gốc tài sản khi kê khai lần đầu và tài sản tăng thêm khi khai bổ sung. Nếu người kê khai không giải trình được thì tài sản đó bị coi là phạm pháp mà có và sẽ bị xử lý cả về tài sản lẫn về con người.
Nếu cơ quan chức năng phát hiện tài sản tăng thêm là do tham nhũng hay do làm ăn phi pháp mà có thì người kê khai không trung thực sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, trong trường hợp kê khai lần đầu cũng như kê khai bổ sung, người kê khai tài sản không giải trình được nguồn gốc của tài sản và cơ quan chức năng cũng không chứng minh được tài sản đó do tham nhũng mà có thì có thể đánh thuế cao đối với số tài sản đó.
Phải có quy định cụ thể việc giám sát của nhân dân đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; từng bước mở rộng phạm vi công khai bản kê khai, cung cấp thông tin cho nhiều người biết để giám sát, phát hiện những trường hợp kê khai không trung thực; tăng cường kiểm tra, xác minh kết quả kê khai theo cách ngẫu nhiên, theo một tỷ lệ nhất định; phải coi việc kiểm tra, xác minh là một việc làm bình thường, không nặng nề như hiện nay.
Thêm vào đó, cần quy định rõ cán bộ, công chức phải thực hiện việc đăng ký bất động sản. Khi cán bộ, công chức mua, bán các loại tài sản có giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản.
Thực hiện được những cải cách tích cực thì việc kê khai tài sản, thu nhập ở nước ta mới dần đi vào thực chất và thông qua việc kê khai sẽ phát hiện ra những tài sản bất minh do tham nhũng mà có.
Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI), ngày 16/1/2012 về xây dựng Đảng ghi rõ “Kê khai tài sản phải trung thực và công khai tại nơi làm việc và nơi cư trú”.
Kết luận số 21-KL/TW tiếp tục khẳng định “Sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản liên quan khác để thực hiện việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 (khóa XI)”.
Sau gần bốn năm, không hiểu vì lý do gì mà yêu cầu của hai hội nghị trung ương chỉ nằm trên giấy và đến nay vẫn chưa được thực hiện?
————
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét