Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Hãy tự mình nương tựa chính mình



Minh Trí


Khác với quan điểm của các tín ngưỡng thần quyền nhìn con người bằng con mắt yếu kém với số phận hoàn toàn tùy thuộc vào uy quyền phán xét của Thượng đế hay ân sủng của các thần linh, Đức Phật khẳng định con người là chủ nhân của số phận mình; rằng con người có khả năng hoàn thiện chính mình, rằng hạnh phúc hay khổ đau của con người không do ai ban cho mà do người ấy tự quyết định bằng chính lối sống của mình. Theo kinh nghiệm giác ngộ của Phật1 thì mỗi cá nhân đều có sẵn những tiềm năng vô tận, đáng được vận dụng để tạo lập hạnh phúc cho chính mình hay khiến cho mình trở nên hoàn thiện. Phật gọi các tiềm năng như vậy là tài sản tự nội (ajjhattabhoga) hay năng lực giác ngộ (bodhibala) và khuyên mọi người nỗ lực phát huy. Ngài nêu rõ:

“Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: ‘Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn’. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tàm lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh tấn lực?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tinh tấn lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sức mạnh của bậc Hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: ‘Ta sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực… tàm lực… quý lực… tinh tấn lực… ta sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực’. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập”2.

Đề cập về kết quả của việc vận dụng năm sức mạnh này, Đức Phật xác nhận:

“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành”3.

Phật nói về con người và hạnh phúc của con người thật rõ ràng và thực tế. Con người là chủ nhân ông của chính mình, có đầy đủ tiềm năng hay năng lực để tự kiến tạo hạnh phúc an lạc cho chính mình. Con người không cần chờ mong ân huệ cứu rỗi của Thượng đế hay cầu khẩn bất cứ năng lực siêu nhiên nào ở bên ngoài để giúp cho mình được hạnh phúc an lạc. Thay vào đó, con người cần nhận rõ các tiềm năng vốn có của mình – tín lực, tàm lực, quý lực, tấn lực, tuệ lực – và nỗ lực phát triển chúng thì an lạc sẽ đến và ở bên ta.

Tín lực (Saddhà-bala) hay sức mạnh của lòng tin là yếu tố thứ nhất mà con người cần phát huy để thiết lập hạnh phúc an lạc. Đó chính là lòng tin tưởng mạnh mẽ vào sự giác ngộ của Phật, một con người giống như bao người khác đã nỗ lực hoàn thiện chính mình bằng cách phát huy các tiềm năng giác ngộ – giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức – trong chính mình và đã tận tâm trao truyền kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác vì tin tưởng ở đức năng giác ngộ của mọi người. Tin tưởng ở sự giác ngộ của Phật cũng có nghĩa là tin tưởng ở khả năng giác ngộ của chính mình, vì Phật cũng chỉ là một con người đã đạt đến giác ngộ bằng nghị lực của bản thân. Một niềm tin như vậy là chính đáng, cần được phát huy, vì nó có công năng đánh thức thiện tâm, nuôi dưỡng ý chí giác ngộ, thúc đẩy năng lực tinh cần trong tiến trình thực hành lý tưởng giác ngộ.

Tàm lực (Hiri-bala) hay sức mạnh của lòng hổ thẹn là yếu tố tiếp theo cần được phát huy để thiết lập đời sống hạnh phúc an lạc. Tàm có nghĩa là tâm lý thấy xấu hổ hay cảm thức hổ thẹn về các hành vi xấu ác, bất thiện thuộc thân, khẩu, ý, hoặc đã biểu lộ ra bên ngoài hoặc đang tiềm tàng ở trong tâm thức. Đây là một hình thái tâm thức hiền thiện vốn có sẵn và trôi chảy khá tự nhiên trong mỗi con người. Nó có công năng bảo vệ và duy trì sự an ổn thanh thản trong cơ cấu nhân sinh, vì nó có khả năng làm trong sạch nguồn lực tâm linh của con người nhờ tính năng phản kháng đối với mọi cái xấu ác. Do tính năng của nó, tàm có chức năng giúp con người ngăn tránh mọi động cơ xấu ác, mọi hành vi bất thiện; vì vậy một khi nó được nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ thì các động cơ xấu ác sẽ được đẩy lùi, được khắc phục, không còn cơ hội để biến thành hành động. Nói cách khác, khi nào tàm có mặt thì khi ấy mọi hành vi của con người sẽ là đạo đức, hiền thiện, không rơi vào xấu ác, bất thiện.

Yếu tố thứ ba là quý lực (Ottappa-bala) hay sức mạnh của lòng sợ hãi về việc vi phạm các điều ác, bất thiện thuộc thân hành, khẩu hành và ý hành. Tương tự như tàm, quý cũng là một dạng tâm lý hiền thiện hiện hữu và vận hành khá tự nhiên trong tâm thức con người. Đây cũng là một hình thái tâm thức có công năng giúp điều chỉnh và hoàn thiện tư cách đạo đức của nhân sinh, vì nó là tâm lý biết lo sợ về hậu quả nguy hại của các động cơ xấu ác, của mọi hành vi bất thiện, có chức năng phản kháng và ngăn tránh mọi điều ác, bất thiện. Vì thế một khi quý được nuôi dưỡng và phát huy thì mọi hành vi của con người sẽ hiền thiện, không xấu ác, đạo đức con người sẽ tăng trưởng và lớn mạnh.

Trong giáo lý đạo Phật, cùng với tàm, quý (tàm quý) được xem là nền tảng của giới hạnh hay nhân trực tiếp của đời sống đạo đức.

Tinh tấn lực (Viriya-bala) hay sức mạnh của sự nỗ lực tinh cần trong lối sống tu học Phật pháp được xem là yếu tố quan trọng thứ tư trong tiến trình thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Theo quan niệm của Phật thì hạnh phúc an lạc là sự vắng mặt các yếu tố gây phiền muộn khổ đau như tham-sân-si hay các hành vi ác, bất thiện thuộc thân, miệng, ý (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến). Vì vậy, để có được hạnh phúc an lạc thì trước hết con người cần phải nhận diện cho thật rõ về lẽ thiện ác và cần phải quyết tâm dứt bỏ điều ác, nỗ lực làm các việc lành. Đây chính là ý nghĩa căn bản của Chánh tinh tấn(Sammà- vàyàma) được nói đến trong đạo Phật. Ngoài ra, Chánh tinh tấn cũng có nghĩa là nỗ lực vượt qua chính mình trên bước đường tu tập để lần lượt đạt đến mục đích cứu cánh. Theo nghĩa này thì Chánh tinh tấn chính là sự vượt qua mọi tiến bộ đạo đức và tâm linh mà mình đã thực nghiệm được để tiếp tục hướng đến mục đích giải thoát tối hậu. Nhìn chung, người học tu theo pháp của Phật được xem là người luôn luôn tinh cần tinh tấn, tinh tấn nuôi dưỡng đạo đức (giới), tinh tấn phát triển tâm thức (định) và tinh tấn phát huy trí tuệ (tuệ). Do chức năng của nó, tinh tấn được xem như một yếu tố quan trọng được vận dụng xuyên suốt trong tiến trình tu học đạo lý giải thoát của người con Phật. Phật khuyên các học trò mình phát huy Chánh tinh tấn, vì nó là nguồn lực giúp cho con người tiến bộ về đạo đức, tâm linh và trí tuệ, tuần tự đạt đến mục tiêu cứu cánh giải thoát, giác ngộ.

Yếu tố thứ năm và cũng là yếu tố hết sức quan trọng để giúp cho con người tìm thấy hạnh phúc thực sự chính là tuệ lực (Panãnà-bala) hay sức mạnh của sự thấy rõ các pháp đúng như thật (yathàbhùtam pajànàti). Theo quan niệm của đạo Phật thì sở dĩ con người cứ bị khổ đau chi phối, không đạt được hạnh phúc thực sự ấy là bởi thiếu hiểu biết đúng đắn về bản chất của sự sống hay thiếu trí tuệ. Do thiếu trí tuệ hay do mê mờ về bản chất của sự kiện hiện hữu nên con người bị giam hãm mãi trong vòng trầm luân khổ đau bởi những việc làm sai lầm, những hành vi chứa đầy tham-sân-si. Hết thảy mọi thứ trên cuộc đời là vô thường, khổ đau, ta không làm chủ được, nhưng do dục vọng và vô minh, con người không có đủ tỉnh táo và sáng suốt để tiếp nhận và hành xử mọi việc đúng như bản chất của chúng. Do thiếu trí tuệ, con người cứ bị ám ảnh và đẩy đưa qua lại giữa các đối cực có không, hơn thua, được mất giữa cuộc đời; không ngừng rơi vào tham đắm hoặc giận dữ bực phiền đối với mọi thứ thuận duyên hay nghịch ý. Đây chính là lý do khiến con người bị trói chặt trong vòng luẩn quẩn khổ đau, không tìm thấy tự do, hạnh phúc, an lạc. Đức Phật thấy rõ thực trạng yếu kém này của chúng sinh nên khuyên dạy chúng ta phải biết nuôi dưỡng và phát huy trí tuệ.

Trí tuệ được nói đến trong đạo Phật là một loại năng lực tâm thức có khả năng phá vỡ và loại trừ các tập khí tham-sân-si, gốc rễ của mọi mê lầm khổ đau. Nó là hệ quả của lối sống thực hành giới đức và thiền định sâu sắc, có khả năng chặt đứt mọi gốc rễ của khổ đau bởi nó thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy mọi sự kiện hiện hữu, không còn mê lầm, không rơi vào các hành động sai lầm do tham và sân kích động. Nói cách khác, trí tuệ là một kinh nghiệm tâm linh sâu sắc, thấy rõ bản chất bất toại của mọi sự vật và hiện tượng nên không còn thích thú ôm ấp hoặc đeo bám vào những gì hiện hữu hoặc không hiện hữu. Nó là năng lực tâm linh có khả năng buông bỏ mạnh mẽ, hướng tâm thức vượt ra ngoài mọi đối cực, đạt đến tự do, giải thoát mà thuật ngữ đạo Phật gọi là “có khả năng đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.

Nhìn chung, Đức Phật khuyên chúng ta phải biết nuôi dưỡng và phát huy tín lực, tàm lực, quý lực, tấn lực, tuệ lực, vì chúng là các yếu tố có khả năng giúp cho chúng ta đạt đến hoàn thiện, đạt đến tự do, giải thoát, không còn bị khổ đau chi phối. Chúng là các sức mạnh tự nội, có khả năng điều chỉnh và hoàn thiện nhân tính, hướng con người đạt đến hạnh phúc tối hậu, hoàn thành mục tiêu cứu cánh của nhân sinh. Theo lời dạy của Phật thì con người không cần phải tìm kiếm ở đâu xa các nguồn lực để hoàn thiện chính mình hay để thiết lập hạnh phúc an lạc. Con người chỉ cần nhìn vào chính mình thì thấy ngay các tiềm năng trọng yếu đang chờ mình khai sáng và vận dụng. Đó chính là tín lực, tàm lực, quý lực, tấn lực, tuệ lực, có khả năng giúp cho mỗi người hoàn thiện giới đức, tâm đức, tuệ đức, thành tựu mục đích giải thoát và giải thoát tri kiến. Một trong những lời nhắn nhủ gần như cuối cùng của Ngài trước lúc nhập Niết-bàn, Đức Phật khuyên các đệ tử: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”4. Lời nhắn nhủ quan trọng ấy của bậc Đạo sư chính là lời khuyên nhắc mọi người phát huy năng lực giác ngộ vốn có trong chính mình, vì đó chính là chỗ nương tựa vững chắc nhất cho mục tiêu giác ngộ của mỗi người, và vì đó chính là Chánh pháp mà chư Phật muốn chỉ bày cho hết thảy chúng sinh. „

Chú thích:
Kinh Chưa được nghe, Tăng Chi Bộ.
Kinh Rộng rãi, Tăng Chi Bộ.
Kinh Khổ, Tăng Chi Bộ.
Kinh Đại bát Niết-bàn, Trường Bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét