Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Ngữ nghĩa của "nếu"



Câu điều kiện tiếng Việt từ trước đến nay thường chỉ được đề cập thoáng qua trong các sách ngữ pháp với tư cách là một tiểu loại của câu ghép chính phụ. Do chưa được xem trọng nên – so với tiếng Nhật, tiếng Anh chẳng hạn – nhiều vấn đề của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa.
Trên cơ sở tiếp thu những thành quả của các nhà nghiên cứu đi trước (trước hết là hai nhà Nhật ngữ học Maeda (1991) và Sakahara (1985)), chúng tôi đã tiến hành phân loại câu điều kiện tiếng Việt dựa vào ba tiêu chí: (1) quan hệ nhân quả (±causality) giữa hai mệnh đề[1] (protasis và apodosis), (2) tính hiện thực (±reality) của các sự việc trong phát ngôn, và (3) tần số (frequency) xuất hiện của sự việc được nói đến trong phát ngôn.
Theo tiêu chí (1) câu điều kiện tiếng Việt có thể phân thành 2 loại chính là câu điều kiện-kết quả (+causality) và câu tiền đề-kết luận (–causality).

Trong câu điều kiện-kết quả (bộ phận chủ yếu của câu điều kiện) chúng tôi dùng tiêu chí (2) về tính hiện thực để chia bộ phận này thành hai loại nhỏ hơn: giả định (–reality) và phi giả định (+reality) (= sự việc đã xảy ra trong thực tế). Trong tiếng Việt, giả định và phi giả định có thể được xác định bằng một tiêu chí bổ trợ là tần số xuất hiện sự việc: nếu sự việc có tần số lớn hơn 1, rất nhiều khả năng ta có một phát ngôn phi giả định.
Trong phần này, trên cơ sở phân loại trên, chúng tôi thử phân tích một số biểu hiện của NẾU, một kết từ có thể xem là tiêu biểu cho quan hệ điều kiện, để qua đó làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về ngữ nghĩa câu điều kiện. Nói chung, khả năng xuất hiện của NẾU trong hầu hết các tiểu loại và khả năng biểu hiện đa dạng sắc thái ngữ nghĩa của nó có thể nhận định rằng phân tích ý nghĩa của NẾU cũng gần như là phân tích ý nghĩa của câu điều kiện nói chung.
1. NẾU trong mối liên kết điều kiện – kết quả
1.1. Đặc trưng ngữ nghĩa của NẾU là biểu hiện điều kiện giả định. Với đặc trưng này hầu như NẾU nghiễm nhiên trở thành kết từ tiêu biểu cho câu điều kiện tiếng Việt. Vì câu điều kiện, như các nhà ngôn ngữ trên thế giới thừa nhận, chủ yếu biểu hiện tính giả định. Có sự giống nhau gần như tuyệt đối trong các sách ngữ pháp tiếng Việt, hễ đề cập đến câu điều kiện tiếng Việt các sách đều đưa ra mô hình (đầy đủ): NẾU M1 THÌ M2.
Một mô hình như vậy có thể biểu hiện các loại ý nghĩa điều kiện rất phong phú. NẾU M1 THÌ M2 có thể là một phát ngôn giả thiết:
(1) Nếu đồng chí được nhà trường khen thưởng thì chi đoàn sẽ cử đồng chí đi dự Đại hội thanh niên toàn trường. (dẫn theo Hoàng Tuệ) [395]
M2 của câu có chứa NẾU thường biểu hiện ý chí, phán đoán, tình cảm của người nói:
(2) a. Nếu không đủ đổ mái bằng, tôi cũng sẽ lợp ngói Tây.[NTĐM-DTH]
b. Nếu tối vẫn không có thuyền thúng qua đây thì tôi sẽ tìm cách đóng bè chuối [TXV-LL].
c. Trời ơi, nếu chồng tôi chết thì tôi sống sao được? [MCT-HBC]
Ngoài ra M2 còn bao hàm cả những hành vi tác động đến người đối thoại. Hành vi đó có thể là mệnh lệnh, yêu cầu, khuyên nhủ, cấm đoán, đe dọa:
(3) a. Nếu đi, mang con xuống bà. [TXV-LL] (yêu cầu)
b. Nếu ở nhà không chịu được thì em lại đi đi! [TXV-LL] (mệnh lệnh)
c. Nếu không nghe em, chị sẽ bị đào thải khỏi đội ngũ... [NTĐM-DTH] (đe dọa)
Không những thế, M2 của câu điều kiện chủ quan còn biểu hiện sự đánh giá của người nói:
(4) a. Chẳng phải con dám trái ý mẹ song con nghĩ đời này thầy thông thầy ký nhiều quá, nếu con làm thì có sang trọng gì đâu. [MCT-HBC]
b. Nếu được như thế thì còn gì hơn nữa. [TXV-LL]
Mệnh đề bắt đầu bằng NẾU thường là những sự việc chưa hiện thực, nhưng cũng có trường hợp nó là những sự việc thật nhưng được người nói biểu hiện như một sự việc chỉ có tính khả năng mà thôi:
(5) (Xuân Hoa đi khỏi rồi. Bác Ái đứng ngó theo tức giận thầm trong bụng). Nếu mình để cho cô ta đi rồi thì biết ngày nào có dịp tốt như vậy nữa. [MCT-HBC].
Trong trường hợp này, tiếng Việt thường dùng các từ “như thế”, “như vậy” đi kèm với NẾU để đánh dấu tính chất giả định chủ quan đó (vì vị từ so sánh “như” tiền giả định rằng hai thực thể được đem ra so sánh không thể là một, tức là nó không thể so với chính nó):
(6) Nếu tài sản như thế này thì không cần tuyên bố phá sản.
Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ Nhật cho rằng miêu tả một sự việc thật với tư cách khả năng thì người nói có thể tránh được cách nói “trực tiếp” hoặc là người nói muốn áp dụng một quy tắc nói chung vào một trường hợp cụ thể; như thí dụ dưới đây:
(7) (Kết cục là tôi nghĩ là đối với anh ấy tôi không hề tồn tại. Hồi tưởng lục tìm trong ký ức những kỷ niệm vui chứng minh tình yêu của anh ấy mà không có). Nếu không có bằng chứng cho sự được yêu, trái tim của người vợ sẽ trở nên phân vân.(dẫn theo một bài khảo cứu của Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ Nhật Bản)
Ngoài cách giải thích của Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ, cũng có một cách giải thích khác. Chúng tôi cho rằng tư duy của con người dường như có xu hướng khái quát hoá một tình huống hiện thực bằng cách khoác cho nó một hình thức giả định. Bởi lẽ, dưới hình thức giả định, người nói dường như lùi ra xa khỏi tình huống đang đề cập và đóng vai trò khách quan hơn trong việc tạo phát ngôn.
NẾU đặc biệt thích hợp với trường hợp người nói cố tình dùng dạng thức giả định dù sự việc rõ ràng là có thật.
1.2. NẾU cũng còn được dùng trong giả định phản sự thật, trong nhiều trường hợp có thể thay bằng GIÁ. Nhìn chung đối với một sự việc đã xảy ra trong quá khứ, NẾU có thể giả định nó xảy ra khác đi và đưa ra phán đoán của mình về sự việc khác đi đó:
(8) a. Nếu không có anh thì tôi đã chết mất xác rồi. [TXV-LL]
b. Nếu không có anh ấy về đây thì có lẽ tôi đã hô cả huyện làm theo cái khuôn mẫu của xã của chị phía trong đê.[TXV-LL].
Dựa vào giả định phản sự thật ở quá khứ, M2 có thể biểu hiện sự việc mang tính khả năng có thể xảy ra ở hiện tại hoặc tương lai. GIÁ thường dùng để bày tỏ trạng thái/cảm giác mong muốn, nuối tiếc; vì vậy đối với những sự việc mang tính khả năng như vừa nói, người ta sẽ không thay NẾU bằng GIÁ nếu không muốn làm thay lệch nghĩa của cả câu. So sánh:
(9) a. Nếu anh không báo được nghỉ học thì tôi đã đi đến trường rồi.
b. * Giá anh không báo được nghỉ học thì tôi đã đi đến trường rồi.
c. Nếu anh không giúp đỡ thì đã không kịp rồi.
d. * Giá anh không giúp đỡ thì đã không kịp rồi.
Tính chất giả định phản sự thật của M1 ở các câu trên không có gì khác biệt, tuy nhiên sự “trung hòa” về nghĩa của NẾU giúp bảo toàn được quan hệ nghĩa của câu nếu so với nét nghĩa “mong muốn, nuối tiếc” rất mạnh của GIÁ. Hơn nữa, lý do làm cho (b) và (d) không thể chấp nhận – khác với (a) và (c) – là hiện tượng bất tương hợp ngữ nghĩa trong nội bộ cấu trúc M1: cái điều thông thường người ta mong muốn không phải là “không báo trước” hoặc “không giúp đỡ” mà là ngược lại. Chính vì vậy khi bày tỏ sự mong muốn, nuối tiếc thì GIÁ hoàn toàn có thể thay cho NẾU với sự bổ sung nhất định về ngữ nghĩa:
e. Nếu (/Giá) kịp chuyến bay đó thì bây giờ chúng ta đang ở Mỹ rồi.
f. Nếu (/Giá) không ly dị thì ngày mai là ngày kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi.
M2 của câu phản sự thật cũng có khi được tổ chức như một cấu trúc ổn định, như một biểu thức (expression):
(10) a.Nếu ngày nào thầy cũng đe nẹt nghiêm ngặt với nó thì đâu đến nỗi. [TXV-LL] b. Nhưng nếu em bình tĩnh nghe anh thì chắc là khác rồi. [TXV-LL]
Phần lớn ở những câu giả định phản sự thật bày tỏ sự nuối tiếc hay mong ước, mệnh đề chính thường bị lược bỏ, để chỉ còn lại mệnh đề phụ với NẾU mà thôi. Áp lực của cả cấu trúc câu kết hợp với ngữ nghĩa của M1 đủ mạnh để người nghe nhận thức được trạng thái/cảm xúc của người nói. Vd:
(11)a. Nếu lúc đó tôi không bị cảm thì ....
b. Nếu tôi có tiền thì ....
Theo nhận xét của chúng tôi, dường như thành phần hiển ngôn mới là trọng tâm ngữ nghĩa của câu chứ không phải kết quả giả định đã bị bỏ lửng; khi đưa ra một tình huống không có thật người ta hướng đến một kết quả cũng không có thật, nhưng với người nói, chính cái tình huống đáng phàn nàn là nguyên nhân của mọi điều tệ hại kia mới là điều đáng quan tâm.
1.3. NẾU khởi đầu mệnh đề điều kiện phi giả định để dùng biểu hiện các quy luật tự nhiên và xã hội, nói chung là những gì có giá trị “chân lý”. Trong đó ta có thể nhìn thấy mối quan hệ nhân quả hàm chứa trong các quy luật có tính khái quát, vượt thời gian, không gian. Ở câu điều kiện loại này, hầu như người nói chỉ đóng vai trò của người quan sát.
(12) a. Nếu băng tan thì sẽ biến thành nước.
b. Nếu cố gắng ắt hẳn thành công.
c. Nếu lụt thì đói.
Các quy luật có được từ kinh nghiệm, kinh nghiệm đó có thể được thí nghiệm bởi một nhà khoa học, cũng có thể là trải nghiệm của người nói:
(13)Nếu natrium tác dụng với nước thì sẽ có phản ứng nổ.
Kinh nghiệm trong thí dụ trên là kinh nghiệm có tính chất trực tiếp; ngoài ra, cũng có những kinh nghiệm có tính chất nhận thức gián tiếp và thông qua một quá trình:
(14)Nếu hút thuốc lâu ngày có thể bị ung thư phổi.
1.4. NẾU còn dùng để nói đến thói quen, tập quán của một người nào đó. Trường hợp này cũng hoàn toàn không biểu thị chủ kiến của người nói. Trong trường hợp này chúng tôi nghĩ có một sự “xâm nhập” của NẾU vào lĩnh vực vốn là đặc trưng của HỄ, CỨ, MỖI LẦN.
(15)a. Nếu thời tiết tốt thì anh ấy ở chung quanh đền thờ Phật 2, 3 tiếng đồng hồ.
b. Nếu không thấy mặt hai bữa thì chiều anh ta đi chơi ắt hẳn lên nhà mà thăm. [MCT-HBC]
Cũng có thể là những sự việc quá khứ mà bây giờ không còn tiếp diễn nữa:
(16) a. Nếu anh gật đầu chào tôi, tôi cũng chỉ mỉm cười đáp lễ rồi ai lo việc nấy thì anh lại lo một cách khác.[TTTN-NK].
b. Lính tráng chúng tôi đi bất cứ đâu, nếu được rảnh rỗi là y như rằng lại có ai đó làm ra nhạc khí. [TĐHMĐ-DNQ]
2. NẾU trong liên kết tiền đề – kết luận
Liên kết điều kiện – kết quả là những liên kết hàm chứa quan hệ nhân quả. Còn liên kết tiền đề – kết luận là mối liên kết mà không thể nhìn thấy mối quan hệ nhân quả như thế. Với quan hệ này NẾU được dùng trong một phạm vi rất rộng rãi.
2.1. NẾU trong cấu trúc suy đoán
Xét thí dụ sau:
(17) A: – Máy bay Mỹ sắp đến đấy!
B: – Nếu thế thì phải có còi báo động. [NBCT-BN].
Trong cuộc thoại, người nói và người nghe cùng chia sẻ kiến thức chung về một “quy tắc” hay logic khách quan:
M1 Õ M2 (máy bay Mỹ đến Õ có báo động);
và cả hai người đều có một suy đoán/suy luận rằng:
Không M2 Õ Không M1 (không báo động Õ không có máy bay Mỹ)
Về mặt ngôn ngữ, người nói sẽ đưa ra dựa vào tình huống thực tế (không M2) theo nhận thức của mình để đưa ra một cấu trúc tiền đề – kết luận:
NẾU M1 THÌ phải/đã M2
nhằm bác bỏ hoặc nhận định rằng M1 là sai (không có trong thực tế). Vd:
(18) a. Nếu nó ăn cắp thì nó đã mất bình tĩnh khi đứng trước tôi.
b. Nếu nó ăn cắp thì nó đã không có bộ mặt bình tĩnh như vậy khi đứng trước tôi.
Tương tự như cơ chế logic của câu điều kiện giả định phản sự thật đã thảo luận ở trên, NẾU, THÌ, ĐÃ, PHẢI là những chỉ tố cho thấy sự việc diễn đạt ở M2 là phản sự thật (không thực tế, ít nhất là trên quan điểm của người nói). Như vậy có thể trình bày logic câu trên:
[nó đã bình tĩnh] ® [nó đã không ăn cắp]: M1 sai.
Trường hợp sau đây vắng mặt chỉ tố ĐÃ, PHẢI, thay vào đó là một trạng ngữ đánh dấu tính hiện thực (“như vậy”), nhưng logic tiền đề – két luận cũng không có gì khác.
(19) Nếu thật lòng yêu cô ấy thì anh không thể chia tay một cách đơn giản như vậy được.
Thực tế là anh đã chia tay một cách đơn giản ® anh không thật yêu cô ấy, tức là M1 sai.
Người nói cũng có thể đưa ra một tiền đề (tiền đề này có thể là đúng, đã là sự thật hoặc chưa là sự thật) để kết luận theo kiểu: “Nếu sự việc ở M1 là đúng thì sự việc ở M2 cũng đúng”.
(20) a. Nếu cái xác được mang từ chỗ khác đến như vậy thì tội phạm không chỉ là một người.
b. Nếu ông sư Miến Điện đó là một cao tăng có cái xâu chuỗi không dễ gì có được đó thì chắc chắn ông ta không phải là một đào binh.[TĐHMĐ-TNQ].
2.2. NẾU trong cấu trúc đối ứng
Trong câu NẾU M1 THÌ M2 ta có thể có một cấu trúc sóng đôi về hình thức giữa M1 và M2, trên cơ sở sóng đôi hình thức như thế bộc lộ quan hệ đối ứng giữa M1 và M2. Tùy vào nội dung của hai bộphận đó mà câu có ngữ nghĩa khác nhau. Có thể kể đến một số quan hệ đối ứng sau đây:
– Quan hệ tương đồng về tính chất, đặc trưng:
(21) Nếu tỉnh tôi có nhiều mía thì tỉnh anh có nhiều đường.
– Quan hệ tương đồng về mức độ:
(22) a. Nếu gã là một công dân đáng ngờ bao nhiêu thì gã lại là một người lính đáng trọng bấy nhiêu.
b. Nếu môn toán nó tồi bao nhiêu thì môn văn nó cũng tệ bấy nhiêu.
– Quan hệ đồng nhất trong những đặc trưng tương liên (thường dùng trong các so sánh tu từ):
(23) Nếu giáo dục là một tòa nhà thì thầy giáo là những viên gạch xây nên tòa nhà đó.
– Quan hệ về tầm mức hoặc chiều hướng của sự việc (trong – ngoài, hẹp – rộng, cụ thể – khái quát v.v.):
(24) a. Nếu nam nữ bình đẳng thì trong gia đình vợ chồng cũng phải bình đẳng.
b. Nếu ăn mặc diêm dúa thế thì tâm hồn nghèo nàn.
– Quan hệ tuyển chọn một trong hai khả năng hoặc A hoặc B có thể được diễn đạt thành “Nếu không A thì B”. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng là giữa A và B phải có một đặc trưng chung ngầm ẩnnào đó.
(25)a. Cô gái đó nếu không phải là vợ anh ấy thì chắc là gái bia ôm.
b. Thôi được rồi, đừng nói nữa. Chuyện này nếu không phải anh làm thì tôi làm vậy!
2.3. NẾU trong lời dẫn nhập
Cấu trúc NẾU M1 THÌ M2 có thể được sử dụng như một biểu thức ngữ dụng. NẾU M1 có thể là lời mào đầu có tính chất xã giao hoặc rào đón, nhằm thực hiện một hành động ngôn từ đi theo sau:
(26) a. Hồi nhỏ, thầy tôi còn sống, thầy tôi có kể tôi nghe chuyện này. Nếu các ông cho phép, tôi xin kể hầu các ông.[NTĐM-DTH]
b. Sách này thì có dính dáng đến chuyên môn của anh. Nếu anh cho là tốt thì sau khi đọc một trang, anh nói ý nghĩa của trang đó cho tôi nghe.
Khi phán đoán, quá trình suy nghĩ của người nói bị ràng buộc bởi cách thức, điểm nhìn, các hình thức phán đoán, vì vậy ở mệnh đề phụ thường bộc lộ các phương pháp tiếp cận đối tượng trong quá trình triển khai logic. Cho nên thường các động từ như nói, nhìn, nghĩ, đứng, xét, xuất phát, so sánh, v.v. được chọn làm những kiến trúc tương đối cố định để phản ánh chính cái quá trình triển khai ấy. Một số cấu trúc biểu thị tình thái câu, có vai trò như một trạng ngữ của câu như: “nếu nói thẳng”, “nếunói thật”, “nếu nhìn từ đây”, “nếu nhìn một cách khách quan”, “nếu nói đúng hơn”, “nếu nhìn sơqua”, “nếu xét kỹ”, “nếu đứng ở góc độ này” v.v..
(27)Nếu nói đến Bát Tràng là người ta nghĩ ngay đến đồ gốm sứ.
Đặc biệt, cấu trúc NẾU M1 có thể đặt ra một phạm vi giới hạn mà từ đó độ đúng sai của mệnh đềsau bị hạn định hoặc phụ thuộc vào nó.
(28) (– Như thế bình thường ba tôi là người thế nào?)
– Bình thường à? Nếu không lên cơn thì là người hết sức tử tế.
(29)Phật giáo của người Miến Điện nghĩ cũng là kỳ. Hãy dẹp bỏ sự đời, hãy cam phận (...). Lời Phật Thích ca, nếuhiểu theo nghĩa đen, nghe đâu là như thế. [TĐHMĐ-ĐNQ]
2.4. Câu tiền đề – kết luận NẾU P THÌ Q VÌ R
Ở câu điều kiện thông thường ta luôn nhìn thấy có một sự liên quan giữa mệnh đề trước và mệnhđề sau. Giá trị thật của mệnh đề trước luôn luôn thống nhất, liên quan đến mệnh đề sau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những câu điều kiện mà hầu như không nhìn thấy ở đó mối tương quan nào cả.
Chẳng hạn, sự việc không có áo mưa là một sự việc thật, đang tồn tại, còn việc trời có mưa hay không lại là một việc chưa thể đoán trước được. Ta có:
(30) a. Chiều nay trời mưa thì tôi không có áo mưa.
Ở câu điều kiện – kết quả thông thường, chúng ta có thể suy ra một câu khác (theo lối suy nghĩ dẫndắt) có cùng ý nghĩa với nó:
b. Nếu chiều nay trời mưa tôi không về nhà được.
c. Nếu chiều nay trời không mưa tôi có thể về nhà được.
Hoặc có thể thay đổi vị trí của hai mệnh đề:
d. Nếu tôi có thể về nhà (có nghĩa là) trời đã không mưa.
Nhưng trong câu điều kiện quan hệ tiền đề – kết luận không thể thao tác như vậy được:
e. ?? Nếu chiều nay trời mưa thì tôi không có áo mưa
cũng không thể:
f. ?? Nếu chiều nay trời không mưa tôi sẽ có áo mưa.
Có thể phân tích câu (a) dưới góc độ ngữ dụng học, theo đó khi sử dụng câu “tôi không có áo mưa” người nói nhằm dẫn dắt người nghe đến kết luận là “tôi không thể về nhà được”. Như vậy có thể diễngiải câu trên như sau:
(31) Nếu chiều nay trời mưa tôi không thể về nhà được vì tôi không có áo mưa.
Câu điều kiện {NẾU P THÌ R} được hình thành từ {NẾU P THÌ Q VÌ R]: Tình huống P sẽ dẫn đếnkết quả Q, đó là mối bận tâm của người nói, vì lý do R. Nhưng Q bị xóa bỏ, chỉ còn lại lý do gây ra mối bận tâm trong tình huống giả định đó mà thôi. Có thể hình dung sơ đồ tạo câu như sau:
NẾU P THÌ Q VÌ R Õ NẾU P THÌ Q VÌ R
Như vậy, “Nếu trời mưa thì tôi không có áo mưa” có thể hiểu như:
– Nếu trời mưa thì tôi không thể về nhà.
Mặt khác, khi nghe câu “Nếu trời mưa thì tôi không thể về nhà”, có khả năng người nghe sẽ hỏi lý do tại sao. Câu điều kiện đã trả lời trước cái câu hỏi mà người nghe chờ đợi được trả lời.
*
* *
Ở trên, chúng tôi đã phân tích tương đối chi tiết cách dùng và đặc trưng ngữ nghĩa của kết từ NẾU trong cả hai loại câu điều kiện-kết quả và câu tiền đề-kết quả. Trong một cấu trúc điều kiện vắng NẾU, nhiều trường hợp cho thấy nội dung mệnh đề (proposition) dường như không có gì khác biệt lớn (so với khi có NẾU) nhưng nhìn chung nội dung suy lý của một cấu trúc điều kiện vẫn chưa đủ chặt. Khi đó vai trò của từ THÌ trở nên rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mà chúng tôi xin bàm đến trong một dịp khác.


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:
1. Hồ Lê, 1992, Cú pháp tiếng Việt, Q 2-Cú pháp cơ sở, Nxb KHXH, Hà Nội.
2. Hoàng Trọng Phiến, 1980, Ngữ pháp tiếng Việt - Câu, Nxb ĐH & THCN, Hà Nội.
3. Hoàng Tuệ, 1962, Giáo trình về Việt ngữ, T1, Hà Nội.
4. Nguyễn Kim Thản, 1977, Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Sweetser Eve, 1990, From Etymology to Pragmatics. Cambrige: Cambrige U.P..
6. Maeda Naoko, 1991, Jyouken bun funrui no-kousatsu, Nihongo gakuhou 13, Tokyo gaikokugo daigaku.
7. Sakahara Shigeru, 1985, Nichijou Gengo no suuiron, Tokyo daigaku shuppan kai.


NGỮ LIỆU:
1. Trần Nhật Quang, 1999, Tiếng đàn hạc Miến Điện , Nxb Văn học. (TĐHMĐ-TNQ)
2. Dương Thu Hương, 1988, Những thiên đường mù, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. (NTĐM-DTH)
3. Bảo Ninh, 1991, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Hội nhà văn. (NBCT-BN)
4. Lê Lựu, 1995, Thời xa vắng, Nxb Hội nhà văn. (TXV-LL)
5. Nguyễn Khải, 1997, Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Trẻ. (TTTN-NK)
6. Hồ Biểu Chánh, 1988, Một chữ tình, Nxb Tổng hợp Tiền Giang. (MCT-HBC)


[1] Trong phạm vi bài này chúng tôi vẫn chấp nhận quan điểm của ngữ pháp truyền thống về cấu trúc hai “mệnh đề” (= cụm chủ vị, tiểu cú) của câu điều kiện chứ không đi theo cách trình bày cấu trúc khung đề – thuyết của ngữ pháp chức năng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những phân tích sau đây vẫn thích hợp khi diễn giải câu điều kiện như là một câu đơn mà “mệnh đề” trước là khung đề và “mệnh đề” sau là thuyết.

Theo Blog Tiếng Việt: Ngẫm nghĩ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét