Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

ÂM DƯƠNG Chương 4. Quan niệm Âm Dương với đời sống



Quan niệm Âm Dương đã được các Triết gia áp dụng vào đời sống hằng ngày.

1. Đổng Trọng Thư cho rằng: Dương là ân đức của Trời, Âm là hình phạt của Trời. Tuy nhiên, Trời trọng Dương mà khinh Âm, cho nên một vị quốc quân muốn làm chính trị cho hẳn hoi, phải thích thi ân bố đức hơn là dùng hình phạt để trị dân, có như vậy mới thuận thiên đạo. [1]

Ông lại cho rằng từ nguyên tắc trọng Dương, khinh Âm, ta có suy ra những khuôn phép luân lý: Đó là phải trọng nghĩa, khinh lợi. Nghĩa lý, lý tưởng thuộc về tâm thần; lợi lộc, ẩm thực thuộc về vật chất. Tâm thần trọng hơn thể chất, cho nênnghĩa trọng hơn lợi. Người nghĩa khí tuy nghèo nàn, nhưng vẫn có thể sung sướng, nguời giàu sang mà vô nhân bất nghĩa, chưa chắc đã bảo toàn được tấm thân. [2]

Cũng một lẽ, con người phải diệt lòng tham, thực hiện đức nhân, và phải biết kìm hãm dục tình, như vậy mới là hiểu biết lẽ cấm kỵ của trời đất. [3]

2. Văn Tử cho rằng: Âm mà tiến thì Dương phải thoái; tiểu nhân mà đắc thế, thì quân tử phải ẩn mình, đó là lẽ tự nhiên vậy. [4]

Đó cũng chính là chủ trương của Dịch.

Đại Tượng truyện của quẻ Bĩ viết: Thiên địa không giao nhau là Bĩ, người quân tử nhân đó phải che dấu tinh anh, tài đức để lánh nạn. Đừng nên cầu mong lợi lộc và cho đó là một vinh dự. [5]

Wilhelm bình Đại Tượng quẻ Bĩ như sau: Khi tiểu nhân cầm quyền, chính sự đổ nát, người quân tử có xuất đầu lộ diện, cũng không thi thố được gì ích quốc lợi dân. Vì vậy, người quân tử không nên mắc bả vinh hoa mà ra tham chánh. Ra tham chính trong trường hợp này là mưa chuốc lấy họa hại, vì mình không thể nào theo được đường lối của họ. Cho nên, giấu tài đức, ẩn dật là hơn cả.

3. Quỉ Cốc Tử cũng nhân Âm Dương mà lập ra phương pháp Bãi Hạp, tức là phương pháp Đóng Mở để áp dụng vào công cuộc du thuyết và làm chính trị.

Bãi là Mở, là Ăn nói; Hạp là Đóng, là Nín thinh. Thế tức là một nhà du thuyết phải biết lúc nào đáng nói mới nói, lúc nào đáng yên thời phải lặng yên.

Thuyết Bãi Hạp còn chủ trương phải biết xử dụng cả hai ngẫu lực Âm Dương mới có thể thành tựu trong mọi công tác; lúc cần cao thượng lý tưởng, thì cao thượng, lý tưởng; lúc cần thực tế, tàn nhẫn, cũng có thể thực tế và tàn nhẫn. Nếu làm được như vậy, thời ra vào đâu cũng lọt, đề cập tới vấn đề gì cũng được, thực hành việc gì cũng xong xuôi.

Nên nhớ đây chỉ là phương châm mà Quỉ Cốc dạy cho những người làm chính trị.

CHÚ THÍCH

[1] Dương giả, Thiên chi đức dã, Âm giả Thiên chi hình dã... Phàm chính trị luân lý giai đương phù Dương nhi ức Âm, tức tôn đức ti hình, dĩ thuận Thiên đạo. 陽 者 天 之 德 也 陰 者 天 之 刑 也 .... 凡 政 治 倫 理 皆 當 扶 陽 而 抑 陰, 即 尊 德 卑 刑, 以 順 天 道 .—Tạ Vô Lượng, TQTHS III, đệ nhị biên thượng, đệ tứ chương, trang 12, 13.

[2] Hựu suy Dương tôn Âm ti chi nghĩa, dụng ư luân lý, tắc quí nghĩa, tiện lợi. Cố viết: Thiên chi sinh nhân dã, sử nhân sinh nghĩa dữ lợi. Lợi dĩ dưỡng kỳ thể, nghĩa dĩ dưỡng kỳ tâm...Thể mạc quí ư tâm, cố dưỡng mạc trọng ư nghĩa. Hựu viết: Phù nhân hữu nghĩa giả, tuy bần năng tự lạc dã. Nhi đại vô nghĩa giả, tuy phú, mạc năng tự tồn. 又 推 陽 尊 陰 卑 之 義, 用 於 倫 理, 則 貴 義, 賤 利. 故 曰 : 天 之 生 人 也, 使 人 生 義 與 利 . 利 以 養 其 體, 義 以 養 其 心... 體 莫 貴 於 心, 故 養 莫 重 於 義. 又 曰: 夫 人 有 義 者, 雖 貧 能 自 樂 也. 而 大 無 義 者, 雖 富, 莫 能 自 存.—Tạ Vô Lượng, TQTHS III, đệ nhị biên thượng, đệ tứ chương, trang 13.

[3] Thân chi danh thủ chư thiên. Thiên lưỡng hữu Âm Dương chi thi, thân diệc hữu tham nhân chi tính. Thiên hữu Âm Dương cấm thân hữu tình dục nhẫm dữ thiên đạo nhất dã. Thị dĩ Âm chi hành bất đắc ư Xuân Hạ, nhi nguyệt chi phách thường yếm ư nhật quang, xạ toàn xạ thương thiên chi cấm Âm như thử, an đắc bất tổn kỳ dục nhi chuyết kỳ tình nhi ứng Thiên. 身 之 名 取 諸 天. 天 兩 有 陰 陽 之 施, 身 亦 有 貪 仁 之 性. 天 有 陰 陽 禁 身 有 情 慾 衽 與 天 道 一 也. 是 以 陰 之 行 不 得 於 春 夏, 而 月 之 魄 常 厭 於 日 光, 乍 全 乍 傷 天 之 禁 陰 如 此, 安 得 不 損 其 欲 而 輟 其 情 而 應 天 .—Tạ Vô Lượng, TQTHS III, đệ nhị thiên lượng, đệ tứ chương, trang 15.

[4] Âm tiến, Dương thoái; tiểu nhân đắc thế, quân tử hại, Thiên Đạo nhiên dã. 陰 進, 陽 退, 小 人 得 勢, 君 子 害, 天 道 然 也.— Chu Tử Văn Túy Tục Biên, quyển 8, trang 5a.

[5] Tượng viết: Thiên địa bất giao Bĩ, quân tử dĩ kiệm đức tị nạn bất khả vinh dĩ lộc. 象 曰: 天 地 不 交 否, 君 子 以 儉 徳 辟 難, 不 可 榮 以 禄. — Dịch Kinh, Bĩ quái, Đại Tượng truyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét