Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

ĐOÀN TÀU & SÂN GA‏




Có người nói, đoàn tàu và tình yêu, có chỗ giống nhau, là đã đến và rồi sẽ đi!

Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ sân ga như một người yêu bé nhỏ, ngày ngày tháng tháng ngóng đợi chàng về. Còn con tàu như một người trai, lính trận, cứ mãi đi xa. Thoảng hoặc trở về, ấm ủ người yêu bé nhỏ, tội nghiệp mãi hoài ngóng trông, nhưng rồi chàng lại ra đi, như trong một bài hát nào đó, người yêu, lính trận, đã hứa hẹn nồng nàn:

“Xin em tin không dối lừa em
Xin em tin nơi mối tình anh
Chớ nhốt trong vòng tay êm ái
Những cánh chim hồ hải
Em ơi! Tình yêu đó chóng phai hương ái ân…

Hẹn một ngày mai, đàn thay tay súng
Tạ từ niềm vui đèo cao gió núi
Người lính thất hứa và hay quên
Đem chiếc áo cưới nhờ thêu them
Một câu ngắn: “Anh đền!”



Ngày tôi còn bé, tôi yêu đoàn tàu và những sân ga. Có lẽ bởi vì tôi sống ở Nha Trang. Nhà tôi không xa ga xe lửa là mấy. Ngày ngày nghe tiếng xình xịch, tiếng còi rúc, tiếng lao xao mỗi khi tàu đến, và cả tiếng vọng về từ xa, khi đoàn tàu xa dần thành phố

Tôi yêu cái không khí xôn xao của những sân ga ngày xưa. Mỗi khi tàu ngừng bánh, mọi người náo nức xuống mua quà. Mỗi sân ga có những đặc sản khác nhau. Như xoài & thanh long ở Nha Trang, như mực & tôm ở Phan Thiết, như gà ở Quảng Ngãi, ….Ngày xưa,mỗi mùa hè, anh em chúng tôi, thường được cha mẹ, cho đi đó đây. Và điều kiện là, năm học vừa qua phải được lãnh thưởng hay giấy khen, vì thế chúng tôi luôn luôn cắm đầu vào… học!

Hai ông anh tôi, không lần nào bỏ lỡ cơ hội, chen chúc vội vã xuống tàu, dù là ban ngày hay ban đêm. Họ sung sướng tán tỉnh mấy cô bán hàng. Tôi ngồi nhìn theo, cảm thấy vui vui. Họ cứ lang thang trên sân ga như thế, mãi đến khi “ông phất cờ” huýt một hồi còi, dài thật dài, họ vẫn thư thả cười nói với mấy cô bán hàng, chưa chịu lên tàu! Tàu xình xịch chuyển bánh, tôi nhoài người ra nhìn lại, hai người nhăn nhở giơ tay vẫy vẫy. Thật là sốt ruột và lo lắng! Tôi sợ họ bị bỏ rơi ở sân ga, và tôi sẽ bơ vơ một mình, giữa những người xa lạ! Nhưng rồi, họ cũng bám được vào một toa hành khách, gần cuối! Tôi định làm mặt giận, nhưng khi thấy họ, tay xách tay mang, nào soài, nào ổi, nào bánh ú, lạc luộc,…Tôi reo lên mừng rỡ, quên hết cả giận hờn và lo lắng. Thật là tuyệt, toàn là những thứ, ngon ơi là ngon !

Nha Trang ngày xưa, có biết bao chỗ để chơi. Hằng ngày chúng tôi hít thở gió biển, vì trường tôi rất gần biển xanh và cát trắng. Con đường Duy Tân chạy dài theo bờ biển, với những hàng dừa xào xạt quanh năm. Gần như suốt mùa hè, chúng tôi tắm biển. Biển mênh mông một màu xanh ngọc bích. Biển rộn ràng với sóng vỗ. Biển rực rỡ vào những ngày nắng hạ, với bao màu sắc của những mảnh áo tắm, trên thân hình thon nhỏ của các cô thiếu nữ. Bên kia đường, những dãy biệt thự im ắng, xinh xinh. Con đường ven biển có nhiều nơi ghi dấu kỷ niệm của dân Nha Trang, nào là sân bay, nào là trại lính Hải Quân, nào là Hải Học Viện, và bên kia đường là Cầu Đá. Nơi ấy, tôi có rất nhiều kỷ niệm với anh tôi.

Ngày ấy, tôi thường theo anh tôi, đi xuống Cầu Đá. Anh tôi, đi đâm “bạch tuộc” (?), còn tôi, tôi cũng đeo kính, nhưng chỉ để ngắm từng đàn cá tung tăng quanh những đóa san hô rực rỡ!

Trên đường đến trường, tôi thường đi ngang Nhà Thờ Núi, còn gọi là Nhà Thờ Đá. Theo tôi tìm hiểu thì, Nhà Thờ này tọa lạc trên đỉnh đồi Hoàng Lân, khởi công xây dựng ngày 3/9/1928 và hoàn thành vào tháng 9 năm 1933. Trông Nhà Thờ thật trang nghiêm, kiến trúc đẹp và uy nghi ở trên cao, thánh giá trên đỉnh tháp chuông cao 38 mét, so với mặt đường. Ngày còn bé, mỗi khi đến gần ngày thi, tôi thường đến Nhà Thờ, tìm nơi vắng vẻ để ôn bài. Sau này lớn lên, ở xa về, chúng tôi dắt bạn đi thăm Nhà Thờ, cảm thấy gần gũi và ấm áp, như trở về quê hương yêu dấu.

Khi còn học Võ Tánh, tôi rất hãnh diện vì là học trò của ngôi trường mang tên vị Tướng đã tuẫn tiết theo thành. 

Những năm ấy, trường tôi hay tổ chức cắm trại. 

Tôi nhớ lần theo nhà trường đi Đại Lãnh. Đại Lãnh là một bãi biển đẹp, hiền hòa với làn nước trong xanh phủ trên dải cát trắng mịn màng, bên hàng phi lao vi vu gió thổi. Cả đám chúng tôi nôn nao từ nhiều ngày trước. Ngày kéo nhau lên tàu, mới phấn khích làm sao! Chúng tôi không thể ngồi yên, đứa nào cũng thò đầu ra ngoài, để gió mơn man. Chúng tôi hát vang, gió lùa khiến giọng hát của chúng tôi như được cộng hưởng, nghe êm hơn, ngân nga hơn. Điều ấy càng làm cho chúng tôi say sưa hơn. Chúng tôi hát hết bài này, qua bài khác.

“Nào anh em ta, cùng nhau xông pha lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyền đồng lòng, điểm tô non sông
Từ nay ra sức anh tài
Đoàn ta chen vai nề chi chông gai, lên đàng
Ta người Việt Nam. Nhìn tương lai huy hoàng
Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang…”
Rồi đến,
“Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng, của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng. giống anh hùng, Nam Bắc Trung…”

Hát mãi, đến một lúc thì hát nhảm, “Tó te cây me đánh đu, Tarzan nhẩy dù, Zero bắn súng. Chết cha con ma nào kia, …”

Đêm ấy, sau khi lửa trại, cơn mưa từ đâu chợt ập đến. Hàng phi lao mong manh ven biển, không đủ kín, để che cho chúng tôi ! Thế là thầy trò kéo nhau vào nhà ga gần đó. Các cô giáo và nữ sinh, thì được ngủ trong nhà ga. Còn thầy giáo và nam sinh, thì phải ngủ ngoài hiên. Chắc là lạnh lắm, mỗi khi gió biển về đêm lùa vào, đem theo cơn mưa giá buốt! Bên trong, đám con gái cũng không ngủ, đó đây có tiếng rúc rich, cả đêm!

Một lần khác, trường Võ Tánh chúng tôi lại đi thăm mộ Ông Yersin và suối Ba Hồ.

Để tôi giới thiệu sơ qua về Bác sĩ Yersin và Suối Ba Hồ nhé!

Bác sĩ Yersin đến Nha Trang lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1891, cuối năm 1899 Ông trở lại Nha Trang, thành lập Viện Pasteur. Ông nghiên cứu thành công cho việc sản xuất thuốc chữa bệnh dịch hạch. Ông sống độc thân suốt 50 năm, ở Nha Trang. Ông sống giản dị, gần gũi nhân dân, nên người dân Nha Trang, nhất là dân Xóm Cồn rất qúy mến ông. Ngày 1/3/1943 ông mất tại Nha Trang.

Còn, Suối Ba Hồ, cách Nha Trang về phía Bắc 25 km, thuộc huyện Ninh Hòa. Từ Hồ Nhất tới Hồ Nhì, phỉa men theo bờ suối dốc cheo leo, khoảng gần 1km. Từ Hồ Nhì tiếp tục ngược lên Hồ Ba, tuy gần hơn, chỉ khoảng 300 mét, nhưng lau lách um tùm, đá dựng cheo leo, thách thức những ai muốn đến tận cùng cảnh đẹp.

Chúng tôi cũng lũ lượt kéo nhau lên tàu, từ ga Nha Trang. Đứa nào cũng hồ hởi, xôn xao. Thò đầu ra cửa sổ, toa này réo gọi toa kia. Lại hát hò vang vang. Nhìn xuống mặt đường lởm chởm đá và các loại cây nhỏ bé mọc, dọc theo đường xe lửa. Chúng tôi cùng hát, “Đường lên Suối Dầu, sao đá nhiều, rau má nhiều, làm xao xuyến tim tôi!…”Hát chẳng ra ngô, ra khoai gì, thế mà chúng tôi cũng cười vui sung sướng ! 

Hôm ấy, leo được đến mộ Bác sĩ Yersin, chúng tôi rụng rời tay chân. Cả lớp vây quanh ngôi mộ chụp ảnh. Vốn ngưỡng mộ BS Yersin, nên lúc ở đó lòng tôi rạt rào cảm xúc.

Lúc leo Suối Ba Hồ cũng thế, mệt nhoài ra, vì thế chúng tôi lăn ngay vào hồ nước mát rượi, như suối tiên. Bao nhiêu “gian khổ” chợt tan biến!

Tuổi học trò thật tuyệt vời. Chẳng biết buồn là gì! Niềm vui đến thật hồn nhiên. Những vạt áo cột vội vã. Những “tờ rơi” đính vội trên lưng. Những “tâm thư” chuyền âm thầm, tay này qua tay khác. Những tiếng khúc khích bị kìm nén,…

Khi bắt đầu vào lớp Đệ Tứ, tôi theo cha mẹ ra Đà Nẵng, lại những đoàn tàu với sân ga! Trường Phan Châu Trinh của tôi, ở gần nhà ga và nhà tôi ở ven đường xe lửa!

Hằng đêm, tôi nghe tiếng đoàn tàu xình xịch chạy qua. Tiếng tàu chạy nghe buồn bã và gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Đã nhiều lần chúng tôi tiễn bạn ở sân ga. Tiếng dặn dò, những bàn tay nắm vội, những cánh tay vẫy gọi khi đoàn tàu xa dần, xa dần rồi khuất hẳn ở khúc quanh, cuối sân ga. Ra về, cảm giác trống vắng, khiến lòng người trùng xuống, hụt hẫng. Mỗi khi ở sân ga, tôi hay nhớ bài hát của Cung Trầm Tưởng,

“Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly

Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…”

Ga Lyon đèn vàng…Tôi chợt nhớ lại, hình như ở ga nào, cũng chỉ có “đèn vàng” ! Không như bây giờ, ga tàu điện khắp nơi, đèn néon sáng trưng. Tôi thích “đèn vàng” hơn, vì nó mờ mờ ảo ảo, nó như chia sẻ với người đi kẻ ở, nỗi buồn chia ly, nó dịu dàng và ấm áp hơn.

Tôi lớn lên ở Đà Nẵng. Chợt thấy mình như đã lớn, khi biết vội vã kéo nghiêng vành nón, biết ngại ngùng khi bắt gặp ánh mắt ai nhìn. Tôi yêu Đà Nẵng với những ngày tháng êm đềm của tuổi mộng mơ.

Đà Nẵng với sông Hàn êm ả. Sông Hàn ngày ấy, không có nhiều cầu bắc ngang như bây giờ! Sông Hàn với những hàng cây đầy bóng mát, với ghế đá đợi chờ. Nhìn qua bên kia là An Hải, Tiên Sa và Non Nước. Những con đò nhỏ dập dềnh trên sông. Tôi đã vẽ một bức tranh đen trắng, về dòng sông Hàn. Tôi yêu sông Hàn êm vắng ngày xưa.

Non Nước với đường lên Thiên Đàng! Ngày ấy, chúng tôi khổ sở, chui vào một hang hun hút, tối om, khúc khuỷu, trơn trợt, cố leo lên “Thiên Đàng”. Leo gần đến Thiên Đàng, thì chợt thấy chút ánh sáng le lói. Chui ra khỏi hang, thấy mình đứng trên “đỉnh núi”. Gió lồng lộng. Nhìn thấy toàn bộ Ngũ Hành Sơn. Thú vị quá! Dù không phải Thiên Đàng thật, nhưng sảng khoái làm sao! Nhưng chắc gì Thiên Đàng thật đã là một nơi thú vị, như lúc ấy? Hít hà cho đã! Nhưng rồi cũng phải rời Thiên Đàng để trở về! Làm sao đây? Đi lên đã khó, bò xuống càng thê thảm hơn! Chúng tôi quyết định “lăn xuống” triền dốc, dù rất dốc!

Đà Nẵng có nhiều bãi biển. Đi qua cầu Trịnh Minh Thế, qua An Hải tắm biển. Biển Đà Nẵng thoai thoải và không có sóng lớn như biển Nha Trang. Lúc vừa bước xuống thì hơi lạnh, nhưng khi đã ngâm mình dưới làn nước trong xanh ấy, thì cảm giác ấm áp làm sao! Nhìn quanh mình, mênh mông đất trời. Tâm hồn chợt thanh thản và yêu đời biết bao!

Ngày ấy, tôi cũng thường đến bãi biển Thanh Bình, đến căn nhà có dàn hoa tím của cô bạn gái ngày xưa. Cô bạn ấy sau này là một nhà văn. Bãi biển Thanh Bình không sạch, đầy xác rong rêu và rác, nhưng vắng vẻ, để mình có thể tâm sự với chính mình.

Cũng như Nha Trang, đến bãi biển Nam Ô ở Đà Nẵng, cũng nghe tiếng vi vu của rặng phi lao. Tôi cũng bắt gặp cảnh này ở một bãi biển Hawaii. Sao biển hay có những rặng phi lao như thế nhỉ? 

Trường Phan Châu Trinh của chúng tôi ở gần Ngã Năm. Ngã Năm với nhiều quán xá. Chúng tôi thường kéo nhau đi ăn kem Diệp Hải Dung, ăn chè Ngã Năm và xem cine.

Bây giờ Đà Nẵng đã đổi thay quá nhiều. Sông Hàn không còn vắng lặng cho tôi tìm lại ngày xưa. Và Ngã Năm đã chìm trong xô bồ của bao đổi thay.
Tôi cứ tiếc mãi ngày xưa!

Tôi tiếc bãi biển Nha Trang yên ắng, chỉ nghe tiếng sóng biển dạt dào, tiếng vi vu của hàng phi lao, và ven biển không gian thoáng đãng, chứ không ồn ào hỗn độn, như bây giờ!

Tôi tiếc Hòn Chồng xa thành phố, phải “vượt đèo” trên con đường quanh co thơ mộng, để đến với 4 hòn đá chồng lên nhau, từng cặp, trông như hình người vợ bé nhỏ bên chồng! Chúng tôi thường ngồi trong một lỗ trũng của năm đầu ngón tay, hằn sâu trong đá. Tắm ở đấy, coi chừng con hà cứa tay đấy!

Thời gian trôi qua, cuộc diện đổi thay. Tất cả đã trở thành dĩ vãng!

Nhưng dù vui hay buồn, với tôi, dĩ vãng cũng đã là một phần đời!

Tôi thường nghĩ về những tháng ngày êm ả đã qua. Và đẹp nhất vẫn là kỷ niệm của một thời cắp sách, của những nơi chốn tôi đã đi qua lúc tuổi đời êm đềm nhất, thắm thiết nhất, và dễ thương nhất.

Dù cuộc sống có thế nào, dù đang phải hòa mình vào dòng chảy, trên đất khách. Trong tôi ngày xưa vẫn còn đó. Trong tôi âm vang của tiếng còi rúc, tiếng xôn xao của sân ga và tiếng xình xịch buồn bã khi con tàu rời ga vắng, vẫn lắng đọng như ngày nào. 

Có người nói, đoàn tàu và tình yêu, có chỗ giống nhau, là đã đến và rồi sẽ đi!

Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ sân ga như một người yêu bé nhỏ, ngày ngày tháng tháng ngóng đợi chàng về. Còn con tàu như một người trai, lính trận, cứ mãi đi xa. Thoảng hoặc trở về, ấm ủ người yêu bé nhỏ, tội nghiệp mãi hoài ngóng trông, nhưng rồi chàng lại ra đi, như trong một bài hát nào đó, người yêu, lính trận, đã hứa hẹn nồng nàn
:
“Xin em tin không dối lừa em
Xin em tin nơi mối tình anh
Chớ nhốt trong vòng tay êm ái
Những cánh chim hồ hải
Em ơi! Tình yêu đó chóng phai hương ái ân…

Hẹn một ngày mai, đàn thay tay sung
Tạ từ niềm vui đèo cao gió núi
Người lính thất hứa và hay quên
Đem chiếc áo cưới nhờ thêu them
Một câu ngắn: “Anh đền!”


Vũ Thị Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét