Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Tình cờ và bất chợt trong bài thơ: DÒNG ĐỜI ... VÀ NHỮNG RIÊNG MANG của Đan Thụy






 Đan Thụy



Ta nhẹ bước trong dòng đời hối hả
Nghe lòng mình tràn ngập những đam mê
Những bất chợt ... hay tình cờ... ngày ấy
Như khói như sương đan kín lối đi về

Ta lặng bước trong mùa Thu thơ mộng
Lá vàng bay quyện hương cốm vỡ oà
Anh có nhớ ... tay đan tay hè phố?
Nắng hanh vàng em áo lụa thướt tha!

Ta dạo bước dưới thềm đời rất thật
Nghe thanh âm đường phố rộn người xe
Anh phương ấy có nghe... chiều chật vật
Có thấy chênh vênh ... giọt nắng Thu vàng?

Ta dấn bước bên cuộc người tất bật
Nghe thời gian gõ nhịp đập hồn nhiên
Gánh mùa qua trên đôi vai đầy nắng
Bất chợt ... ngày nào thôi tím muộn phiền


“Dòng đời … và những riêng mang” bài thơ của Đan Thụy viết về nỗi nhớ. Và nỗi nhớ nào cũng song hành cuộc đời và cuộc tình. Nỗi nhớ cũng đến thật bất chợt và tình cờ. Đã bất chợt mà còn tình cờ? Đó chính là sự chững lại của thời gian! Thơ Đan Thụy cũng là những hoài cảm được lắng đọng, chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở cùng với thực tế đời thường được chắt lọc. Tất cả là âm vang tiếng lòng của Đan Thụy. Giọng thơ Đan Thụy rất cũ nhưng rất tinh tế trong cách thể hiện, chắt lọc từ. “Dòng đời … và những riêng mang” là mạch tư duy tiêu biểu cho phong cách đó.

Đan Thụy thật lãng mạn: “Ta nhẹ bước trong dòng đời hối hả” để “nghe lòng mình tràn ngập những đam mê”. Dòng đời là một chuỗi kỷ niệm kết nối lại, có nhẹ bước mới lắng đọng đam mê, để riêng mang dù chỉ là sương, là khói nhưng lại đan kín lối đi về. Thế mà Đan Thụy vẫn cho đó là “những bất chợt ... hay tình cờ...ngày ấy”. Tất cả vẽ nên “Nỗi riêng mang” trong lòng Đan Thụy.

Hai từ : “Ta …. Bước” được lặp đi, lặp lại như một điệp khúc qua từng khổ thơ. Bài thơ có 4 khổ, Đan Thụy có 4 thái độ bước. Từ “nhẹ bước”, “lặng bước”, “dạo bước”, “dấn bước”, mỗi bước đi đó Đan Thụy đều riêng mang nỗi nhớ. “Nhẹ bước” để riêng mang “đam mê”; “lặng bước” để nhớ mùa thu, hương cốm, tay đan tay, nắng hanh vàng và áo lụa thướt tha; “dạo bước” để lắng nghe âm thanh đường phố, để nhận ra chiều chật vật và chênh vênh … giọt nắng thu vàng. Và cuối cùng Đan Thụy “dấn bước” bên cuộc người tất bật, nghe thời gian gõ nhịp, gánh mùa qua trên vai đầy nắng, để bất chợt … thôi tím buồn phiền. Tứ thơ vận động theo nhịp điệu và sắp đặt của Đan Thụy theo từng biến động của cuộc sống. Bước đi của Đan Thụy neo giữ từng nỗi nhớ riêng mang hòa vào dòng đời và dòng chảy của thời gian.

Phong cách thơ Đan Thụy rất cũ, từ ngữ sử dụng cũng cũ. Nhưng cái hay của Đan Thụy là biến những cái cũ đó mang tứ mới. Đây cũng chính là thông điệp Đan Thụy muốn nhắn gởi. Những tứ thơ “dòng đời hối hả”, “chiều chật vật”, “nắng hanh vàng”, “áo lụa thướt tha”, “thời gian gõ nhịp”, “chênh vênh… giọt nắng”, “gánh mùa qua”, “thôi tím muộn phiền”…Đúng là cũ nhưng khi lồng chúng vào nhau trong ngữ cảnh tạo thành rất mới, phải không! Tiếng thơ chính là cảm nhận có sức lay động cảm xúc “Anh phương ấy có nghe... chiều chật vật/Có thấy chênh vênh ... giọt nắng Thu vàng?.

Có một điều đặc biệt là trong mỗi khổ thơ, khổ nào Đan Thụy cũng sử dụng dấu 3 chấm (…). Những dấu 3 chấm ấy có tác dụng gì đến tứ thơ?

Những bất chợt ... hay tình cờ... ngày ấy
Anh có nhớ ... tay đan tay hè phố?
Anh phương ấy có nghe... chiều chật vật
Bất chợt ... ngày nào thôi tím muộn phiền

Trong ngữ pháp tiếng Việt, dấu 3 chấm còn gọi là “dấu lửng” được sử dụng ở cuối câu hoặc giữa câu để biểu thị diễn đạt chưa hết ý. Thật “tình cờ” mới“bất chợt” hiểu ra dụng ý của Đan Thụy khi sử dụng dấu lửng trong mỗi khổ thơ. Còn nữa, do Đan Thụy thể hiện bằng thể thơ 8 chữ truyền thống nên thơ Đan Thụy rất giàu nhạc điệu. Bài thơ “Dòng đời … và những riêng mang”, Đan Thụy sử dụng nhịp thơ 3-5 hoặc 4-4 trong từng câu thơ đan xen, uyểnchuyển cùng với tần số dấu lửng tạo ra “những bất chợt” nhưng cũng thật “tình cờ” trong ngôn ngữ thơ truyền thống. Trong dòng đời, kỷ niệm luôn là nỗi nhớ đã thấm đẫm ký ức, những nỗi nhớ không tên đó day dứt trong mỗi con người khi ta cứ riêng mang.

Bài thơ sẽ tròn trịa nếu như câu 4 của khổ thơ đầu cũng 8 chữ. Nên chăng:
Như khói sương đan kín lối đi về.

Kháng Ngôn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét