Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Cần quét sạch nạn “phóng viên giả”



Tác giả: Như Thổ




Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng thứ Ba, ngày 4/11 vừa qua, ông Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã nêu ra hàng loạt vụ phóng viên giả nhưng dùng giấy tờ thật, rồi cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa phóng viên đi viết bài tống tiền, hoạnh họe danh nghiệp, vòi vĩnh, bắt nộp quảng cáo…


Đáng sợ hơn, có những phóng viên còn cấu kết với thầy bói để móc túi nạn nhân. Rồi lại có “ông phóng viên” ký giấy giới thiệu cho người khác để thành “phóng viên” và đi ” tác nghiệp”.

Thậm chí, có ả từng là gái mại dâm, bị xử lý bằng pháp luật hẳn hoi, bỗng dưng trở thành “phóng viên” và ngang nhiên đi dự các cuộc họp quan trọng ở một tỉnh nọ.



(Minh họa: Pháp luật TP HCM).



Chuyện đám “phóng viên giả” hoặc cộng tác viên đi tác oai tác quái, gây bức xúc ở rất nhiều cấp chính quyền, đặc biệt doanh nghiệp đã diễn ra từ lâu rồi. Chí ít thì cũng phải từ khoảng 15 năm nay… Chỉ có điều, nếu cách đây vài năm còn là “hiện tượng” thì bây giờ đã trở thành “dịch” và đang gây nhiều nhức nhối cho xã hội. Có lãnh đạo tỉnh đã gửi công văn cho Bộ TT&TT đề nghị Bộ phải “quét sạch đám nhà báo giả” – nghe mà đau đớn cho những nhà báo tử tế.

Gần đây nhất, lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã phải kêu giời lên khi mà một tờ báo kinh tế đòi công ty phải “tham gia bảo trợ thông tin” với số tiền vài trăm triệu. Khi PV Gas không đồng ý, lập tức, tờ báo này “oánh” ngay. Và dĩ nhiên là với những thông tin suy diễn, một chiều và điều tệ hại nhất là chẳng có phóng viên nào đến làm việc với lãnh đạo PV Gas. Đăng bài xong, phóng viên lại gọi điện và đề nghị “thôi, không bảo trợ thì… cho quảng cáo”.

Rồi ngân hàng B cũng bị phóng viên một tờ báo gọi điện và yêu cầu nộp quảng cáo, còn nếu không thì “sẽ phanh phui những tiêu cực”. Người phụ trách truyền thông của ngân hàng này lục tìm gần chết mới tìm thấy tên tờ báo nọ.

Rồi lại có gã phóng viên một đài truyền hình danh tiếng, vì gã trùng họ, lại cùng tỉnh với một đồng chí lãnh đạo cao cấp, thế là gã nghiễm nhiên trở thành “cháu”. Với cái danh “cháu ông X” này, gã hù dọa được không ít người và không chỉ bắt doanh nghiệp nộp quảng cáo, gã còn nhảy vào làm đủ thứ, mà tất nhiên chỉ là chân gỗ… Lãnh đạo các đơn vị thì cũng hãi gã, vì cứ mở miệng ra là gã lại khoe “Tôi vừa đi với bác… về”.

Nhưng rồi chịu không nổi, nhiều doanh nghiệp gửi đơn tố cáo với lãnh đạo đài truyền hình nọ. Lúc đầu, lãnh đạo đài cũng “ngài ngại” vì nghĩ gã là “cháu ông X” thật. Vì thế, trước khi xử lý kỷ luật gã, lãnh đạo đài đến hỏi ông X. Ai ngờ, ông cũng nói luôn là đã nghe nhiều người nói gã nọ mạo danh cháu ông để làm bậy và ông yêu cầu, nếu đủ chứng cứ, cứ yêu cầu công an xử lý ngay. Kết quả, mấy ngày sau, gã không được đi làm phóng viên kinh tế nữa…

Rồi lại có chuyện phóng viên, cộng tác viên câu kết với lưu manh để tống tiền… mà điển hình là vụ Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Giám đốc một công ty mới bị bắt gần đây.

Rồi lại có chuyện báo (mà chủ yếu là báo điện tử) đăng bài “choang” người ta rồi cho người đi “ngã giá”. Và sau đó cho đăng bài viết lại… Đưa bài lên xong, gọi điện cho “khổ chủ” thông báo là “đã viết lại rồi nhé”. Chờ cho “khổ chủ” copy xong, lập tức, cho gỡ ngay…

Rồi lại có báo đã phải dùng biện pháp “phát canh thu tô” – nghĩa là giao khoán cho phóng viên, hàng tháng phải nộp một khoản tiền quảng cáo. Và nếu nộp đủ, thì sẽ được nhận lương…

Gần đây, lại có không ít vụ báo chí đăng sai, đến khi bị phản ứng thì Tổng biên tập chối phắt và đổ tại cho cấp phó hoặc trưởng ban… Có thể khẳng định rằng, nhiều tờ báo hay cao giọng phê phán người này, người khác không “dũng cảm nhận trách nhiệm, khi để ra sai sót, tiêu cực trong đơn vị mình”. Trong khi đó, rất, rất hiếm Tổng Biên tập dám đứng ra nhận trách nhiệm “sai này là do tôi”.

Làm loạn nhất và đòi doanh nghiệp nộp quảng cáo trắng trợn nhất thường lại là những tạp chí phát hành nội bộ, hoặc những tờ báo mà cơ quan chủ quản “hữu sinh vô dưỡng”.

Rồi nữa, không ít trang thông tin điện tử mà không có chức năng xuất bản báo chí cũng tung “phóng viên” đi khắp nơi khắp chốn và hễ nơi nào có hội nghị là xông đến.

Rồi lại có những nhóm phóng viên chuyên “phím” cho nhau những nơi tổ chức hội nghị, hội thảo và dù giấy mời chỉ mời 1 phóng viên, nhưng có khi đi 2 hoặc 3 người. Mà mục đích chỉ là đến… nhận phong bì.

Ngượng nhất là ở nhiều cuộc họp báo của các bộ, ngành hoặc các doanh nghiệp… không hiếm cảnh phóng viên đến lúc đầu để nhận tài liệu và phong bì thì rất đông, những sau đó là “chuồn chuồn có cánh thì bay”. Danh sách mời thì rõ đông, nhưng khi kiểm lại xem phóng viên nào đã đưa tin, thì có khi không được một phần mười.

Nói không quá, thì nạn “phóng viên đen, cộng tác viên dỏm”, đang làm tổn hại đến danh dự của nhiều tờ báo tử tế và nhà báo tử tế. Đặc biệt, đám “phóng viên đen” này còn làm cho người dân nghi ngờ về tính chân thực của báo chí, giảm lòng tin vào báo chí cách mạng… Rất nhiều doanh nghiệp sợ nhà báo đến mức…”tránh xa chúng nó ra”.

Nói chuyện này, tôi lại nhớ chuyện Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, một người viết bình luận, đàm luận sắc sảo và giao du rất rộng với cánh phóng viên báo chí, nhà văn và các nghệ sĩ… Ông từng phải thốt lên rằng “Đừng dây với bọn nhà báo”.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ TT& TT nói về việc nhiều cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý phóng viên, cộng tác viên, để cho đám “phóng viên đen” này tác oai, tác quái, gây ra nhiều tiếng xấu cho báo giới. Đã nói rất nhiều trong các cuộc họp giao ban báo chí vào sáng thứ Ba hàng tuần, rồi Bộ TT&TT cũng đã có nhiều chỉ thị, quy định về công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên, và cũng xử lý không ít, nhưng xem ra, tình hình có chiều hướng xấu đi.

Vậy tại sao có chuyện buồn này?

Rất đơn giản.

Thứ nhất là báo chí đang “sống mòn” – nhất là báo in. Những tờ báo nào mà bị cơ quan chủ quản bỏ rơi, hoặc cấp kinh phí theo kiểu “gọi là cho có” thì chuyện phóng viên phải kiếm sống bằng viết bài PR, bằng xin quảng cáo và dĩ nhiên là bằng cả “đâm thuê chém mướn”… là chuyện thường tình.

Thứ hai là rất nhiều lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp… “nể” báo chí và thường nín nhịn cho qua. Cũng lại bởi nghĩ rằng “làm doanh nghiệp không sai nhiều thì cũng sai ít, cho nên tốt nhất là… cho họ ít tiền để đừng bị quấy nhiễu”. Từ suy nghĩ này, nên họ thường nghĩ cách thỏa hiệp với những kiểu vòi vĩnh, sách nhiễu của đám “phóng viên đen, cộng tác viên dởm”.

Hầu như rất hiếm người lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp dám thẳng thừng từ chối “yêu cầu quảng cáo” hoặc có thái độ sòng phẳng với những phóng viên đến dọa dẫm, hoạnh họe… Nhưng cũng có điều lạ, không hiếm vị lãnh đạo không phân biệt nổi thế nào là một cơ quan báo chí và cứ thấy ấn phẩm truyền thông nào được in, được phát sóng, được đưa lên Internet thì nghĩ đấy là “báo chí” “được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Muốn “quét sạch” nạn “phóng viên giả” này, thật ra không khó? Bởi lẽ, mỗi báo chỉ có 1 Tổng biên tập. Và để cho đám phóng viên, công tác viên này làm bậy, trách nhiệm đầu tiền thuộc về Tổng biên tập. Bởi lẽ, chính họ dung túng cho những kiểu làm liều, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của phóng viên.

Cho nên, muốn trị thì hãy “túm thằng có tóc”. Đơn giản vậy thôi.

———–

http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/can-quet-sach-nan-phong-vien-gia.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét