Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Vấn Đề Ô Nhiễm Môi Trường Ở Việt Nam



Trần Khách Quan


 Đây là những ý kiến phản biện của tác giả Trần Khách Quan đối với ý kiến của TS Mai Thanh Truyết trong bài "Ô Nhiễm Môi Trường Ở Việt Nam"



- Dân Trí Và Độc Tài Tham Nhũng

Nếu người dân giàu và giỏi thì họ sẽ sản sinh ra nhiều giá trị (value) cho chính bản thân họ, sau đó là cho sự phát triển đất nước và đặc biệt là cho bản thân người lãnh đạo “độc tài tham nhũng”.

Nếu người dân nghèo và ngu dốt thì họ sẽ không sản sinh ra được bao nhiêu giá trị cho chính bản thân họ, không được bao nhiêu cho sự phát triển đất nước và không được bao nhiêu cho bản thân người lãnh đạo “độc tài tham nhũng”.

Thậm chí, có khi người dân nghèo và ngu dốt lại là của nợ mà công quỹ phải tiêu tốn để trợ giúp (Thí dụ : Một số lớn dân Việt ở Mỹ, họ không đủ khôn để sản sinh ra những giá trị đóng góp vào tài sản chung, nhưng họ rất khôn để móc tiền trợ cấp Wellfaire& Food Stamp từ công quỹ : họ là những của nợ của công quỹ)

Bởi những lẽ đó, cho dù lãnh đạo có xấu xa như “độc tài tham nhũng” thì họ cũng đều mong muốn cho người dân của họ được giàu và giỏi. Điều này không giống như những chính khách Việt Nam thiển cận, họ cứ suy nghĩ ngược lại và ra rả tuyên truyền !

Dĩ nhiên, không một nhà lãnh đạo nào, ngay cả những lãnh đạo độc tài tham nhũng, lại muốn thấy người dân của mình sống nghèo và ngu dốt trong môi trường ô nhiễm của những bãi rác. Nhưng, tại sao thực tế những người dân nghèo và ngu dốt sống trong những bãi rác ô nhiễm vẫn cứ tồn tại ở Brasil, Ấn Độ, Philippine, v.v…? Đó chẳng phải là vì phát triển phải cân đối với trình độ dân trí hay sao ? Rất tiếc, tại những xứ sở này, ông Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết của đảng Đại Việt Quốc Dân lại không có cơ hội để đổ thừa cho Cộng Sản độc đảng, nhưng ông lại có cơ hội để đổ thừa cho chế độ Dân Chủ Đa Đảng !

Những tệ nạn khác (không muốn thấy) ở những nước nghèo cũng vậy, đó cũng là do phát triển phải cân đối với trình dộ dân trí !

Như vậy, ô nhiễm môi trường hay các tệ nạn của đất nước không tùy thuộc vào thể chế Cộng Sản độc đảng hay Dân Chủ Đa Đảng, nhưng tùy thuộc vào năng lực hay trình độ dân trí của quốc gia. Do đó: Vấn đề chính của đất nước VN nói riêng và của những nước nghèo nói chung phải là vấn đề dân trí.

Xin hỏi, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và đảng Đại Việt QD của ông có biết cách nào để giải quyết vấn đề dân trí của VN cho tốt không ?
Chắc là ông Tiến Sĩ họ Mai và đảng Đại Việt QD của ông lại tiếp tục bế tắc !


- VẤN ĐỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VN

Trên thế giới ngày nay, tồn tại rất nhiều dân nghèo sống trên và trong những bãi rác thải của các thành phố. Đó là những nơi mà môi trường sống cực kỳ bị ô nhiễm đến độ không thể nào ô nhiễm hơn nữa. Nhưng trớ trêu là nó cũng vẫn là nơi cho dân nghèo được sống. Ở đó, họ ăn vào bụng cả những thức ăn nhặt được trong đống rác chỉ để được sống thay vì phải bị chết đói (xem Phụ Bản ở dưới).

Cũng vậy:
Để được sống, dân Mỹ ở Cleveland Ohio trước đây cũng đã phải chấp nhận sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi các nhà máy luyện thép.
Những quốc gia nghèo trên thế giới đều phải trả giá cho sự phát triển bằng sự ô nhiễm môi trường (Thí dụ : Các nhà máy luyện thép lớn đầy ô nhiễm trước kia còn thấy ở các nước Âu Mỹ, nhưng nay thì đã chuyển sang những nước nghèo hơn đang cần sự phát triển như Nam Hàn, Ấn Độ, Trung Quốc. Đó là lý do tại sao những quốc gia này lại có những nhà máy luyện thép lớn nhất thế giới)

(Xin hỏi ông Tiến Sĩ có biết đến những thực tế thông thường này không?)

Như thế :

● Không có thành quả phát triển nào mà không phải trả cho nó một cái giá phải trả !

● Cái giá phải trả sẽ tùy thuộc vào tình trạng năng lực của quốc gia. Tình trạng năng lực của quốc gia lại được thể hiện bởi trình độ hiểu biết và xử trí các công việc trong đất nước của mọi người dân. Người dân càng hiểu biết thì càng xử trí công việc hiệu quả, kết quả là đất nước càng phát triển với càng ít rủi ro. Ngược lại thì sự phát triển sẽ mang nhiều rủi ro.

Nhưng :
Trình độ hiểu biết và xử trí công việc hiệu quả của người dân lại được gọi là trình độ dân trí.
Rủi ro trong phát triển là cái giá phải trả cho phát triển mà trong đó có sự ô nhiễm môi trường.

Do đó :
Dân trí và ô nhiễm môi trường gắn bó mật thiết và nghịch biến nhau.

Vậy mà :

Khi phê phán sự ô nhiễm môi trường ở VN hiện nay, tại sao ông Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết lại không liên kết với vấn đề trình độ dân trí thấp của dân Việt ? nhưng lại mang nặng tính bươi móc để phê phán ? Những bươi móc để phê phán như thế không có giá trị gì cho dân Việt; ngược lại, nó đã cho thấy ý đồ không xây dựng của ông Tiến Sĩ họ Mai.

Nhưng bươi móc để phê phán thì dễ. Nếu để cho cái đảng Đại Việt Quốc Dân gì đó (mà ông Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết làm Đệ Nhứt Phó Chủ Tịch) quản lý đất nước VN, liệu ông Tiến Sĩ và cái đảng của ông có biết làm cái gì không để cho VN không còn ô nhiễm môi trường như ông đã bươi móc và phê phán nhưng lại cân bằng hợp lý với trình độ dân trí và các nhu cầu cấp bách của phát triển?
Nhưng coi qua “giò cẳng lý luận” chỉ giỏi bươi móc nhưng không suy luận trên thực tế của dân trí Việt, chắc là Tiến Sĩ Mai và cái đảng Đại Việt Quốc Dân của ông cũng không biết làm cái gì là tốt cho dân Việt. (Như vậy, phải chăng ông Tiến Sĩ Mai và cái đảng Đại Việt Quốc Dân của ông cũng là những tác nhân ô nhiễm vào môi trường phát triển của VN ? !)

Khách Quan

* Phụ Bản *

1. Rác và trẻ em ở Ấn Độ

https://matrixworldhr.files.wordpress.com/2012/03/1indija-djeca.jpg





http://img1.photographersdirect.com/img/13917/wm/pd1166616.jpg







2. Thức ăn từ rác ở Pakistan

https://thinkloud65.files.wordpress.com/2011/07/poverty-in-pakistan-21.jpg



3. Bài đọc thêm

- Ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay - Thực trạng và giải pháp khắc phục (Web Biên Phòng Việt Nam) Thứ năm, 11 Tháng 7 2013 14:02

- Mấy vấn đề về tài nguyên và môi trường trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Web Biên Phòng Việt Nam) Thứ ba, 09 Tháng 4 2013 13:26



Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ( Mai Thanh Thuyết)

Ô nhiễm môi trường là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam… Trước thảm trạng đó các nước đều phải có biện pháp khắc phục trước khi phải trả giá đắt lúc mà ô nhiễm vượt quá mức được giới chuyên môn gọi là ‘điểm tới hạn’.

Thực tế ô nhiễm tại Việt Nam ra sao? Và biện pháp giải quyết được tiến hành thế nào?

Bài học Trung Quốc

‘Phát triển bằng mọi giá bất chấp đánh đổi môi trường’ là điều mà giới chuyên gia nêu ra qua thực tế Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh ‘công xưởng sản xuất’ của thế giới từ mấy thập niên qua.

Chính các cơ quan chức năng chuyên về môi trường của Trung Quốc trong thời gian gần đây phải thừa nhận tình trạng môi trường không khí, nước, đất bị hủy hoại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế và xã hội.

Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Trung Quốc hiện nay, ông Trần Cát Ninh, lên tiếng thừa nhận những phản đối về môi trường ô nhiễm sẽ gây ra bất ổn xã hội, từ đó có thể khiến bất ổn chính trị.

Việt Nam cũng được cho là đang theo ‘vết xe đổ’ của Trung Quốc: chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng mà không quan tâm đúng mức đến môi trường. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, người quan sát kỹ tình hình ô nhiễm tại Việt Nam trong nhiều năm qua, có đánh giá về điểm này:


“ Về mức độ phát triển cũng như ô nhiễm, Việt Nam chỉ rập khuôn đi theo con đường của Trung Quốc. Trung Quốc từ khi mở cửa từ năm 1979 trở đi, chúng ta thấy rõ ràng tình trạng mà như hiện nay có những ngày thành phố Bắc Kinh người dân không hề thấy ánh sáng mặt trời. Và một số khói bụi từ các nhà máy sản xuất ở Vân Nam có nhiều lần được khám phá ra ở thành phố Seattle tận bên Hoa Kỳ, phía tây Thái Bình Dương. Điều đó chứng tỏ mức độ ô nhiễm đó.

Việt Nam mở cửa từ năm 1986, nghĩa là chừng 10 năm sau Trung Quốc. Và Việt Nam chập chững đi vào khủng hoảng về môi trường giống y hệt như của Trung Quốc. Điều này có thể càng ngày càng tệ hại hơn vì có thể nói hầu hết các cơ sở sản xuất hạng nặng như cơ sở sản xuất gang thép, cơ sở sản xuất điện năng dùng than đá và đặc biệt hai cơ sở khai thác bô xít lớn ở Tân Rai và Nhân Cơ. Và dự trù còn có thêm 6 cơ sở nữa tại Daknong; thì chúng ta thấy rõ với qui trình sản xuất lạc hậu, với não trạng sản xuất như người Trung Quốc đã làm cho đất nước Trung Hoa thì tình trạng của Việt Nam có thể càng ngày càng mau trầm trọng hơn, càng mau nguy kịch hơn nếu chúng ta không có biện pháp nào để giải quyết vấn đề.”

Về mức độ phát triển cũng như ô nhiễm, Việt Nam chỉ rập khuôn đi theo con đường của Trung Quốc. Trung Quốc từ khi mở cửa từ năm 1979 trở đi, chúng ta thấy rõ ràng tình trạng mà như hiện nay có những ngày thành phố Bắc Kinh người dân không hề thấy ánh sáng mặt trời

TS Mai Thanh Truyết

Chuyên gia môi trường thuộc Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Lê Huy Bá, đưa ra đánh giá về điều được nói là ‘vết xe đổ’ của Trung Quốc trong vấn nạn ô nhiễm môi trường:


“Bởi vì mình là dạng các nước xã hội chủ nghĩa với nhau; nói chung không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng có phần tương đối đúng vì đang phát triển với khát vọng phát triển về kinh tế mạnh mẽ mà không coi trọng về môi trường sẽ dẫn đến những chuyện khó xử.

Nếu làm mạnh tay cách đây 10 năm thì đỡ lắm rồi; bây giờ mạnh tay thì cũng tốt thôi nhưng chỉ có tính chất vớt vát, chữa cháy thôi!”

Thực tế ô nhiễm tại Việt Nam

Qua theo dõi tình hình môi trường tại Việt Nam, tiến sỹ Mai Thanh Truyết hiện sinh sống tại bang California, có những đánh giá cụ thể về tình trạng ô nhiễm của các lĩnh vực khác nhau như sau:


“Đứng về tổng thể thì tất cả môi trường: không khí, đất, cũng như nước mặt, nước ngầm càng ngày càng tệ hại.

Giờ cao điểm trên đường phố TPHCM (donre-hochiminhcity-gov)

Nói về không khí thì ngày nay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn cũ, chúng ta không còn thấy những bàn tay, bộ mặt trong trắng mà chỉ những bộ mặt như người ninja của Nhật bản- bịt mặt, đeo găng tay. Thứ nhất vì bụi ô nhiễm quá cao. Theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, tiêu chuẩn của hạt bụi đường kính 10 micro meter quá nhiều nên phải bịt mặt. Ngoài nguồn bụi là nguồn khí độc thải ra do hằng triệu xe máy hai bánh. Nguồn xăng ở Việt Nam có độ octane cao, nhưng trong thực tế pha nhiều benzene. Do đó khí benzene tồn tại trong không khí; mà khí benzene là một khí có nguy cơ tạo ra ung thư. Cũng do vậy ‘tầng ozone mặt đường’ tức từ 1-2 thước chứa nhiều hóa chất độc hại trong có có benzene. Thực tế cho thấy hằng năm tỷ lệ người mắc bệnh phổi tăng cao, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi.

Qua 19 năm phát triển Việt Nam có trên 265 khu gọi là khu chế xuất hay là khu phát triển công nghiệp. Khu chế xuất Tân Thuận là khu đầu tiên. Với trên 265 khu như thế từ bắc chí nam, và ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn còn có trên 20 ngàn cơ sở sản xuất lẫn lộn trong khu dân cư khiến cho khí thải, chất thải rắn và chất thải lỏng đều ‘không được’!

Đối với mặt nước, các chất phế thải lỏng do không có hệ thống thanh lọc, xử lý do đó nguồn nước thải đi vào các sông rạch. Đến nay chúng ta thấy rõ các sông Đuống, sông Luộc quanh Hà Nội cũng như hệ thống kênh rạch trong nội thành Sài Gòn hầu như biến thành những dòng sông đen.

Các nước xã hội chủ nghĩa với nhau; nói chung không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng có phần tương đối đúng vì đang phát triển với khát vọng phát triển về kinh tế mạnh mẽ mà không coi trọng về môi trường

GS Lê Huy Bá

Đó là một hệ lụy mà nếu không giải quyết thì ngay cả sông Đồng Nai, sông Sài Gòn sẽ biến thành dòng sông đen vì nguồn chảy tự nhiên, sự điều tiết tự nhiên, sự thanh lọc thiên nhiên đã đến ‘điểm tới hạn’.

Đối với đánh giá về ‘điểm tới hạn’ của tình trạng ô nhiễm mà tiến sỹ Mai Thanh Truyết nêu ra; giáo sư Lê Huy Bá tại Sài Gòn có ý kiến:

“Điểm tới hạn thì nói cũng hơi quá. Có một số kênh rạch ở thành phố (Sài Gòn) thì tới hạn thật; nhưng môi trường đất chưa đến mức tới hạn. Về nước sông thì có một số sông tới hạn nhưng có một số sông thì chưa như sông Đồng Nai chưa tới hạn, còn sông Sài Gòn thì gần đến tới hạn. Kênh rạch của thành phố quá tới hạn chứ không phải tới hạn. Không khí của nông thôn còn sạch, không khí của thành thị rất bụi gần mức tới hạn. Tại các khu công nghiệp của thành phố thì tới hạn rồi, khu nông thôn thì chưa, còn khu ngoại thành mà có các khu công nghiệp thì tới hạn rồi.

Các trục giao thông chính ô nhiễm bụi đã tới hạn.”

Thực thi luật pháp

Tương như như nhiều nước khác trên thế giới, chính phủ cũng như các cơ quan chức năng tại Việt Nam cho ban hành luật cũng như những qui định pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Vậy việc thực thi và công tác kiểm tra, chế tài trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam lâu nay ra sao?

Tiến sỹ Mai Thanh Truyết đưa ra nhận định:


“Chính cơ chế này tạo ra một tập thể cán bộ từ trên xuống dưới cùng nhóm lợi ích với nhau ‘tham nhũng’. Lấy ví dụ giản dị là việc khai thác bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không qua nghiên cứu tác động môi trường nên vừa qua bùn đỏ nhiều lần tràn xa xã Tân Thắng cách Bảo Lộc 15 cây số. Mặc dù trong bộ Luật Môi trường, bộ Luật Đầu tư, luật xây dựng các cơ sở sản xuất hóa chất đều có ghi cần phải nghiên cứu tác động môi trường cũng như phải có hệ thống xử lý chất phế thải nhưng điều đó hầu như không xảy ra tại Việt Nam.”

Đối với mặt nước, các chất phế thải lỏng do không có hệ thống thanh lọc, xử lý do đó nguồn nước thải đi vào các sông rạch. Đến nay chúng ta thấy rõ các sông Đuống, sông Luộc quanh Hà Nội cũng như hệ thống kênh rạch trong nội thành Sài Gòn hầu như biến thành những dòng sông đen

TS Mai Thanh Truyết

Một người sinh sống và hoạt động trong ngành môi trường ở Việt Nam như giáo sư Lê Huy Bá cũng chỉ ra những bất cập tồn tại lâu nay trong nước về tình trạng thực thi luật pháp bảo vệ môi trường:


“Nói chung luật, qui định dưới luật khá đầy đủ, nhưng ngay cả luật, nghị định đôi lúc chồng chéo nhau như qui định về chất thải nguy hại người ta cũng cãi nhau khiến cho các cơ sở quản lý luật pháp ở cấp tỉnh, huyện khó thực thi.

Nhiều người thấy điều đó nhưng cách quản lý của mình (Việt Nam) trì trệ, không linh hoạt và ‘trên bảo dưới không nghe’. Ngoài ra không phải tất cả nhưng còn có một số chưa thống nhất.”

Giáo sư Lê Huy Bá nêu ra một số dẫn chứng:


“Ví dụ để theo dõi ô nhiễm không khí, có khoảng 6-7 trạm quan trắc tự động nhưng nay hư hết rồi, không còn chính xác nữa; nhưng mấy năm rồi cứ để như thế; không đầu tư thêm, không sửa chữa, không thay thế gì cả.

Ví dụ thứ hai là vấn đề quản lý lưu vực sông, cách đây gần mười mấy năm rồi có lập ra Ban Quản lý Lưu vực Sông nhưng có hoạt động gì đâu. Mỗi tỉnh có cách quản lý riêng, không ai nói ai được cả, không thống nhất với nhau. Mỗi tỉnh muốn đi một mình, có khi dẫm đạp lên nhau, có khi lại để cả khoảng trống, không ai lo cả!”

Cảnh báo cũng như thực tế cho thấy nếu chỉ hô hào suông mà không có biện pháp ngay từ lúc này thì một khi ô nhiễm đạt ‘điểm tới hạn’ thì đã quá muộn và giá phải trả sẽ đắt gấp nhiều lần so với hiện nay.

Tuy nhiên hầu như mọi cảnh báo của giới khoa học vẫn không được các nhà quản lý đất nước tại Việt Nam nghe như chính thừa nhận của giáo sư Lê Huy Bá; một chuyên gia trong ngành ngay tại Việt Nam.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

____________________________________ _

Mai Thanh Truyết (gửi bài trên ra diễn đàn)

http://maithanhtruyet.blogspot.com/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét