" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015
Có một cái khó giữ được, đó là lương tâm
Không biết từ bao giờ, con người cứ không ngớt tranh luận, rằng Chúa hay Quỉ sứ, bên nào cần hơn. Phe cho rằng Chúa cần thì luôn luôn trưng ra bằng chứng về sự thông thái tuyệt vời, hơn hẳn Quỷ sứ của Chúa. Câu chuyện như sau:
Một hôm, Chúa bảo với Quỷ sứ.
– Nào! chúng ta hãy tiếp tục cuộc tranh luận đi.
Quỷ sứ bèn dẫn Chúa đến một xứ sở nọ, lẳng lặng dán vào mỗi trái tim của mỗi con người ở đó một miếng lương tâm bé bằng đầu ngón tay xinh xắn, chói lọi. Lập tức:
Những gương mặt hung dữ vụt trở nên hiền lành
Lác đác vài gương mặt hiền lành vụt trở thành thánh thiện
Những bàn tay đang thò vào túi người khác vội vàng dụt lại
Những khẩu súng giương lên chuẩn bị bóp cò bỗng nhiên hạ xuống
Những gã đầy tớ to béo bỗng trở nên thon thả và vô cùng tử tế
Những ông chủ gầy còm bỗng béo tốt và hết sức hân hoan
Cuộc đời đang là thiên đường đối với lũ bịp bợm, thoắt cái trở thành địa ngục
Đang là địa ngục đối với dân lành, lập tức biến thành chốn thiên thai…
Quỷ sứ đắc thắng trước cái kết quả ấy, bèn quay lại hỏi Chúa:
– Thế nào?
Chúa tỉnh bơ:
– Chẳng thế nào cả. Hãy xem lại đi?
Quỷ sứ quay phắt lại và há hốc mồm kinh ngạc. Tất cả đã lập tức trở lại như cũ. Chỉ thấy:
Những gương mặt hung dữ
Lác đác vài gương mặt hiền lành
Những bàn tay đang thò vào túi người khác
Những khẩu súng giương lên chuẩn bị bóp cò
Những gã đầy tớ to béo và rất lưu manh
Những ông chủ gầy còm và vô cùng thất vọng
Cuộc đời là thiên đường đối với lũ bịp bợm
Và là địa ngục đối với dân lành…
Quỷ sứ tức tối không hiểu con người đã dấu cái miếng lương tâm bé bỏng ấy của mình đi đâu, bèn sục vào tất cả các trái tim để tìm kiếm. Rốt cuộc trở lại với hai bàn tay trắng. Những miếng lương tâm kia đã hoàn toàn biến mất, không còn lại tí dấu vết nào. Điều này chỉ có Chúa mới biết được tại sao. Chúa bèn quay lại bảo các giáo sĩ đi theo:
– Chép ngay, chép ngay. ở xứ sở này có một cái không thể giữ được, đó là lương tâm.
Trong khi đó, phe cho rằng Quỷ sứ cần hơn cũng có câu chuyện làm chứng sau đây:
Một người đàn bà goá ở cạnh nhà một giáo sĩ. Người đàn bà này có thói quen hễ gặp việc gì khốn khó là lại đến gõ cửa giáo sĩ, cầu xin được gặp Chúa. Lần đầu, giáo sĩ bảo:
– Chúa nghe thấy lời cầu xin của bà rồi. Nhưng Chúa còn phải đi tìm Quỷ sứ về đã.
Người đàn bà hỏi:
– Chúa tìm Quỷ sứ ở đâu?
Giáo sĩ trả lời:
– Hôm qua, lũ đầy tớ ăn cướp được của đám ông chủ mấy món hời lắm. Hôm nay chúng mời Quỷ sứ tới để vừa chia chác, vừa ăn khao.
Người đàn bà thất vọng ra về. Lần sau đến, giáo sĩ lại bảo:
– Chúa vẫn nghe thấy lời cầu xin của bà đấy. Nhưng cứ phải tìm Quỷ sứ về đã.
Người đàn bà hỏi:
– Quỷ sứ lại đi đâu mà Chúa phải tìm?
Giáo sĩ trả lời:
– Quỷ sứ được mời đi dự đám tiệc mừng thắng lợi của phe dân chủ. Chắc phải vài hôm nữa mời về…
Người đàn bà lại chưng hửng. Mấy năm sau, bà ta mới có việc phải tìm đến. Lại nghe giáo sĩ bảo:
– Chúa vẫn nghe thấy lời cầu xin của bà như mọi lần. Nhưng vẫn cứ phải tìm Quỷ sứ về mới được.
Người đàn bà lại hỏi:
– Lần này Quỷ sứ lại đi đâu?
Giáo sĩ trả lời:
– Quỷ sứ được mời đi dự đám tiệc mừng thắng lợi của phe độc tài, chắc cũng phải vài hôm nữa mới về…
Cứ như thế, lần này qua lần khác, năm nọ qua năm kia… Lần nào Chúa cũng nghe thấy… Nhưng lần nào cũng phải đi tìm Quỷ sứ… Rốt cuộc, người đàn bà góa ấy chẳng bao giờ gặp được Chúa cả. Bà ta bèn nói với vị giáo sĩ:
– Tôi cần gặp Chúa để cầu ban phước lành. Chứ có cần gặp Quỷ sứ đâu? Tại sao cứ phải tìm Quỷ sứ về để làm gì?
Vị giáo sĩ trả lời:
– Ồ! Đơn giản thế mà bà cũng không biết ư? Không có Quỷ sứ ở bên cạnh, thì người trần mắt thịt như bà làm sao mà nhận được ra Chúa.
Người đàn bà goá chợt tỉnh ngộ. Từ đấy bà không đến gõ cửa nhà giáo sĩ nữa. Mỗi lần muốn gặp Chúa, bà ta cứ việc tìm đến những nơi có Quỷ sứ là lập tức gặp được ngay.
Té ra Quỷ sứ chính là chiếc gương, mà từ đó, con người mới “soi” ra… Chúa của mình.
Phạm Lưu Vũ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét