Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Lần đầu đọc thơ Cung Trầm Tưởng


Viên Linh

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng nổi tiếng nhất từ cuối thập niên '50 tại miền Nam, nhất là lúc nhạc sĩ Phạm Duy phổ mấy bài thơ Mùa Thu Paris và Chưa Bao Giờ Buồn Thế của anh, song lúc đó đối với riêng tôi, anh là chỗ cố tri, bởi năm 1952-53 tôi đọc thơ anh từ bài đầu tiên anh làm năm 17 tuổi, trên tạp chí Phổ Thông Hà Nội, tờ tạp chí dầy cộm mỗi số khoảng 200 trang, chủ nhiệm là Lê Văn Ky, chủ bút lần lượt là Lê Quang Luật, tới số 15, Vũ Quốc Thúc bắt đầu từ số 16. Hôm toàn tập Thơ Cung Trầm Tưởng (làm trong khoảng 1948-2008) dầy hơn 600 trang, ra mắt ở Viện Việt Học tôi chỉ thấy trong đó có 7 bài anh làm từ 1948-1953, thiếu bài thơ mà tôi có.






Các thành viên phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế ở Prague, 1994, qua Bonn, Germany ra mắt ba thi phẩm: Lời Viết Hai Tay của Cung Trầm Tưởng (trái), Tiếng Hát Gia Trung của Nguyễn Sỹ Tế (đã quá cố), và Hóa Thân của Viên Linh; bên cạnh là một nữ thi sĩ xứ người. (Hình do tác giả cung cấp)


“Xin chào mừng quí vị yêu thơ,... hôm nay chúng ta dự buổi ra mắt 'Một Hành Trình Thơ (1948-2008)' của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Dấu thời gian này có nghĩa đây là tuyển tập 60 năm thơ của anh. Tôi có mặt, và theo chương trình, tôi sẽ nói về tác giả. Anh Tưởng có nhiều bạn thân hơn tôi, trong những năm đi học ở Hà Nội ở Pháp hay đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ, trong hơn 20 năm phục vụ trong binh chủng Không Quân của Việt Nam, và trong 10 năm di chuyển qua 10 trại tù khổ sai của Cộng Sản, nhưng những người bạn mà có đọc thơ anh, thì có thể ít người đọc anh sớm hơn tôi. Tôi đã tìm trong cuốn sách mới ra của anh đây, phần đầu gọi là Sóng Ðầu Dòng (1948-1953) chỉ có 7 bài, mà không có bài Ðà Giang.”

“Chỉ có 15 phút để nói về anh, song tôi sẽ đọc bài thơ này lên để người nghe thấy sự khác biệt của thơ Cung Trầm Tưởng lúc đầu và thơ anh qua những bài Phạm Duy phổ nhạc. Mặt khác, tôi đọc thơ Cung Trầm Tưởng ngay khi bài thơ được in ra, năm 1953 ở Hà Nội, chứ không phải sau này đọc lại.”

Số là hồi ấy cậu học trò đệ thất đệ lục CVA đã say mê đọc sách báo - nhưng không phải thứ “sách báo nhảm nhí” như mấy cụ đồ nho chê chữ Quốc ngữ hồi đó thường nói, hay mấy ông Tây học cứ Tây là nhất, Mỹ là nhất, cái gì của Ta cũng muốn chê, đó là những người mà anh Cung Trầm Tưởng trong một bài đăng ở Khởi Hành số 15, tháng 8, 1969, đặt cho một cái tên là Sĩ Què - mà tôi đọc sách báo văn nghệ. Nhờ có một bạn học mà bà mẹ là chủ tiệm sách Bình Minh ở phố Huế, tôi hay ghé nhà bạn chơi, để được đọc sách báo mới ra, nên cái gì đến tay là đọc. Nhờ thế vào tuổi đó cậu bé đã đọc sách báo của người lớn, trong có tạp chí Phổ Thông. Nhờ đọc Phổ Thông trong các năm 52, 53, 54, tôi đã đọc “Từ điển Chữ Việt” của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, (mục này rất hiếm người biết là nhà kinh tế học nổi tiếng ấy lại viết một mục như thế), và kịch của Nguyễn Sỹ Tế, văn của Vũ Khắc Khoan, thơ của Cung Trầm Tưởng. Lúc ấy tôi khoảng 15 tuổi. [Lúc ấy Nguyễn Sỹ Tế học Luật, và viết kịch].

Thiệt tình mà nói, tôi thích đọc Phổ Thông là vì say mê cái truyện dài Cái Ðêm Hôm Ấy do Mặc Ðỗ dịch từ một truyện như là “Up to The Hill” của nhà văn nữ người Áo là bà Vicki Baum. Mới vào truyện đã thấy cảnh một thanh niên nhạc sĩ quì xuống ôm chân một người đàn bà đẹp, năn nỉ xin tình yêu, thì tôi coi thường quá, nhưng cứ đọc để xem cái anh chàng này yếu xìu với phụ nữ đến đâu. Lúc ấy mới 15 tuổi nên tôi nghĩ thế, nhưng nếu nhiều hơn năm ba tuổi có khi tôi nghĩ khác chăng? Ở tuổi ấy tôi đọc bài Ðà Giang của Cung Trầm Tưởng.

Ðà Giang
Ðà Giang Ðà Giang
Rừng núi cảnh hoang mang
Chiều chiều xóm tối
Thú về thăm ngang tàng

Hỡi anh da vàng
Vàng màu vàng ệnh!
Anh có nghe vang
Con sông hùng vĩ
Tự bao thế kỷ
Sông ơi,
Chảy mấy dặm đường?
Tự đâu sông xuống yêu thương đồng bằng?

Bài thơ đó khác với tất cả những bài thơ sau này, từ ngôn ngữ đến nội dung, đến tình cảm bên trong. Con người thi sĩ hồi 20-21 tuổi (anh sinh năm 1932), chắc chắn khác con người thi sĩ những năm ở miền Nam sau 1954. Và con người tác giả cũng không phải chỉ là con người thi sĩ, vì tác giả còn viết nhiều thứ không phải là thơ.

Tiểu sử Cung Trầm Tưởng phần “Hoạt động văn hóa” in trong toàn tập viết: “Hợp tác với các tạp chí Phổ Thông (Ðại học Luật khoa) - thật ra là của Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Luật Khoa, Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành, Thời Tập,”... Trong 6 tờ báo văn học anh kể ra trong sách, tất cả ở Việt Nam, ba tờ do tôi làm thư ký tòa soạn hay làm chủ nhiệm chủ bút, còn ba tờ kia tôi cùng viết với anh là Sáng Tạo, Văn, [anh còn quên kể 1 tờ nữa là] Thế Kỷ 20 của nhà thơ Trần Hồng Châu [Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng Văn Khoa, Ðại Học Sài Gòn] làm chủ bút, tôi có gặp anh ở đấy. Cho nên gặp nhau nhiều lần, trò chuyện nhiều lần, tác giả Chưa Bao Giờ Buồn Thế hiện ra là một người hăng say trong các câu chuyện. Ðặc biệt khi thảo luận, hay viết bình luận, tôi nghĩ đó là một người có thể nói là trực tính, sẵn sàng đối đầu khi phải đi đến tận cùng lẽ phải.

Trong thời gian giữ một mục thường xuyên trên tuần báo Khởi Hành từ năm 1969, là Mục Sổ Hành Trình, Cung Trầm Tưởng viết, cũng có nghĩa là lên tiếng, về những chuyện vừa xảy ra, những vấn đề đang nóng hổi. Anh viết như anh nói. Trong bài “Cuộc Bao Vây Vô Hình,” người ta đọc thấy như thế này: “Không ở bên này thì ở bên kia. Hòa giải cũng là một chọn lựa. Nhưng đứng ngoài cuộc là vô liêm sỉ; im lặng là đồng lõa với tội ác.” (Khởi Hành số 9, 26.6.1969, trang 2.) Dĩ nhiên, một bài có tính cách bình luận thời sự hay bày tỏ quan điểm thì phải đăng ngay nơi trang 2. Khởi Hành ở Việt Nam là báo của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, thành lập từ 1967, có hơn 700 hội viên, đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng là chủ tịch hội kiêm chủ nhiệm chủ bút tờ báo, Viên Linh là một ủy viên trong Ban Chấp Hành được bầu làm thư ký tòa soạn, khi đăng những bài như thế chúng tôi thường không ngần ngại đối đầu với mọi phản biện, vì tờ báo tuyên bố ngay từ đầu là một diễn đàn phục vụ cho sự tự do tư tưởng, tự do sáng tác.

Khi kêu gọi các nhà văn hãy tích cực tham gia việc quản trị thị trường xuất bản, Sổ Hành Trình do Cung Trầm Tưởng phụ trách viết: “Hiện nay nhiều tác giả phải cúi đầu nhận một giá biểu hèn mọn ấn định bởi một bọn mại bản không hiểu gì về văn chương.” Lúc ấy năm 1969, thị trường sách báo miền Nam như rừng, hàng tháng có khoảng 2,000 cuốn sách đủ loại được xuất bản. Chúng tôi làm chủ đề “Lên tiếng trước bọn gian thương văn nghệ.” Và trong bài “Một cánh cửa mở cho người viết văn,” anh nói thẳng: “Ngành xuất bản và phát hành sẽ thôi là dịch vụ trung gian mại bản, thứ môi giới tiểu xảo, lật lọng, để trở thành một kỹ nghệ hẳn hoi.” (“Một cánh cửa mở cho người viết văn,” Sổ Hành Trình, Khởi Hành số 10, trang 1). Ðăng những bài ấy lên tờ báo do mình chọn lọc bài vở, tôi hoàn toàn trách nhiệm cùng tác giả đối đầu với mọi phản ứng. Trong thời gian các cơ quan văn hóa văn nghệ của Việt Nam Cộng Hòa hội họp luôn luôn, tiếp xúc và thảo luận, vận động và tranh đấu để thực hiện một điều khoản có dự trù trong Hiến Pháp là thành lập Hàn Lâm Viện, nhưng sau rốt chỉ thành lập được một cơ cấu dung hòa thỏa hiệp, là Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục, anh viết bài “Sĩ Què,” đả kích giới trí thức vọng ngoại: “Ðừng ngạc nhiên khi thấy trí thức Sài Gòn là những sĩ què chính hiệu.” Trong bài nhà thơ kể lại: “Gần 100 năm thuộc Pháp, Việt Nam không thiếu gì những sĩ què bám vào thế lực ngoại quốc cho con cái đi du học, ở lại nước ngoài, mình thì hưởng cá lợi lộc của ngoại nhân,” trong có câu: “Tôi hiểu Sĩ Què trong ý nghĩa đê tiện nhất: không những mất thăng bằng trong thể xác mà còn vong thân trong tâm hồn.” Trích dẫn như thế là vì tôi đang nói về con người của tác giả Cung Trầm Tưởng. Anh không chỉ là một nhà thơ với âm điệu trầm bổng và chữ nghĩa tân kỳ, anh còn là một cây bút lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề công chính. Văn Nghệ Miền Nam là như thế. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét