Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Những cuốn sách bàn luận về sự siêu việt





Hà Thủy Nguyên


 Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tâm linh, không phải của tôn giáo; của những hành trình cá nhân, không phải sự dẫn dắt. Nhưng trong thời buổi chuyển giao, nhiều cuốn sách về tâm linh và tôn giáo đang chỉ dẫn chúng ta sai đường hoặc đang dụ dỗ để ta rơi vào tù ngục tâm trí. Chúng tôi xin giới thiệu những cuốn sách, không phải để chỉ dẫn, mà là những cuốn sách đập phá mọi ảo tưởng, đó là những cuốn sách bàn về sự siêu việt. Sự siêu việt, ở đây, chỉ đơn giản là bay lên cao và rũ bỏ mọi nhơ bẩn của ảo tưởng mà thôi.

“Nam Hoa Kinh” – Trang Tử

Để tóm lược đại ý về “Nam Hoa Kinh” không phải chuyện dễ, cũng như Thu Giang Nguyễn Duy Cần thừa nhận việc dịch cuốn sách này cũng không phải dễ. “Nam Hoa Kinh” là một luận thuyết bàn về những thực tại và sự lựa chọn thực tại. Thực tại chim bằng hay chim sẻ, thực tại của biển Bắc hay thực tại của sông Hoàng Hà, thực tại của sự vô biên hay sự hữu hạn… Tất cả những thực tại đó được mô tả bằng lối nói tượng trưng, bay bổng và dụ ngôn.

Những ai bám vào chữ để bắt bẻ sẽ không hiểu được Trang Tử, thậm chí hiểu sai điều ông muốn nói. Với mỗi dụ ngôn của Trang Tử, ta phải nhìn thấy những thực tại đằng sau điều ông muốn nói. Tuy nhiên, điều này không thể khiên cưỡng, bạn không thể chọn thực tại của ngôn từ hay thực tại ẩn đằng sau ngôn từ ấy, bởi đó là cuốn kinh dành cho những tinh thần tiếp nhận thực tại của chim bằng, của biển lớn, không phải tâm thức của chim sẻ.

Rốt cuộc là bạn chọn thực tại hay thực tại chọn bạn, cũng là vấn đề được đặt ra trong “Nam Hoa Kinh”. Nhưng có hề gì, Trang Tử nói, loài nào cũng có sự tự tại của riêng mình.

Trích đoạn:

Kìa như gió thổi khiến muôn tiếng đồng nhau vang lên, nhưng mà lại khiến cho nó tự ngưng đi, hoặc tự nổi lên, là gì đấy? Biết một cách bao trùm rộng rãi, đó là hạng đại trí; biết một cách chia lìa vụn vặt, đó là hạng tiểu trí. Lời nói tổng hợp thị phi, đó là đại ngôn, lời nói chi ly biện biệt, đó là tiểu ngôn.
(Bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần)


“Bát Nhã tâm kinh” của Phật giáo
Đây là cuốn kinh ngắn nhất (chỉ có 260 chữ) nhưng tinh yếu nhất của đạo Phật. “Bát Nhã tâm kinh” là một phần của “Đại Bát Nhã” và bộ kinh này đã bị quân của Hồi giáo thiêu rụi. Bản “Bát Nhã tâm kinh” đã truyền tải được cốt yếu tính không của đạo Phật.

Bản dịch:

Như vầy một lần tôi nghe:

Thế Tôn ở thành Vương Xá trên đỉnh Linh Thứu sơn cùng với đại Tăng đoàn và nhiều chư Bồ-tát, vào thời điểm đó, Thế Tôn đã đang nhập chánh định về các Pháp giới phân biệt gọi là Cảnh giới trình hiện thậm thâm. Cũng chính tại thời điểm đó, Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát, một đại thiện tri thức, thực hành thâm diệu Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, ngài thấy được ngay cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng tự tính. Sau đó, thông qua năng lực gia trì của đức Phật, tôn giả Xá-lợi-phất thông bạch với thánh giả Bồ-tát Quán Tự Tại rằng: “Thiện nam tử nên phát tâm rèn luyện thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nào?”.

Khi điều này được hỏi, Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát đáp lời tôn giả Xá-lợi-phất rằng: “Này Xá-lợi-phất! Các thiện Nam tử, thiện nữ nhân phát tâm thực hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm diệu nên thấy như sau. Họ nên soi thấy đúng đắn, xuyên suốt và tái lặp là đến cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng về tự tính. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không [hoạt hành] chẳng khác chi sắc, sắc [hoạt hành] cũng chẳng khác chi Không. Tương tự, thọ, tưởng, hành thức thảy đều là Không.

Xá-lợi-phất, bởi thế, mọi hiện tượng đều là Không – thiếu vắng các đặc tính xác định; chúng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm.

Cho nên, Xá-lợi-phất, trong Không, không có sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức; không có nhãn, không nhĩ, không tỷ, không thiệt, không thân, không ý; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp. Không có nhãn giới và vân vân cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh cũng không có diệt hết vô minh, và vân vân cho đến không có già, chết cũng không có diệt hết già chết. Không có khổ, tập, diệt đạo. Không có trí huệ, không có chứng đắc, cũng không có không chứng đắc.

Xá-lợi-phất, vì không có chứng đắc nên do đó Bồ-tát an trụ theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì tâm không uế chướng nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm, đạt cứu cánh niết-bàn.

Tất cả chư Phật, an trụ trong tam thế tỉnh thức viên mãn và thấu suốt, cũng y theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa mà được vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.

Do vậy, phải biết được rằng chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa – vốn là đại tri chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là ngang bằng với vô đẳng chú, diệt trừ được mọi khổ não – là chân thật vì nó không sai sót. Chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa được tuyên thuyết như sau:

tadyatha – gate gate paragate parasamgate bodhi svaha!
(Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ)

Này Xá-lợi-phất, bằng cách này, các vị đại Bồ-tát nên hành trì trong Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu.”

Sau đó, Thế Tôn xuất khỏi chánh định và tán dương Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát rằng: “Lành Thay!”

Ngài nói: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử, Đúng là vậy. Phải nên hành trì Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu như cách ông nói. Ngay cả các Như Lai cũng đều hoan hỷ!”

Thế tôn nói xong, tôn giả Xá-lợi-phất, Quán Tự Tại Bồ-tát, toàn thể đoàn tùy tùng chung quanh, và giới chúng sinh bao gồm trời, người, a-tu-la, và càn-thát-bà đều hoan hỷ và tán thán điều Thế Tôn dạy.”.


“Zarathustra đã nói như thế” – Friedrich Nietzsche

Zarathustra là đấng tiên tri đã sáng lập Hỏa giáo của Ba Tư, tôn giáo nhất thần cổ xưa nhất. Nhưng chúng ta hãy quên điều ấy đi, để đọc về một Zarathustra khác, một Zarathustra – đấng siêu nhân loại của Nietzsche. Zarathustra siêu việt trên thiện ác, trên mọi ràng buộc của vật chất hay tinh thần, Zarathustra không đại diện cho tiêu chuẩn của một đấng tiên tri, tự thân Zarathustra là sự siêu việt.

Trích dẫn:

Ta rao giảng với các ngươi về Siêu nhân. Con người là cái gì cần phải được vượt qua. Các ngươi đã làm gì để vượt qua con người?

Cho đến nay, tất cả những sinh vật đều đã sáng tạo nên một cái gì vượt quá chúng, các ngươi lại muốn mình là nghịch triều trong cơn sóng lớn ấy, muốn quay trở lại với con thú hơn là vượt qua con người sao?

Con khỉ đối với con người là gì? Một đối tượng cười nhạo hay một sự hổ thẹn đầy đớn đau. Và con người cũng phải như thế đối với Siêu nhân: một đối tượng để cười nhạo hay một hổ thẹn đớn đau.

Các ngươi đã vượt qua con đường dẫn từ loài sâu bọ đến loài người, nhưng về nhiều phương diện, các ngươi vẫn còn là loài sâu bọ. Xưa kia các ngươi đã là loài khỉ và cả bây giờ nữa, con người còn khỉ hơn bất luận con khỉ nào.

Ngay kẻ hiền triết nhất trong các ngươi cũng chỉ là một cái gì phân tán và hỗn tạp: nửa cây nửa ma. Thế mà, ta có mời gọi các ngươi trở thành cây cối hay ma quỷ không?”

Dịch giả Trần Xuân Kiêm


“Câu chuyện vô hình” – Hamvas Béla
“Câu chuyện vô hình” đặt ra vấn đề của con người mới trong kỷ nguyên mới, con người của sự siêu việt khỏi con người, không phải là những mảnh vụn của đám đông. Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của những linh hồn toàn vẹn và hướng tới vô biên, của linh hồn Titan đạt tới linh thiêng. Bằng việc giải mã các biểu tượng cổ, Béla đã đặt ra các triết luận về con đường của linh hồn hướng tới sự siêu việt:

Trích đoạn:

Còn có một cái gì nhìn ra được của cái khác, sâu sắc hơn, bản chất hơn, bí ẩn hơn, một trải nghiệm, một cảm nhận, một sự thể hiện ra ngoài. Tâm linh từ một mặt khác nhận ra, trải qua và thấu hiểu được cái không nhìn thấy. Mặt không nhìn thấy, mặt vô hình này người ta gọi là tri thức. Bởi tri thức nằm bên trong, dấu kín trong sự vật, ẩn sâu trong hiện tượng. Con mắt tâm linh nhìn thấy tri thức của hiện thực, nhìn thấy ý nghĩa của hiện tượng, nhìn thấy, đằng sau vật chất là tinh thần, đằng sau thể xác là linh hồn. Nhưng cái nhìn tâm linh có thể nhận ra từ cái khác nữa. Bởi tâm linh không chỉ là nhận ra mà còn là tri thức… Con mắt có khả năng tâm linh nhìn thấy một lúc toàn thể thế giới, thống nhất và trong MỘT, ở nơi tất cả là MỘT. Như vậy nếu ai hỏi tâm linh( misztika) là gì, cần phải trả lời: là khả năng nhìn thấy, trải qua và hiểu được vào sâu thẳm, ẩn dấu đằng sau sự đa dạng vô tận của thế giới, đấy là cái DUY NHẤT MỘT của số nhiều.

Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung


“Kinh nghiệm Mật Tông” – Osho
Osho là bậc đạo sư của kỷ nguyên mới, cùng với Krishnamurti, ông đã mở đường cho những người hiện đại nhận ra con đường tâm linh đích thực đến từ chính họ. “Kinh nghiệm Mật Tông” là cuốn sách ghi chép lại bài nói chuyện của Osho về quá trình biến chuyển nội tại bên trong tinh thần của những ai bước đi trên con đường tinh thần. Đó không phải cuốn sách dậy về quá trình tu hành hay các triết luận, đó là trải nghiệm về sự biến đổi. Không phải biến đổi từ A sang B, từ có thành không, mà biến đổi từ một hạt giống thành bông hoa. Cuốn sách là một sự phù phép, khiến cho mọi điều bình thường và giản đơn đều nở bung tính chất siêu việt thần thánh của chúng.

Trích đoạn:

Bầu trời bao giờ cũng có đó. Cách tiếp cận của phương Đông là trở nên lưu tâm tới bầu trời. Cách tiếp cận phương Tây làm cho bạn ngày một tỉnh táo với mây hơn và giúp cho bạn chút ít, nhưng nó không làm cho bạn nhận biết về cốt lõi bên trong nhất của mình. Chu vi – vâng, bạn trở nên chút ít nhận biết hơn về chu vi, nhưng không nhận biết về trung tâm. Và chu vi là xoáy lốc; bạn phải tìm rat rung tâm của cơn xoáy lốc, và điều đó xảy ra chỉ qua chứng kiến.

Chứng kiến sẽ không thay đổi huấn luyện của bạn, chứng kiến sẽ không thay đổi cơ bắp thân thể của bạn. Nhưng chứng kiến sẽ đơn giản cho bạn kinh nghiệm rằng bạn vượt ra ngoài mọi cơ bắp, trong khoảnh khắc siêu việt đó, không vấn đề nào tồn tại, không vấn đề nào cho bạn cả.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét