" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015
LẠI THÊM MỘT VỤ ĐẠO THƠ
Mai Văn Hoan
QTXM- Tôi nghe nhà thơ Mai Văn Hoan kể về việc thơ anh Hoàng Bình Trọng bị ăn cắp, rồi được giải thưởng, được tuyển vào tập thơ viết về chiến tranh chống Mỹ của NXB Thanh Niên mà uất ức không ngủ được. Liền bấm máy cho Mai Văn Hoan bảo hãy viết để đưa ngay việc này lên mạng. Nhà văn Hoàng Bình Trọng năm nay U80 rồi, phải bảo vệ tác phẩm của anh đến cùng. Mời bạn đọc cùng sẻ chia câu chuyện
Bài thơ Về với mẹ in trong tập Những miền ký ức của nhà thơ Hoàng Bình Trọng, NXB Văn học – 2002. Lời bình của tôi về bài thơ Về với mẹ được đăng ở báo Quân đội Nhân dân ct, ra ngày 02-8-2007. Mới đây, tôi lại thấy bài thơ này xuất hiện ở trang 64, trong tuyển tập Bài ca bất tử, do NXB Thanh Niên ấn hành, năm 2014, nhưng tên tác giả được đổi thành Phạm Lễ Hùng và câu “Chẳng bao giờ mẹ xa cách chúng con” gần cuối bài bị lược bỏ.
Tôi hết sức ngạc nhiên, bèn điện hỏi nhà văn Hoàng Bình Trọng (hiện đang nghỉ hưu tại Quảng Hòa, Quảng Trạch, Quảng Bình). Nhà văn Hoàng Bình Trọng vô cùng bức xúc: “Cái thằng Phạm Lế Hùng nào đó nó ăn cắp thơ tớ, cậu ạ! Tớ đang định viết thư cho ông Giám đốc NXB Thanh Niên và Ban biên tập làm rõ chuyện này. Nghe đâu họ còn tặng giải cho bài thơ mà hắn ta ăn cắp của tớ nữa”. Tôi nói đùa an ủi anh: “Bị ăn cắp như thế thì cũng đáng mừng. Vì những người trong Ban biên tập và Chấm giải đã đã khẳng định sự “bất tử” của bài thơ Về với mẹ. Chỉ đáng buồn là những người trong Ban biên tập và Chấm giải không chịu khó truy tìm xem tác giả bài thơ Về với mẹ có phải của Phạm Lễ Hùng không. Mà với những bài thơ hay như Về với mẹ thì sự truy tìm đâu có khó.
Tôi đề nghị Ban Giám đốc NXB Thanh Niên phải đứng ra làm rõ vụ việc ăn cắp trắng trợn này; trả lại tên tác giả của bài thơ Về với mẹ; tước bỏ giải thưởng của kẻ mạo danh và truy tố trước pháp luật về tội ăn cắp bản quyền. Có như vậy may ra mới phần nào ngăn chặn được vấn nạn đạo thơ đang lâylan như một nạn dịch trên văn đàn nước ta hiên nay.
Để độc giả hiểu thêm về sự vụ đạo thơ trắng trợn này, xin các bạn vào mạng internet và gõ Google, sẽ nhận được thông tin sau đây:
Đến với bài thơ hay: Về với mẹ ( QĐND - Thứ Năm, 02/08/2007, 19:55 (GMT+7)
Về với mẹ
Không về ư? Ai bảo không về?
Bốn chúng con hôm nay đều có mặt
Thằng cả: Hương Điền, thằng hai: Ấp Bắc
Thằng ba: Đồng Xoài, thằng út: Núi Thành
Chúng con về tất cả vẫn đầu xanh
Như buổi ra đi vẫn thích làm nũng mẹ
Vẫn thích giọng ầu ơ... như hồi tấm bé.
Chúng con vui, sao mẹ lại buồn?
Mẹ dọn bàn thờ, mẹ đốt lò hương
Mẹ vái lạy. Trời ơi! Sao lại thế?
Đúng đạo lý con phụng thờ cha mẹ
Can cớ gì mẹ cúng thờ con?
Ôi thời gian! Sắt đá vậy thời gian
Không cho mẹ quên nỗi đau se thắt,
Thuở chúng con ngực găm đạn giặc
Không đau bằng nghe mẹ nức hôm nay.
Mấy chục năm rồi, đau ngày một, ngày hai
Đừng khóc nữa, mẹ ơi! Đừng khóc nữa!
Chúng con biết quay về khi mẹ hiền đợi cửa
Trong khói hương, trong gió lay rèm...
Chúng con về đủ mặt bốn anh em
Dù có phải ngăn sông, cách núi
Dù thân thể đã pha hòa gió bụi
Hồn vẫn về... mẫu tử tình thâm.
Chẳng bao giờ mẹ xa cách chúng con
Đừng khóc nữa
Mẹ ơi
Đừng khóc nữa!
(Rút trong tập Những miền ký ức,NXB Văn học - 2002)
Lời bình của nhà thơ Mai Văn Hoan:
Về với mẹ là một bài thơ viết về đề tài thương binh-liệt sĩ của Hoàng Bình Trọng. Điều làm cho Về với mẹ gây được sự chú ý là bởi tác giả đã hóa thân, nhập thân một cách rất tự nhiên vào linh hồn những người con hy sinh vì Tổ quốc trở về an ủi mẹ. Đó là cách thể hiện khá độc đáo, góp phần tạo nên sự khác biệt giữa Về với mẹ và những bài thơ cùng viết về một đề tài.
Hoàng Bình Trọng đã chọn được chất giọng tâm tình vừa chân thật vừa sâu lắng. Chất giọng đó rất phù hợp với tình cảm của bốn đứa con đối với người mẹ đã phải gánh chịu sự mất mát quá lớn. Cả bốn đứa con của mẹ đều nằm lại ở chiến trường trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: Thằng cả: Hương Điền, thằng hai: Ấp Bắc/Thằng ba: Đồng Xoài, thằng út Núi Thành... Và mặc dù chiến tranh trôi qua đã mấy chục năm rồi nhưng khi trở về thăm mẹ tất cả các anh tóc vẫn đang xanh. Bởi vì cuộc đời của các anh đã dừng lại “mãi mãi tuổi hai mươi”. Điều làm cho các anh hết sức ngạc
nhiên là: Chúng con vui sao mẹ lại buồn?/Mẹ dọn bàn thờ,mẹ đốt lòhương/Mẹ vái lạy. Trời ơi! Sao lại thế? Và các anh thắc mắc: Đúng đạo lý con phụng thờ cha mẹ/Can cớ gì mẹ cúng thờ con? Bằng cách đặt liên tiếp những câu hỏi tu từ kết hợp với những câu cảm, Hoàng Bình Trọng đã diễn tả khá tinh tế tâm trạng của bốn người con trước những cử chỉ lạ lùng của mẹ. Phải hóa thân, phải nhập thân đến mức nào tác giả mới viết được những
câu: Ôi thời gian!Sắt đá vậy thời gian/Không cho mẹ quên nỗi đau se thắt/Thuở chúng con ngực găm đạn giặc/Không đau bằng nghe mẹ nức hôm nay... Và cũng phải hiểu tình thương của các anh đối với mẹ đến mức nào tác giả mới có cách so sánh đầy bất ngờ như vậy.
Thời gian lưu giữ mái tóc xanh của các anh nhưng thời gian cũng không thể nào làm nỗi đau của mẹ nguôi ngoai: Mấy chục năm rồi, đâu ngày một ngày hai/Đừng khóc nữa, mẹ ơi!Đừng khóc nữa!Chúng con biết quay về khi mẹ hiền đợi cửa/Trong khói hương, trong gió lay rèm... Lời an ủi của các anh mới cảm động biết bao! Nghe được những lời an ủi này chắc lòng mẹ sẽ nhẹ đi đôi chút. Tôi cho rằng đó là những câu thơ được viết bằng tâm linh. Nếu không có sự giao cảm với hương hồn những người con hysinh vì Tổ quốc,
Hoàng Bình Trọng khó lòng viết được những câu thơ xúc động và sâu lắng như vậy.
MVH
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét