Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

THƠ MICHAEL PALMER



Cù An Hưng dịch


Mặc dù có mặt trong các tuyển tập “thơ ngôn ngữ”, Michael Palmer vượt ra ngoài các tiêu chí của khuynh hướng thơ này. Ông thừa nhận tính không tránh khỏi của tự sự nhưng ngay cả khi mang tính tự thuật cởi mở, thơ ông vẫn có một vẻ ẩn kín và từ chối sự xác định.

Sinh ở New York, học ngành sử và văn học so sánh tại Đại học Harvard, Palmer sống ở San Francisco từ 1969. Ông cùng Clark Coolidge chủ trương tạp chí Joglars rất có ảnh hưởng tuy không sống lâu (1964-1965). Ông cũng biên soạn cuốn Code of Signals: Recent Writings in Poetics (Mã của ký hiệu: Nhữnh bài viết gần đây về Thi pháp) (1983).

Michael giảng dạy khoa Thi pháp học ở trường New College of California và đã có nhiều năm cộng tác với nhà biên đạo múa Margaret Jenkins, cung cấp kịch bản cho vũ đoàn của bà trình diễn.

Các tập thơ chính: Plan of the City of O (1971), Blake’s Newton (1972), The Circular Gates (1974), Without Music (1977), Notes for Echo Lake (1981), First Figure (1984), Sun (1988)



đoạn mở đầu

Hạn độ của bài ca là
đoạn mở đầu này cho một chuyến đi
tới những đảo xa ngoài ngoài, câu chữ
tự-sinh , dự án nhạc luân vũ, những hình thức,
phẩm chất, những mặt trời, những vầng trăng, những chiếc vòng,
cái trong- ngoài rồi
cái ngoài-trong nặn thành hình
bằng đất sét màu của nàng. 

Những ngày
còn chưa được nhận là hiển nhiên, mọi thứ nơi kia
mọi thứ nơi này
và anh đang đọc
trong cách đọc tự nhiên cho sân khấu
một bộ những lời chỉ dẫn
biết tự động chỉnh sửa
khi anh tiếp tục tiến hướng tây
từ cái chết đến cái thân thiện, hai
đề mục anh được quyền
suy tư
dưới những hạt mưa to
đầu tiên.

 Máy bay
sẽ do tổ tiên cầm lái
các cụ đã sống lại rồi.
Sao còn trì hoãn.



thấu kính
Tôi chịu không thể vẽ một bản đồ để anh cứ hoàn toàn theo nó mà đi
bởi cái từ với nghĩa ‘không thể’ đã tự nó in hằn nơi đây
định nghĩa một bầu không khí tin tưởng tuyệt đối
vẫn vừa buộc vừa cởi chúng ta

Những cành thông cong xuống, trĩu nặng
trong không khí ẩm và ấy là điều dễ chịu
tuy đôi khi vẫn hơi khó chịu
vì hắn không giữ nổi thăng bằng khi đứng lộn đầu
nơi nước rỉ thành dòng trên đá.

Vì thế mọi thứ dường không đáng kể, ngay cả vấn đề
nên mua xe mới
hay tân trang xe cũ
để giữ sĩ diện với xóm giềng. 

Hắn có vẻ
đã thấy cả đám lông đen và âm hộ
của một người đàn bà ngồi xổm đái ở kia,
có lẽ chính là mụ vú nuôi người Di gan
mụ chơi trò ma thuật
đang giữ đứa trẻ trên cao bằng cả hai tay.

Sương mù trước hết sẽ phủ nhoà hình dáng rừng
rồi mới để lộ mờ mờ những cành cây lớn
hoặc tiếng tích-tắc của đồng hồ bên giường ngủ, một
bông hồng đỏ một bông hồng trắng buộc vào vú mụ.

Mụ chìm trong một góc. Hắn kể rằng
cứ thẫn thờ nhìn mãi cái hồ trên núi
đã có lần hắn vào một giấc-ngủ-mà-vẫn-thức
rồi lại đến nhiều thứ khác nữa.

(“Tôi là người tình với nghĩa cát bụi”
là nguyên văn lời hắn, dịu dàng.)

Đứa trẻ đang khóc gọi và chảy máu.
Thản nhiên hắn vẫn bước đi – con đường ấy
có nghĩa gì đâu, xuôi hay ngược,
vài bước nữa thôi là đủ rồi.



bầu trời đêm


một cái ghế mọc từ sàn
bởi thời đại
điêu khắc cổ điển đã qua.

Xe lửa khởi hành nhưng chúng ta vẫn
ở đây, san sẻ cùng nhau
những khoảnh khắc cuối cùng ấy của giấc ngủ
trước khi giấc ngủ lại bắt đầu.

Thấy rõ
trong bức ảnh chụp
một thành phố có tường vây hoặc con tầu gỗ
những mi mắt dán vào nhau
những dãy hành khách hài lòng
trong cảnh thiếu vắng chuyển động.



Nguồn: 15 nhà thơ Mỹ TK XX (NXB Hội nhà văn 2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét